Sunday, December 2, 2012

10 buoc giup xuat ban luan van

10 bước giúp xuất bản luận văn khoa học thành sách
Lý Nhân, 2012


(“10 Things New Scholars Should Do to Get Published” – D. Wegener) [3]. Chủ đề khá thiết thực và hữu ích để lưu lại trong sổ tay nghiên cứu gồm các bước được trình bày vắn tắt như sau:

10. Tập trung sự chú ý vào những bài nhận xét công trình nghiên cứu  (article reviews).  Tận dụng cơ hội để thực hành nhận xét các bài viết khác (ad-hoc reviewer), đặc biệt là bài viết cho tạp chí mà bạn có nguyện vọng xin xuất bản, muc đích để biết các hướng suy nghĩ mới của người nghiên cứu cùng ngành. Lưu lại những bản nhận xét của những người tham gia, đây là cơ hội tốt để xây dựng các mối quan hệ trong ngành, những liên lạc cần thiết và ý thức được các đóng góp mới một cách nhạy bén nhất. Nên lưu ý rằng, các tạp chí khoa học khác nhau sẽ có đặc điểm và ưu tiên khác nhau, từ đây, tạc khối căn bản cho công trình nghiên cứu của bạn và luôn ghi nhớ quan điểm của tạp chí. Bạn cần lùi lại một bước để có cái nhìn toàn cảnh, từ đó tiếp cận bài viết của chính mình với một góc nhìn khách quan hơn. D. Wegener cũng đề xuất các chương trình đào tạo viết nhận xét cho tạp chí trong phạm vi giảng đường, cũng như một cách khác để hiểu hướng đi cho bài viết của mình hơn sau này.


9. Viết như một nhà chuyên môn. Dĩ nhiên không cần phải là một nhà chuyên môn để viết như họ, tuy nhiên bước quan trọng nhất để bài viết có độ tin cậy cao trong mắt người đánh giá, là việc vận dụng lý thuyết chủ chốt (prominent theory) và dùng nó như nền tảng, từ đó có cơ sở phương pháp luận (theoretical perspective/ methodology). Người đọc của bạn sẽ không bao giờ phải đoán mò hay suy diễn ở bất cứ điểm nào trong bài viết, vì các lý lẽ phải luôn được chỉ ra, phân tích rõ và lập lại dọc theo thân bài.


8. Tương tự như trên, tập trung vào  “cây”, nhưng không được bỏ qua  “cánh rừng”, nói một cách hình tượng, thậm chí khi bạn chỉ muốn phân tích theo con đường mòn mà bạn đang đi, cũng không được quên chỉ ra con đường đó thuộc về cánh rừng nào.


7. Tuân thủ sự chặt chẽ trong việc vận dụng lý thuyết vào bài nghiên cứu. Dùng một luận điểm và dùng xuyên suốt. Khi cần, phải tái tạo lý thuyết đó trong một hoàn cảnh hoặc một nghiên cứu khác để kiểm tra liệu nó còn phù hợp và không bị thay đổi trong hoàn cảnh khác hay không.


6. Đừng kỳ vọng người nhận xét sẽ làm thay công việc nghiên cứu của bạn. Điều này cũng giống như người dẫn luận văn, tức là chỉ hướng dẫn, và nhận xét. Người nghiên cứu, và sau đó là người viết, luôn luôn phải là người biết rõ hơn trong việc mình viết gì, cơ sở lý luận thế nào, tính đóng góp ra sao, để công trình có thể xuất bản. Cách thức khác để làm hỏng công trình của bạn là cố công gửi bài viết tới những nhà xuất bản/ tạp chí hàng đầu, không cần quan tâm độ liên quan đến chủ đề nghiên cứu, và từ đó gửi dần xuống những nhà xuất bản/ tạp chí tiếp sau nếu bị từ chối. Sự phù hợp, hoàn chỉnh thể hiện sự tôn trọng và tính chuyên nghiệp của người gửi.


5. Chọn mặt gửi vàng. Tương tự như lưu ý thứ 6, nói một cách nghiêm túc, chọn đúng nơi nhận cho bài viết của mình là điều hết sức quan trọng nhằm tiết kiệm thời gian chờ đợi. Ví dụ, với các tạp chí chuyên khảo, không nộp bài nhận xét và ngược lại, cũng không chỉ luôn luôn bó hẹp lựa chọn vào những tạp chí hàng đầu.
Đến đây, lưu ý số 10, tập làm quen với các dạng viết nhận xét, sang loc địa chỉ liên hệ để hiểu rõ tính chất của từng tờ báo/ nhà xuất bản, là điều cần thiết cho thành công của một công trình khoa học được xuất bản.


4. Các nghiên cứu cũng giống như việc đầu tư, điều này đặc biệt đúng cho các nghiên cứu về thực nghiệm (empirical research), để xây dựng các tiền đề cho giả thuyết, lý thuyết. Theo D. Wegener, nên đa dạng hóa câu hỏi nghiên cứu trong đầu – không nhất thiết phải thuộc về rất nhiều phân khúc, chuyên ngành khác
nhau, nhưng thuộc về nhiều khả năng mà câu hỏi nghiên cứu ban đầu có thể mở ra và dẫn dắt bạn đi tới, không nên lệ thuộc cứng nhắc chỉ vào một hướng đi mà bạn thấy thoải mái nhất. Việc này cũng tương tự việc bạn chọn đầu tư vào nhiều công ty một lúc với cùng số tiền thay vì ưu tiên tất cả lưu tâm và tiền của vào
một địa chỉ.


3. Cộng tác với những người nghiên cứu cùng ngành. Càng nhiều nguồn suy nghĩ thì bài viết sản phẩm càng tốt và khách quan hơn, cũng có khả năng làm một đề tài nghiên cứu theo nhóm trong tương lai. Đồng thời, xây  dựng chân dung nghiên cứu cho bạn với những mối quan tâm hàng đầu và trở nên thuần thục,
rành rẽ trong lãnh vực quan tâm (carve out your own niche).


2. Biết trước ai sẽ là người đọc bài của bạn, ban biên tập, những người chủ chốt. Cố gắng nghĩ như họ nghĩ, khách quan nhìn nhận bài viết của mình từ hướng khác để xem xét tính đóng góp của bài viết.


