Quản trị tài nguyên văn hóa: kinh nghiệm
khảo cổ đô thị trong hệ thống Anh-Mỹ
Lê Thanh Hải
“Ở Hoa Kỳ, khoảng cách giữa các nhà khảo
cổ làm việc trong các trường đại học và các chuyên gia trong ngành
quản trị tài nguyên văn hóa (cultural resource management) đã thu gọn rất
nhiều trong vòng hai mươi năm trở lại đây, do các thay đổi lớn trong
việc sáp nhập các nguồn kinh phí và mối quan tâm ngày càng nhiều hơn
đến di sản và ký ức đang dần trở thành vấn đề lý thuyết quan
trọng. Đa số các nghiên cứu khảo cổ ở Hoa Kỳ là theo xu hướng quản trị
tài nguyên văn hóa, nhưng tính chất công việc đã thay đổi. Đa số là do
luật định, tức là thường khởi đầu là do các dự án phát triển
thương mại hay các công trình lớn của chính phủ. Cũng có thêm nhiều
nghiên cứu theo hướng di sản có liên quan đến ngành du lịch, hay dự án
xây dựng công viên quốc gia, hoặc do Ủy ban các dân tộc đặt hàng để
bảo đảm rằng các công trình xây dựng của họ không làm mất gốc tích
khảo cổ của chính mình. Mối quan hệ như vừa kể giữa nghiên cứu khảo
cổ trong các trường đại học và quản trị tài nguyên văn hóa ở Hoa Kỳ
cũng đang là xu hướng ở Anh và Ireland.”[1]
Đó là chia sẻ của TS
Stephen A. Mrozowski, một trong số chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay
trong bộ môn khảo cổ chuyên nghiên cứu về lịch sử thời hiện đại, tức
là quãng thời gian trong vòng 500 năm trở lại đây. Đứng ra
thành lập trung tâm nghiên cứu khảo cổ liên ngành từ năm 1999 với
nguồn tài trợ từ gia đình Andrew Fiske, ông muốn đưa ra một tiếng nói
riêng cho ngành học này, vốn chỉ là một mối quan tâm nhỏ trong các
dòng chảy khoa học lớn như lịch sử về công nghiệp hóa – khảo cổ học
nhà máy và các di tích công nghiệp tiền khởi, hay lịch sử về thuộc
địa và thực dân hóa – khảo cổ học đô thị, cảng biển và mạng lưới
hàng hóa toàn cầu, và nhánh đô thị hay qui hoạch trong ngành địa lý
nhân văn – nhân học đô thị hay nghiên cứu phát triển. Trung tâm Fiske (trang
mạng ở địa chỉ ww.fiskecenter.umb.edu) là nơi sản xuất ra nhiều công
trình nghiên cứu liên ngành có giá trị về lịch sử thời hiện đại,
cả trong phạm vi ứng dụng thực tế lẫn lý thuyết chuyên ngành. Nơi đây
cũng ký hợp đồng đào tạo cao học với đại học Massachusetts Boton cho
chuyên ngành khảo cổ lịch sử thuộc khoa nhân học, thường xuyên trang
bị kỹ năng và kiến thức khảo cổ cho sinh viên thông qua các dự án
nghiên cứu và khảo sát trên thực địa. Từ góc độ đó, Mrozowski nhìn
thấy hướng đi hiện tại của ngành này trong hệ thống Anh-Mỹ như đã
nhận xét ở trên.
