Saturday, October 29, 2011

phim

Làm phim nghiên cứu và Nghiên cứu làm phim


Social Psychology

Tâm lý học xã hội

Lê Hải, theo giáo trình của Smith&Mackie

Social psychology là ngành học chính thức được xuất hiện vào năm 1908 với hai quyển sách giáo khoa cùng tên. Một quyển là của nhà tâm lý học William McDougall, cho rằng mọi hành vi xã hội là vốn có hoặc bản năng, là tư duy phổ biến trong ngành tâm lý học thời bấy giờ. Quyển kia là của nhà xã hội học E.A. Ross, lập luận rằng con người chịu ảnh hưởng nhiều của người khác, bất kể là người kia có hiện diện ngay bên cạnh hay không. Tư tưởng này sau trở thành chủ đạo trong ngành tâm lý học xã hội. Các thay đổi của con người trong môi trường xã hội được quan tâm đặc biệt sau hai thí nghiệm nổi tiếng. Trước hết là nhà nghiên cứu người Mỹ Norman Triplett vào năm 1898 nhận thấy người bơi thi có thành tích cao hơn tự bơi một mình, tức là sự có mặt của những người khác ảnh hưởng tích cực đến hành động của người đó. Thế nhưng một ghi nhận khác trong thập niên 1880s của kỹ sư nông học người Pháp Max Ringelmann thì lại thấy ảnh hưởng tiêu cực, người ta ít bỏ sức hơn khi cùng kéo dây hay đẩy xe. Trước đó nữa, vào thời văn minh Hi Lạp, các triết gia cũng đã quan tâm đến đìều kiện sống của con người, như Plato với khái niệm não trạng của đám đông, rằng ngay cả người thông thái nhất khi lạc vào đám đông cũng có thể bị biến thành một người hành động mù quáng vô suy nghĩ.

Hiện tại, tâm lý học xã hội (social psychology) được định nghĩa là một môn khoa học nghiên cứu các ảnh hưởng của các quá trình xã hội và nhận thức lên cách mà các cá nhân nhận biết, ảnh hưởng, và quan hệ với những người khác. Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của ngành là làm thế nào người ta hiểu và giao tiếp với những người khác, và nhà tâm lý học xã hội đặc biệt quan tâm đến các quá trình nhận thức và xã hội nằm bên dưới các hành vi mở của con người. Kurt Lewin cho rằng mọi hành động của mỗi cá nhân phụ thuộc vào một khái niệm mà ông đặt ra hồi năm 1936 gọi là "không gian sống" của người đó, tức là bản đồ chủ quan về các mục tiêu của người này trong môi trường xã hội.

Sau khi tách khỏi ngành tâm lý học, chủ yếu là từ cách nhìn hành vi cá nhân qua ảnh hưởng xã hội, bộ môn tâm lý học xã hội ở Bắc Mỹ bất ngờ nhận được nhiều chuyên gia từ châu Âu chạy sang trốn chế độ Đức quốc xã trong thập niên 1930s và 1940s. Cùng lúc hai nhánh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng được phát triển trong hai thập niên tiếp theo là 1950s và 1960s, rồi cùng kết hợp lại. Nói chung toàn ngành dựa trên 8 nguyên tắc chính, chia thành 3 nhóm. Đầu tiên là hai trục cơ bản của ngành, cho rằng người ta tự kiến tạo nên thực tại của mình, và các ảnh hưởng xã hội là lan truyền. Tiếp theo là nhóm 3 động cơ mà con người đi theo là luôn tìm cách hiểu và kiểm soát môi trường xung quanh, luôn tìm kiếm sự kết nối với những người khác, và coi trọng bản thân và những gì của mình. Cuối cùng là nhóm 3 nguyên tắc trong quá trình là coi các quan điểm đã hình thành thường thay đổi chậm, coi khả năng dễ truy cập thông tin sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới quyết định của con người, và có thể ảnh hưởng trên bề mặt lẫn chiều sâu.