1. Bài nhận xét đầu tiên là bài quan trọng, và cho dù nó tốt hay xấu hơn nguyện vọng của bạn, cũng không nên nản lòng. Xây dựng lại bài viết, chứng tỏ sự tiến triển và bổ sung. Sau cùng thì chính những nhận xét đó là viên đá đầu tiên để bạn bước gần tới mong muốn được đóng góp nghiên cứu vào giá trị tri thức
(merit) chung của ngành.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc nắm vững phương pháp luận cũng như các bước tiến hành nghiên cứu từ thực tế, những workshops như thế này nên tiếp tục được đầu tư để tiếp cận rộng rãi hơn tới những người làm nghiên cứu, vì suy cho cùng các kết quả nghiên cứu chỉ thiết thực nếu được chia sẻ, vậy thì những hướng dẫn
này như cẩm nang để những cố gắng đó được đi đúng hướng đến với cộng đồng nghiên cứu hơn.


[1]  http://wileyblackwellwellbeing.wordpress.com/2010/11/16/publishingworkshop-the-joys-and-sorrows-of-writing-an-undergraduate-textbook/
Publishing Workshop: The Joys and Sorrows of Writing an Undergraduate Textbook


[2] http://wileyblackwellexchanges.com/2012/11/07/managing-a-co-editorshipbrian-donovan-bill-staples/  Managing a Co-editorship.


[3] http://wileyblackwellexchanges.com/2012/11/06/10-things-new-scholarsshould-do-to-get-published/ Publishing Workshop: ’10 Things New Scholars Should Do to Get Published'






Saturday, June 2, 2012

Xem xét các tài liệu có liên quan (literature review)


Xem xét các tài liệu có liên quan (literature review)
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch (*), 2012

Mục đích của việc xem xét các tài liệu có liên quan (literature review - LR) không những để có được một góc nhìn rộng hơn, mà còn nhằm tránh việc tái khám phá kiến thức đã được trình bày rồi. 

LR giúp bạn xây dựng công trình nghiên cứu của mình dựa trên các công trình đã được thực hiện trong lĩnh vực bạn đang nghiên cứu. LR cũng giúp người nghiên cứu không bỏ sót những vấn đề đã được nghiên cứu. Nó cho thấy bạn đã cẩn thận tìm kiếm các tài liệu và xác định hầu hết các tài liệu có thể hữu ích trong bài nghiên cứu của bạn. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các tài liệu có liên quan mà bạn tìm được đều phù hợp. Điều cần thiết đối với tài liệu được sử dụng trong quá trình phê bình (critical examination) là liệu chúng có đủ sức mạnh hay không khi bạn đưa chúng vào bài nghiên cứu của mình. Nếu như bạn dựa trên những khái niệm, lý thuyết không có căn cứ và kém suy xét thấu đáo, khi đó, cả bài nghiên cứu của bạn sẽ kém thuyết phục. Điều này không có nghĩa là bạn phải dựa vào những tác giả nổi tiếng và tuyên bố rằng những tranh luận của họ đã được lập luận không tốt hoặc là không dựa vào sự thật. Điều đó có vẻ hơi kiêu ngạo. Thay vào đó, bạn nên xác định những điểm yếu hoặc hạn chế của các lý thuyết của tác giả, và tranh luận hoặc xác định những điểm không thích hợp với tình huống cụ thể của bài nghiên cứu của bạn.

Tiêu chuẩn đánh giá LR:
·        80-100% - excellent: LR bản thân nó là một đóng góp đáng kể vào những tài liệu hiện có.
·        70-79% - very good, distinction level: LR được miêu tả và đưa ra đánh giá có sức thuyết phục từ những góc nhìn phức tạp hoặc mới lạ.
·        60-69% - good: LR đưa ra đánh giá có sức thuyết phục với những góc nhìn đã có sẵn từ các tài liệu hiện có.
·        50-59% - compentent pass level: Mô tả tốt (các) lĩnh vực thích hợp của các tài liệu có liên quan. Nêu lên một số phê bình (criticism) chung nhưng không đưa ra đánh giá chặt chẽ với các khái niệm đang nghiên cứu.
·        46-49% - borderline fail: Mô tả không đủ hoặc có hạn chế (các) lĩnh vực thích hợp của các tài liệu có liên quan, và/hoặc không nêu lên phê bình hay đánh giá.
·        < = 45% - fail: Tác giả thể hiện rằng mình đọc còn ít và chưa hiểu thấu đáo.

(*) Nguồn: Colin Fisher (2007), "Researching and writing a dissertation - A guide book for business students", trang 12-13 và 78-79

