Saturday, January 7, 2012

The Four Feathers

Tính cách Anh qua tiểu thuyết The Four Feathers
Việt Thanh

Để hiểu văn hóa Anh mà cụ thể là chủ nghĩa anh hùng cá nhân, chúng ta có thể tìm đọc các tác phẩm văn học, bởi đó chính là những sản phẩm phản ánh đời sống văn hóa của con người. Nền văn học Anh có nhiều tác phẩm thể hiện đề tài này và một trong nhiều tác phẩm đó - phản ánh hiện thực anh hùng của người Anh - là tiểu thuyết The Four Feathers (Tạm dịch là Bốn cọng lông gà hay thoát nghĩa hơn là Kẻ hèn nhát) của nhà văn A.E.W Mason, được xuất bản năm 1902 và nhân vật Harry Feversham trong tác phẩm là hình tượng biểu trưng rõ nét khi xem xét phẩm chất anh hùng. Tác phẩm là nguồn cảm hứng lớn cho các đạo diễn điện ảnh trong nhiều năm qua; từ năm 1915 đến nay có bảy lần tác phẩm được dựng thành phim.

The Four Feathers là tiểu thuyết của A.E.W Mason (1865-1948) được xuất bản vào năm 1902. Nội dung kể về một người lính tên là Harry Feversham từ chối nhận nhiệm vụ lên đường đến Sudan, Ai Cập, trong bối cảnh xã hội nước Anh vào thời năm 1882. Harry không chịu nhập ngũ nên ba người bạn đã tặng cho anh ba chiếc hộp, mỗi hộp có chứa một chiếc lông gà màu trắng - biểu tượng cho sự hèn nhát. Đau đớn hơn cho Harry bởi chiếc lông màu trắng thứ tư lại đến từ Ethne, người yêu của Harry. Ngoài ra, cha của Harry cũng từ bỏ anh vì ông không chấp nhận một người con hèn nhát. Để lấy lại danh dự cho mình và tìm lại sự kính trọng từ mọi người, Harry đã bí mật sang Sudan, Ai Cập và tìm cách trà trộn vào bên quân địch để cứu những người bạn của mình và giúp quân đội Anh. Cuối cùng Harry trở về trong niềm vui chiến thắng, được mọi người ca ngợi và tìm lại được chính tình yêu của mình.

Xét đến phẩm chất anh hùng của Harry, đặt trong bối cảnh xã hội thời đó với những quan niệm, những tập quán, truyền thống và với vai trò vị trí của một người lính, việc Harry Feversham từ chối quân lệnh ra trận chiến trường là một hành động bị xem là hèn nhát, bị xã hội lên án, ruồng bỏ. Kế cả những người thân yêu nhất cũng không thể vượt qua được những định kiến xã hội đó. Tuy nhiên, có phải Harry Feversham từ chối không ra chiến trường là vì sợ, vì lợi ích riêng của mình hay Harry cho rằng điều đó không đáng để mình phải làm, phải quan tâm, phải hy sinh trong khi đó tài năng, tình yêu và tương lai tươi sáng của Harry trong quân đội đang ngày càng thăng tiến? Trong bối cảnh xã hội đó, việc dám từ chối một giá trị đã được khẳng định có phải là hành động hèn nhát?

Những người lính Anh thời đó gần như họ không đặt câu hỏi hành động chiến đấu của họ là vì cái gì. Vì đất nước, vì Nữ hoàng hay một giá trị nào đó? Họ không nghi ngờ về điều gì cả, chỉ biết khi có mệnh lệnh là họ sẵn sàng lên đường, và họ tự hào về điều đó. Ngược lại với Harry, anh đã không thể không nghĩ, anh đã nghi ngờ về một điều gì đó. Hẳn là sự mâu thuẫn trong nội tâm của Harry đã diễn ra sâu sắc và anh đã đưa ra quyết định. Thế một hành động dám vượt qua tất cả những định kiến của thời cuộc có phải là hành động hèn nhát? Có lẽ đây còn đang là đề tài tiếp tục được tranh cãi, bàn luận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thế nhưng xét trên bình diện chung, những đặc trưng của một anh hùng, của văn hóa anh hùng, phẩm chất anh hùng vẫn cho chúng ta khẳng định được đó là hành động anh hùng. Vì hành động đó, không phải xuất phát từ những gì mang tính ngẫu nhiên mà nó là quá trình đấu tranh tư tưởng, là sự nhận thức thời cuộc và năng lực bản thân của con người.