Các nguyên tắc và phương pháp khoa học chính là điểm phân biệt giữa ngành tâm lý học xã hội và các nhận định đời thường về tâm lý xã hội mà người ta hay đọc thấy trên báo, hay ý kiến của đa số. Không ít nghiên cứu đưa ra những kết luận trái ngược với những điều người ta hằng tưởng, ví dụ như là không phải cứ trúng số là hạnh phúc hơn, hay thực sự ra người mắc bệnh hiểm nghèo thường lạc quan và có nghị lực hơn với cuộc sống. Nhà tâm lý học xã hội cũng giống người thường là đều chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội khi nhận định và đánh giá vấn đề, nhưng khác là ý thức được về các ảnh hưởng đó. Do vậy, các giáo trình cho ngành học này thường bắt đầu bằng việc khám phá chính bản thân mình, qua con đường mà các triết gia ngày xưa gọi là kiến thức, tức là hiểu biết một cách khoa học về bản thân: self-knowledge. Theo đó, hiểu biết về bản thân gồm hai thành phần, trước hết là khái niệm về bản thân: self-concept và sau là cảm giác về mình: self-esteem. Người ta nhận biết được về bản thân thường là qua so sánh mình với những người xung quanh trong quá trình tương tác, thông qua các hành vi (behavior) của mình. Các đánh giá đó cũng bao gồm việc phân loại nhóm và thái độ đối với từng nhóm một, hình thành nên hình ảnh chủ quan về nhóm xã hội đó (stereotype), thường tạo thành qua quá trình dạy dỗ ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội. Còn cảm giác self-esteem sẽ chi phối việc xác định bản sắc nhóm, tình cảm gắn bó của cá nhân với nhóm đó. Tổng hợp lại hiểu biết về bản thân sẽ chi phối quá trình nhận biết chung quanh, chấp nhận các ảnh hưởng từ môi trường, đặt ra thái độ riêng với hoàn cảnh và tạo ra hành vi phù hợp.

Khi nắm bắt được các qui luật chi phối bản thân người ta có thể vận dụng để chi phối hành động của người khác thông qua nhóm, ví dụ như sự kiện làm chấn động chính trường nước Pháp vào tháng Tám năm 1990. Đảng xã hội tổ chức hội nghị thường niên và sử dụng một số sinh viên cùng diễn viên thất nghiệp đến tạo không khí ủng hộ nhiệt tình, có tác động lây lan sang các đại biểu bình thường. Những người hát rong hay bartender biết là nếu bỏ sẵn tiền tạo cảm giác những người khác đã cho tiền thì sẽ khiến người đi đường dễ cho tiền và cho nhiều hơn. Và như vậy, ngành tâm lý học xã hội có thể đi thêm một bước, tìm hiểu các định chuẩn (norm) được hình thành trong xã hội và tác động của nó đối với hành vi của các thành viên, từ người nhiệt thành tuân thủ cho đến người phá vỡ qui luật. Người ta cũng có thể nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa và tình dục vào việc lựa chọn kết bạn, hay tình yêu, hôn nhân. Thậm chí bộ môn này cũng nghiên cứu giải thích tình trạng bạo lực và xung đột giữa các nhóm, cũng như tìm giải pháp để giải quyết.

Nếu bạn cảm thấy hứng thú với phương pháp vừa kể để tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh, thì hãy bắt đầu quan tâm đến ngành tâm lý học xã hội, và đọc một vài trang sách giáo khoa chuyên ngành, như quyển sách vừa được dùng làm tài liệu tham khảo cho bài viết này, giáo trình của Eliot R. Smith & Diane M. Mackie 2000, Social Psychology, Psychology Press xuất bản.

Rousseau

Rousseau và viên đá đầu tiên cho con đường nhân văn

Lê Hải

Dù sinh ra từ trước đó 250 năm, triết gia người Pháp gốc Geneva Jean Jacques Rousseau (1712-1778) vẫn được nhà nhân học hàng đầu thế giới Claude Lévi-Strauss xưng tụng là "cha đẻ của các ngành khoa học nhân văn" [1]. "Rousseau không chỉ là người quan sát thâm nhập cuộc sống làng quê, độc giả miệt mài của các quyển sách du ký, người nghiên cứu giàu kinh nghiệm về phong tục và tín ngưỡng mà có thể không sợ sai khi nhận xét rằng từ khi chưa có ngành dân tộc học (ethnology), tức là 100 năm trước khi ngành này ra đời, thì ông đã mường tượng, đã đặt mục tiêu và đã mở những bước đi đầu tiên, đã đặt chỗ đứng cho ngành giữa khoa học tự nhiên và nhân văn, và thậm chí cả những cơ sở thực hành nữa. [...] Rousseau không chỉ giới hạn ở chỗ dự đoán, mà ông đã mở ra ngành nghiên cứu dân tộc," [2] tức là một nhánh hình thành nên ngành nhân học (anthropology) sau này.