Monday, May 21, 2012

He thong phuong phap


Hệ thống phương pháp nghiên cứu

Việt Thanh, tham khảo từ giáo trình phương pháp nghiên cứu của Babbie

   Sự hiểu biết của con người về thế giới được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Có người thông qua người khác truyền đạt lại và biết, có người tự mình trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm và biết, có người chủ động tìm tòi nghiên cứu và biết. Có hai loại nhận thức, nhận thức thông thường và nhận thức khoa học. Nhận thức thông thường là những hoạt động thu nhận, hiểu biết về thế giới xung quanh thông qua những hoạt động thường xuyên hàng ngày của con người, nhận thức thông thường đem lại cho con người sự hiểu biết bề ngoài, không bản chất về sự vật và hiện tượng vì vậy kết quả của việc nhận thức thông thường thường không phản ánh đúng, đầy đủ về sự vật hiện tượng thậm chí đôi khi phản ánh sai bản chất sự việc và hiện tượng. Tuy nhiên, nhận thức thông thường đóng vai trò nền tảng, cơ sở cho nhận thức khoa học. Nhận thức khoa học khác với nhận thức thông thường là nhận thức khoa học đi sâu tìm hiểu về bản chất của sự vật hiện tượng. Kết quả nhận thức khoa học là những kiến thức chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn về bản chất của sự vật và hiện tượng. Nhận thức khoa học khác với nhận thức thông thường ở chỗ nó có những đặc điểm riêng của nó, đó là sự nhận thức có mục đích và tuân theo những quy tắc nhất định.
Tuy nhiên sự hiểu biết của con người đến đâu là đủ đến nay chưa có ai có thể trả lời được, chỉ có biết ít biết nhiều chứ không có biết đủ. Nhận thức thông thường cũng như nhận thức khoa học đều hướng đến nhận thức đúng bản chất sự vật, hiện tượng, hiểu biết đúng quy luật của cuộc sống xã hội. Như vậy, có thể thấy không phải anh biết bao nhiêu mà anh biết như thế nào mới là vấn đề đáng quan tâm. Vậy nhận thức như thế nào, làm gì để đạt được mục tiêu trong nhận thức khoa học chính là vấn đề liên quan đến phương pháp. Phương pháp nhận biết sự vật hiện tượng, phương pháp khám phá ra những quy luật của tự nhiên và xã hội chính là yếu tố quyết định trong việc nhận thức về thế giới của con người. Phương pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định kết quả của quá trình nhận thức khoa học. Trong khoa học xã hội, phương pháp càng có ý nghĩa quan trọng, xác định đúng đắn phương pháp nghiên cứu và sử dụng phù hợp với từng đối tượng nghiên cứu là vấn đề quyết định sự thành công của cuộc nghiên cứu. Vậy phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội bao gồm những phương pháp nào, nó hình thành trên cơ sở nào, theo tác giả chúng ta cần tìm hiểu qua các nền tảng chung của khoa học. Theo Babbie: Khoa học đôi khi được đặc trưng hóa bằng tính logic thực tế (logico-empirical). Thuật ngữ này mang một thông điệp quan trọng: các thành phần cơ bản của khoa học là tính logic và quan sát. Cả hai thành phần này là tất yếu của khoa học và liên quan đến ba vấn đề của việc nghiên cứu trong khoa học xã hội: Lý thuyết, thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu. trong đó, lý thuyết khoa học giải quyết khía cạnh logic của khoa học - cung cấp những giải thích có hệ thống - trong khi đó thu thập dữ liệu giải quyết khía cạnh quan sát. Phân tích dữ liệu là hoạt động nghiên cứu phát hiện ra những quy luật trong các cuộc quan sát và so sánh những gì được mong đợi một cách hợp lý với những gì được quan sát trên thực tế. Với những nền tảng của khoa học xã hội như trên đã cung cấp cho chúng ta cơ sở để có thể phân loại được phương pháp dùng để nghiên cứu trong khoa học xã hội hiện nay. Có thể nói chưa có công trình nào có thể thống kê đầy đủ tất cả các phương pháp nghiên cứu dùng trong khoa học xã hội. Nhưng trên cơ sở quan điểm khoa học đó, có thể khái quát hóa, phân loại phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội thành hai dạng phương pháp là các phương pháp thu thập dữ liệu (data collection) và các phương pháp phân tích dữ liệu (data analysis). Tổng hợp tất các phương pháp trong hai hệ loại như vậy hình thành nên hệ thống phương nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay.
1. Phương pháp thu thập dữ diệu:
Các phương pháp thu thập dữ liệu nằm trong các hình thức quan sát. Bởi như đã nói quan sát chính là giải quyết vấn đề thu thập dữ liệu. Theo Babbie có năm hình thức quan sát (cả định tính và định lượng) sau đây: Thực nghiệm (Experiments); nghiên cứu khảo sát (Survey research); nghiên cứu thực tế định tính (Qualitative field research); nghiên cứu kín (Unobtrusive research); nghiên cứu đánh giá (Evaluation research). Trong các hình thức quan sát này chúng ta sẽ bắt gặp nhiều phương pháp liên quan phục vụ cho việc thu thập dữ liệu trong nghiên cứu khoa học xã hội.
1.1. Thực nghiệm:
Thực nghiệm thông thường được cho là của khoa học vật lý. Có thể thấy, thực nghiệm có tính kiểm soát cao nhất trong tất cả các phương pháp mà chúng ta sẽ kiểm tra. Hiểu về thực nghiệm rất hữu ích để nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về tính logic chung của nghiên cứu khoa học xã hội.
Phương pháp thực nghiệm về cơ bản được tiến hành với hai bước. Thứ nhất là thực hiện hành động và thứ hai quan sát kết quả của hành động đó. Các nhà nghiên cứu xã hội thường chọn một nhóm các đối tượng để tác động vào chúng và quan sát kết quả của sự tác động đó. Thực nghiệm thích hợp với các khái niệm và các vấn đề có giới hạn tương đối và được định nghĩa rõ. Thực nghiệm đặc biệt phù hợp để kiểm tra các giả thuyết bởi vì thực nghiệm tập trung làm rõ nguyên nhân. Nó cũng phù hợp với mục đích giải thích hơn là miêu tả. Thực nghiệm cũng thường được áp dụng để tiến hành nghiên cứu sự tương tác trong các nhóm nhỏ.
Chúng ta thường nghĩ rằng thực nghiệm thì diễn ra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu xã hội đã sử dụng trang Web như là công cụ để thực hiện các cuộc thực nghiệm. Bởi vì các mẫu đại diện không nhất thiết ở trong hầu hết các cuộc thực nghiệm, những người nghiên cứu có thể thường xuyên sử dụng số người tự nguyện trả lời các câu hỏi trên trang Web.
      
1.2. Khảo sát:
Khảo sát là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong khoa học xã hội. Loại phương pháp này liên quan đến việc thu thập dữ liệu bằng cách đặc câu hỏi cho mọi người hoặc bằng bảng câu hỏi tự làm hoặc thông qua phỏng vấn, có thể được thực hiện trực tiếp mặt đối mặt hoặc thông qua điện thoại.
Khảo sát là một kỹ thuật nghiên cứu được sử dụng từ rất lâu. Ngày nay, khảo sát là một hình mẫu thường xuyên được sử dụng để quan sát trong khoa học xã hội. Trong một khảo sát tiêu biểu, người nghiên cứu phải chọn lựa một nhóm đối tượng khảo sát và đưa chọ họ bảng câu hỏi đã được chuẩn hóa theo một tiêu chí nhất định.
Khảo sát phù hợp cho các mục đích mô tả, giải thích và khám phá. Khảo sát chính thức được sử dụng trong các cuộc nghiên cứu mà có những các nhân như là những đơn vị của phân tích. Mặc dù, phương pháp này có thể được sử dụng cho các đơn vị của phân tích khác như các nhóm, các mối tương tác hoặc những cá nhân đóng vai trò là đối tượng phản ứng hoặc người cung cấp thông tin. Khảo sát có thể là phương pháp tốt nhất cho các nhà nghiên cứu xã hội thích thú đối với việc thu thập những dữ liệu gốc cho việc mô tả tình hình dân số quá rộng lớn đến nổi không thể quan sát trực tiếp. Khảo sát cũng là dụng cụ tuyệt vời để đo lường thái độ, định hướng của một khối dân số rộng lớn.
Các hình thức thực hiện khảo sát bao gồm: Phỏng vấn bằng điện thoại không có hoặc có sự hổ trợ của máy tính; khảo sát trực tuyến; phương pháp phân tích lần thứ hai: Là một hình thức của việc nghiên cứu trong đó những dữ liệu được thu thập và xử lý bởi một người nghiên cứu được phân tích lại bởi một người khác.
      