Sự chuyển hướng này
trong nghiên cứu và đào tạo là kết quả của một phong trào xã hội
nhằm bảo tồn môi trường sống trong thập niên 1960 và 1970, mà đỉnh cao
là bộ luật về Bảo tồn Lịch sử và Khảo cổ năm 1974, còn được biết
đến qua tên gọi Luật Moss-Bennett. Theo đó, tài nguyên văn hóa cũng là
tài sản quốc gia, quan trọng không kém tài nguyên thiên nhiên và được
bảo vệ bằng luật pháp. Không chỉ các di tích được xếp hạng lịch sử
mới là tài nguyên văn hóa mà ngay cả những di tích có giá trị về
văn hóa, xác tàu đắm, văn kiện lịch sử, di tích tôn giáo, tín ngưỡng
phi vật thể cho đến các làn điệu dân ca. Như vậy mọi hiện vật hay
không gian liên quan trực tiếp đến các giá trị văn hóa này đều phải
được nghiên cứu và đánh giá trước khi có quyết định khai thác hay
không, tức là đào bỏ để xây dựng công trình khác hay bảo tồn thành
khu du lịch nghỉ dưỡng hay bảo tàng di sản. Ở Mỹ, đa số công việc
khảo cổ là do các công ty tư nhân thực hiện, do nhu cầu thuê mướn
chuyên gia của các nhà thầu xây dựng, phải khảo sát lòng đất theo
luật định trước khi phát triển địa ốc. Bảo tàng chỉ chịu trách
nhiệm đối với các khu di tích đã xếp hạng và cần phải bảo tồn
nguyên vẹn. Công việc của chính phủ là duy trì Địa bạ lịch sử quốc
gia (National Register of Historic Places), ghi nhận các điểm khảo cổ và
xếp hạng di tích, cũng như các cơ quan bảo tồn và tư vấn bào tồn di
tích lịch sử (State Historic Preservation Office, Advisory Council on
Historic Preservation), bên cạnh các tổ chức như Quĩ bảo tồn lịch sử
quốc gia (National Trust for Historic Prevervation). Mặc dù các tiêu chí
về di sản và cơ cấu quản lý như vừa kể cũng có ở Việt Nam, nhưng
về cơ bản thì ngay cả không ít chuyên gia trong các ngành khoa học xã
hội và nhân văn khi nói đến khảo cổ đều liên tưởng đến chuyện đào
bới dưới như các khóa đào đạo cấp tốc do chuyên gia từ Nga và Ba Lan
sang tập huấn cho kỹ thuật viên hồi thập niên 1960-1970, còn đa số dân
chúng thì liên tưởng đến chuyện săn tìm cổ vật như các nhân vật
Indiana Jones và Lara Croft nổi tiếng trong phim. Về cơ bản, công việc
của ngành khảo cổ – theo phác họa của TS Stephen Mrozowski – là một
qui trình bao gồm bốn phần chính: khảo sát thực địa, ghi nhận, phân
tích, và diễn giải. Trong một dự án, nhà khảo cổ có thể tự mình
làm hết cả bốn công đoạn chia nhóm công việc theo chuyên môn, và công
việc tại thực địa tức là hố khảo sát hay hiện trường di tích chỉ
là một phần rất nhỏ. Hình dung như vậy sẽ dễ dàng lý giải tại sao
đa số sinh viên theo học ngành khảo cổ ở Mỹ sau khi tốt nghiệp sẽ
chỉ có một phần rất nhỏ làm việc trực tiếp trong môi trường đào
bới và nghiên cứu, còn đa số sẽ bị hút vào khu vực tư nhân có nhu
cầu rất cao ở những nơi đang phát triển về bất động sản hay du lịch,
và hệ thống quản lý nhà nước.
Đó cũng là lời nhắc
nhở ngay từ những dòng đầu tiên của bộ giáo trình nhập môn cho ngành
khảo cổ ở Hoa Kỳ, NXB Alta Mira mới xuất bản gần đây, phát hành cùng
lúc tại Anh, Mỹ và Canada, trực tiếp gắn kết khảo cổ với tài nguyên
văn hóa: Cultural Resources Archaeology. Ngay sau phần giới thiệu, nhóm
tác giả Thomas W. Neumann, Robert M. Sanford và Karen G. Harry đã dùng
ngay chương Hai để trình bày hệ thống luật pháp có liên quan đến khảo
cổ tại Hoa Kỳ, trước khi dạy cho sinh viên cách chuẩn bị dự án khảo
cổ, và sau đó là viết báo cáo. Tương tự vậy, trong giáo trình thực
tập cho sinh viên ngành khảo cổ - Practicing Archaeology, nhóm tác giả
này cũng giữ nguyên thứ tự đó để hướng dẫn[2]. Điều
khoản quan trọng nhất cho ngành khảo cổ Mỹ là điều 106 trong bộ luật
bảo tồn lịch sử quốc gia (National Historic Preservation Act) năm 1966.