Thời của Rousseau các triết gia ngồi một chỗ, không đi đến các vùng đất mới rồi quay về như các tác giả của những quyển du ký, và các lý thuyết gọi là tìm hiểu con người thực ra chỉ là nghiên cứu những người xung quanh mà thôi. Nhà nghiên cứu dân tộc học hay nhân học văn hóa chính là triết gia đi lữ hành, và tìm hiểu nhân loại qua những người khác mình. Đó chính là điều mà 200 năm sau Claude Lévi-Strauss làm với Nhiệt đới buồn hay trước đó một ít là Bronisław Malinowski với Argonauts miền Tây Thái bình dương. Tư tưởng của Rousseau nay trở thành nhân sinh quan khoa học cho ngành nhân học, mà mấu chốt là dù nghiên cứu những nhóm người xa xôi nhất, nhưng đồng thời lại chính là nghiên cứu bản thân mình, xác định bản sắc của người khác nhưng cũng chính là xác định bản sắc của chính mình. Nhưng cũng cần chú ý là các tác giả thế hệ đầu của ngành nhân học không hề chịu ảnh hưởng ít nhất là trực tiếp của Rousseau.

Nay thì các nhà nhân học không chỉ làm triết gia trên đường đi mà thậm chí còn bỏ trốn. Họ trốn chạy khỏi xã hội văn minh, đô thị hóa, công nghiệp hóa và những nền văn hóa do các xã hội đó sản sinh ra như tiêu chuẩn hóa, đồng nhất hóa và hư hỏng, tức là xã hội đại chúng và văn hóa đại chúng. Nhưng thực ra thì cũng như Rousseau đã nói [3], không thể xác định đâu là văn hóa ban đầu, và con người không thể nào sống bên ngoài môi trường xã hội, còn văn hóa thì liên tục qua lại giữa cái sơ khai và cái hiện đại, cũng như xã hội nằm giữa những thể chế sơ khai như gia đình hay cộng đồng và những hệ thống hiện đại như chính quyền và nhà nước.

[1] Như tựa đề của bài giảng được Claude Lévi-Strausse đọc tại Geneva trong ngày kỷ niệm 250 ngày sinh Rousseau, sau đó in lại trong tập sách nhiều tác giả xuất bản cùng năm 1962, và in lại trong nhiều giáo trình nhân học như quyển Anthropologie structurale deux của ông xuất bản năm 1973, giáo trình nhân học văn hóa của Đại học tổng hợp Warszawa do Andrzej Mencwel chủ biên, xuất bản năm 2001. Bài viết này lấy lại ý của hai tác phẩm vừa kể. Theo phân tích của sử gia xã hội học người Ba Lan Jerzy Szacki thì Rousseau cũng cùng với Montesquieu có ảnh hưởng mạnh lên Durkheim.

[2] Tác phẩm Bàn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người với người (Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les hommes) được coi là tuyên ngôn hay sách giáo khoa đầu tiên cho ngành này.

[3] Độc giả quan tâm hơn về tư duy triết học của Rousseau có thể tìm đọc bài viết của Bùi Văn Nam Sơn trên SGTT ở địa chỉ http://sgtt.vn/Khoa-giao/154448/Khai-minh-ve-khai-minh.html, hay các bài hệ thống hóa triết học của Nguyễn Ứớc trên Văn Chương Việt như tại địa chỉ http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9573

Vico

Giambattista Vico và điểm khởi đầu cho lịch sử văn hóa

Lê Hải

Tác phẩm [Khoa học mới] La scienza nuova của giáo sư người Ý Giambattista Vico (1668-1744) không chỉ là điểm sáng quan trọng trong hệ thống triết học Khai sáng của Pháp mà còn được coi là viên gạch đầu tiên cho các ngành nghiên cứu văn hóa, như nhân học văn hóa (cultural anthropology) và nhất là lịch sử văn hóa (history of culture). Cách đặt vấn đề về văn hóa của ông cũng gần giống với cách dịch khái niệm này sang tiếng Hán và vào tiếng Việt: avant la letter.

