Wednesday, September 14, 2011

John K. Whitmore

Đóng góp của John K. Whitmore cho các nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á

Victor Lieberman 2011, Lê Hải dịch[1]

Tôi vinh hạnh được nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á cùng John Whitmore trên 40 năm, đầu tiên là trợ giảng cho ông ở Đại học Yale và trong 26 năm vừa qua là đồng nghiệp tại Đại học Michigan. Tôi được là người đầu tiên thưởng thức vô số các mối quan tâm nghiên cứu của ông, cả về đề tài lẫn tiến triển, độ nhạy về tư duy, mức quan tâm đến chi tiết minh xác, cách nhìn riêng về khu vực, chưa nói đến khả năng làm việc - một luận đề, ba bộ sách đồng tác giả, thêm ba bộ sách là chủ biên hoặc đồng chủ biên, thêm chừng 50 bài viết các loại. Trong điều kiện hàng chục năm nghiên cứu có thể tóm gọn vào một bài viết ngắn, tiểu luận này sẽ chỉ ra những ảnh hưởng của John vào các nghiên cứu[2] Việt Nam và Đông Nam Á.

Dù rằng, rất nhiều điểm thiếu chuẩn xác trong kiến thức của chúng tôi về nhiều vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam chắc chắn vẫn còn đó và dù rằng các nhà khoa học tương lai có thể coi nghiên cứu của thế hệ chúng tôi là áp đặt, người ta dễ quên rằng hiểu biết khoa học về Việt Nam trước thời thuộc địa giới hạn đến mức nào khi John bắt đầu nghiên cứu của ông vào giữa thập niên 1960. Trong quyển lịch sử được coi là chuẩn mực xuất bản hồi năm 1964 – tác phẩm 807 trang [Lịch sử Đông Nam Á] A History of South-East Asia[3], vỏn vẹn chỉ có 7 trang dành cho Annam và Tonkin từ sớm nhất là 1620 và chừng 21 trang cho giai đoạn 1620-1820. Cơ bản ở đó có chuyện vua chúa, dòng tộc, các cuộc chiến, bổ sung bằng vài báo cáo về các hoạt động của người phương Tây sau 1620. Chúng tôi đã vượt qua được điểm tiếp cận này để nhìn vào các vấn đề rộng hơn của bản địa hóa và tiếp biến văn hóa, thay đổi xã hội và kinh tế, phân chia trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, tư tưởng vùng miền ở miền bắc và miền trung Việt Nam, và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong giai đoạn 1200 đến 1600, rất nhiều là nhờ công của John Whitmore.

Đề án nghiên cứu đầu tiên của ông, nằm trong luận văn tiến sĩ và tiếp tục bằng nhiều bài viết quan trọng, tập trung vào sự phát triển của nhà Lê thời thế kỷ 15, bao gồm các thay đổi về ý thức hệ mà người ta gọi là cuộc cách mạng Tân Khổng giáo. Trong lúc các nhà khoa học trước đó chỉ ngó sơ qua cơ cấu xã hội và phân chia phe phái của thời Lê (1427-1527) và không chú ý gì đến sự đặc biệt về tổ chức hay tư tưởng chính trị của nhà Lê, thì John cảm nhận được rằng chính quyền nhà Lê chính là nơi pha trộn giữa tư tưởng Tiền Khổng giáo, giai đoạn đại Đông Nam Á cùng với Tân Khổng giáo, và quá trình ảnh hưởng Trung Hoa hẹp trong lịch sử Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh (1407-1427) tạo ra nhà Lê được John coi không chỉ đơn giản là một cuộc khởi nghĩa yêu nước như diễn giải của các sử gia Mác-xít hay theo tư tưởng dân tộc, mà như là một phong trào của nông dân, phần nào có biết chữ, chủ yếu là người Việt, tầng lớp lãnh đạo địa phương ở Thanh Hóa trong vùng miền núi phía nam chống lại sự thống trị của một tầng lớp lãnh đạo, nho sinh được giáo dục theo hệ thống Trung Hoa ở đồng bằng sông Hồng, xây dựng sự nghiệp cùng với quân chiếm đóng nhà Minh. Sau khi đánh đuổi nhà Minh thì câu hỏi đặt ra tất nhiên là ai sẽ ảnh hưởng nhiều trong chính quyền, và trong hơn 3 thập niên, phe quân sự Thanh Hóa cùng hậu duệ đã thắng. John chứng minh rằng chỉ sau thay đổi của Lê Thánh Tông vào năm 1460 thì chính sách mới bắt đầu cân bằng hơn. Trong khi tiếp tục dành cho các gia đình quân nhân Thanh Hóa những vị trí cao, đặc biệt trong quân đội, người lãnh đạo mới với cả ý thức về luật nhà Minh lẫn ứng xử tế nhị với giới khoa bảng, đã tạo ra nhiều thay đổi trong tổ chức và chính sách không ngại hướng về các tiêu chuẩn nhà nước của Trung Quốc.

Về mặt hành chính, cuộc cách mạng Tân Khổng giáo bắt đầu thời Lê Thánh Tông đã chuyển lối lãnh đạo cá nhân và địa phương về hướng các kỳ thi làm quan chức định kỳ, hệ thống hành chính thực sự ở trung ương, các tổ chức theo kiểu nhà Minh được chỉnh sửa, và hệ thống sổ thuế ở các tỉnh, cũng như gia tăng đáng kể thông tin bằng văn bản giữa thủ đô và vùng quê, và cuộc cải tổ quân sự kiểu nhà Minh. Về văn hóa, Lê Thánh Tông cũng tăng tốc chuyển đổi từ hệ thống tôn giáo trộn lẫn tục thờ thần, thờ Khổng và thờ Phật tương tự như ở các chế độ khác ở Đông Nam Á - nơi mà nhân vật nam làm lãnh đạo, tức là cơ chế “vua” sẽ phong thần cho các thành hoàng để có lợi cho chính quyền, nhưng không quan tâm gì đến các định chế xã hội – sang thành hệ chính thống Tân Khổng giáo với cơ chế “hoàng đế” cư xử như biểu tượng của đạo đức và chuyển đổi xã hội qua quan hệ gia đình và ảnh hưởng luân lý. Về đối ngoại, nhiều thế kỷ chấp nhận văn hóa láng giềng Ấn Độ nhường chỗ cho quá trình “mọi rợ” phải tiếp nhận các tiêu chuẩn “văn minh”. Trên thực tế thì đó là cuộc tấn công và tách ly láng giềng phía nam của Việt Nam là Chămpa, và việc tăng tốc đầy kịch tính quá trình thuộc địa hóa miền nam. Cũng với cùng tinh thần này chế độ mới mở rộng quyền lực nhanh chóng về phía vùng núi của người Thái ở phía tây. Mặc dù mỗi nơi có khác và duy trì ảnh hưởng mạnh yếu khác nhau, các qui định chính trị và văn hóa, chưa nói đến tham vọng lãnh thổ, dưới triều Lê Thánh Tông đặt ra một mô hình cho các lãnh đạo Việt Nam đem vào thế kỷ 19. Chỉ từ cuối thập niên 1400s chúng ta mới có thể nhắc một cách chắc chắn và rõ ràng về một vùng ảnh hưởng[4] của Khổng giáo Trung Hoa trên phần lục địa Đông Nam Á, phân biệt rõ với khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ và Phật giáo tiểu thừa ở phía tây và nam Việt Nam. Cho nên, nói về tầm quan trọng bản lề của triều Lê mới, thì John là người đầu tiên phát hiện ra.

Nhưng vậy thì Việt Nam bước vào khúc ngoặt ở thế kỷ 15 như thế nào? Quan trọng là trong một giai đoạn ngắn, John khẳng định rằng không phải các phe phái chính trị trong triều hồi thập niên 1460s lẫn vai trò của Lê Thánh Tông có thể giúp giải thích sự chuyển đổi mạnh và chắc chắn như vậy - sự thay đổi mạnh đến nỗi làm suy yếu cơ sở ban đầu của nhà Lê dựa trên lực lượng Thanh Hóa. Sau khi mô tả những chuyển đổi trước đó của nhà Lê, John quyết định nghiên cứu nhà hậu Lý (1009-1225) và nhà Trần (1225-1440) để bóc tách những gì ông đã suy diễn, chính xác như là đã dự đoán, rằng những chuyển đổi nhẹ nhàng nhưng đáng kể trong kinh tế, tri thức và chính trị qua vài thế hệ đã mở đường cho sự thay đổi ban đầu của triều Lê.

Để chuẩn bị cho nghiên cứu này, trong tiểu luận quan trọng vào năm 1986 [Voi thực sự có thể bơi] Elephants Can Actually Swim[5], ông đã dùng các tài liệu Trung Hoa để minh chứng qua một số chi tiết về độ gần của Việt Nam trong thập niên 1200s với thể chế Ấn Độ như các nơi khác trong vùng Đông Nam Á. Về cơ bản ông tạo ra một đường cơ sở để đo độ dịch chuyển của Việt Nam vào năm 1500. Giai đoạn 900-1220 các mối quan hệ gia đình ngay cả trong triều thường là lỏng lẻo và cả hai giới, hơn là phụ hệ. Giáo phái Indra phối hợp giữa Ân giáo và Phật giáo, tương tự như ở Pagan và Angkor, được dùng để kết hợp thần thánh địa phương. Tôn giáo thủ đô thì pha trộn, lẫn lộn, và không có chủ thuyết rõ ràng, còn uống máu ăn thề là nghi lễ man rợ để kết nối. Hệ thống hành chính cỡ như hệ thống chính trị trung ương phân quyền của Pagan và Angkor, thuế má lúc có lúc không; bộ máy hành chính và quá trình đào tạo nói chung là giới hạn; trong khi các thể chế tôn giáo tự trị của Phật giáo được hưởng quyền tự trị cũng giống như các nơi khác trên lục địa trước 1250. Nói một cách khác, dưới thời Lý, bất kể ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc, Việt Nam là một phần của khu vực văn hóa lỏng lẻo pha trộn Phật giáo, Ấn giáo và đạo thờ thần cũng như các quốc gia ở cả vùng lục địa lẫn trên các đảo của Đông Nam Á. Những phát hiện của John cũng được xác nhận trong công trình của Keith Taylor và O.W. Wolters[6].