1.3 Nghiên cứu thực tế định tính:
Nghiên cứu thực tế định tính hình thức tự nghiên nhất của việc thu thập dữ liệu được sử dụng bởi các nhà khoa học xã hội: Quan sát trực tiếp các hiện tượng xã hội trong bối cảnh tự nhiên của nó. Như bạn thấy, một vài nhà nghiên cứu đi xa hơn không chỉ là quan sát để tham gia vào những gì họ đang nghiên cứu, bởi vì họ muốn quan sát gần gũi hơn và hiểu biết sâu hơn về nó.
Về mặt nghĩa, chúng ta làm nghiên cứu thực tế bất cứ khi nào chúng ta quan sát hoặc tham gia vào các hành vi xã hội và cố gắng hiểu chúng có thể là trong lớp học, trong phòng đợi của bác sĩ, hoặc trên máy bay. Bất cứ khi nào chúng ta tường thuật sự quan sát của chúng ta với người khác, chúng ta đang thực hiện báo cáo về những nỗ lực nghiên cứu thực tế của chúng ta. Nghiên cứu thực tế sản sinh ra dữ liệu định tính: Quan sát không dễ định lượng hóa thành con số. Trong nghiên cứu thực tế định tính chú ý đến các vai trò khác nhau của người quan sát; mối quan hệ với đối tượng khảo sát.
Một số mẫu nghiên cứu thực tế định tính:
Mẫu tự nhiên. Một cách tiếp cận của nghiên cứu thực tế định tính được dựa trên giả định rằng thực tế khách quan tồn tại và có thể được quan sát và được tường thuật một cách chính xác.
Enothnomethodology: Cách tiếp cận này nghiên cứu về cuộc sống xã hội, tập trung khám phá những điều ẩn chứa bên trong nó, thường xuyên là những giả định hoặc những thỏa thuận ngầm; phương pháp này liên quan đến việc khai phá những giả định hoặc thỏa thuận như cách thức để chứng minh sự tồn tại của chúng.
Thuyết nền tảng: Phương pháp tiếp cận quy nạp đối với việc nghiên cứu cuộc sống xã hội để xây dựng lý thuyết từ việc so sánh thường xuyên những cuộc quan sát mở rộng. Điều này khác với việc kiểm tra giả thuyết mà trong đó lý thuyết dùng để xây dựng giả thuyết được kiểm tra thông qua quan sát. Những quy tắc để thực hiện lý thuyết nền tảng: Suy nghĩ trong mối quan hệ so sánh với nhau; chấp nhận những quan điểm đa dạng; quay lại các bước một cách thường xuyên; duy trì một thái độ nghi ngờ; tuân theo những quy trình nghiên cứu.
Nghiên cứu tình huống (case study): tập trung vào một tính huống đơn lẽ của các hiện tưởng xã hội như làng mạc, gia đình, nhóm phạm tội. Tình huống vẫn còn nhiều tranh cải, chưa thống nhất. Có người cho rằng tình huống có lẽ nên là một giai đoạn thời gian hơn là một nhóm người đặc biệt nào đó. Những hạn chế của việc chú ý đến những ví dụ đặc biệt của một cái gì đó là đặc tính tất yếu của nghiên cứu tình huống. Những cuộc nghiên cứu tình huống có thể tạo nền tảng cho việc phát triển những lý thuyết có tính khái quát hơn. Phương pháp nghiên cứu tình huống mở rộng có mục đích khám phá những thiếu sót và bổ sung, hoàn thiện những lý thuyết xã hội đang tồn tại.
Trong khi những nhà nghiên cứu theo trường phái nền tảng tiếp cận vấn đề nghiên cứu với lúc ban đầu là chưa có khái niệm về những gì họ sẽ tìm trong nghiên cứu, Burawoy đề nghị theo hướng ngược lại: Có gắng hiểu rõ những gì sẽ tìm trong nghiên cứu trong khả năng của mình càng chắc càng tốt trước khi bước vào nghiên cứu. Burawoy xem phương pháp tình huống được mở rộng như một cách thức để dựng lại hoặc cải tiến lý thuyết thay vì ủng hộ hoặc chống đối. Do đó ông đã tìm tất cả các cách thức mà trong đó quan sát mâu thuẫn với những lý thuyết đang tồn tại và những gì mà ông ấy gọi là những khoảng lặng và khoảng trống lý thuyết. Định hướng này đối với nhà nghiên cứu thực tế định tính ngụ ý rằng biết trước thật sự là điều tất yếu đối với Burawoy trong khi đó những nhà lý thuyết nền tảng lo lắng việc biết những gì người khác đã kết luận có thể ảnh hưởng đến việc quan sát và lý thuyết của họ.
Dân tộc học tổ chức: Là một kỹ thuật nghiên cứu, trong đó những kinh nghiệm riêng của các cá nhân được sử dụng để khám phá những mối quan hệ quyền uy và những đặc tính khác của các tổ chức mà các cá nhân hoạt động ở trong tổ chức đó. Các nhà dân tộc học tổ chức bắt đầu bằng những kinh nghiệm cá nhân, tiến đến khám phá các quan hệ quyền uy tổ chức mà hình thành và điều khiển những kinh nghiệm đó. Trong quá trình này, người nghiên cứu có thể khai phá những khía cạnh của xã hội mà bị bỏ lỡ bởi các cuộc điều tra bắt đầu với những mục đích chính thức của tổ chức. Cách tiếp cận này liên kết cấp độ vi mô của những kinh nghiệp cá nhân hàng ngày với mức độ vĩ mô của các tổ chức.
Nghiên cứu qua hoạt động tham gia: Một cách tiếp cận với nghiên cứu xã hội mà trong đó những người được nghiên cứu được đưa ra ý kiến về mục đích và các quy trình của việc nghiên cứu.