Khác với các triết gia thời bấy giờ, cổ xúy lý tính (rationalism) trong tư duy, Vico luôn thiên về tôn giáo, tìm đến cảm nhận và linh tính. Trong lúc người ta phân định thế giới con người qua những mô hình hình học thì ông cho rằng những gì chi phối các qui luật xã hội thực tế hơn những điểm, đường thẳng, hay mặt phẳng và hình thể, tức là những khái niệm trừu tượng trong hình học. Bằng cách đó chúng ta mới tiếp xúc được với thế giới thực tại mà con người đang tham gia. Giữa lúc toán học và các ngành tự nhiên đang phát triển và ảnh hưởng rộng rãi, Vico lại muốn đặt hiểu biết của con người lên cao hơn, đòi hỏi con người phải có hiểu biết riêng, chứ không đơn giản là kiến thức về cơ chế hoạt động của thế giới bên ngoài. Khi đó con người được coi là đã làm công việc mà trước đây chỉ có Chúa mới có khả năng, và còn hơn vậy. Chúa chỉ biết những gì đã tạo ra là tự nhiên, còn thế giới của các dân tộc là do con người tạo ra, cho nên nằm trong khả năng hiểu biết của con người.

Vì lẽ đó tác giả của công trình tư tưởng La scienza nuova không quan tâm đến mối quan hệ nhân quả giữa con người với tự nhiên, mà là những gì khiến con người khác biệt với tự nhiên. Khi đó có thể thấy chính việc con người tham gia vào quá trình lịch sử đã tạo ra cơ hội đặc biệt về nhận biết, nhờ là một nhân tố sáng tạo. Kiến thức lịch sử ở đây chính là kiến thức về con người, chính mình đã sáng tạo và đồng thời nhận biết sự sáng tạo đó. Theo Vico, con người là một thực tại xã hội, và quan trọng hơn, là một thực tại lịch sử. Khi đó khái niệm con người không thể tách rời khỏi quá trình phát triển tự nhiên, cùng lúc về vật chất, đạo đức, tri thức, lòng tin, lẫn xã hội, chính trị và nghệ thuật. Bản chất con người chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ đã được phân loại với những người ở thế giới bên ngoài và những người khác. Và quan trọng nhất, là con người khác biệt hẳn với những qui luật tự nhiên vì chịu ảnh hưởng từ việc tham gia trong nhóm xã hội. Cảm giác lệ thuộc vào nhóm cũng cần thiết và mang tính quyết định trong cuộc sống con người cũng giống như là nhu cầu ăn, ở hay sáng tạo, như là cảm giác thèm muốn và ngượng ngùng, hay tìm kiếm quyền lực và sự thật, và tất cả những cảm giác đã tạo ra con người như là con người đó.

Bởi vì là những nhóm khác nhau, cho nên mỗi dân tộc có một đặc điểm riêng và đi theo con đường riêng, với nhịp độ không đều nhau và những con đường không tương tự như nhau. Và đó là cách nhìn lịch sử theo con đường mà Giambattista Vico đã mở ra: lịch sử của văn hóa nhân loại.

Sunday, October 16, 2011

von Herder

von Herder và văn hóa dân tộc

Lê Hải (X.2011)

Dù là người ảnh hưởng mạnh đến tư duy của Johann Wolfgang von Goethe và nhiều triết gia không chỉ của nước Đức [1], cuộc đời và sự nghiệp của Johann Gottfried von Herder (1744-1803) hầu như không được biết đến ở Việt Nam [2]. Không chỉ là người đặt nền móng cho tư tưởng coi lịch sử nhân loại là lịch sử (văn hóa) của các dân tộc [3], Herder còn là người khởi xướng chủ thuyết xây dựng dân tộc từ ngôn ngữ [4] và văn hóa chung [5], được Wilhelm von Humboldt ủng hộ nhiệt thành, và đặc biệt là qua các di sản dân tộc, tạo nguồn cảm hứng cho anh em (Jacob và Wilhelm) nhà Grimm đi sưu tầm truyện cổ tích Đức. Được hoàng thân xứ Bavaria phong tước vào cuối đời (thêm chữ von vào trước họ), Herder cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hai ngành ngôn ngữ học (Linguistics) và nhân học (Anthropology) như của Franz Boas ở Mỹ và Bronislaw Malinowski ở Anh.

