Saturday, November 16, 2013

Lựa chọn đề tài nghiên cứu

Lựa chọn đề tài nghiên cứu

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch(*), 2012

Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình thực hiện luận văn ở bậc thạc sĩ. Nếu lựa chọn đề tài không có kế hoạch kỹ càng, có thể bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro không có đủ thời gian để hoàn thành luận văn theo thời hạn. Nếu bạn ra quyết định với một lựa chọn kém thì sẽ khó mà đạt điểm cao theo thang điểm tiêu chuẩn. Những đề nghị dưới đây có thể giúp bạn tối thiểu hóa xảy ra tình huống vừa kể trên.

Tiêu chí lựa chọn một đề tài

Hứng thú và thích hợp (relevant)

Bạn nên lựa chọn đề tài nào nào gây hứng thú và có thể tạo nên niềm say mê trong bạn. Nếu không, có thể bạn sẽ gặp khó khăn để duy trì động lực và sự cam kết cần thiết để hoàn tất luận văn. Đề tài này cũng có thể là mối quan tâm của những người ở bên ngoài. Đề tài có thể của chính phòng ban hoặc tổ chức bạn đang làm việc, cũng có thể là một công việc hay việc kinh doanh rộng hơn hay là của cộng đồng quản trị.

Thỉnh thoảng thì cũng xảy ra trường hợp sếp hoặc tổ chức bạn đang làm việc muốn bạn nghiên cứu một đề tài mà bạn chẳng có chút hứng thú nào cả. Nếu điều đó xảy ra, bạn nên thảo luận tình huống này với người hướng dẫn của bạn.

Tính lâu bền

Dự án sẽ kéo dài cho đến hết chương trình học? Các tổ chức có thể thực hiện những thay đổi về phương hướng và chính sách cực kỳ nhanh chóng. Đề tài bạn chọn có thể lỗi thời bởi những thay đổi trong chiến lược của tổ chức, hình thức sở hữu hay những sự kiện nào đó khác. Hãy cố gắng chọn chủ đề sẽ vẫn còn hợp thời trong thời gian khoảng 1 năm.

Độ rộng của các câu hỏi nghiên cứu

Có đủ “chất liệu” cho đề tài của bạn?

Đôi khi xảy ra tình huống là đề tài quá nhỏ, không đủ để duy trì việc nghiên cứu ở mức độ thạc sĩ. Và cũng đôi khi đề tài lại quá rộng và bạn sẽ thấy mình bơi giữa đại dương mênh mông mà không thấy đâu là bờ bến. Điều quan trong ở đây là cân nhắc xem đề tài đòi hỏi thời gian như thế nào và nguồn tài nguyên (energy) sẵn có để hoàn tất dự án này.

Tính đầy đủ (adequacy) của đề tài

Hãy kiểm tra lại những tiêu chuẩn đánh giá áp dụng cho khóa học của bạn, bởi vì công trình của bạn sẽ được tính điểm dựa vào những tiêu chuẩn này, và tự hỏi bản thân xem liệu đề tài bạn suy nghĩ trong đầu có giúp bạn đáp ứng tốt những tiêu chuẩn này hay không.

Khả năng tiếp cận

Có thể bạn đã có trong đầu một đề tài xuất sắc, nhưng với điều kiện là bạn có thể tiếp cận được với những người mà họ có thể trả lời các câu hỏi nghiên cứu, hay bảng câu hỏi, cuộc phỏng vấn… Nếu không tiếp cận được thì khi đó, dự án nghiên cứu của bạn có thể vẫn chỉ là trong đầu mà thôi. Thậm chí nếu bạn nghĩ là những người này nhìn chung đã đồng ý cho bạn tiếp cận rồi đó, nhưng còn thời gian và nỗ lực cần thiết để theo đuổi việc tiếp cận này thì sao? Có đòi hỏi nhiều hay không? Nếu như công trình nghiên cứu của bạn thực hiện ngay tại tổ chức mà bạn đang làm việc thì vấn đề này có thể không ảnh hưởng lớn lắm. Nhưng nếu bạn cần phải nghiên cứu những tổ chức khác, bạn nên chắc chắn rằng bạn có thể tiếp cận được. Thậm chí là bạn muốn gởi những bảng câu hỏi đến một mẫu (sample) các nhà quản trị, bạn có thể gặp vấn đề làm thế nào để có được danh sách tên và địa chỉ của họ. Danh sách tên và địa chỉ này đôi khi bạn phải trả tiền mới có.

Những vấn đề chính trị ở phạm vi vi mô (micro-politics)

Bất kỳ khi nào bạn nghiên cứu một vấn đề kinh doanh cũng tồn tại nguy cơ là bạn có thể trở thành người ủng hộ các tranh luận quản trị và chính trị xoay xung quanh nó. Điều này càng trở nên quan trọng hơn nếu bạn đang nghiên cứu một đề tài bên trong tổ chức của bạn đang làm việc. Bạn cần phải chắc chắn rằng theo đuổi dự án này sẽ không lôi bạn vô nồi nước chính trị nóng bỏng mà một số người nào đó trong tổ chức có thể gây hại đến bạn. Thỉnh thoảng thì mọi người chọn làm đề tài không liên quan đến nơi họ đang làm việc bởi các vấn đề “nhạy cảm” trong tổ chức của họ (sự thôn tính (takeover) sắp xảy ra, các cuộc chiến trong phòng họp ban giám đốc…). Theo họ thì chúng quá nguy hiểm.

Rủi ro và an toàn

Hãy nhớ lại những tiêu chuẩn đã nêu ở trên, bạn thấy đó, bạn không thể tránh được tất cả các rủi ro. Nếu chọn một đề tài hoàn toàn an toàn, có thể quá nhạt nhẽo khiến bạn hoặc người khác không có tí hứng thú nào đối với các kết quả nghiên cứu. Dò được điểm cân bằng giữa rủi ro và an toàn là điều cần thiết.

Nguồn tài liệu

Đảm bảo rằng có đủ các tài liệu có liên quan (literature) về đề tài bạn đang nghiên cứu, hoặc phạm vi học thuật rộng hơn mà đề tài bạn nằm trong đó. Như thế, giúp bạn có thể thực hiện được việc xem xét tổng quan các tài liệu (literature review[1]). Mà đây không phải là điều gì quá nghiêm trọng khiến bạn phải lo lắng, điều đáng lo lắng ở đây là có quá nhiều tài liệu để bạn đọc.

(*) Colin Fisher (2007), "Researching and writing a dissertation - A guide book for business students", trang 31-33.


[1] Tham khảo thêm tại http://sotaynghiencuu.blogspot.com/2012/06/xem-xet-cac-tai-lieu-co-lien-quan.html