John cũng phát hiện thấy sự xâm nhập chủ yếu của văn hóa Trung Hoa vào giới tri thức Việt Nam bắt nguồn từ sự gia tăng ngoại thương từ thế kỷ 12 đến 15. Mặc dù nhá Lý, không giống triều đại Pagan và Angkor lúc bấy giờ, dựa vào khu vực cao hơn, trung lưu con sông trong lãnh thổ hơn là phần đất bờ biển, sự gia tăng số thương gia Trung Quốc[7] dưới thời Nam Tống (1127-1276) đã khuyến khích các mối liên kết bờ biển trong khu vực hạ lưu sông Hồng, nơi tuyến đường biển tập trung vào cảng mới ở khu vực Vân Đồn[8]. Tăng ngoại thương đường biển cũng giúp tăng làn sóng thương gia Trung Quốc và tăng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc liên kết với sự phát triển của chính Trung Hoa ở vùng biển đông nam. Trong vai trò hưởng lợi từ ảnh hưởng của văn hóa nho sinh và tài sản biển, nhà Trần (1225-1400) vốn là hậu duệ của những người Trung Quốc nên đã ủng hộ sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong triều và ở thủ đô. Đặc biệt, nhà Trần lần đầu tiên cấp chức vụ cao hơn cho các khoa sinh tốt nghiệp, dùng hệ thống đăng ký nhân khẩu theo kiểu Trung Quốc để tiếp cận nguồn nhân lực làng xã, và áp đặt mô hình Trung Quốc trong truyền ngôi, mà sau này trở thành qui tắc vĩnh viễn. Tuy nhiên nhà Trần cũng tiếp tục chấp nhận các hình thức văn hóa trước đó và giữ nguyên hệ thống chính quyền tướng lãnh hơn là quan lại, nơi những mối quan hệ cá nhân, gia cảnh và phe nhóm vẫn còn mang tính quyết định và các hoàng tử nhà Trần hơn là các quan nho văn vẫn còn kiểm soát hệ thống quyền lực. Nói cách khác, nhà Trần thể hiện một giai đoạn chuyển đổi giữa mô hình chính quyền bản địa hơn là hoàn toàn theo mô hình Trung Hoa.

Cũng như John đã diễn giải, đối trọng về tri thức với những thay đổi xã hội và chính trị đó là sự gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ, bắt đầu từ thập niên 1330s, rời bỏ tư tưởng Phật giáo sang Khổng giáo cổ điển, ví dụ như thể hiện qua học giả Việt Nam Chu Văn An. Sang thế kỷ 14 ảnh hưởng của Khổng giáo càng thêm áp đảo. Lập luận của John cho rằng đây là kết quả trưc tiếp của cuộc khủng hoảng lớn và nhiều mặt trong kinh tế và chính trị khiến đất nước bị Chế Bồng Nga (mà John gọi là “vị vua vĩ đại cuối cùng” của Đông Nam Á thời cổ điển) chiếm đóng từ phía nam, mà cuối cùng đã chuyển hướng nhà Trần, và khiến cho giới nho sinh Việt Nam phải tuyệt vọng tìm phương pháp tái lập ổn định. Từ khủng hoảng này, đầu tiên hiện ra triều đại ngắn ngủi của Hồ Quý Ly, cũng là một hậu duệ Trung Hoa ở bờ biển, muốn ủng hộ một hệ phái đặc biệt của tư tưởng Trung Hoa cổ điển, và sau đó là cuộc chiếm đóng của nhà Minh (1407-1427) nhằm tái lập “chính danh” và đưa “văn minh” vào vùng đất Việt Nam đầy bất ổn. Thông qua hệ thống trường lớp và ủng hộ giáo dục, nhà Minh đã cắm sâu đáng kể ảnh hưởng nho giáo vào Tonkin (Bắc Bộ) và nuôi dưỡng cho hệ thống Tân Khổng giáo hiện đại mà Lê Thánh Tông sau này sẽ đưa vào cuộc cách mạng trong tổ chức chính phủ và văn hóa chính thống. Các diễn biến nhiều mặt này diễn ra trong khoảng từ 1300 đến 1427, hoàn toàn then chốt để hiểu hệ thống Tân Khổng giáo của Lê Thánh Tông, đã được John trình bày trong tập sách quan trọng về Việt Nam [Hồ Quý Ly và triều Minh] Ho Quy Ly, and the Ming (1371-1421) và nhiều bài viết tham dự hội thảo sau này.

Nếu đây là tất cả những gì mà John đã nghiên cứu, thì chúng ta đã vô cùng biết ơn rồi, nhưng trên thực tế ông còn không ngại kể tiếp câu chuyện xã hội và văn hóa sang thế kỷ 16. Quan trọng hơn cả là ông nhìn thế kỷ 16 như cuộc đấu tranh tiếp diễn giữa một bên là tầng lớp nho sĩ ở đồng bằng thể hiện qua nhà Mạc đã thay thế nhà Lê và chiếm Đông Kinh từ 1527-1592, còn bên kia là các lãnh tụ quân sự ít ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc và trấn giữ từ Thanh Hóa đến Nghệ An trên các vùng cao. Trong vai trò kế thừa văn hóa từ nhà Lê, nhà Mạc tiếp tục củng cố bộ luật Tân Khổng giáo, trường học, và các kỳ thi ba năm một. Việc họ thất thế năm 1592 giúp xu hướng chuyên chính võ biền có phần thắng thế, nhưng thế mạnh và uy tín của giới nho sinh giúp luật lệ Tân Khổng giáo tiếp tục được duy trì và ảnh hưởng đáng kể vào cuối thế kỷ 17, cuối thế kỷ 18 và đa phần thế kỷ 19. Ảnh hưởng này tiếp tục gia tăng cả ở phía nam lẫn phía bắc.

Nói ngắn gọn, John đã đặt cuộc cách mạng Tân Khổng giáo trong bối cảnh 4 thế kỷ phát triển chính trị, văn hóa và xã hội. Chắc chắn ông không phải là chuyên gia duy nhất nghiên cứu nhà Trần, gian đoạn đầu của nhà Lê, hay nhà Mạc. Có người nhắc đến ví dụ như là công trình của O.W. Wolters về lịch sử tri thức, hay nghiên cứu của Keith Taylor về nguồn gốc ở thế kỷ 16 của tiến trình Nam tiến của Việt Nam, hoặc các nghiên cứu về kinh tế, chính trị và pháp lý của Li Tana, Esta Ungar và Insun Yu. Nhưng không có gì là nói quá nếu cho rằng những hiểu biết hiện nay của chúng ta về bốn thế kỷ then chốt trong lịch sử Việt Nam, từ 1200 đến 1600, phần nhiều là từ các công trình nghiên cứu không mệt mỏi và đầy thuyết phục của một người: John Whitmore.

Và chừng ấy vẫn chưa hết những công lao của John như đã không mệt mỏi đưa ra cái nhìn toàn phần[9] về lịch sử lâu dài (longue dureé) của Việt Nam trước thời thuộc địa và mối quan hệ với các mô hình trong khu vực. Đặc biệt giá trị với những sinh viên quan tâm đến “bức tranh lớn”, những nghiên cứu này kết nối những sự kiện và qui luật trong giai đoạn 1200-1600 với những gì xảy ra trong giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1620-1802) và chính quyền thống nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19. Trong nhiều trường hợp các nghiên cứu đó cũng đưa ra những so sánh điểm giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á ảnh hưởng Ân Độ, thậm chí cả Triều Tiên. Thể hiện một dải rộng các mối quan tâm khoa học và khả năng trong phương pháp, những góc nhìn toàn phần đó bao gồm cả một nghiên cứu tuyệt vời - chắc chắn là lịch sử tiền tệ hay nhất trong số các tác phẩm đề cập đến Đông Nam Á - về nguồn chảy quốc tế của tiền xu vào và quanh Việt Nam từ thế kỷ 13 đến 18 cùng ảnh hưởng vào xã hội và kinh tế địa phương, hay một công trình khảo sát sự thay đổi của vai trò phụ nữ ở Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ hai, rồi là một phân tích thật khéo léo về bản đồ Việt nam từ giữa thập niên 1400s đến cuối 1800s, và cả một nghiên cứu về vai trò của các thủ đô thứ hai trong lịch sử Việt Nam, cái nhìn toàn phần về thương mại đường biển của Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn 1000 đến 1600, ba khảo sát về ảnh hưởng của giới nho sinh và xu hướng lâu dài về hệ thống hành chính Trung Hoa, và so sánh giữa tổ chức xã hội – bao gồm di sản, giai cấp và di cư - của Việt Nam thời tiền thuộc địa với các phần khác ở Đông Nam Á. Nghiên cứu vừa kể cho thấy độ lỏng và tính nước đôi của Đông Nam Á dần bị khắc chế và chuyển kênh sang hệ thống phụ hệ và gia đình Khổng giáo.

Cuối cùng, mặc dù là sử gia về thời tiền thuộc địa của Việt Nam, John cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của một vài nghiên cứu về di dân người Việt ở Hoa Kỳ, cuộc đấu tranh vươn lên tầng trên của xã hội, các thành công về kinh tế, và viễn kiến trong ngành đại học. Như vậy ông đã đưa Việt Nam học đến thời đương đại.

