Saturday, January 7, 2012

The Four Feathers

Tính cách Anh qua tiểu thuyết The Four Feathers
Việt Thanh

Để hiểu văn hóa Anh mà cụ thể là chủ nghĩa anh hùng cá nhân, chúng ta có thể tìm đọc các tác phẩm văn học, bởi đó chính là những sản phẩm phản ánh đời sống văn hóa của con người. Nền văn học Anh có nhiều tác phẩm thể hiện đề tài này và một trong nhiều tác phẩm đó - phản ánh hiện thực anh hùng của người Anh - là tiểu thuyết The Four Feathers (Tạm dịch là Bốn cọng lông gà hay thoát nghĩa hơn là Kẻ hèn nhát) của nhà văn A.E.W Mason, được xuất bản năm 1902 và nhân vật Harry Feversham trong tác phẩm là hình tượng biểu trưng rõ nét khi xem xét phẩm chất anh hùng. Tác phẩm là nguồn cảm hứng lớn cho các đạo diễn điện ảnh trong nhiều năm qua; từ năm 1915 đến nay có bảy lần tác phẩm được dựng thành phim.

The Four Feathers là tiểu thuyết của A.E.W Mason (1865-1948) được xuất bản vào năm 1902. Nội dung kể về một người lính tên là Harry Feversham từ chối nhận nhiệm vụ lên đường đến Sudan, Ai Cập, trong bối cảnh xã hội nước Anh vào thời năm 1882. Harry không chịu nhập ngũ nên ba người bạn đã tặng cho anh ba chiếc hộp, mỗi hộp có chứa một chiếc lông gà màu trắng - biểu tượng cho sự hèn nhát. Đau đớn hơn cho Harry bởi chiếc lông màu trắng thứ tư lại đến từ Ethne, người yêu của Harry. Ngoài ra, cha của Harry cũng từ bỏ anh vì ông không chấp nhận một người con hèn nhát. Để lấy lại danh dự cho mình và tìm lại sự kính trọng từ mọi người, Harry đã bí mật sang Sudan, Ai Cập và tìm cách trà trộn vào bên quân địch để cứu những người bạn của mình và giúp quân đội Anh. Cuối cùng Harry trở về trong niềm vui chiến thắng, được mọi người ca ngợi và tìm lại được chính tình yêu của mình.

Xét đến phẩm chất anh hùng của Harry, đặt trong bối cảnh xã hội thời đó với những quan niệm, những tập quán, truyền thống và với vai trò vị trí của một người lính, việc Harry Feversham từ chối quân lệnh ra trận chiến trường là một hành động bị xem là hèn nhát, bị xã hội lên án, ruồng bỏ. Kế cả những người thân yêu nhất cũng không thể vượt qua được những định kiến xã hội đó. Tuy nhiên, có phải Harry Feversham từ chối không ra chiến trường là vì sợ, vì lợi ích riêng của mình hay Harry cho rằng điều đó không đáng để mình phải làm, phải quan tâm, phải hy sinh trong khi đó tài năng, tình yêu và tương lai tươi sáng của Harry trong quân đội đang ngày càng thăng tiến? Trong bối cảnh xã hội đó, việc dám từ chối một giá trị đã được khẳng định có phải là hành động hèn nhát?

Những người lính Anh thời đó gần như họ không đặt câu hỏi hành động chiến đấu của họ là vì cái gì. Vì đất nước, vì Nữ hoàng hay một giá trị nào đó? Họ không nghi ngờ về điều gì cả, chỉ biết khi có mệnh lệnh là họ sẵn sàng lên đường, và họ tự hào về điều đó. Ngược lại với Harry, anh đã không thể không nghĩ, anh đã nghi ngờ về một điều gì đó. Hẳn là sự mâu thuẫn trong nội tâm của Harry đã diễn ra sâu sắc và anh đã đưa ra quyết định. Thế một hành động dám vượt qua tất cả những định kiến của thời cuộc có phải là hành động hèn nhát? Có lẽ đây còn đang là đề tài tiếp tục được tranh cãi, bàn luận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thế nhưng xét trên bình diện chung, những đặc trưng của một anh hùng, của văn hóa anh hùng, phẩm chất anh hùng vẫn cho chúng ta khẳng định được đó là hành động anh hùng. Vì hành động đó, không phải xuất phát từ những gì mang tính ngẫu nhiên mà nó là quá trình đấu tranh tư tưởng, là sự nhận thức thời cuộc và năng lực bản thân của con người.