Điều này càng thể hiện rõ hơn trong những diễn biến của câu chuyện. Harry bị xã hội lên án, bị bạn bè dèm pha và người yêu, người thân từ bỏ. Không được ai chia s cùng mình những suy nghĩ nội tâm, cuối cùng Harry quyết định chứng minh rằng sự hèn nhát không có trong con người của anh, theo cách riêng của anh, đáp trả lại tất cả định kiến xã hội đối với anh. Và Harry đã làm được điều đó. Chiến thắng tất cả, quay về trong ánh hào quang chiến thắng của một người anh hùng. Những giá trị phẩm chất anh hùng đã thể hiện đan xen qua nhiều cung bậc tình cảm khác nhau của Harry. Từ tình yêu, tình bạn cho đến nghĩa vụ với đất nước, với quân đội và với con người. Rõ ràng giá trị văn hóa đó chỉ chứa đựng ở những con người có phẩm chất anh hùng và những giá trị đó cũng có thể gọi là những giá trị văn hóa anh hùng.

Vậy phẩm chất anh hùng của Harry có được từ đâu? Những điều kiện xã hội nào đã hình thành nên phẩm chất anh hùng của Harry? Điều đầu tiên có thể thấy đó là hoàn cảnh gia đình của Harry, xuất thân từ một gia đình có truyền thống trong quân đội, có bố là tướng và bản thân Harry cũng là một quân nhân, chịu sự chi phối của những quy định có tính nguyên tắc, lễ nghi, khuôn phép nên ít nhiều các giá trị truyền thống và những quân lệnh đó đã tác động đến cách suy nghĩ và hành động của Harry, mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán, linh hoạt... Ngoài ra, trong một hoàn cảnh xã hội mà lòng yêu nước, nghĩa vụ với đất nước, với chế độ được tôn thờ cũng là điều kiện hình thành nên những con người với những phẩm chất đáng quý nhất định, được xã hội đánh giá cao. Và phẩm chất đó càng lại có cơ hội được thể hiện hơn khi những giá trị tiền đề của nó tồn tại trong những người lính, những người được trang bị những kỹ năng nhất định như kỹ năng về cuộc sống, về xã hội, về khoa học kỹ thuật, hay kỹ năng chiến đấu, kỹ năng tồn tại .v.v. Chính hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội và kỹ năng của bản thân đã hình thành nên phẩm chất anh hùng của Harry.