Nói ngắn gọn, qua nỗ lực không ngừng và tiếp cận sáng giá, John Whitmore đã đặt dấu ấn riêng cho toàn bộ một khu vực sử học. Hơn vậy, ở giữa con đường nghiên cứu đã ở thập niên thứ năm của ông, tôi hạnh phúc nói rằng năng suất lao động của John có vẻ như chỉ có tăng.



[1] GS Victor Lieberman dạy ở khoa sử Đại học Michigan, lấy bằng tiến sĩ năm 1976 ở Đại học London sau thời gian nghiên cứu ở Đại học Yale. Bài gốc có tựa đề John K. Whitmore’s contribution to Vietnamese and Southeast Asian studies, trang 15-19 trong tập sách do Michael Arthur Aung-Thwin và Kenneth R. Hall biên tập, New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia – continuing explorations do hai thế hệ học trò của Whitmore viết để vinh danh ông, Routledge vừa xuất bản năm 2011. Các chú thích trong bản gốc được lược bỏ vì chủ yếu là dẫn đến các tác phẩm thao khảo, cũng như 4 trang mục lục các tác phẩm mà Whitmore đã viết. Độc giả có thể tìm đọc một số bài viết của ông đã được Ngô Bắc đã dịch sang tiếng Việt ở trang http://www.gio-o.com/NgoBac.html. Chú thích trong bài này là của người dịch.

[2] Chữ trong bản gốc là Vietnam studies hay Southeast Asian studies là một ngành học tổng hợp, gọi là Việt Nam Học và Đông Nam Á Học. Tuy nhiên đó là một ngành học liên ngành và lấy hệ thống lý thuyết từ khu vực học – area studies, ngành học khởi nguồn từ Hoa Kỳ mà hiện ở Việt Nam cũng đang bắt đầu phổ biến với ảnh hưởng mạnh từ hệ phái Nhật Bản, như một số sách giáo khoa và bài giảng tiếng Việt trên mạng http://publisher.vnu.edu.vn/home/node/65, http://ocw.tdt.edu.vn/course/view.php?id=271, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/170_viet_studies/page19.shtml. Bài này dịch ở đây cũng như ở tựa đề là “các nghiên cứu” vì muốn làm hiện rõ nghĩa về ảnh hưởng của quan điểm sử học của Whitmore vào các công trình khác sau này.

[3] Theo chú thích của tác giả Victor Lieberman thì D.G.E. Hall dựa chủ yếu vào quyển lịch sử bằng tiếng Pháp của Lê Thành Khôi, Le Viet-Nam: Historie et Civilisation trong Editions de Minuit xuất bản ở Paris năm 1955.

[4] Độc giả muốn hiểu rõ hơn về hình thái Khổng giáo tại Việt Nam có thể đọc bản dịch tiếng Việt do Ngô Bắc thực hiện từ bài luận của John Whitmore trong tạp chí nghiên cứu The Vietnam Forum do ĐH Yale xuất bản năm 1987 (số 9, Winter-Spring, trang 49-65): From Classical Scholarship to Confucian Belief in Vietnam [Từ giáo dục cổ điển thành đạo Khổng tại Việt Nam], bản trên mạng tại địa chỉ: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacJohnKWhitmoreKhongHoc.htm. Gần đây John Whitmore tiếp tục có bài viết về tôn giáo và lễ nghi ở triều chính Đại Việt (Religion and Ritual in the Royal Court of Đại Việt), toàn văn tiếng Anh có thể đọc tại trang nhà của Đại học quốc gia Singapore ở địa chỉ http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps09_128.pdf, trung tâm nghiên cứu châu Á ARI xuất bản năm 2009.

[5] Độc giả quan tâm có thể đọc bản dịch tiếng Việt của Ngô Bắc ở địa chỉ http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacJWhitmore2Elephants.htm

[6] Độc giả quan tâm hơn đến quan điểm này có thể đọc bài viết của Keith Taylor trong hội thảo vinh danh GS Wolters về giai đoạn Lý Phật Mã (1028-1054) và Lý Nhật Tôn (1054-1072) http://www.gio-o.com/NgoBacKWTaylorSuKyToanThu.htm. Ngô Bắc cũng dịch khá nhiều bài của Wolters trên trang này.

[7] Bài phân tích kỹ hơn về mối quan hệ giữa thương gia Trung Quốc và nho sĩ Việt Nam được đăng trên tạp chí Hoa kiều năm 2010 http://csds.anu.edu.au/volume_4_2010/05-3_Whitmore_2010.pdf

[8] Bài viết quan trọng về đề tài này của John K. Whitmore cũng đã được Ngô Bắc dịch sang tiếng Việt, lưu trữ trên mạng ở địa chỉ http://www.gio-o.com/NgoBacJohnWhitmoreBien1.htm

[9] Sinh viên ngành sử thường tham khảo niên biểu do Whitmore biên soạn ở địa chỉ mạng http://afe.easia.columbia.edu/main_pop/kpct/ct_vietnam.htm, hay bài khái quát trên tạp chí đặc biệt The Vietnam Forum http://www.yale.edu/seas/VF8.pdf. Độc giả quan tâm muốn tìm các bài viết hay sách tiếng Anh trên mạng về lịch sử Việt Nam chỉ cần đánh tên John K. Whitmore hoặc cụm từ John Whitmore Vietnam là sẽ google ra vô số công trình nghiên cứu mớI nhất vì hầu hết đều trích dẫn hoặc đi theo con đường của John K. Whitmore.

Tuesday, September 13, 2011

A study of local knowledge in U Minh Thuong area of the Mekong estuary

Bài đăng ký dự hội thảo quốc tế ĐNÁ học tại Salaya, Thái Lan 1-2.XII.2011, tóm tắt từ luận văn TS do GS Ngô Đức Thịnh hướng dẫn.

Local knowledge is promoted by World Bank as a useful lever for development in a Southeast Asian country like Vietnam. My PhD thesis looks at folklore knowledge in the U Minh Thượng area or a part of the Mekong estuary in an attempt to understand how that specific environment shaped the culture of the Vietnamese migrants since the 18th century and how that memory is exploited in local life in the 21th century. The historical knowledge is embedded in oral comedy, rituals and material culture and has not been seen as the Knowledge defined by colonisation, modernisation and official education. But it has successfully maintained life and development in this difficult area for the last 300 years. That valuable memory should be recorded into Knowledge and reflected in policy-making, urbanisation or alteration of landscape, as well as agricultural development and demographic processes.


TÌM HIỂU TRI THỨC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT VÙNG U MINH QUA CÁCH ỨNG XỬ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN

TRONG ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT

- TS. Nguyễn Diệp Mai -

U Minh là vùng đất rừng trầm thủy nằm ở vị trí Tây Nam - Việt Nam có lịch sử văn hóa - dân cư - dân tộc đặc thù mang dấu ấn của vùng đất trẻ được khai mở sau cùng của Việt Nam. Tri thức dân gian (TTDG) của người Việt vùng U Minh là một bộ phận của văn hóa dân gian(1) (VHDG) chủ yếu là sự hiểu biết về môi trường tự nhiên và cách thức ứng dụng kinh nghiệm đó vào đời sống thực tế. Kinh nghiệm được đúc kết, trao truyền và vận dụng như thế nào để có thể phục vụ cho nhu cầu ăn - ở - mặc - đi lại và tồn tại ở vùng đất U Minh. Mục tiêu của bài viết là góp một phần nhỏ để giới thiệu với bạn đọc quan tâm tìm hiểu kho tàng tri thức của người dân vùng U Minh.

1. Môi trường sống đặc biệt làm biến đổi thái độ ứng xử với tự nhiên của người Việt vùng U Minh

Trong tiến trình khai thác vùng đất Nam Bộ, người Việt đã mang theo văn hóa truyền thống vùng châu thổ sông Hồng của mình đến vùng đất mới. Cảnh quan và điều kiện MTTN ở vùng đất mới tác động mạnh mẽ đến hoạt động sống của họ. Để tồn tại được, họ phải thích ứng và tìm ra phương thức ứng xử phù hợp với môi trường sống mới ấy. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên tồn tại gắn bó hữu cơ trong một thể thống nhất, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, tốt và xấu trong suốt quá trình vận động và phát triển.

“U Minh, Rạch Giá thị hóa sơn trường

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”

(Ca dao)

Xét về bối cảnh là cộng đồng dân cư vùng U Minh hình thành trên một vùng đất xuất phát từ MTTN hoang dã – cảnh quan nguyên thủy, dần trở thành cảnh quan có hoạt động của con người - cảnh quan văn hóa. Người dân nơi đây chủ động thiết lập mối quan hệ với MTTN thông qua việc khám phá, khai thác và biến đổi để thích ứng. Tư duy đó được hình thành từ thời điểm đầu tiên lưu dân đặt chân lên vùng đất hoang dã và sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên đến khi họ tích lũy được vốn tri thức đủ để khai thác tài nguyên thiên nhiên (TNTN) phục vụ cho đời sống vật chất (ĐSVC) của mình. Kinh nghiệm để tồn tại và phát triển của thế hệ lưu dân đầu tiên tích lũy được bảo tồn, lưu truyền cho các thế hệ nối tiếp và được xem là kho tàng tri thức của người dân địa phương.