Do tầm ảnh hưởng rộng và sâu của tư tưởng Herder lên các ngành xã hội và nhân văn phương Tây, rất nhiều quan điểm của ông đã được nhắc lại một cách gián tiếp trong tư duy văn hóa và lịch sử tại Việt Nam [6]. Nhiều người Việt ở nước ngoài kêu gọi gìn giữ bản sắc dân tộc Việt thông qua tiếng Việt, hay các tác phẩm tiếng Việt như truyện Kiều [7], phần nào có thể coi là biểu hiện trên bề mặt của những gì mà Herder đã tư duy trên 200 năm trước, coi ngôn ngữ là thành phần cơ bản của bản sắc dân tộc. Các bài viết gốc của Herder thường được đánh giá là trình bày dễ hiểu hơn so với các triết gia cùng thời, đưa ra nhiều ví dụ và tránh sử dụng quá nhiều từ chuyên môn. Một phần cách viết đó xuất phát từ quan điểm của ông cho rằng ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm riêng của ngữ pháp, mà mỗi dân tộc nói theo cách mà dân tộc đó suy nghĩ, và suy nghĩ theo cách mà dân tộc đó nói. Cần chú ý rằng nếu so với Pháp và Anh thời bấy giờ, thì nước Đức mới chỉ bắt đầu hình thành và chưa có thể chế chính trị hay cơ sở thống nhất từ trước, ngay cả vị vua Frederick đệ nhị đại đế cũng quen nói chuyện và tư duy bằng tiếng Pháp hơn là giao tiếp bằng tiếng Đức. Trong bối cảnh như vậy thì dễ hiểu tại sao khái niệm dân tộc (Volk) mà Herder đưa ra ít nhấn mạnh đến định nghĩa về cộng đồng người sống trên cùng lãnh thổ và chịu chung luật pháp, hơn là chú trọng vào các mối liên kết qua những cộng đồng chính trị sơ khai trong lịch sử và cái gọi là văn hóa - thể hiện trước hết là qua ngôn ngữ. Vì Herder coi tập thể quan trọng nhất trong xã hội loài người là dân tộc, cho nên ông thường được coi là nhà tư tưởng dân tộc đầu tiên trên thế giới.

Cũng giống như các triết gia Khai sáng cùng thời, Herder chịu ảnh hưởng mạnh từ Newton, người đem qui luật tự nhiên vào triết học. Tuy nhiên, ông lại không nhìn thế giới qua mô hình cơ khí mà thiên về lối diễn giải hữu cơ (organicism), tức là không giống một cỗ máy đang vận hành mà giống một cơ thể (sinh vật) đang không ngừng tăng trưởng. Theo đó xã hội là môi trường tự nhiên của mỗi cá nhân, mà khi sinh ra thì đã hiển nhiên ngụp lặn giữa các quần thể gia đình, bộ lạc hay là dân tộc. Như vậy xã hội được tạo thành từ các cá nhân nhưng không thể giản lược xuống thành mức cá nhân, và cá nhân cũng không thể bị coi chỉ là một thành phần của xã hội vì có giá trị tự lập (autonomy) không thể thay thế. Nói một cách khác, cá nhân (độc lập suy nghĩ, hoạt động và liên kết xã hội) và cá thể (micro - thành phần tạo nên xã hội - macro) là hai khái niệm khác nhau trong hệ tư tưởng của Herder. Với lối tư duy này thì chính quyền hay thể chế có thể xuất hiện, biến mất hay thay đổi, nhưng điều chính yếu cho một dân tộc là tâm thức cộng đồng truyền thống cũng tồn tại bền vững như là lực tự nhiên. Giống như tư duy của Montesquieu, đây là nền móng sơ khai cho hệ thống khái niệm quốc gia dân tộc (nation-state) phát triển sau đó 100 năm. Herder cho rằng quốc gia tự nhiên nhất là quốc gia đại diện cho một dân tộc hay chỉ có một dân tộc tính (character). Tư duy sử học của ông được các thế hệ học trò sau này như Schlegels, Schleiermacher, Hegel, Nietzsche, và Dilthey tiếp nối và phát triển.

