Sunday, October 5, 2014

Tản mạn về phỏng vấn


TS. Nguyễn Thị Diệu Linh

Từ “phỏng vấn” của tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung “访问” [fǎngwèn], trong đó,“” có nghĩa là hỏi và “访”có nghĩa là điều tra, tìm hiểu. Ngoài ra, trong tiếng Trung còn có một số từ đồng nghĩa với “phỏng vấn” như “phỏng đàm”- “访谈” [fǎng tán], trong đó “” có nghĩa là nói chuyện, trao đổi, hoặc từ “thái phỏng”- “采访” [cǎi fǎng], trong đó “” có nghĩa là khai thác, thu thập (baike.baidu.com). Tựu trung lại có thể thấy, theo nghĩa tiếng Trung, đây là một hoạt động thông qua hình thức hỏi-đáp, chuyện trò, trao đổi để khai thác, thu thập thông tin hoặc điều tra, tìm hiểu một điều gì đó. Đây cũng là nét nghĩa phổ biển của từ “phỏng vấn” trong tiếng Việt. Từ đó, phỏng vấn được dùng trong các lĩnh vực khác nhau như phỏng vấn truyền thông (báo chí và truyền hình), phỏng vấn tuyển dụng, phỏng vấn điều tra, phỏng vấn tâm lý, phỏng vấn trong nghiên cứu định tính... Căn cứ vào hình thức phỏng vấn, người ta có thể phân loại nó theo nhiều cách. Ví dụ, theo phương thức giao tiếp giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn có các loại phỏng vấn trực tiếp (mặt-đối-mặt) và gián tiếp (qua bảng hỏi, điện thoại, mạng...); theo tính chất của hệ thống câu hỏi có các loại phỏng vấn cấu trúc, bán cấu trúc và phi cấu trúc.

“Interview” trong tiếng Anh hay “entrevue” trong tiếng Pháp, dịch ra tiếng Việt là “phỏng vấn”, được cho là bắt nguồn từ tiếng Latin với hai thành tố cấu thành là “inter-” nghĩa là ở giữa, và “vidēre” nghĩa là nhìn (http://www.yourdictionary.com/interview). Như vậy, trong nghĩa gốc, phỏng vấn đã mang hàm ý về một cái nhìn hay cách nhìn trong tương quan giữa hai bên. Một cuộc phỏng vấn được thực hiện khi thiết lập được mối quan hệ giữa người phỏng vấn (interviewer) và người được phỏng vấn (interviewee). 

Phỏng vấn, đặc biệt là phỏng vấn sâu (in-depth interview) được sử dụng như một phương pháp chính để thu thập dữ liệu trong nghiên cứu định tính (Robin Legard, Jill Keegan and Kit Ward, 2003:138), khi đó người phỏng vấn là nhà nghiên cứu và người được phỏng vấn cũng là đối tượng nghiên cứu. Phỏng vấn là một cuộc đối thoại với một chủ đích (Webb and Webb, 1932 cf. Robin Legard, Jill Keegan and Kit Ward, 2003:138), tuy nhiên có những quan niệm khác nhau về chủ đích (purpose) này. Có người cho rằng phỏng vấn là một dạng cơ bản của điều tra (inquiry), nơi các cá nhân có thể kể câu chuyện/trải nghiệm của mình thông qua ngôn ngữ và nhà nghiên cứu là người đọc hiểu ý nghĩa (meaning) trong câu chuyện của những người khác (Ivring Seidman, 2006). Có người lại cho rằng phỏng vấn là để đạt đến hiểu biết/kiến thức (knowledge), và có hai cách: cách thứ nhất, người phỏng vấn được ví như thợ mỏ (miner), dùng phỏng vấn để khai thác “mỏ” hiểu biết sẵn có; cách thứ hai, người phỏng vấn được ví như nhà du hành (traveller) chu du cùng người được phỏng vấn, cùng họ sáng tạo ra và diễn giải những hiểu biết (Kvale, 1996 cf. Robin Legard, Jill Keegan and Kit Ward, 2003:139,140). 

Cách hiểu phỏng vấn như là nơi để người được phỏng vấn “kể lại câu chuyện” và người phỏng vấn “đọc hiểu câu chuyện” đặc biệt thích hợp khi nhà nghiên cứu muốn khai thác nhiều thông tin chưa được biết đến, hoặc cho các cuộc phỏng vấn đề cập đến những chủ đề nhạy cảm mà người được phỏng vấn không thật sự sẵn lòng bàn tới. Tuy nhiên, hạn chế nằm ở chỗ chúng ta khó lòng kiểm định được độ tin cậy trong “các câu chuyện” của người được phỏng vấn, cũng khó có thể đảm bảo hoàn toàn về khả năng “đọc hiểu” của người phỏng vấn. Quan niệm về phỏng vấn như quá trình khai thác mỏ có lẽ thích hợp nhất trong trường hợp nhà nghiên cứu chưa có nhiều thông tin hay hiểu biết về chủ đề phỏng vấn và đối tượng nghiên cứu. Ngược lại, cách hiểu phỏng vấn như một cuộc cùng du hành của người phỏng vấn và người được phỏng vấn có lẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong trường hợp hai bên đã sở hữu một số hiểu biết, hứng thú chung và hình thành một số quan niệm riêng đối với các chủ đề được bàn tới. Như vậy, ta có thể lựa chọn sử dụng các quan niệm về phỏng vấn trên trong các trường hợp khác nhau, hay thậm chí đan xen trong cùng một cuộc phỏng vấn, tùy thuộc vào các nhân tố cụ thể: chủ đề phỏng vấn, người phỏng vấn và người được phỏng vấn.


Ivring Seidman (2006) Interviewing as Qualitative Research: A Guide for Researchers in Education and Social Sciences. -3rd ed, NY: Teachers College Press,7-14

Kvale, S. (1996) Interviews: An Introduction to Qualitative Research Interviewing,
Thousand Oaks, CA: Sage

Robin Legard, Jill Keegan and Kit Ward (2003) “In-depth Interviews”, in Jane Ritchie, Jane Lewis,ed. Qualitative Research Practice: A Guide for Social Science Students and Researchers, London: SAGE Publications Ltd, 138-169

Webb, B. and Webb, S. (1932) Methods of Social Study, London: Longmans Green

No comments:

Post a Comment