Vùng đất U Minh chằng chịt sông nước, rừng rậm, đồng trũng…đã tạo thành sắc thái văn hóa sông nước rất đặc thù và sắc thái này thể hiện rất rõ trong cách ứng xử với MTTN của họ. Để có thể sinh sống, tồn tại và phát triển trong MTTN khác biệt như vùng U Minh, lưu dân người Việt phải làm mọi cách để đáp ứng được bốn nhu cầu cơ bản: ăn - ở - mặc – đi lại. Muốn làm được điều này họ cần phải khám phá, thích ứng với thiên nhiên, khai thác TNTN. Trong suốt quá trình đó họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vận dụng vào hoạt động đời sống hàng ngày. Từ hiểu biết về bản thân con người, họ đã vận dụng vào điều kiện tự nhiên của môi trường sống mới để bản đảm cho cơ thể có thể thích ứng và phát triển khỏe mạnh. Đối với vùng Nam Bộ nói chung và U Minh nói riêng, do điều kiện là vùng đất mới được khai mở từ MTTN hoang dã nên con người cần liên kết với nhau để cùng tồn tại. Chính vì vậy, song song với quá trình khai thác, cộng đồng người sinh sống trong MTTN đó hình thành mối quan hệ xã hội nhằm quản lý nhau để cùng khai thác, hưởng lợi và bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên. Trong việc khai thác TNTN ở vùng U Minh mối quan hệ ứng xử với tự nhiên và cách thức quản lý cộng đồng thể hiện rất rõ. Những hoạt động đó chính là những giá trị văn hóa do con người sáng tạo và đó cũng chính là nguồn gốc hình thành nên kho tàng TTDG của người Việt vùng U Minh. Vì vậy có thể xem ứng xử với MTTN ở vùng U Minh là hình thức biểu hiện giá trị văn hóa được người Việt tích lũy lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nếp sống của họ.

Trong suốt quá trình khám phá và chinh phục, người dân nơi đây vẫn phải chịu sự tác động ngược chiều của thiên nhiên, hứng chịu tác hại do hành động khai thác quá mức nguồn TNTN, cố tình thay đổi qui trình vận động và phát triển của tự nhiên. Đó chính là sự tương tác không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên mà trong đó con người luôn đóng vai trò chủ động. Kinh nghiệm về môi trường sống được tích lũy trong suốt thời gian hơn 300 năm định cư tại vùng đất U Minh dài đã được ứng dụng vào hoạt động cụ thể trong đời sống vật chất. Trong quá trình đó tri thức và tính cách của người Việt vùng U Minh được hình thành. Đó chính là sản phẩm văn hóa do người Việt sáng tạo ra trên nền tảng văn hóa truyền thống của mình ở vùng đất mới.

2. Quá trình hình thành hệ thống tri thức dân gian của người Việt ở vùng U Minh

Cộng đồng dân cư trên vùng đất U Minh được hình thành qua một quá trình cộng cư đấu tranh với thiên nhiên lâu dài để tồn tại: “Trong sách Le Royaume du Cambodge của J.Moura (xuất bản Pari 1883) đã khái quát đặc tính của cư dân sống ở vùng đất mới: “Lưu dân Việt Nam tha phương cầu thực đến đâu cũng giữ tình máu mủ đồng bào, quần tụ, tương trợ lẫn nhau, sống thành làng mạc” [42, tr.111]. Vấn đề dân tộc bao giờ cũng là vấn đề xã hội vừa phức tạp vừa phong phú. Người Việt, người Hoa(1), người Khmer và người Mã Lai(2), khi thì ở lẫn lộn với nhau, khi thì ở riêng biệt. Do chính sách cai trị của nhà Nguyễn với phần đất mới này cũng còn lỏng lẻo, không gò bó vào khuôn khổ nhất định để cho mọi thành phần tự do phát triển nên hầu như ít có sự đối kháng về văn hóa cũng như lợi ích xã hội giữa 3 dân tộc. Quá trình hình thành hệ thống dân cư ở vùng U Minh cũng là quá trình cùng chinh phục thiên nhiên để tồn tại. Họ phải trả giá cho sự nhận thức về thiên nhiên của mình bằng chính cuộc sống của họ. Vì vậy, mặc dù còn xa lạ với hoàn cảnh tự nhiên nhưng lưu dân người Việt sớm hòa nhập, định hình cuộc sống, phải "phá sơn lâm, đâm hà bá". Muốn tồn tại ở đây họ phải đoàn kết tương trợ lẫn nhau, kết hợp với người Khmer và Hoa cộng cư để tồn tại và phát triển. Trong quá trình từ lúc đặt chân đến khai phá và cư trú trên vùng đất này cả người Việt, người Khmer và người Hoa đều “học hỏi” lẫn nhau để sáng tạo ra cách thức thích ứng với vùng đất U Minh. Qua các nguồn tài liệu cho thấy không có sự phân biệt “độc quyền” về nghề nghiệp, hoạt động sinh hoạt tinh thần riêng biệt của từng dân tộc trên vùng đất U Minh. Sự hòa đồng về văn hóa thể hiện rất rõ.

Nhu cầu ăn để tồn tại chủ yếu là kinh nghiệm khai thác nguồn thực phẩm tự nhiên, cách thức chế biến các món ăn, sự thích ứng với điều kiện tự nhiên để tạo ra cái ăn và mối quan hệ cộng đồng qua việc ăn uống. Trải qua nhiều thế hệ người Việt vùng U Minh đúc kết thành kinh nghiệm trong việc làm sao để tạo ra được cái ăn theo nhu cầu mà vẫn phù hợp với điều kiện môi trường sống. Tri thức đó ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày cụ thể trong từng món ăn, từng gia đình, từng cụm dân cư tạo thành nét riêng trong văn hóa ăn uống của một vùng. Việc tạo ra cái ăn đã minh chứng rõ ràng nhất về cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Ẩm thực vùng U Minh là một phần của kho tàng TTDG.

Tính thích ứng với MTTN của trang phục, tính thẩm mỹ về trang phục và sự tiếp nhận cái mới trong cách mặc chính là nhu cầu mặc của người dân địa phương. Mặc là nhu cầu dễ tiếp nhận cái mới, dễ biến đổi nhất so với các nhu cầu vật chất khác. Do tính cách phóng khoáng, ưa tiện dụng, không thích kiểu cách nên nhu cầu mặc ở vùng U Minh tương đối đơn giản, không bức thiết như các nhu cầu vật chất khác. Cách mặc của người Việt vùng U Minh cơ bản giống người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ nhưng đã được cải biên phần lớn từ kiểu trang phục 4 mùa thành loại trang phục mùa hè duy nhất và nhanh chóng biến đổi theo thị hiếu thời đại. Nguyên vật liệu để tạo ra trang phục hầu như không sản xuất ở vùng U Minh nên vấn đề tìm nguyên vật liệu để tạo trang phục ít được quan tâm.

Ở như thế nào, ở nơi đâu, kiến trúc nhà ra sao để thích ứng được với MTTN của nơi cư trú và khai thác tài nguyên phục vụ cho việc tạo dựng nơi ở chính là vấn đề cơ bản của nhu cầu ở. Xét ở góc độ địa lý tự nhiên, vùng U Minh từ thế kỷ XVII – XIX, trải rộng gần như bao trùm cả Tây Nam Bộ cùng với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt đã tạo nên một sắc thái kiến trúc nhà ở mang đặc thù của sông nước nhiều hơn yếu tố đồng bằng. Hoạt động khai thác TNTN để phục vụ cho nhu cầu xây cất nhà cửa là vấn đề liên quan mật thiết đến việc làm biến đổi hệ sinh thái của vùng U Minh. Khai thác thế nào, ở đâu, lúc nào và bảo vệ nguồn lợi này ra sao là kho tàng tri thức được tích lũy đúc kết qua nhiều thế hệ. Và việc vận dụng tri thức đó trong đời sống thực tế có ảnh hưởng to lớn đến môi trường sống hiện nay.

Đi lại vùng U Minh chủ yếu là đường thủy nên việc hiểu biết đặc điểm địa hình của mạng lưới sông nước để tạo ra phương tiện đi lại, vận dụng và sáng tạo các phương thức di chuyển thích nghi với địa hình là vấn đề cốt lõi của nhu cầu đi lại. Lưu dân đến vùng U Minh đã sớm biết vận dụng và sáng tạo những loại phương tiện phù hợp với địa hình để phục vụ ĐSVC. Nhiều loại hình ghe, xuồng mới được họ tiếp tục cải biên, sáng chế từ việc tiếp nhận sản phẩm mới của khoa học kỹ thuật hiện đại đặc biệt như chiếc xuồng ba lá và chiếc vỏ tắc ráng.

Trong quá trình lịch sử hình thành dân cư - dân tộc tại vùng U Minh, người Việt đã tạo dựng kho tàng TTDG riêng cho mình để lưu truyền phục vụ cho chính cuộc sống của mình. Kho tàng tri thức đó được xây dựng trên cơ sở giải quyết 3 mối quan hệ:

- Giữa vốn tri thức truyền thống mang theo trong tiềm thức với MTTN và điều kiện xã hội trên vùng đất mới.

- Giữa vốn tri thức mang đặc thù văn hóa tộc người Việt với vốn tri thức mang đặc thù văn hóa của 2 tộc người Khmer, Hoa cùng cộng cư.

- Giữa tri thức truyền thống tại địa phương với tri thức hiện đại.

Như người Việt trên các vùng Nam bộ khác, người Việt vùng U Minh giai đoạn đầu sống dựa vào nguồn lợi thiên nhiên nhưng không phụ thuộc hoàn toàn. Họ khai thác tài nguyên và ứng xử với MTTN ở vị thế là người có đủ tri thức để sống hòa đồng cùng thiên nhiên và khai thác nguồn tài nguyên để tồn tại và phát triển. Họ sử dụng hiểu biết của mình về thiên nhiên để tìm ra những điều kiện thuận lợi hoặc tác động vào MTTN theo hướng có lợi cho mình. Vốn hiểu biết của họ được đúc kết và trả giá bằng mồ hôi, xương máu, sức lao động của nhiều thế hệ, qua mỗi thế hệ nó được ứng dụng và biến đổi theo nhận thức và khả năng của người tiếp nhận. Vốn hiểu biết đó luôn hàm chứa tính thực dụng, giản tiện theo lối tư duy cư dân nông nghiệp pha trộn sắc thái sông nước phóng khoáng.