Tuy nhiên, thật là thiếu sót nếu bỏ qua chi tiết lúc đầu của câu chuyện, bỏ qua chi tiết Harry từ chối quân lệnh lên đường ra trận. Trên thực tế, lý do từ chối nhiệm vụ đã không được giải thích rõ trong tác phẩm, ngay cả những tác phẩm điện ảnh (phần nhiều là của Anh sản xuất, có 03 lần do Mỹ sản xuất, nhưng Mỹ cũng là một nước có nhiều đặc điểm nguồn gốc văn hóa xuất phát từ Anh) phản ánh lại cũng không thể diễn tả đầy đủ được lý do Harry từ chối. Điều này đem lại cảm giác cho người viết bài này thấy rằng, phẩm chất anh hùng của Harry và cũng có thể nói của người Anh được phản ánh trong tính thực dụng của họ. Và cũng có thể nói thực dụng chính là văn hóa của người Anh, tức là văn hóa thực dụng. Kể cả tác giả cho đến nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện đầy đủ nét văn hóa này. Bởi tác giả đã không thể diễn tả đầy đủ được lý do hay cố tình không muốn diễn tả và có lẽ văn hóa thực dụng là nguyên nhân. Từ nét văn hóa này, có thể Manson nghĩ rằng hành động và không hành động là quyền của mỗi người, trên cơ sở tự ý thức của họ. Ngay từ lúc đầu, cảm giác sợ chiếm phần lớn trong suy nghĩ của Harry, sợ mất người yêu, sợ bị thương, chết… và lý do lên đường là để lấy lại danh dự của Harry, tất cả đều thể hiện tính thực dụng. Như vậy, văn hóa thực dụng chính là nét tiêu biểu nhất và phẩm chất anh hùng của Harry đã được biểu hiện trong cái không gian văn hóa thực dụng ấy, trong tính cách thực dụng ấy của người Anh.

Wednesday, January 4, 2012

book review

Viết bài điểm sách - phương pháp và thử nghiệm
Đinh Lê Na

TS Thomas Saylor (2001-05) từng hướng dẫn về cách viết bài điểm sách lịch sử [1], tạm lược dịch như sau:

Một trong những biểu hiện của việc đọc giao tiếp/phê bình là khả năng ghi chú/đánh giá những thông tin/nội dung quan trọng. Có rất nhiều các phương pháp điểm sách khác nhau. Bài viết này chủ yếu đề cập đến cách giúp bạn có thể nâng cao bài điểm sách của mình cũng như khả năng đọc có giao tiếp/phê bình [...].


Mỗi bài điểm sách thông thường có 3 phần chính: (1) Định nghĩa rõ ràng về ý tưởng/luận điểm chính của tác giả được đề cập đến trong tác phẩm, (2) Cách tác giả phát triển ý tưởng hay bút pháp được sử dụng, (3) Ý kiến phê bình của bạn.


Bắt đầu bài điểm sách của bạn bằng trích dẫn tổng quát (ví dụ: Đặng, Phong 2010, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố. Tủ sách Đường mòn Lịch sử. Hà Nội: NXB Tri Thức. 192 trang)


Thường một bài điểm sách phải có đủ 3 phần chính:


(1) Luận điểm - Ý kiến tác giả liên quan đến chủ đề mà tác phẩm đang đề cập đến. Ý kiến đó có thể rõ ràng, dứt khoát hoặc bao gồm nhiều luận điểm khác nhau. Thậm chí, có thể là chẳng có luận điểm nào cả. Thông thường, luận điểm nên/phải thống nhất và rõ ràng.


(2) Phát triển - Bút pháp tác giả sử dụng để phát triển ý tưởng. Có thể trả lời các câu hỏi: Tác giả đang đề cập đến vấn đề gì? Cách họ bảo vệ/tranh luận? Nên cố gắng đi sâu phân tích hơn chỉ đơn giản là tổng hợp nội dung. Tránh quá dài dòng nhưng cũng không nên quá vắt tắt. Đó là một nghệ thuật. [...] Một vài câu hỏi ví dụ về các công cụ được sử dụng: Tác giả dựa vào nguồn dữ liệu sơ cấp hay thứ cấp? (Đây là cách khá hữu dụng để quan sát sâu vào tác phẩm). Kết cấu tổ chức nội dung? Tác phẩm đề cập về một giai đoạn lịch sử nhất định hay về một chủ đề riêng biệt? Tác phẩm đặc biệt nhấn mạnh vào điểm nào? Kinh tế, chính trị, đạo đức, tôn giáo hay những yếu tố khác?


