Friday, February 26, 2021

Chiều kích xã hội của Sản vật

Trong một tập sách xuất bản năm 1986 (1), GS Arjun Appadurai phác thảo một góc nhìn mới cho hàng hóa trong xã hội: "Trao đổi kinh tế tạo ra giá trị. Giá trị được nhập thân (đậm đà) vào bên trong hàng hóa là cái được trao đổi. Tập trung vào những vật được trao đổi, hơn là đơn giản chỉ nhìn vào hình thức hay chức năng của việc trao đổi, cho phép lập luận rằng cái tạo ra mối nối giữa trao đổi và giá trị chính là chính trị, theo cách nói khái quát. [...] Cũng giống như con người, sản vật có cuộc sống xã hội."





(1) Appadurai ed. 1986, The Social Life of Things: Commodities in cultural perspective, Cambridge University Press

Monday, February 22, 2021

Nghiên cứu ẩm thực

Giáo sư Sidney Mintz trong một bài viết năm 2002 (1) ghi nhận có 7 nhóm chính trong các nghiên cứu liên quan tới đồ ăn thức uống, mà có thể gọi chung là ngành ẩm thực học. Đó cũng là những hướng đi mà chúng ta có thể cân nhắc khi bắt đầu tiếp cận một đối tượng nghiên cứu có liên quan tới sự ăn của loài người, vốn đang trở thành một trào lưu trong vài thập niên trở lại đây, và có lẽ cũng là một trải nghiệm đầy thú vị.

Ở Việt Nam có lẽ quen nhất với kiểu mô tả thức ăn trong nghi lễ, vị dụ như sự tích bánh chưng - vật phẩm cúng tế ngày Tết, tức là kiểu viết bài về đồ ăn thức uống trên báo Xuân, hay như ngay cả trong ca dao tục ngữ cũng ghi nhận "ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà".

Hướng nghiên cứu tiếp theo gắn kết đồ ăn với bản sắc dân tộc, như hai tập sách của nhà nghiên cứu người Pháp Jean-Pierre Poulain được NXB Ngoại Văn phát hành năm 1997. Giờ đây GS Poulain với khái niệm về không gian xã hội trong lương thực mà George Condominas xây dựng từ các nghiên cứu người thiểu số Tây Nguyên đang là một hệ thống lý thuyết quan trọng trong ngành ẩm thực học trên thế giới, chú ý tới cách cách mà người ta ăn thức ăn như thế nào.

Song song đó, thì giới nhân học vẫn tiếp tục các nghiên cứu theo hướng cổ điển - dân tộc ký, ghi lại cuộc sống của các dân tộc khác nhau trong mối quan hệ với một tham số nào đó, ví dụ như ký ức về thức ăn và bản sắc văn hóa.

Hướng thứ tư bắt đầu bước vào một khu vực mà trước đây vẫn là của riêng các ngành khác như sinh vật học hay kinh tế học, đó là nghiên cứu chỉ riêng một loại thực phẩm mà thôi, ví dụ như công trình nổi tiếng nay đã trở thành kinh điển của Salaman về khoai tây, xét về nguồn gốc, quá trình thuần hóa, lan tỏa ra khắp thế giới, và ảnh hưởng tới chính trị châu Âu.

Một số nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa thực phẩm và các thay đổi trong xã hội, ví dụ như tập quán ăn uống ở nước Nga thời Xô-viết, hay như các món ăn bị biến đổi trong thời toàn cầu hóa như hiện nay.

Bất ổn về lương thực cũng là một bộ môn quan trọng vì nó cũng chính là chủ đề đang được nhiều tổ chức của Liên hiệp quốc quan tâm và đầu tư tiền nghiên cứu để viết báo cáo, bao gồm cả câu chuyện về nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Và nhóm thứ bảy là từ thập niên 1950s cho đến nay bắt đầu có nhiều bộ sách giáo khoa hướng dẫn cho sinh viên phương pháp nghiên cứu ẩm thực, mà bên ngành xã hội có phần nhiều hơn nhân học.


(1) Mintz et al 2002, The Anthropology of Food and Eating, Anual Review 31:99-119

(2) Bài giảng của GS Poulain về Ẩm thực học https://www.slideshare.net/Poulain/from-gastronomic-heritage-to-food-studies