Hệ thống TTDG về ứng xử với MTTN của người Việt vùng U Minh chủ yếu hình thành trên bốn lĩnh vực cơ bản của ĐSVC là ăn - mặc - ở - đi lại (chủ yếu là đường thủy). Vốn tri thức ở mỗi phần đều có một quá trình từ khi cảnh quan vùng U Minh còn hoang dã cho đến khi được khai phá trở thành cụm dân cư có đủ điều kiện sống hiện đại như ngày nay. Giá trị của TTDG của người Việt vùng U Minh trong cuộc sống luôn song hành với thiên nhiên, tính tích cực và tiêu cực của việc ứng dụng tri thức đó biểu hiện rất rõ trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Có những phần tri thức trong mỗi lĩnh vực biến đổi khác nhau và liều lượng tiếp nhận tri thức hiện đại khác nhau. Có những phần biến đổi hoàn toàn về bản chất, cũng có những phần lại hầu như không biến đổi, lại có những phần hiện nay hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của cộng đồng dân cư. Sự biến đổi này phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện môi trường sống của họ. Theo số liệu thống kê Vùng U Minh từ thế kỷ XVII – XIX, trãi rộng gần như bao trùm cả Tây Nam bộ, đến những năm 1930 chiếm hơn 30% diện tích toàn vùng bán đảo Cà Mau và rừng tràm hiện nay chỉ còn 1,45%. Toàn bộ đất rừng được khai hoang đã trở thành đất nông nghiệp, xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng này là nguyên nhân chính tạo nên sự biến đổi của về bản chất của hệ thống TTDG vùng U Minh.

3. Từ khái niệm “tri thức dân gian” đến tri thức dân gian của người Việt vùng U Minh

Theo thống kê có rất nhiều khái niệm về đối tượng là “sự hiểu biết của người dân địa phương về nơi sinh sống” được các nhà nghiên cứu văn hóa xem như là “tri thức dân gian”, “kiến thức bản địa”, “kiến thức dân gian” hay “kiến thức truyền thống”… và được sử dụng với nghĩa tương đồng. Theo các nhà nghiên cứu TTDG là hệ thống của sự hiểu biết được giới hạn trong phạm vi của 1 cộng đồng trên 1 địa bàn cư trú nhất định. Khái niệm về “tri thức dân gian” của GS.TS Ngô Đức Thịnh [33, tr.2] và của World Bank (Ngân hàng Thế Giới)(1) có những điểm tương đồng như: có tính địa phương, tính truyền thống, tính bản địa ở một khu vực cụ thể; là hoạt động văn hóa có bối cảnh cụ thể; tri thức không chính thức, được truyền miệng, không ghi lại dưới dạng tài liệu văn bản; có tính biến đổi và thích nghi, liên quan mật thiết với sự sống còn và tồn tại của nhiều cộng đồng người trên thế giới; có chính thể luận về bản chất.

Để giúp cho hướng nghiên cứu, giới hạn phạm vi và làm sáng rõ ý nghĩa của khái niệm để từ đó chọn ra yếu tố thích hợp có thể dùng cách so sánh từng cặp khái niệm như: tri thức dân gian – tri thức bác học (tri thức chuyên nghiệp); tri thức địa phương – tri thức phổ thông (tri thức mang tính chung); tri thức bản địa (tri thức người đến trước) – tri thức phương Tây (tri thức người đến sau hay tri thức hiện đại gắn với xã hội công nghiệp [41, tr.15]); tri thức truyền thống – tri thức hiện đại (kiến thức khoa học).

Người địa phương ở đây được hiểu rộng hơn là những người dân đang sinh sống và chịu sự tác động của MTTN, xã hội tại địa phương đó. Bởi do hình thức trao truyền là truyền khẩu nên hệ thống tri thức không được thống nhất, bài bản và chứng minh thực nghiệm như hệ thống tri thức khoa học hiện đại. Ngoài ra bởi do người sáng tạo và làm chủ hệ thống TTDG là người dân địa phương, ít được tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại nên thay đổi về bản chất không nhiều. Tôi xin được chọn cách gọi chung là “tri thức dân gian” để chỉ đối tượng nghiên cứu là “sự hiểu biết của người dân địa phương về nơi sinh sống” vì về ngữ nghĩa khái niệm đã khái quát được tổng thể của bản chất vấn đề nghiên cứu.

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền đã nhận xét: “Nam bộ là vùng đất mới, với lịch sử hơn 300 năm trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Các tộc người đang sinh sống ở đây như Việt, Hoa, Chăm, Khơme v.v…, đều không phải là cư dân bản địa, nghĩa là tổ tiên họ từng ở một vùng đất khác” [15, tr.28]. Chính vì điều kiện lịch sử hình thành dân cư khác biệt đã tạo nên những điểm khác nhau về đặc trưng văn hóa giữa người Việt đồng bằng Bắc bộ và người Việt vùng đồng bằng Nam bộ. Sự khác biệt đó được hình từ 2 yếu tố cơ bản: tác động của cảnh quan môi trường sống mới, cộng đồng dân cư mới hình thành mang tính đa văn hóa. Là một bộ phận người Việt đồng bằng Nam bộ, người Việt vùng U Minh có những đặc tính chung và cũng có những đặc điểm riêng do chịu tác động của môi trường sinh thái nơi sinh sống. Kho tàng TTDG về MTTN của người Việt vùng U Minh thể hiện rất rõ nét qua việc ăn - ở - mặc - đi lại và khai thác TNTN. Tuy vậy, nếu xét về góc độ người chủ của nguồn tri thức thì có thể nhận thấy rất rõ người địa phương không phải là người bản địa vì vậy “tính bản địa” không hiện diện ở vùng đất mới này. Tuy vậy, việc tiếp nhận tri thức mới để biến đổi vốn tri thức cũ, đưa ra những phương thức sáng tạo mới cũng không mấy khó khăn đối với họ. Điều này khi áp dụng vào nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa của cộng đồng Việt vùng U Minh phù hợp cả về mặt nguyên bản và quá trình biến đổi bởi lẽ họ không phải là dân “bản địa” mà là “lưu dân”. TTDG của người Việt nơi đây được kết hợp hài hòa giữa những gì thuộc về văn hóa truyền thống, tri thức của dân tộc cộng cư khác (Khmer, Hoa) và quan trọng nhất là “chuyển đổi” phương thức thực hiện để phù hợp với MTTN.

Sự hiểu biết được biến đổi và ứng dụng một cách linh hoạt để mang lại hiệu quả thực tế nhất phục vụ cho ĐSVC với bốn yếu tố ăn - mặc - ở - đi lại là những phần cơ bản nhất. Tất cả những hoạt động của con người trước tiên đều nhằm thỏa mãn nhu cầu ĐSVC tiếp theo mới đến thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Những hoạt động này chính là thái độ ứng xử với MTTN, thể hiện mối quan hệ 2 chiều giữa chủ thể sáng tạo – con người và khách thể thụ động – thiên nhiên. Mối quan hệ này biểu hiện trình độ hiểu biết và khả năng khai thác thiên nhiên của con người. Con người đứng trên thế giới quan của chủ thể đủ khả năng hiểu biết về thiên nhiên mà đưa ra thái độ ứng xử với MTTN. Dù cho có khả năng đến đâu con người vẫn không thể tách mình ra khỏi MTTN và phải chịu sự tác động ngược chiều từ thiên nhiên do cách ứng xử của mình. Mối quan hệ này bao hàm tất cả giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra cả về vật chất và tinh thần. Từ những dẫn chứng trên và qua quá trình nghiên cứu tại thực địa, có thể tạm đưa ra kết luận: “Tri thức dân gian của người Việt vùng UM là tổng thể về sự hiểu biết của người dân sinh sống trên địa bàn (không mang tính bản địa) về tự nhiên, xã hội và bản thân mang tính trao truyền qua truyền khẩu. Sự hiểu biết này luôn vận động biến đổi theo quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội và được vận dụng phục vụ lại cho đời sống vật chất của người dân”.

Từ việc ứng xử với MTTN trong các hoạt động ĐSVC của cộng đồng sẽ giúp nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa nền tảng hình thành hệ thống giá trị TTDG về việc ăn - mặc -- đi lại trong đó chứa đựng tri thức về khai thác TNTN để phục vụ cho những nhu cầu này. Quá trình khám phá, khai thác và sử dụng TNTN là quá trình sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm tạo thành kho tàng tri thức chung và trao truyền cho thế hệ kế thừa của con người. Kho tàng TTDG của người Việt vùng U Minh cũng nằm trong qui luật chung này.

TẠM KẾT

Trong quá trình Nam tiến, hơn 300 năm khai hoang khẩn đất xây dựng vùng mới lưu dân người Việt đã vận dụng biến đổi vốn tri thức truyền thống của mình để có thể thích nghi và tồn tại trong môi trường sống đặc biệt của vùng đất rừng trầm thủy U Minh. Với bản tính linh hoạt, tư duy thực tế trong việc ứng phó với thiên nhiên, người Việt nơi đây đã kết hợp vốn tri thức của mình và tận dụng những tri thức “có lợi” của hai dân tộc cộng cư Khmer và Hoa để xây dựng thành kho tàng tri thức riêng. Hệ thống tri thức dân gian đó được hình thành trên bốn lĩnh vực cơ bản của ĐSVC của con người là ăn – mặc - ở - đi lại. Tài nguyên thiên nhiên của vùng U Minh đã bị khai thác đến mức cạn kiệt, song song đó là quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi nhanh chóng đời sống văn hóa xã hội truyền thống nơi đây. Sự thay đổi này chính là nguyên nhân cơ bản làm cho kho tàng TTDG của người Việt vùng U Minh về ứng xử với MTTN đang dần mai một./.