(3) Ý kiến phê bình - Đây là phần quan trọng nhất của bài điểm sách. Phần này thể hiện rõ khả năng đánh giá của người điểm sách. Sự phê bình này không phải lúc nào cũng mang dụng ý xấu. Một bài phê bình tốt nên làm rõ các yếu tố: 1) Khuynh hướng của tác giả: tác giả có khuynh hướng trung lập hay nghiêng về luồng tư tưởng nào? Xem xét đến hoàn cảnh xuất thân của tác giả? quan điểm chính trị? Khi điểm sách, bạn phải ý thức sâu sắc được điều này. Nên đọc kỹ phần giới thiệu để tìm kiếm những thông tin cần thiết. 2) Lắng nghe suy nghĩ tiềm ẩn của bản thân [2] Liệu quan điểm và cách tác giả chứng minh luận điểm có thực sự thuyết phục bạn ko? Hay còn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng? Lần nữa, hãy đọc kỹ phần giới thiệu trước khi bắt đầu đọc sách. 3) Chất lượng về mặt văn học. Ý kiến cá nhân bạn, liệu đây có phải là 1 quyển sách hay về mặt văn chương, câu chữ, diễn đạt ko? Hay là nó chỉ là một mớ hỗn độn từ ngữ?


TS Saylor cũng đưa ra một vài lời khuyên hữu ích. Trước hết, bạn sẽ cảm thấy không dễ dàng khi điểm sách về một chủ đề bạn không quen thuộc, vì vậy nên tìm kiếm một vài sự hỗ trợ bên ngoài như ý kiến/phê bình của những người khác về tác phẩm hoặc tìm đọc một vài sách nền về cùng chủ đề [...]. Tiếp nữa, cần sử dụng “ngôn ngữ” của chính bạn. Có thể đọc tham khảo 1 số bài điểm sách khác trước khi bạn bắt đầu. Trích nguồn và kiểm tra cẩn thẩn bất cứ những gì bạn viết ra. Sau rốt, nên dùng ngôn ngữ chuẩn về mặt ngữ pháp và chính tả.


--- chú thích

[1] – Lược dịch theo http://homepages.csp.edu/saylor/Documents/WRITING_AN_HISTORICA/4826_5328.htm

[2] – Theo ý người viết hiểu là nên lắng nghe bản năng của mình, liệu mình có thực sự thấy hài lòng về quyển sách này ko?

[3] – theo bản gốc, mục này lưu ý việc sử dụng tiếng anh chuẩn về ngữ pháp và đặc biệt không nên phạm các lỗi chính tả. Người viết chuyển thể sang sử dụng ngôn ngữ nói chung cho phù hợp[...]

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dựa vào phương pháp vừa mô tả, tôi đã thử nghiệm viết bài điểm sách dưới đây:

Review - Đặng, Phong 2010, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố. Tủ sách Đường mòn Lịch sử. Hà Nội: NXB Tri Thức, 192 trang.


Đó là cảm giác ngạc nhiên xen lẫn tò mò khi cầm trên này quyển sách nhỏ này của Đặng Phong [1]. Thứ nhất vì vẫn quen nếp nghĩ đến Đặng Phong là “lịch sử kinh tế”, thứ hai vì ông thông qua một con đường để kể về những thăng trầm Thăng Long – Hà Nội và thứ ba con đường đó là “Lê Duẩn”. Chuyện Đặng Phong là một nhà nghiên cứu lớn về lịch sử kinh tế (Việt Nam) thì không có gì để bàn cãi. Nhưng với nếp nghĩ đó, ta có chút hoài nghi khi ông dấn thân vào lĩnh vực “Hà Nội học” [2]. Tuy nhiên, hãy thử đọc và cảm nhận một tác phẩm “thử làm chơi” [3] bằng hứng khởi và miệt mài cá nhân [4].


“Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố” kể về Thăng Long từ những ngày được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô năm 1010, đến thời Pháp chiếm đóng vào cuối thế kỷ XIX, và những ngày sau Cách mạng Tháng tám 1945. Xuyên suốt ngàn năm lịch sử kinh kỳ, con đường Lê Duẩn đã trải qua bao lần thay tên đổi họ. Mỗi thay đổi đó lại phản ánh những ý chí khác nhau của những người cầm quyền. Do vậy, về vai trò lịch sử, đặc biệt là về mặt giao thông đi lại [5] có thể nói đường Lê Duẩn là con đường quan trọng nhất trong hai con đường giao thông huyết mạch [6] của đất nước vì đó làcổng mở của Hà Nội về phía Nam [7] tính từ vị trí Hoàng Thành. Đặng Phong đã dùng những dẫn chứng về sự ra đời những tên đường, tên phố, về những công trình, những con người hay sự kiện gắn bó xung quanh con đường này để khẳng định với người đọc ý nghĩ quan trọng của con đường mang tên Lê Duẩn. Mặc dù đi một sự hứng thú bất ngờ, tác phẩm không vì thế mà giảm đi giá trị.


Đầu tiên, bàn về phương pháp trình bày sự kiện, Đặng Phong không sử dụng cách trình bày theo trình tự thời gian cứng nhắc mà linh hoạt theo từng địa danh, sự kiện, con người.. Sách chia ra làm 3 phần: (1)Kể từ nhà Lý, (2)Sang thời Pháp, (3)Sau Cách Mạng với dụng ý đánh dấu những đặc điểm đặc trưng của mỗi thời kỳ. Thời Phong Kiến với những nhà cửa tre nứa lá, phố là nơi buôn bán, tập trung đông người nhưng nhỏ hẹp, con đường Lê Duẩn mới chỉ có được cơ sở ban đầu để hình thành. Sang thời Pháp chiếm đóng con đường bắt đầu mang dáng vẻ đường phố theo đúng nghĩa hiện đại (tr.72) với mốc son quan trọng là việc hình thành Ga Hàng Cỏ (tr.72). Sau Cách Mạng Tháng Tám, con đường lại phản ánh thời kỳ toàn quốc kháng chiến (tr.130); phản ảnh nền kinh tế quốc doanh mà Chiến dịch cải tạo tư thương 1958 (tr.141) là một điển hình.


Khi đi dọc theo con phố Lê Duẩn, ngược về quá khứ, từ điểm xuất phát khởi hành không gian, cũng là điểm khởi hành thời gian: Cửa Đại Hưng (Cửa Nam, 1010), đến Khâm Thiên Giám [8], Chùa Tiên Tích[9], Hàng Cỏ (Thời Lý), Quảng Văn Đình (Thời Lý), đến Đãi Lậu Viện (Đời Lê Thái Tổ, 1428-1433), Đình Ngang (Đời Lê Thánh Tông, 1497), Ga Hàng Cỏ (cuối thế kỷ XIX, đầu XX), Sở nhà Dầu (1911), nhà in Taupin (giữa những năm 1920), trường Mỹ thuật Đông Dương (1924),...Xen kẽ trong đó là những câu chuyện về những con người đã góp phần làm nên vẻ đẹp của bức tranh lịch sử như câu chuyện về Chàng cắt cỏ trở thành ông Tiến Sĩ (tr.40) hay Phố Sinh Từ (tr.87) kể về một Nguyễn Hữu Độ được lập đền thờ ngay khi còn sống.