[1] Có thể đọc thêm về di sản triết học của Herder trên từ điển mạng của Đại học Stanford (tiếng Anh) ở địa chỉ http://plato.stanford.edu/entries/herder/

[2] Tìm trên Google có khá nhiều bài viết nhắc đến chuyện Goethe kết bạn với Herder và nhờ ảnh hưởng triết học mà vượt qua tầm mức của bản thân lúc bấy giờ chỉ là một nhà thơ bình thường.

[3] Có thể tham khảo thêm bài điểm qua các góc nhìn lịch sử khác nhau được Nguyễn Ngọc Thơ dịch và trình bày trên trang nhà của khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV tp.HCM http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=405&Itemid=66

[4] Độc giả quan tâm tìm hiểu thêm lý thuyết của Herder về ngôn ngữ có thể đọc bài giới thiệu của Đặng Phùng Quân ở địa chỉ http://www.gio-o.com/DangPhungQuanLyVan1.htm

[5] Có thể so sánh cách nhìn dân tộc bằng ngôn ngữ và văn hóa chung của Herder với các góc nhìn khác trong cùng giai đoạn như qua bài phân tích của Nguyên Thi http://nguoidan.com/nd155/chuthu.htm

[6] Ví dụ như vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Unesco, qua bài viết của GS Roger Janelly, Thu Hường dịch http://www.vicas.org.vn/Home/index.php/next-step/buy-jsn-dome-pro/vn-ang-tho-lun/316-cac-thach-thc-ly-thuyt-i-vi-cong-tac-bo-tn-di-sn-vn-hoa-phi-vt-th.html, nhập môn lý thuyết văn hóa của Trần Ngọc Khánh http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=2073&Itemid=62, văn hóa dân gian http://viettems.com/files/Tu%20dien%20nhan%20hoc/F/folklore-van%20hoa%20dan%20gian.pdf, hoặc triết lý giáo dục của Humboldt qua giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn http://www.sgtt.com.vn/Khoa-giao/143800/%E2%80%9CDao-sac-moi-cat-duoc-moi-thu%E2%80%9D.html

[7] Ví dụ như ghi nhận của ĐBQH Dương Trung Quốc trong chuyến đi sang Cộng hòa Séc http://blog.yume.vn/xem-blog/tieng-viet-con-thi-cong-dong-nguoi-viet-con.lvcgroup.35AD2DEC.html, hay câu chuyện của một trường tiếng Việt ở Hoa Kỳ http://www1.vietinfo.eu/viet-nam-que-huong/tieng-viet-con-nguoi-viet-con.html

Voltaire

Voltaire và tư duy lý tính

Lê Hải (X.2011)


Chịu đặc ân của hoàng đế Phổ Frederick đệ nhị đại đế nhưng không ngần ngại chỉ trích người tài trợ, bị nước Pháp đày ải nhưng vẫn hết tâm sức làm rạng danh triết học Khai sáng Pháp, viết văn nhưng rất ham mê thí nghiệm vật lý giúp quảng bá Newton, đó chính là câu chuyện cuộc đời của nhà thơ và cũng là triết gia Voltaire. Tên thật là Francois-Marie Aroueta (1694-1778), ông cũng là người đặt ra khái niệm triết học cho lịch sử (la philosophie de l'histoire) trong tập sách nổi tiếng xuất bản năm 1756: Essai sur les moeurs et l'esprit des nations et sur les principaux faits de l'histoire, depuis Charlemagne jusqu'à Louis XIII. Cũng cần chú ý rằng tên Voltaire là cách chơi chữ (anagram), sắp đặt lại từ tên của ông viết theo tiếng Latin là Arovet LI (le jeune - Aroueta con) mà nhiều người cho là hành động đoạn tuyệt với quá khứ và gia đình, với người bố luôn muốn con làm công chức hơn là làm nhà thơ và triết gia gặp nhiều rắc rối với chính quyền và giáo hội.