PHỤ LỤC

Vài nét về tình hình nghiên cứu TTDG của vùng U Minh

Một số sử liệu, tài liệu, công trình nghiên cứu vùng U Minh đã thu thập được chủ yếu viết về lịch sử hình thành dân cư - dân tộc, địa lý, khí hậu thủy văn, tài nguyên động thực vật, nếp sống, tín ngưỡng... Trước năm 1945, một số học giả của triều Nguyễn và thời Pháp thuộc đã đề cập đến vùng đất Kiên Giang (trấn Hà Tiên xưa) như: Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, Đại Nam thực lục chánh biên, Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Hà Tiên hiệp trấn - Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh, Hà Tiên 1900 của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Những ngày đầu ở Nam kỳ của Béneir P.Vi-an… Đặc biệt sách Đại Nam nhất thống chí có riêng một phần về trấn Hà Tiên. Đây là những sử liệu rất có giá trị nhưng thông tin chỉ khái lược về đất nước, con người và văn hóa của vùng U Minh.

Từ năm 1945 – 1975, có một số sách nghiên cứu viết về vùng đất Nam bộ trong đó có phần viết về Hà Tiên xưa như: Vịnh Thái Lan của Sơn Hồng Đức, Người Việt gốc Miên, Sử liệu Phù Nam của Lê Hương, một số tài liệu về hành chính bằng tiếng Pháp bản dịch của Thư Viện tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên địa phương chí (1974) của Trần Thiêm Trung, Văn học Hà Tiên của Đông Hồ và Hà Tiên địa phương chí năm 1965, 1967, 1968, 1972... có phần nói về Kiên Giang và vùng U Minh. Nội dung của những sách và tài liệu này cũng chỉ khái quát chung về đặc điểm địa lý, dân cư, dân tộc hoặc một mảng về văn hóa, văn học... của cộng đồng dân cư tỉnh Hà Tiên, Rạch Giá trong đó vùng U Minh được nhắc đến nhưng chỉ ở mức độ khái quát.

Từ năm 1975 đến nay, một số tài liệu có phần nói về vùng Tây Nam bộ như Văn hóa dân gian Nam bộ, những phát thảo của Nguyễn Phương Thảo, Nam bộ xưa và nay của nhiều tác giả, Mục Hà Tiên - Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, Tìm hiểu Kiên Giang của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Kiên Giang, U Minh dấu ấn và cảm thức, Rừng U Minh kỳ vĩ của Phan Thanh Nhàn, Hồi ký Sơn Nam của Sơn Nam, Động vật hoang dã U Minh của Anh Động, Ứng xử văn hóa trong khai thác MTTN ở Cà Mau luận văn cao học của Vưu Nghị Lực, Ẩm thực người Việt vùng U Minh luận văn cao học của Nguyễn Diệp Mai... Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu, bài viết của một số tác giả người Kiên Giang về VHDG của Kiên Giang và vùng U Minh nhưng cũng chỉ khiêm tốn ở một vài khía cạnh đơn lẻ về ẩm thực, ở, mặc, khai thác tài nguyên, tín ngưỡng...

Ở một số công trình nghiên cứu về môi trường sinh thái dạng tổng hợp cung cấp thông tin giúp nhận diện được một số đặc điểm về địa lý, môi trường tự nhiên (MTTN) bước đầu giúp hình dung được diện mạo về vùng đất U Minh. Những số liệu thống kê so sánh cho thấy địa giới ban đầu được ghi nhận của rừng U Minh thay đổi nhanh chóng, cùng với sự khai hoang với tốc độ nhanh trong gần 1 thế kỷ đã làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Từ những thay đổi MTTN đã hình thành và làm thay đổi cách thức sinh hoạt, tư duy và mô hình cộng đồng dân cư trên vùng đất U Minh. Những thông tin này sẽ giúp giải thích tương đối chính xác về những dạng địa hình tự nhiên đặc thù của vùng U Minh, giúp ích trong việc tìm hiểu về cách thức, phương tiện sinh hoạt của người dân địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Kiên Giang (1986), Tìm hiểu Kiên Giang.

2. CARE (Đan Mạch -1998), Dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn khu bảo tồn U Minh Thượng, Kiên Giang.

3. Nguyễn Đình Đầu (1999), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp Nam kỳ lục tỉnh, Nxb Trẻ, in lần 2.

4. Lê Quí Đôn (1997), Phủ Biên tạp lục, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học Xã hội.

5. Sơn Hồng Đức (1973), Vịnh Thái Lan, Nxb Trăm Hoa miol, Miền Tây, Sài Gòn.

6. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Nha Văn hóa Sài Gòn, tập hạ.

7. Trần Hồng Hạnh, Tri thức địa phương – sự tiếp cận lý thuyết, tạp chí Dân tộc học số 1 – 2005

8. Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam bộ, Nxb Trẻ.

9. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Đồng Nai (1997), Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa các dân tộc ở Đông Nam bộ, Nxb Khoa học Xã hội, 1997, tr.28

10. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2001), Một thế kỷ sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, Nxb Văn hóa Thông tin

11. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam – Trường Đại học Cần Thơ (2004), Tìm hiểu đặc trưng di sản VHDG Nam bộ, Nxb Khoa học Xã hội

12. Lê Hương (1974), Sử liệu Phù Nam, Nxb Nguyên Nhiêu, Sài Gòn.

13. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Tp.HCM.

14. Vưu Nghị Lực (1997), Ứng xử văn hóa trong khai thác môi trường thiên nhiên ở Cà Mau, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, luận văn thạc sĩ 1997

15. Nguyễn Diệp Mai, Ẩm thực người Việt vùng U Minh, Viện Nghiên cứu VHDG, luận án cao học 2005

16. Sơn Nam (1993), Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa, Nxb Tp.HCM.

17. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, Nxb Trí Đăng, Sài gòn

18. Sơn Nam (1992), Văn minh miệt vườn, Nxb Văn Hóa.

19. Sơn Nam (1994), Lịch sử khai khẩn đất hoang miền Nam, Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh.

20. Phan Thanh Nhàn (1994), Rừng U Minh kỳ vĩ, Nxb Mũi Cà Mau.

21. Phan Thanh Nhàn, U Minh dấu ấn và cảm thức, Hội Văn nghệ Kiên Giang 1993.

22. Nhiều tác giả (2000), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tái bản lần thứ 3.

23. Nhiều tác giả (2005), Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

24. Paulin Vial (1874), Những năm đầu Nam Kỳ thuộc Pháp (Les premières anneés de la Cochinchine colnie Francaise), tập I, II, III, Challamel, Paris, bản tiếng bản dịch tiếng Việt tại Kho lưu trữ Thư viện tỉnh Kiên Giang.

25. Nguyễn Phương Thảo (1997), Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

26. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

27. Ngô Đức Thịnh (1986), “Truyền thống ăn uống Việt Nam với dưỡng sinh và trị bệnh”, Tạp chí Văn hóa dân gian, (7).

28. Ngô Đức Thịnh (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

29. Ngô Đức Thịnh (2002), “Tri thức bản địa và văn hóa dân tộc”, Hội thảo Sử dụng kiến thức bản địa trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng cao tại Hà Nội, (6).

30. Ngô Đức Thịnh (2004), “Thế giới quan bản địa”, Tạp chí Văn hóa dân gian, (5).

31. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh.

32. Ngô Đức Thịnh (2007), Bàn thêm về “tri thức địa phương”, tập tài liệu Chuyên san Nhân học đương đại, Hội Dân tộc học Việt Nam, (4).

33. Ngô Đức Thịnh (1997) – Local Knowledge and Development. “Integration of Endgenous Cultural Dimention into Development”, Vol.N2, New Delhi

34. Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan chủ biên (2005), Kolklore một số thuật ngữ đương đại, Đoàn Đức Lưu – Lê Thị Thanh Hương – Hoàng Thị Anh Thư biên dịch, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

35. Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan chủ biên (2005), Folklore thế giới và một số công trình nghiên cứu cơ bản, Phạm Lan Hương - Đỗ Trọng Quang – Vũ Thị Thanh Hương – Đoàn Đức Lưu - Hồ Hải Thuỵ - Lê Thị Lệ Thanh – Hoàng Thị Anh Thư - Ngạc Quỳnh Mai - Đỗ Gia Huy biên dịch, Viện Nghiên cứu văn hóa - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

36. Nguyễn Văn Thức (2000), Mấy vấn đề về bản sắc văn hoá dân tộc, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

37. Trần Thiêm Trung (1974), Hà Tiên địa phương chí, Nha Văn hoá, Sài Gòn.

38. Quốc sử quán triều Nguyễn (1972) - Quốc triều chánh biên toát yếu, Nxb Khoa học Xã hội.

39. Quốc sử giám triều Nguyễn (1969), Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Khoa học Xã hội.

40. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang (2000), Tài liệu điều tra nguồn tài nguyên vùng rừng U Minh Thượng năm 2000, Bản đánh máy.

41. Sở Thủy sản Kiên Giang (2000), Thủy sản Kiên Giang, in tại Xí nghiệp in Hồ Văn Tẩu.

42. Sở Văn hóa Thông tin – Thể thao Kiên Giang (1997), Kỷ yếu hội thảo Di tích lịch sử căn cứ địa Cách mạng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang.