1.4 Nghiên cứu kín (Unobtrusive Research): Phương pháp nghiên cứu các hành vi xã hội mà không tác động lên nó. Những phương pháp này có thể là định tịnh hoặc định lượng.
Ba hình thức thu thập dữ liệu kín sử dụng dữ liệu có sẵn xung quanh chúng ta. Ví dụ, phân tích nội dung là một phương pháp thu thập dữ liệu xã hội thông qua việc xác định và đánh giá những thứ do con người tạo ra như sách, bài hát, bài thuyết trình, tranh. Không làm bất kỳ một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với con người, bạn có thể sử dụng phương pháp này để kiểm tra, xem xét hàng loạt các sự kiện xã hội. Những tài liệu lịch sử là nguồn có giá trị cho phân tích khoa học xã hội.
Phân tích nội dung: Là nghiên cứu về các giao tiếp đã được thiết lập của con người. Trong số hình thức thích hợp cho việc nghiên cứu là sách, báo, web, bài thơ, tạp chí, bài hát, tranh ảnh, các bài thuyết trình, thư, tin nhắn emai, các thông báo trên Internet, luật và hiến pháp cũng như bất kỳ thành phần nào hoặc các bộ sưu tập của những cái đã đề cập ở trên.
Trong phân tích nội dung cần phải chú ý đến việc tạo mẫu. Chúng ta có thể áp dụng những kỹ thuật tạo mẫu thông thường được bàn ở chương 7. Chúng ta có thể chọn một mẫu ngẫu nghiên hoặc mẩu có hệ thống các tiểu thuyết gia của Mỹ và Pháp…
Tạo mẫu phân tầng cũng thích hợp cho phân tích nội dung. Để phân tích chính sách biên tập của tạp chí Mỹ chẳng hạn chúng ta có thể đầu tiên nhóm tất cả tạp chi theo khu vực của đất nước hoặc theo kích cỡ của cộng đồng trong đó tạp chí được xuất bản hoặc quay vòng tuần hoàn. Sau đó, chúng ta có thể chọn mẫu ngẫu nhiên phân tằng hoặc mẫu hệ thống các tạp chí để phân tích.
Tạo mẫu nhóm cũng phù hợp với phân tích nội dung. Thực sự, nếu những bài báo biên tập cá nhân là những đơn vị phân tích của chúng ta thì sau đó việc chọn các tạp chí trong giai đoạn đầu tiên của việc tạo mẫu là mẫu nhóm. Trong một phân tích các bài nói chuyện chính trị, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc chọn mẫu các nhà chính trị; mỗi nhà chính trị có thể sẽ trình bày một nhóm các bài nói về chính trị.
Cần phải nhắc lại rằng việc tạo mẫu chưa cần kết thúc khi chúng ta tìm được đơn vị phân tích. Nếu các tiểu thuyết là đơn vị phân tích thì chúng ta có thể chọn một mẫu về các nhà tiểu thuyết và một nhóm phụ các đoạn văn trong mỗi cuốn tiểu thuyết. Sau đó, chúng ta sẽ phân tích nội dung của các đoạn văn vì mục đích mô tả chính các cuốn tiểu thuyết đó.
Về việc mã hóa trong phân tích nội dung: Phân tích nội dung một cách tất yếu là hoạt động mã hóa. Mã hóa là quá trình chuyển đổi các tài liệu thô sang một hình thức được chuẩn hóa. Trong phân tích nội dung, các liên lạc – bằng các hình thức nói, viết hoặc bàng hình thức khác – được mã hóa hoặc được phân loại theo một vài khung khái niệm. Như vậy, ví dụ các bài báo biên tập trong tạp chí có thể được mã hóa theo dạng thức là tự do hoặc bảo thủ. Các tiểu thuyết thì lãng mạn hay không… Nhớ rằng vì những thuật ngữ như trên phụ thuộc nhiều vào sự phân tích nên nhà nghiên cứu phải xác định rõ ràng các định nghĩa.
Mã hóa trong phân tích nội dung liên quan đến tính logic của khái niệm hóa và hoạt động hóa. Có hai hình thức mã hóa là nội dung rõ ràng liên quan đến thuật ngữ được biểu hiện trong giao tiếp và nội dung ẩn liên quan đến nghĩa của giao tiếp.
Phân tích dữ liệu định tính: Không phải tất cả phân tích nội dung dẫn đến việc định lượng hóa được. Đôi khi một đánh giá định tính về các tài liệu là thích hợp nhất.
Điểm mạnh và yếu của phân tích nội dung: Điểm thuận lợi nhất của phân tích nội dung là tính kinh tế của nó cả về thời gian và tiền bạc.Không có đòi hỏi nào cho các nhân viên nghiên cứu; không có dụng cụ đặc biệt nào được yêu cầu. miễn là bạn có thể tiếp cận được các tài liệu được mã hóa, bạn có thể thực hiện phân tích nội dung. Phân tích nội dung cũng có thuận lợi trong việc cho phép sửa các lỗi. Nếu bạn khám phá ra rằng bạn đã làm hỏng một cuộc khảo sát hoặc một cuộc thực nghiệm bạn có thể được yêu cầu lập lại toàn bộ dự án nghiên cứu với tất cả những chi phí về thời gian và tiền bạc thực hiện của nó. Nếu bạn làm hỏng nghiên cứu thực tế của bạn thì có lẽ không thể làm lại dự án; các sự kiện theo cuộc nghiên cứu có thể không tồn tại nữa. Trong phân tích nội dung, thường xuyên dễ dàng lập lại một phần của nghiên cứu hơn các phương pháp nghiên cứu khác. Hơn nữa, bạn có thể được yêu cầu mã hóa lại chí một phần dữ liệu của bạn hơn là tất cả dự liệu. Thuận lợi thứ ba của phân tích nội dung là nó cho phép cuộc nghiên cứu có thể kéo dài một thời gian dài. Cuối cùng phân tích nội dung có các lợi thế của tất cả biện pháp nghiên cứu kín, chính xác là phân tích nội dung hiếm khi có bất kỳ tác động nào lên các đối tượng được nghiên cứu. Bởi vì các tiểu thuyết đã được viết rồi, tranh được vẽ rồi, các bài nói đã được trình bày phân tích nội dung không tác động lên chúng.

1.4.2 Phân tích thống kê hiện hành: Phân tích số liệu thống kê hiện hành giới thiệu một phương pháp khác nghiên cứu về con người mà không phải nói chuyện hoặc tiếp xúc với họ. Các chính phủ và một loạt tổ chức tư nhân thường xuyên thực hiện hàng loạt cuộc thống kê các dữ liệu mà chúng ta có thể sử dụng với một ít mà không cần bổ sung thêm để trả lời hợp lý những câu hỏi được đặt ra. Các nguồn của thống kê hiện hành rất đa dạng, phong phú.