Với Voltaire, sự có lý (lý tính - rationalism) là mấu chốt của mọi sự thật, mà thước đo của sự thật là hiểu biết. Hiểu biết được hình thành qua thực nghiệm. Tuy nhiên với giới hạn tư tưởng của thời bấy giờ, những sản phẩm của văn hóa như kiến thức lý tính hay tôn giáo và đạo đức được cho là không phụ thuộc vào không gian và thời gian, lúc nào cũng như thế và ở nơi nào cũng như nhau. Chính vì vậy mà Voltaire coi lịch sử là để chỉ ra sai lầm trong quá khứ và cách tránh, tức là một dạng lịch sử thực dụng. Điểm mới trong phương pháp sử của ông là luôn phải soi sáng những điểm khúc mắc và xác định độ tin cậy, cố gắng loại ra khỏi câu chuyện lịch sử tất cả những gì không có cơ sở từ dữ liệu và ngược lại với hiểu biết thông thường. Cũng vào thời Voltaire mà người ta mở rộng lịch sử ra cho các vùng đất khác như nước Nga và các nước nằm ngoài châu Âu. Và quan trọng nhất, là lịch sử được thế tục hóa, luôn thể hiện mối quan hệ nhân quả. Trong cách nhìn đó, các vấn đề nổi bật nhất trong cuộc sống của các dân tộc là bản năng của con người, khí hậu, mô hình chính trị và quan điểm xã hội.

Thực ra thì lý tính trong tư duy đã có ở châu Âu từ thế kỷ thứ 17, trước thời Khai sáng của Voltaire. Nhưng ở đây khác biệt là lý tính không phải bắt nguồn từ siêu nhiên (supranaturalism) mà là từ chính thế giới tự nhiên, như Voltaire là fan trung thành của Newton, đặc biệt sau ba năm sống ở Anh (1726-1729). Một trong những khái niệm thế giới mà sau này Richard Dawkins dùng lại để viết một quyển sách về thế giới là coi vũ trụ là một chiếc đồng hồ, mà Chúa là người thợ lắp đặt và sửa chữa chiếc đồng hồ đó. Thế giới này chỉ có ý nghĩa (lý giải được) nếu có Chúa. Và như vậy, "nếu Chúa không tồn tại thì phải tìm cho ra". Mặc dù bản thân Voltaire không tạo ra được hệ thống lý thuyết gì để giải thích xã hội, phương pháp viết sử mang tính gợi mở hơn cụ thể cho người bình thường áp dụng, cũng không giải quyết được câu hỏi sâu nào trong triết học, ông vẫn được coi là triết gia Khai sáng nổi bật trong thời kỳ này. Trước hết đó là nhờ lượng công trình đồ sộ mà ông đã tạo ra, được đánh giá như một nhà thơ có quan tâm đặc biệt về triết học, chỉ thường tóm tắt và trình bày ở bề mặt, nhưng lan tỏa đến nhiều tầng lớp xã hội và đem tư tưởng Pháp đến nhiều vùng xa xôi, như mối chân tình mà hoàng đế Phổ Frederick II đại đế đã dành cho ông, hay mối quan hệ với nữ hoàng Nga, và 20 năm cuối đời lãnh đạo phong trào tự do tư tưởng khắp châu Âu từ lâu đài Ferney ở vùng biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Nhìn rộng ra thì triết học khai sáng Pháp thời bấy giờ không mạnh và sâu sắc bằng Anh và Đức, nhưng Paris là tâm điểm của mọi hoạt động tri thức và các tác phẩm viết ra bằng tiếng Pháp có sức lan tỏa mạnh hơn, đồng thời do đó triết học Pháp cũng được phê bình nhiều hơn trong các công trình sau này. Quan điểm của Voltaire có thể coi là nằm giữa Descartes và John Locke, và muốn hiểu triết học Voltaire có lẽ cần phải vững môn vật lý, toán học và triết học Newton trước.