43. Tòa hành chánh Kiên Giang (1970) - Địa phương chí - 1970.

44. Hoàng Xuân Tý (1998), Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

45. Viện Nghiên cứu văn hóa (2003, 2004, 2005, 2006, 2007), Thông báo văn hóa dân gian 2004, Thông báo văn hóa dân gian 2005, Thông báo văn hóa dân gian 2006, Thông báo văn hóa dân gian 2007, Thông báo văn hóa dân gian 2008, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

46. Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh (1982), Một số vấn đề về đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

47. Viện Văn hoá Dân gian (1990), Văn hoá dân gian những phương pháp nghiên cứu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

48. Viện Viễn Đông Bác Cổ, Hà Tiên 1900, bản in thạch lưu trữ tại Thư Viện tỉnh Kiên Giang.

49. Viện Viễn Đông Bác cổ (1929), Địa phương chí Hà Tiên, bản in thạch lưu trữ tại Thư Viện tỉnh Kiên Giang.

50. Trần Quốc Vượng chủ biên (2006), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

51. Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.

II. Tài liệu tiếng nước ngoài

1. Agrawal,A (1995a), Dismantling the divide between indigenous and scientific knowledge. Development and Change 26: 413-39 (Xoá bỏ sự phân cách giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học. Phát triển và Chuyển đổi) – (1995b), Indigenous and scientific knowledge: Soan critical comment. Indigenous Knowledge and Development Monitor 3 (3):3-6 (Tri thức bản địa và trí thức khoa học: Một số bình luận phê phán. Tri thức bản địa và Giám sát phát triển).

2. Atte,O (1992), Indigenous local knowledge as a key to local level development: Possibilities, contraints, and planning issues. Ames: Iowa State Unversity (Tri thức địa phương bản địa là chìa khoá cho sự phát triển ở cấp địa phương: những triển vọng, hạn chế và vấn đề lập kế hoạch).

3. J. Bouault (1927), Géographie de L’Indochine Tonkin – Annam – Cochinchine – Combodge & Laos, Imprimerie d’extrème – orient – Ha Noi – Hai Phong Éditeur.

4. Stephen B.Brush and Doreen Stabinsky (1996), Valuing Knowledge, Indigenous People and Intellectual Property Rights, Island Press.

5. Crichley, W., C.Reij, and T.J. Willcocks (1994), Indigenous soiland water conservation: A review of the state of knowledge and prospects for building on tradition. Land Degradation and rehabitilation 5:293-314 (Bảo tồn đất và nước bản địa: Đánh giá thực trạng của tri thức và những triển vọng để đặt niềm tin vào truyền thống: Suy thoái và phục hồi đất).

6. Ellen,R.F and H.Harris (1997), Indigenous enviromental knowledge in scientific and development literature: A critical assessment. Canterbury: University of Kent at Canterbury (Tri thức môi trường bản địa trong tài liệu khoa học và phát triển: Đánh giá phê phán).

7. Howes.M (1980), “The use of indigenous technical knowledge in development” in Indigenous knowledge systems and development. Edited by D.Brokensha, D.M.Warren and O.Werner, pp.323-34. Lanham: University Press of American (“Sử dụng kỹ thuật bản địa trong phát triển” trong Các hệ thống tri thức bản địa và phát triển).

8. Metrick,H (1993), Mobilizing indiginous knowledge: Development-oriented research in agriculture. The Hague: ICRA (Phát huy tri thức bản địa: Nghiên cứu theo định hướng phát triển trong nông nghiệp).

9. Ngô Đức Thịnh (1997), Local Knowledge and Development. “Integation ò Endgenous Cultural Dimention into Development”, Vol.N2, New Delhi.

10. Warren, D.Michael and K.Casman (1988), Indigenous knowledge for sustainable agriculture ang rural development. Sustainable Agriculture Programme, International Institute for Evironment and Development, Gatekeeper Series SA 10 (Tri thức bản địa phục vụ phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững).

11. www.worldbank.org/afr/ik/index.htm

12. www.vcn.bc.ca/citizens-handbook/unesco/most/bpindi.html#definition

13. http://blog.timnhanh.com/tourism063u/comment/ao-dai-va-cac-trang-phuc-truyen-thong-viet-nam.35AFC968.html

14. http://blog.timnhanh.com/tourism063u/comment/ao-dai-va-cac-trang-phuc-truyen-thong-viet-nam.35AFC968.html

15. http://www.dunglac.org/upload/article/f__1183129482.htm, Nước, văn hoá và hội nhập, Trần Ngọc Thêm.

1 – Xin xem thông tin ở phần phụ lục

1 – Chủ yếu là người Trung Hoa đến từ Phước Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu.

2 - Tên gọi chung cho những người thuộc chủng tộc Mã Lai Đa Đảo theo cách gọi của người dân địa phương.

1 - Website của World Bank, xem www.worldbank.org/afr/ik/index.htm

Thursday, September 1, 2011

An Giang va Dia Danh hoc

Địa danh An Giang

Hứa Kim Oanh, ĐH Sư Phạm tp.HCM (8/2011)


Địa danh vùng đất An Giang có từ khi nào và thay đổi bao nhiêu lần qua thời gian? Những ai người An Giang có bao nhiêu người biết đến, những ai từng đến An Giang có khi nào hỏi đến? Tên gọi nào cũng có gốc tích của nó và tên gọi vùng đất An Giang này có nhiều điều đáng nói đến.


Với tên gọi ban đầu có gốc từ tiếng Khmer – Tầm Phong Long, trước khi thuộc về Việt đây là vùng đất của nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tầm Phong Long, theo giải thích của Vương Hồng Sển, âm/Tầm Phong Long/xuất phát từ "Kompong Luông” của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua. Theo giải thích này thì đây là vùng đất của vua Chân Lạp, vùng đất của vua vì nơi đây khá rộng lớn, địa thế tốt và khá hiểm yếu.


Vùng đất Tầm Phong Long thuộc về Việt năm 1757 do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất trả ơn cho việc được chúa Nguyễn giúp đỡ khi đất nước Chân Lạp nổi lên các cuộc biến loạn. Cai cơ Nguyễn Cư Trinh vâng lệnh Chúa tiếp nhận đất này và chia vùng đất này thành 3 đạo : đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đặt đạo Tân Châu ở xứ cù lao Diến (hay cù lao Giêng) trên Tiền Giang, đặt đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc trên Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp, chặn giữ những nơi yếu hại ở địa đầu.


Vùng đất Tầm Phong Long rộng lớn trước kia được chia cắt là cơ sở định hình cho 3 tỉnh Tây Nam Kỳ của Nam Kỳ lục tỉnh.


Địa danh ban đầu là đạo Châu Đốc, tên gọi Châu Đốc có trước vì thế đến ngày nay nhiều người quen thuộc tên Châu Đốc hơn An Giang. Vậy nếu ai nói biết Châu Đốc mà không biết An Giang thì cũng không phải chuyện gì đáng kể lắm.


Đạo Châu Đốc được đổi tên thành Châu Đốc Tân Cương năm 1808 để thấy tầm quan trọng của vùng đất này, nơi biên cương mới của nhà Nguyễn.


Tên gọi vùng đất này được thay đổi lần nữa, địa danh An Giang chính thức ra đời năm 1832, do vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh. Tỉnh An Giang trong Nam Kỳ Lục tỉnh khá rộng lớn, phía bắc từ thượng nguồn sông Tiền cho đến phía nam sông cái biển Đông (bao gồm tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay), phía tây giáp phủ Nam Vang (trước là Cao Miên nay là Campuchia) từ cửa sông Tiền đến sông Hậu và tiếp giáp sông Cái Bồn (Kiên Giang).


Tên gọi An Giang có thể giải nghĩa là dòng sông an lành, để định cư lâu dài khi mà vua Minh Mạng thực hiện chính sách di dân khẩn hoang lập làng, khuyến khích các cư dân vào vùng đất này khai phá.


Sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp thay đổi địa giới hành chính, năm 1899, Nam kỳ từ 6 tỉnh tách thành 19 tỉnh. Tỉnh An Giang được tách thành 5 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Địa danh An Giang không còn trên bản đồ, 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc là định hình cho tỉnh An Giang ngày nay.


Sau Cách mạng tháng 8/1945, hình thành Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, bên cạnh tên gọi theo địa giới hành chính của Pháp thì nơi này có tên gọi mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, phân chia theo sông Tiền và sông Hậu.


Trong 2 năm 1950 – 1951, tên gọi Long Châu Tiền và Long Châu Hậu lại đổi tên thành Long Châu Hà (sáp nhập Long Châu Hậu và Hà Tiên) và Long Châu Sa (sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền).


Từ năm 1945 đến 1954, có 2 cách phân chia địa giới và đặt địa danh cho vùng đất này, một theo Pháp, một theo Ủy ban kháng chiến. Người dân thuộc khu vực kháng chiến thì quen thuộc với Long Châu Tiền (hoặc Long Châu Hà), Long Châu Hậu (hoặc Long Châu Sa), có khi họ nhầm lẫn tên gọi mới và cũ. Người dân thuộc khu vực của Pháp vẫn dung tên gọi tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Đến nay thì tên gọi Long Châu Tiền hoặc Long Châu Hà rất ít người nhớ đến, có khi nghe đến thấy là lạ.


Dưới thời chính quyền Sài Gòn, năm 1956, tên gọi An Giang được sử dụng lại, tỉnh An Giang bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc (theo địa giới của Pháp đến 1954). Sau đó, từ năm 1964 đến năm 1975, tách thành tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang.