Tiếp theo, hãy nói đến cách tác giả sử dụng hàng loạt những bằng chứng dữ kiện minh họa cho mỗi ý kiến được đề cập, đồng thời đi sâu đến ngọn ngành của những ý tưởng đó [10]. Tương ứng với mỗi địa danh/ nhân vật, ông điểm những câu chuyện kim cổ liên quan: trích lục bản đồ có niên đại muộn hơn (Hình 10 - bản đồ vị trí Trữ Vân Đình thời Lý – Trần, tr.44), giải thích các truyền thuyết xung quanh (sự tích chùa Tiên Tích, tr.30). Chẳng hạn, khi đề cập đến địa danh “Hàng Cỏ”, ông tìm về nguồn gốc cái tên là từ việc khu vực này cỏ mọc ngút ngàn (tr. 33), người dân cắt cỏ làm nghĩa vụ (tr.39), ngoài ra họ còn bán cho các nhà giàu nuôi ngựa và cho Nhà nước mua thêm để đủ thức ăn nuôi voi, nên có tên “Hàng Cỏ”. Không dừng lại đó, ông đi sâu giải thích về tầm quan trọng của voi đối với triều đình lúc bấy giờ, xác định số lượng, chỉ ra bản đồ vị trí tàu voi (hình số 6, tr.34). Thậm chí, ông còn tìm đến một cái ngõ nhỏ, ngõ Hàng Cỏ, minh họa nó bằng bản đồ Hà Nội (sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945), bằng hình chụp bảng tên chỉ đường (hình số 9, tr.40). Hay như khi đề cập đến Nữ thần tự do và máy chém (tr.76), ông kể lại “hành trình” của Bức tượng Nữ thần tự do (tỷ lệ thu nhỏ) và mối liên quan đến một hình ảnh nữ anh hùng, chị Nguyễn Thị Ba. Qua đó, khắc họa bức tranh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thời bấy giờ (tr.78).


Vậy là, bằng cách tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến 1 cái tên, một sự kiện, Đặng Phong vẽ cho người đọc những mối liên kết xung quanh, từ đó giúp người đọc hình dung sự kiện trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Cách minh họa này dễ làm ta có cảm giác lạc vào một mê cung những số liệu, dẫn chứng. Hãy khoan, hãy đặt dữ kiện sang một bên, hình thành trước cho mình một ý niệm tổng quát, rồi liên kết lại. Một bức tranh sống động tới từng chi tiết sẽ dần dần hiện ra.


“Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố” đem lại cho người đọc không chỉ là những dữ liệu lịch sử khô khan mà gắn với nó là những câu chuyện, những sự tích bất tận. Qua lời kể nhẹ nhàng của Đặng Phong, những câu chuyện ấy hiện lên đầy biểu cảm như vừa mới xảy ra.

--------

[1] – “nhỏ” là so với những tác phẩm khác của ông về độ dày lẫn nội dung như Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989. NXB Tri thức. 2008.

Tham khảo thêm http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Phong

[2] – “Hà Nội học” – Lĩnh vực nghiên cứu Hà nội và tất cả các yếu tố liên quan như lịch sử, địa lý, văn hóa,...tham khảo http://hanoi.vietnamplus.vn/

[3] [4] – chữ của GSTS Đỗ Hoài Nam. Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Trích trong “Lời tựa” của “Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố”. Tr.5

[5] [6] [7] – chữ của Andrew Hardy. Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Trích trong “Lời giới thiệu” của “Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố”. Tr.11. Nguyễn Hoàng Diệu Thủy dịch.

[8] – Theo tác giả, cơ quan dự đoán thời tiết đã được xây dựng những năm đầu xây dựng Hoàng Thành, với tên gọi Chính Dương. Các triều đại sau mới chuyển cơ quan này ra ngoại thành, vị trí có thể là ở phố Khâm Thiên hiện tại. Như vậy, về nguồn gốc, có thể nói đây là một trong những địa danh sớm gắn liền với thành Thăng Long. Tr.26

[9] – Tác giả không đưa ra niên đại chính xác có tên gọi của địa danh trên, nhưng dựa trên những sự tích và lưu truyền thì có thể đã xuất phát từ triều Lý nên người viết cho rằng đó là lý do ông đề cập đến địa danh này ở phần đầu sách. Tr.30

[10] – Quyển Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989. NXB Tri thức. 2008, cùng tác giả cũng sử dụng phương pháp này.