Khi hội đủ điều kiện (theo qui trình 36 CFR 800) thì cơ quan trung ương (Federal
Agency) sẽ xuất quĩ hoặc cấp phép nghiên cứu để đánh giá di tích (ví
dụ theo qui định 36. CFR 60.4) và đăng ký vào Địa bạ lịch sử quốc gia
(National Register, do National Park Service xét duyệt và cập nhật). Một
trong số những công ty vi phạm điều luật yêu cầu phải có người khảo
sát về khảo cổ trước khi xây dựng là tập đoàn Transco từng phải trả
giá đắt với khoản tiền phạt và bồi thường do hủy hoại tài nguyên
văn hóa lên đến 35,5 triệu USD vào năm 1991, và trở thành ví dụ
thường được nhắc đến khi nói đến tầm quan trọng của khảo cổ trước
khi phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ. Hồi thập niên 1980 công ty này
trúng thầu xây dựng tuyến đường ống khí đốt từ Tampa đến Texas, đi
ngang qua 5 tiểu bang của Mỹ là Florida, Alabama, Mississippi, Louisiana
và Texas. Bên giao thầu là cơ quan liên bang FERC yêu cầu bên thi công
phải khảo sát theo qui định 106 như trên. Bên trúng thầu cũng tuân thủ
và gửi báo cáo lên các cơ quan thẩm quyền ở từng bang. Tuy nhiên, khi
chuyển sang các bước khảo sát tiếp theo họ lại không tham vấn ý kiến
của Alabama cũng như là chuyên gia khảo cổ của FERC, và khi FERC bị
Alabama kiện thì ngay lập tức trách nhiệm này bị chuyển sang vai của
nhà thầu Transco, và sau này phải dàn xếp với 11 triệu USD tiền phạt
hành chính, 1 triệu USD tiền phí điều tra, và 13,5 triệu tiền bồi
thường xâm hại tài nguyên văn hóa cho Alabama, trở thành bài học nhớ
đời cho tất cả các công ty xây dựng ở Mỹ.
Hiện nay qui trình bảo
tồn di sản văn hóa tại Việt Nam đang có những hướng đi tương tự như
vừa mô tả trong hệ thống Anh – Mỹ. Tuy nhiên, cần phải nhận thấy rằng
hệ thống luật về tài nguyên văn hóa của Hoa Kỳ được xây dựng trong
thập niên 1960 và 1970 với điều kiện môi trường, lịch sử và văn hóa
đặc thù riêng, nhất là mối quan hệ giữa người Mỹ hiện đại và thổ
dân da đỏ. Bộ luật cũng liên tục được chỉnh lý cho phù hợp với sự
thay đổi của xã hội và tình hình chính trị, nhưng hầu như Việt Nam
không thể học được gì từ qui trình làm luật vì các khác biệt quá
lớn về thời gian và không gian địa chính trị. Ở Việt Nam cũng có
các mức độ công nhận theo không gian như tòa nhà, làng xã và khu di
tích, nhưng đa phần được dư luận và ngay cả các cấp quản lý và giới
chuyên gia nghiên cứu hiểu theo nghĩa bảo tồn di sản văn hóa hơn là
khai thác và phát triển theo quan điểm quản trị tài nguyên văn hóa.
Rất nhiều công trình xây dựng, thậm chí trên qui mô rất lớn, không hề
có bước khảo sát khảo cổ từ trước như qui trình vừa giới thiệu đã
được áp dụng ở Mỹ từ hàng chục năm qua. Khi may mắn thì các nhà
khảo cổ sẽ được mời đến khi di tích phát lộ trong quá trình thi công[3]
như mới đây trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nhưng nếu
nhà thầu thiếu trách nhiệm hoặc thiếu hiểu biết thì cả một khối
tài nguyên văn hóa khồng lồ của dân tộc đang nằm khuất dưới một lớp
đất mỏng nào đó sẽ tan thành mây khói trong chốc lát mà thậm chí
cũng không ai biết đến. Và nếu theo cách nhìn của ngành khảo cổ học
đô thị, tức là đánh giá di sản văn hỏa trong quá trình lịch sử của 500
năm trở lại đây, thì ngay cả nhà xưởng thời thuộc địa cũng là tài
nguyên văn hóa giúp đất nước phát triển nếu biết cách quản trị và
kinh doanh, không chỉ riêng trong ngành du lịch. Trung tâm nghiên cứu ứng
dụng và quĩ để quản trị tài nguyên văn hóa là hai mô hình đang cần
được tài trợ để phát triển tại Việt Nam, bên cạnh nhu cầu của thị
trường địa ốc và du lịch sẽ cần đến chuyên gia khảo cổ học đô thị.
[1] Trích từ bài viết
của TS Stephen Mrozowski: Pulling the Threads Together:
Issues of Theory and Practice in an Archaeology of the Modern World, lưu trên mạng ở địa chỉ http://www.geos.ed.ac.uk/~nabo/meetings/glthec/groups/group_data/ecodynamics/CH26MROZOWSKI.pdf
[2] Độc giả muốn đọc bản tiếng Anh của hai quyển giáo trình đó trên
máy tính xin mời email cho tác giả bài viết này thanhai@wp.pl