Theo Xứ ủy Nam kỳ, năm 1954, lập lại tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thay tỉnh Long Châu Hà và tỉnh Long Châu Sa. Đến năm 1957, hợp nhất tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Sau đó lại tách ra vào năm 1971, tỉnh An Giang tách thành tỉnh An Giang và tỉnh Châu Hà (địa giới Châu Đốc). Đến 1974, lần nữa bỏ địa danh An Giang quay lại với địa danh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Sự thay đổi địa danh này làm cho sự phân chia ranh giới khá phức tạp.


Đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, tên gọi An Giang được chính thức sử dụng lại cho đến ngày nay, địa giới An Giang ngày nay cũng được hình thành, bao gồm Long Xuyên và Châu Đốc.


Như vậy, địa danh An Giang được đặt tên cho vùng đất này từ năm 1832, trở thành 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ, vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an lành, vì thế qua nhiều lần tách nhập địa giới và thay đổi tên gọi nhưng cuối cùng An Giang vẫn là tên gọi được gắn liền đến ngày nay. Có lẽ địa danh phản ánh đúng thực cuộc sống an bình của cư dân trên những dòng sông.


Địa danh học

Fellmann et al. 1998, Lê Hải dịch[1]

Toponyms là địa danh, tức là ngôn ngữ đặt trên đất, cũng là bản ghi của các cư dân trong quá khứ, những người duy trì các tên gọi đó, có lúc thay đổi hay làm sai đi, như là các nhắc nhở về sự tồn tại và qua đi của họ. Toponomy, tạm dịch là địa danh học, là ngành nghiên cứu tên gọi của các nơi chốn, một khu vực quan tâm đặc biệt của ngành địa lý ngôn ngữ. Đây cũng là phương tiện thường dùng trong ngành địa lý lịch sử và văn hóa, khi địa danh trở thành một phần của cảnh quan văn hóa (cultural landscape) tiếp tục tồn tại lâu dài sau khi những người đặt ra tên gọi đó đã biến mất khỏi hiện trường.

Ví dụ, ở Anh các địa danh có đuôi là -chetster như Manchester và Winchester biến chuyển từ gốc chữ tiếng Latinh castra, tức là khu trại. Đuôi gốc Anglo-Saxon cho các khu dân cư bộ lạc hay dòng họ thường là –ing (người hay gia đình) hoặc –ham (xã hoặc có thể là trảng cỏ) như Birmingham và Gillingham. Các cư dân đến từ Scandinavia hay Đan Mạch đóng góp thêm các phần đuôi như -thwaitc(trảng cỏ), -fell (đồi hoang) và -beck (vũng, ao). Dân Celtic, sống ở châu Âu từ trước thời La Mã cả 1000 năm cũng để lại các tên bộ lạc bị biến dạng trên các vùng đất và khu dân cư mà những sắc dân đến sau thừa hưởng. Dân Ả-rập tràn xuống Bắc Phi và chéo lên Iberia cũng để lại dấu ấn trong các địa danh ghi lại lịch sử chinh phục và kiểm soát. Cairo có nghĩa là “chiến thắng”, Sudan là “đất của những người da đen”, Sahara là “hoang mạc”. Các địa danh Tây Ban Nha có chứa biến thể của “mạch nước” trong tiếng Ả-rập là wadi như Guadalajara và Guadalquivir.

Bên Tân thế giới, không chỉ có một mà nhiều sắc dân khác nhau đặt tên cho các vùng đất và khu dân cư. Khi đặt tên họ nhớ đến nhà cũ và quê nhà, vinh danh hoàng gia và các anh hung của họ, mượn tên và gọi sai tên do đối thủ đặt, theo trào lưu, trích dẫn Kinh Thánh, nhận và thay đổi các tên của thổ dân da đỏ. Quê nhà xuất hiện trong New England, New France, hay New Holland. Thị trấn cũ được biến thành Boston, New Bern, New Rochelle, và Cardiff (từ Anh, Thụy Sĩ, Pháp và xứ Wales). Hoàng gia được nhắc đến ví dụ như là Virginia cho nữ hoàng đồng trinh Elizabeth, Carolina cho một vua Anh, Georgia cho một vua Anh khác, và Louisiana cho vua Pháp. Washington, D.C., Jackson, Mississippi và Michigan, rồi Austin, Texas và LinHoa

coln, Illinois để tưởng nhớ các vị anh hung và lãnh đạo. Tên do người Hà Lan đặt ở New York bị đa số là người Anh biến tướng, từ Breukelyn, Vlissingen và Haarlem thành Brooklyn, Flushing và Harlem. Các tên tiếng Pháp cũng bị biến tướng tương tự hay dịch sang, còn tên tiếng Tây Ban Nha cũng được tiếp nhận, biến đổi, hay như sau này là đưa vào các hệ đôi như là Hermosa Beach. Tên các bộ lạc da đỏ như Yenrish, Maha và Kansa bị thay đổi, đầu tiên qua tiếng Pháp và sau đó là tiếng Anh, thành Erie, Omaha và Kansas. Rồi trào lưu ‘Tái cổ điển’ cho ra những cái tên như Troy, Athens, Roma và Sparta. Bethlehem, Ephrata, Nazareth và Salem đến từ Kinh Thánh. Tên cũng được tiếp nhận và chuyển đi cùng với các nhóm di dân sang phía Tây Hoa Kỳ.

Bất kể là ngôn ngữ nào, địa danh thường gồm 2 phần là generic (mang tính phân loại) và specific (mang tính riêng biệt). Big River (Sông Cái/Lớn) trong tiếng Anh có phiên bản Rio Grande trong tiếng Tây Ban Nha, Mississippi trong tiếng Algonquin và Ta Ho trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trật tự giữa phân loại và riêng biệt có thể thay đổi tùy theo mỗi loại ngôn ngữ và cho chỉ dấu về nhóm đầu tiên đã tạo ra địa danh đó. Trong tiếng Anh phần riêng biệt thường đi trước, như là Hudson River, Bunker Hill, Long Island. Còn ở Hoa Kỳ người ta có River Rouge hay Isle Royale, cũng như các bằng chứng về khu dân cư Pháp - người Pháp đã lật ngược thứ tự. Một số tên mang tính phân loại cũng có thể được dùng để lần dấu vết của các nhóm phương ngữ phía đông. Dân cư từ các nhóm ngôn ngữ phía Bắc thường có thói quen đặt tên cho một cộng đồng rồi sau đó gọi các láng giềng bằng cùng tên đó được thêm phương hướng, ví dụ như Lansing và East Lansing. Người ta tìm thấy Brook trong khu định cư New England, run từ phương ngữ Midland, còn bayou và branch là từ khu vực phía nam.

Thực dân châu Âu và các thế hệ sau đặt địa danh theo một cảnh quan thực địa vốn đã được người bản xứ gọi từ trước. Các tên này có lúc được thu nhận, nhưng thường bị cắt ngắn, thay đổi hoặc chắc chắn là phát âm sai. Vùng đất rộng lớn mà những ngườI da đỏ gọi là Mesconsing tức là con song dài được Lewis và Clark ghi thành Quisconsing, và sau đó biến đổi tiếp thành Wisconsin. Milwaukee và Winnipeg, Potomac và nigara, tên của 27 trong số 50 bang của Hoa Kỳ, và nhận dạng hiện nay của hàng ngàn địa danh Bắc Mỹ, lớn lẫn bé, có nguồn gốc từ các ngôn ngữ bản địa ở Hoa Kỳ.

Trong vùng lãnh thổ tây bắc của Canada, địa danh theo cách gọi của thổ dân da đỏ và người Eskimo (Inuit) đang xuất hiện trở lại. Thị trấn Frobisher Bay được trở về thành Iqaluit (chỗ của cá) trong tiếng Eskimo, Resolute Bay trở về Kaujuitok (nơi mặt trời không bao giờ mọc) trong tiếng Inuktitut, ngôn ngữ chung của người Eskimo ở Canada, còn Jean Marie River thành Tthedzehk’edeli (sông chảy trên đất sét) như tên Slavey trước đó. Các tên này và những thay đổi tên chính thức khác thể hiện quyết định của Hội đồng điều hành khu rằng ý nguyện của cộng đồng sẽ là tiêu chuẩn cho tất cả các địa danh, bất kể phiên bản châu Âu là như thế nào.

Quyết định này cũng công nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ như là mối liên hệ mang tính thống nhất mạnh trong phức hợp văn hóa của con người. Ngôn ngữ có thể làm bằng chứng cơ bản về sắc tộc và biểu tượng bảo vệ tích cực cho lịch sử và tính riêng biệt của một nhóm xã hội riêng rẽ. Người Mỹ gốc Tây Ban Nha đòi quyền thông tin bằng ngôn ngữ riêng và cuộc nội chiến của người Basques về cơ bản cũng là đòi quyền riêng về ngôn ngữ. Các bang của Ấn Độ được điều chỉnh cho phù hợp với ranh giới ngôn ngữ, và Giáo hội công giáo dân tộc Ba Lan được lập ra ở Mỹ chứ không phải ở Ba Lan để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan trong một môi trường xa lạ.

[1] Từ giáo trình nhập môn Địa lý nhân văn (Human Geography: Landscapes of human activities) của các tác giả Jerome Donald Fellmann, Arthur Getis và Judith Getis, NXB Surendra Kumar tái bản lần thứ 5, 1998, đề mục Địa danh học (Language on the Landscape: Toponymy), trang 154-155.

http://books.google.com/books?id=90o_I8cf74YC&pg=PA154&lpg=PA154&dq=toponymy+human+geography&source=bl&ots=_JwQe-REJc&sig=taX0odPATbd2TIzHA0YaHCsMF4Y&hl=en&ei=bO4hTu3oHoOIhQfJ4NiFAw&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=2&ved=0CCIQ6AEwAQ#v=onepage&q=toponymy%20human%20geography&f=true