1.4.3 Nghiên cứu lịch sử và so sánh: Phương pháp nghiên cứu nhờ so sánh mà vạch ra cái chung và cái đặc thù trong các hiện tượng lịch sử, trình độ phát triển và xu hướng phát triển của các hiện tượng ấy. Các hình thức của PPSS - LS gồm: phương pháp đối chiếu (vạch ra bản tính của các khách thể khác loại); so sánh loại hình lịch sử (giải thích sự giống nhau của các hiện tượng khác nhau về nguồn gốc lịch sử); so sánh nguồn gốc phát sinh (giải thích sự giống nhau của các hiện tượng với tính cách là kết quả của sự tương tự về nguồn gốc phát sinh); so sánh trong đó ghi lại ảnh hưởng lẫn nhau của các hiện tượng khác nhau. PPSS - LS được công nhận rộng rãi từ thế kỉ 19 và được áp dụng trong các khoa học khác nhau như sử học,ngôn ngữ học, dân tộc học, luật học, vv. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã sử dụng phương pháp này để nghiên cứu các hình thái kinh tế - xã hội, các kiểu kiến trúc kinh tế và chính trị khác nhau của cùng một hình thái, các phong trào xã hội và các hệ tư tưởng.
Trong ngôn ngữ, PPSS - LS nhằm phát hiện những mối quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ và nghiên cứu sự phát triển của chúng. Dựa trên các cứ liệu ngôn ngữ đồng đại, nhờ PPSS - LS, người ta có thể phục nguyên được các trạng thái của các ngôn ngữ cụ thể ở những giai đoạn trước khi chưa có chữ viết, những quá trình biến đổi của các ngôn ngữ, từ một ngôn ngữ gốc, giả định, xây dựng nên các giả thuyết về cội nguồn ngôn ngữ cũng như xác lập các họ ngôn ngữ và tiến trình phát triển của từng ngôn ngữ, từng hiện tượng ngôn ngữ cụ thể. PPSS - LS được sử dụng có kết quả vào việc nghiên cứu các ngôn ngữ Ấn - Âu và đã thúc đẩy sự phát triển của ngành ngôn ngữ học.
Có rất nhiều tài liệu có sẵn trong nghiên cứu lịch sử. Nguồn tài liệu của nghiên cứu lịch sử so sánh rất đa dạng phong phú tùy thuộc vào đối tượng nghiên cứu. Vì dụ, để nghiên cứu về quá trình di cư của người Phần Lan đến Mỹ thì nguồn tài liệu có thể là những bức thư của những người di cư Phần Lan đến Mỹ gửi về cho gia đình họ, người khác thì nghiên cứu nhật ký của họ; hoặc khi nghiên cứu về một tổ chức nào đó có thể nghiên cứu các bài nói chuyện của lãnh đạo tổ chức, các quy tắc, các chính sách của tổ chức.
Tuy nhiên, bất kỳ nguồn nào chúng ta sử dụng cần chú ý trình tự hai vấn đề sau: (1) Như chúng ta thấy trong trường hợp là những tài liệu thống kê hiện hành chúng ta không thể tin ngày vào độ chính xác của nó – chính thức hoặc không chính thức; cái đầu tiên hay cái thứ hai. Việc kiểm tra nằm trong tính lặp lại. Trong trường hợp nghiên cứu thuộc về lịch sử điều đó có nghĩa là sự bổ sung. Nếu vài nguồn khác đều dẫn đến kết quả tương tự, bạn có thể có lý do tin tưởng vào sự chính xác của tài liệu.
Cùng với đó, bạn cần có những thái độ khác nhau về nguồn tài liệu của bạn. Nếu tất cả tài liệu của bạn về sự phát triển của một phong trào chính trị được lấy ra từ phong trào đó, bạn không thể thu được những quan điểm khác nhau về nó. Những cuốn nhật ký của tầng lớp thượng lưu thời trung cổ có thể không đưa cho bạn một cái nhìn chính xác về cuộc sống nói chung trong suốt quãng thời gian đó. Bất cứ nơi nào có thể, thu được tài liệu từ các nguồn khác nhau sẽ cho chúng ta những quan điểm khác nhau về vấn đề cần nghiên cứu, như vậy sẽ chính xác hơn, toàn diện hơn.

1.5. Nghiên cứu đánh giá:
Nghiên cứu đánh giá, xem xét những khía cạnh khác đang phát triển nhanh chóng trong khoa học xã hội, bao gồm ứng dụng các kiểu thực nghiệm hoặc tương tự như thực nghiệm để kiểm tra các sự can thiệp xã hội trong cuộc sống thực tế. Bạn có thể sử dụng nghiên cứu đánh giá để kiểm tra tính hiệu quả của chương trình tái hòa nhập sau khi nghiện thuốc hoặc tính khả thi của việc xây dựng căn tin mới trong trường học.