Điều này càng thể hiện rõ hơn trong những diễn biến của câu chuyện. Harry bị xã hội lên án, bị bạn bè dèm pha và người yêu, người thân từ bỏ. Không được ai chia s cùng mình những suy nghĩ nội tâm, cuối cùng Harry quyết định chứng minh rằng sự hèn nhát không có trong con người của anh, theo cách riêng của anh, đáp trả lại tất cả định kiến xã hội đối với anh. Và Harry đã làm được điều đó. Chiến thắng tất cả, quay về trong ánh hào quang chiến thắng của một người anh hùng. Những giá trị phẩm chất anh hùng đã thể hiện đan xen qua nhiều cung bậc tình cảm khác nhau của Harry. Từ tình yêu, tình bạn cho đến nghĩa vụ với đất nước, với quân đội và với con người. Rõ ràng giá trị văn hóa đó chỉ chứa đựng ở những con người có phẩm chất anh hùng và những giá trị đó cũng có thể gọi là những giá trị văn hóa anh hùng.

Vậy phẩm chất anh hùng của Harry có được từ đâu? Những điều kiện xã hội nào đã hình thành nên phẩm chất anh hùng của Harry? Điều đầu tiên có thể thấy đó là hoàn cảnh gia đình của Harry, xuất thân từ một gia đình có truyền thống trong quân đội, có bố là tướng và bản thân Harry cũng là một quân nhân, chịu sự chi phối của những quy định có tính nguyên tắc, lễ nghi, khuôn phép nên ít nhiều các giá trị truyền thống và những quân lệnh đó đã tác động đến cách suy nghĩ và hành động của Harry, mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán, linh hoạt... Ngoài ra, trong một hoàn cảnh xã hội mà lòng yêu nước, nghĩa vụ với đất nước, với chế độ được tôn thờ cũng là điều kiện hình thành nên những con người với những phẩm chất đáng quý nhất định, được xã hội đánh giá cao. Và phẩm chất đó càng lại có cơ hội được thể hiện hơn khi những giá trị tiền đề của nó tồn tại trong những người lính, những người được trang bị những kỹ năng nhất định như kỹ năng về cuộc sống, về xã hội, về khoa học kỹ thuật, hay kỹ năng chiến đấu, kỹ năng tồn tại .v.v. Chính hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội và kỹ năng của bản thân đã hình thành nên phẩm chất anh hùng của Harry.

Tuy nhiên, thật là thiếu sót nếu bỏ qua chi tiết lúc đầu của câu chuyện, bỏ qua chi tiết Harry từ chối quân lệnh lên đường ra trận. Trên thực tế, lý do từ chối nhiệm vụ đã không được giải thích rõ trong tác phẩm, ngay cả những tác phẩm điện ảnh (phần nhiều là của Anh sản xuất, có 03 lần do Mỹ sản xuất, nhưng Mỹ cũng là một nước có nhiều đặc điểm nguồn gốc văn hóa xuất phát từ Anh) phản ánh lại cũng không thể diễn tả đầy đủ được lý do Harry từ chối. Điều này đem lại cảm giác cho người viết bài này thấy rằng, phẩm chất anh hùng của Harry và cũng có thể nói của người Anh được phản ánh trong tính thực dụng của họ. Và cũng có thể nói thực dụng chính là văn hóa của người Anh, tức là văn hóa thực dụng. Kể cả tác giả cho đến nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện đầy đủ nét văn hóa này. Bởi tác giả đã không thể diễn tả đầy đủ được lý do hay cố tình không muốn diễn tả và có lẽ văn hóa thực dụng là nguyên nhân. Từ nét văn hóa này, có thể Manson nghĩ rằng hành động và không hành động là quyền của mỗi người, trên cơ sở tự ý thức của họ. Ngay từ lúc đầu, cảm giác sợ chiếm phần lớn trong suy nghĩ của Harry, sợ mất người yêu, sợ bị thương, chết… và lý do lên đường là để lấy lại danh dự của Harry, tất cả đều thể hiện tính thực dụng. Như vậy, văn hóa thực dụng chính là nét tiêu biểu nhất và phẩm chất anh hùng của Harry đã được biểu hiện trong cái không gian văn hóa thực dụng ấy, trong tính cách thực dụng ấy của người Anh.

No comments:

Post a Comment