2. Phương pháp phân tích dữ liệu:
Trong phần này của cuốn sách, chúng ta sẽ thảo luận phân tích về các dữ liệu nghiên cứu xã hội và chúng ta sẽ xem xét các bước mà tách rời quan sát khỏi việc báo cáo cuối cùng về những gì tìm được. Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét nhiều vấn đề cơ bản trong nghiên cứu xã hội áp dụng cả hai loại dữ liệu định tính và định lượng. Tuy nhiên, phân tích định tính và phân tích định lượng khá khác nhau và sẽ được bàn luận riêng.
Những khó khăn hoặc thuận lợi của việc xây dựng những phân tích dữ liệu chất lượng cao như được thể hiện như sau: 1 là dễ nhất để thực hiện và 4 là khó nhất.
(1) Tương đối dễ dàng để thực hiện một vài quan sát về cuộc sống xã hội và dự đoán về ý ngĩa của những gì được quan sát. Thật không may mắn, những dự đoán như vậy không đòng góp nhiều vào sự hiểu biết cuộc sống xã hội của chúng ta.
(2) Thực hiện những phân tích dữ liệu đơn giản thì khó khăn hơn bởi vì nó yêu cầu ít nhất một vài kỹ năng thống kê ở cấp thấp. Tuy nhiên, rất thường xuyên chúng ta phải đối mắt với những phân tích dữ liệu thống ke mà thật sự không nhiều ý nghĩa. Những thuật ngữ như quantiphrenia và chủ nghĩa khoa học thỉnh thoảng được sử dụng để bắt chước khoa học vật lý mà không có ý nghĩa thật sự nào.
(3) Thực hiện những phân tích dữ liệu định lượng phức pháp thật sự có ý nghĩa yêu cầu nhiều sự suy nghĩ và trí tưởng tượng. Tuy nhiên, nó không cần thiết những thống kê có sức mạnh lớn như trong công việc của Paul Lazarsfeld và Sam Stouffer chỉ ra. Những gì được đặt ra là sự sẵn sàng để nghiên cứu và khả năng để nhận ra những quy luật có ý nghĩa trong số các biến số. Mặc dù, nhiều kỹ thuật được hình thành cho phân tích định tính là những công cụ có sức mạnh để sử dụng trong việc nghiên cứu, nhưng những khám phá có sức mạnh thật sự chưa bao giờ được sinh ra bởi  việc sử dụng một cách thuộc lòng những kỹ thuật.
(4) Nhiệm vụ khó khăn nhất cho các nhà nghiên cứu xã hội nằm ở việc sản sinh ra những phân tích có sức mạnh về dữ liệu định tính. Điều này yêu cầu sự cống hiến và khả năng như đã đề cập ở (3); tuy nhiên phân tích định tính tùy thuộc nhiều hơn vào kiến thức, sự hiểu biết cá nhân của nhà nghiên cứu hơn là tùy thuộc vào công cụ có sẵn để hổ trợ phân tích. Phân tích định tính ngày nay vẫn là một nghệ thuật như khoa học.
2.1 Phân tích dữ liệu định tính.
Chúng ta bắt đầu bằng việc xem xét một vài nền tàng lý thuyết cho cách tiếp cận này. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét một vài quy trình khái niệm mà bạn nên sử dụng trong việc tìm kiếm ý nghĩa trong số các dữ liệu định tính. Tôi sẽ minh hoạ một vài chương trình máy tính mà được tạo ra một cách đặc trưng cho phân tích dữ liệu định tính. Gần kết luận của chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu một vài nổ lực để tạo ra những tiêu chuẩn cho việc đánh giá chất lượng của nghiên cứu định tính.
2.2 Phân tích dữ liệu định lượng:
 Chúng ta sẽ bắt đầu với việc nghiên cứu những phương pháp phân tích và thể hiện dữ liệu liên quan đến một biến số đơn. Sau đó chúng ta sẽ chuyển đến mối quan hệ giữa hai biến số và học cách làm thế nào để xây dựng và đọc những bảng phần trăm đơn giản. Chương này kết thúc với việc xem trước phân tích đa biến và một cuộc thảo luận về những chẩn đoán xã hội học cùng với xem xét những tiêu chuẩn về mặt đạo đức.
2.3 Mô tả chi tiết (Elaboration Model)
Chúng ta sẽ xem xét sâu hơn về phân tích đa biến. Chương 15 cũng trình bày tính logic của việc phân tích thông thường thông qua việc sử dụng các bảng phần trăm. Chúng ta sẽ áp dụng tính logic tương tự khi chúng ta sử dung các kỹ thuật thống kê khác trong chương 16. Kiểu logic này được phát triển cho việc sử dụng với dữ liệu định lượng nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thấy nó cũng hợp lý như thế nào cho việc lập luận với những dữ liệu định tính.
2.4 Phân tích thống kê (Statistical Analyses)
Thường xuyên được sử dụng hơn trong nghiên cứu khoa học xã hội, bao gồm tổng quan về một vài phương pháp tiên tiến hơn về phân tích đa biến. thay vì chỉ bày cho bạn biết làm thế nào để tính toán thống kê với các phương pháp này, tôi đã cố gắng đặt chúng vào trong ngữ cảnh của các cuộc thảo luận về logic và lý thuyết trước đó. Vì thế, bạn nên sẽ rời khỏi chương này biết khi bào sử dụng các đo lường thống kê khác nhau cũng như làm thế nào để đếm chúng.


Sunday, May 20, 2012


Lựa chọn đề tài nghiên cứu
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch(*), 2012

Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình thực hiện luận văn ở bậc thạc sĩ. Nếu lựa chọn đề tài không có kế hoạch kỹ càng thì có thể bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro không có đủ thời gian để hoàn thành luận văn theo thời hạn. Nếu bạn ra quyết định với một lựa chọn kém thì sẽ khó mà đạt điểm cao theo thang điểm tiêu chuẩn. Những đề nghị dưới đây có thể giúp bạn tối thiểu hóa xảy ra tình huống vừa kể trên.

Tiêu chí lựa chọn một đề tài

Hứng thú và hợp thời (relevant)

Bạn nên lựa chọn đề tài nào nào gây hứng thú và có thể tạo nên niềm say mê trong bạn. Nếu không, có thể bạn sẽ gặp khó khăn để duy trì động lực và sự cam kết cần thiết để hoàn tất luận văn. Đề tài này cũng có thể là mối quan tâm của những người ở bên ngoài. Đề tài có thể của chính phòng ban hoặc tổ chức bạn đang làm việc, cũng có thể là một công việc hay việc kinh doanh rộng hơn hay là của cộng đồng quản lý.

Thỉnh thoảng thì cũng xảy ra trường hợp sếp hoặc tổ chức bạn đang làm việc muốn bạn nghiên cứu một đề tài mà bạn chẳng có chút hứng thú nào cả. Nếu điều đó xảy ra, bạn nên thảo luận tình huống này với người hướng dẫn của bạn.

Tính lâu bền

Dự án sẽ kéo dài cho đến hết chương trình học? Các tổ chức có thể thực hiện những thay đổi về phướng hướng và chính sách cực kỳ nhanh chóng. Đề tài bạn chọn có thể lỗi thời bởi những thay đổi trong chiến lược của tổ chức, hình thức sở hữu hay những sự kiện nào đó khác. Hãy cố gắng chọn chủ đề sẽ vẫn còn hợp thời trong thời gian khoảng 1 năm.

Độ rộng của các câu hỏi nghiên cứu

Có đủ “chất liệu” cho đề tài của bạn?

Đôi khi xảy ra tình huống là đề tài quá nhỏ, không đủ để duy trì việc nghiên cứu ở mức độ thạc sĩ. Và cũng đôi khi đề tài lại quá rộng và bạn sẽ thấy mình bơi giữa đại dương mênh mông mà không thấy đâu là bờ bến. Điều quan trong ở đây là cân nhắc xem đề tài đòi hỏi thời gian như thế nào và nguồn tài nguyên (energy) sẵn có để hoàn tất dự án này.

Tính đầy đủ (adequacy) của đề tài

Hãy kiểm tra lại những tiêu chuẩn đánh giá áp dụng cho khóa học của bạn, bởi vì công trình của bạn sẽ được tính điểm dựa vào những tiêu chuẩn này, và tự hỏi bản thân xem liệu đề tài bạn suy nghĩ trong đầu có giúp bạn đáp ứng tốt những tiêu chuẩn này hay không.

Khả năng tiếp cận

Có thể bạn đã có trong đầu một đề tài xuất sắc,  nhưng với điều kiện là bạn có thể tiếp cận được với những người mà họ có thể trả lời các câu hỏi nghiên cứu, hay bảng câu hỏi, cuộc phỏng vấn…. Nếu không tiếp cận được thì khi đó, dự án nghiên cứu của bạn có thể vẫn chỉ là trong đầu mà thôi. Thậm chí nếu bạn nghĩ là những người này nhìn chung thì đã đồng ý cho bạn tiếp cận rồi đó, nhưng còn thời gian và nỗ lực cần thiết để theo đuổi việc tiếp cận này thì sao? Có quá đòi hỏi nhiều hay không? Nếu như công trình nghiên cứu của bạn thực hiện ngay tại tổ chức mà bạn đang làm việc, thì vấn đề này có thể không ảnh hưởng lớn lắm. Nhưng nếu bạn cần phải nghiên cứu những tổ chức khác, bạn nên chắc chắn rằng bạn có thể tiếp cận được. Thậm chí là bạn muốn gởi những bảng câu hỏi đến một mẫu (sample) các nhà quản lý, bạn có thể gặp vấn đề làm thế nào để có được danh sách tên và địa chỉ của họ. Danh sách tên và địa chỉ này đôi khi bạn phải trả tiền mới có.

Những vấn đề chính trị ở phạm vi vi mô (micro-politics)

Bất kỳ khi nào bạn nghiên cứu một vấn đề kinh doanh thì cũng tồn tại nguy cơ là bạn có thể trở thành người ủng hộ các tranh luận quản lý và chính trị xoay xung quanh nó. Điều này càng trở nên quan trọng hơn nếu bạn đang nghiên cứu một đề tài bên trong tổ chức của bạn đang làm việc. Bạn cần phải chắc chắn rằng theo đuổi dự án này sẽ không lôi bạn vô nồi nước chính trị nóng bỏng mà một số người nào đó trong tổ chức có thể gây hại đến bạn. Thỉnh thoảng thì mọi người chọn làm đề tài không liên quan đến nơi họ đang làm việc bởi các vấn đề “nhạy cảm” trong tổ chức của họ (sự thôn tính (takeover) sắp xảy ra, các cuộc chiến trong phòng họp ban giám đốc…). Theo họ thì chúng quá nguy hiểm.

Rủi ro và an toàn

Hãy nhớ lại những tiêu chuẩn đã nêu ở trên, bạn thấy đó, bạn không thể tránh được tất cả các rủi ro. Nếu chọn một đề tài hoàn toàn an toàn, có thể quá nhạt nhẽo khiến bạn hoặc người khác không có tí hứng thú nào đối với các kết quả nghiên cứu. Dò được điểm cân bằng giữa rủi ro và an toàn là điều nên làm.

Nguồn tài liệu

Đảm bảo rằng có đủ các tài liệu có liên quan (literature) về đề tài bạn đang nghiên cứu, hoặc phạm vi học thuật rộng hơn mà đề tài bạn nằm trong đó. Như thế, giúp bạn có thể thực hiện được việc xem xét các tài liệu có liên quan (literature review[1]). Mà đây không phải là điều gì quá nghiêm trọng khiến bạn phải lo lắng, điều đáng lo lắng ở đây là có quá nhiều tài liệu để bạn đọc.

(*) Colin Fisher (2007), "Researching and writing a dissertation - A guide book for business students", trang 31-33.


[1] Tham khảo thêm tại http://www.facebook.com/note.php?note_id=10150769616837403

Monday, March 12, 2012

Giai phap thoi gian

Vài giải pháp giúp bạn xếp hạng xử lý công việc

ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Phương


Nguyên tắc Pareto

Nguyên tắc Pareto (hay nguyên tắc 80/20) nói rằng, đa số các trường hợp, 80% kết quả là do 20% nguyên nhân. Chẳng hạn, 80% doanh số bán hàng là từ 20% khách hàng, hay 80% lợi nhuận đến từ 20% thời gian mà bạn sử dụng, 80% doanh số bán hàng đến từ 20% số sản phẩm của công ty bạn…

Nguồn: http://www.managers-net.com/paretoanalysis.html

Thành ra, giả sử bạn liệt kê ra 10 việc cần làm trong ngày, nếu nguồn lực hạn hẹp (thời gian, công sức, tiền bạc…) thì có thể chọn làm 2 việc quan trọng nhứt (chiếm 20% số lượng công việc) nhưng mang lại 80% cho kết quả làm việc hôm đó.

Nguồn: http://www.effective-time-management-strategies.com/time-management-activities.html

Phân tích ABC

Còn quýnh giá công việc thế nào là quan trọng thì có thể sử dụng phân tích ABC.

Phương pháp này phân loại công việc như sau: việc quan trọng và khẩn cấp (A), việc quan trọng và không khẩn cấp (B), việc không quan trọng cũng không khẩn cấp luôn (C).

Tuy nhiên, có lần đọc đâu đó lập luôn cái ma trận rồi đặt các công việc vào đấy, dễ hiểu hơn. Như hình ở đây nè.

Nguồn: http://www.positive-change-tools-for-success.com/Time-Management-Matrix.html

Công việc nếu không lập kế hoạch và thực hiện tốt sẽ chạy từ ô (2) sang ô (1) – sẽ rất mệt đầu vì tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng, vì vừa khẩn cấp mà lại vừa quan trọng mà. Ô (3) thì nên ngó lại 80/20, coi chừng cả ngày cuống theo vô vàng công việc không quan trọng mà lúc nào cũng bị hối thúc, cứ tưởng là làm nhiều thì tốt, nhưng thật ra nó chỉ đóng góp 20% vào kết quả chung mà thôi.

Nói chung, ô (2) là ô cần tập trung nhứt.

Phân tích XYZ

Phân tích XYZ là phân tích thứ cấp của phân tích ABC. Phân tích XYZ áp dụng cho việc quản lý hàng tồn kho nhưng ở đây mình tự chuyển sang cách hiểu quản lý công việc luôn. Hy vọng là hiểu đúng hihi :D

Trong đó, X là công việc không hoặc ít thay đổi theo thời gian, nên có thể dự đoán được. Y là công việc chỉ xuất hiện vào một giai đoạn nào đó. Z là công việc không xuất hiện thường xuyên.

Nếu ABC phân loại dựa vào giá trị công việc, XYZ lại dựa vào tần suất xuất hiện; và 2 cái phân tích này thường được dùng đồng thời.

Ví dụ, công việc CX (không quan trọng và không khẩn cấp + xuất hiện thường xuyên) thì nên hạn chế, vì chẳng mang lại kết quả nào vào mục tiêu đã định trước. Xem hình minh họa ở đây (hình áp dụng cho hàng tồn kho).

Nguồn: http://www.ak-online.biz/en/NewsEvents/releases/2004/3/1

Nguồn tham khảo:

http://en.wikipedia.org/wiki/Pareto_principle

http://en.wikipedia.org/wiki/ABC_analysis

http://wikieducator.org/Xyz_analysis