Tuesday, October 6, 2015

Diễn ngôn bằng phương pháp Mác-xít



Diễn ngôn bằng phương pháp Mác-xít
TS Lê Thanh Hải

Bài phê bình của Chu Giang về hiện tượng Trần Đình Sử đã chỉ ra một hiện tượng rất đáng chú ý trong phê bình văn học đương đại Việt Nam. Nhiều hướng đi hậu hiện đại thiếu nền tảng lý thuyết hệ thống trong không gian tri thức Việt liên kết với nhau thành chuỗi tự nhiên bị coi là đối lập. Nhưng trong đó có không ít con đường tư duy chẳng qua là cùng đi đến đỉnh núi từ sườn bên kia mà bị người cũng đang trèo lên từ bên này coi là đối kháng, trong khi nếu hoàn thành thì ta có thể lên núi bằng đường này rồi xuống núi bằng đường kia. Hay cùng một tòa nhà cao tầng thường có cửa chính với thang máy đẹp nhưng nhẹ dành cho khách, và cửa sau với thang máy xấu nhưng chở được rất nhiều hàng hóa, cùng chung một mục tiêu là phục vụ cho sự vận hành của tòa nhà. Bài viết này thử dùng một trường phái lý thuyết phê bình văn học của nước Anh để soi chiếu câu chuyện này.

Đó là hệ thống lý luận Mác-xít của giáo sư Stuart Hall, từng nổi bật hẳn lên trên thế giới trong thập niên 1970 nhưng cho đến giờ hầu như vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam. Có ít nhất là 2 hoa hậu Việt Nam từng sang Anh học ngành báo chí ở Luton nhưng tiếc là họ không nhích thêm một chút lên hướng bắc là đến được khu trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi và trường đại học Birmingham, nơi các chuyên gia Mác-xít của Anh đã tập trung và xây dựng nên hệ thống lý thuyết mà nay ứng dụng rộng rãi trong các ngành phê bình văn học và truyền thông ở Anh và Úc cũng như là New Zealand. Trường phái này được gọi là văn hóa học – cultural studies nhưng không giống cách nghiên cứu văn hóa của một trường phái cùng tên của GS Trần Ngọc Thêm ở Việt Nam. Cultural studies của GS Stuart Hall nhìn văn hóa bằng phương pháp giống như là phân tích văn bản, với mục tiêu cuối cùng thực ra là nghiên cứu sự thay đổi của xã hội, không chỉ đơn giản là sự chuyển đổi cấu trúc mà là những thay đổi mang tính cách mạng trong lịch sử loài người, tức chính là những gì Các Mác quan tâm. Toàn bộ hệ thống lý luận của ngành được xây dựng từ hay trước tác mang nhiều nội dung lý thuyết nhất của Các Mác, là Tư Bản Luận, và Phác Họa – Grundrisse der Kritik der Politischen Okonomie – tập sách mãi đến tận năm 1939 mới được xuất bản lần đầu tiên. Theo đó, một tác phẩm không đơn giản là một sáng tác mà là một món hàng hóa – đúng như Mác từng mô tả – được sản xuất ra trong một qui trình sản xuất đang hiện diện trong một mô hình sản xuất của một giai đoạn nhất định. Theo cách nhìn đó, thì Chu Giang đã phê bình Bakhtin rất chỉnh. Tuy nhiên, những lời phê phán đó không giúp ích gì được cho lý thuyết phê bình văn học hiện nay tại Việt Nam. Mô hình sản xuất hiện nay ở Việt Nam không phải là tư bản chủ nghĩa như Mác đã kể, mà cũng chưa đến được xã hội chủ nghĩa như mô tả của Bakhtin, và rất cần những công trình nghiên cứu Mác-xít để xác định cụ thể mô hình sản xuất mang tính kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công của GS Stuart Hall và hệ thống lý luận Mác-xít của ông chủ yếu là dựa vào sự phân tích cụ thể về mô hình sản xuất thời hậu hiện đại của nước Anh và mở rộng sang cho các nước phương Tây, khi truyền thông là một loại phương tiện sản xuất đặc thù, và hàng hóa là các loại văn hóa phẩm sau khi được tiêu thụ đã làm xã hội thay đổi theo như thế nào.

Như trong trường hợp Việt Nam, cùng là một tác phẩm nhưng hai thế hệ khác nhau sẽ định giá và đánh giá hoàn toàn khác nhau. Trước cách mạng tháng Tám người dân đọc các tác phẩm đi trước thời đại để được giác ngộ cách mạng, nhưng sau đó thì họ tự động nhận ra sự giới hạn của văn chương thời Tự Lực Văn Đoàn, và lại tiếp tục đòi hỏi sự xuất hiện của Bão Biển hay Sống Như Anh. Cuộc chiến kết thúc là lúc độc giả cũng cần đến câu chuyện của Tướng Về Hưu, hay Cù Lao Chàm. Mỗi tác phẩm phải tự mình khẳng định được vị trí trong nhu cầu của độc giả, và khi đó trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi trong dư luận, tức là diễn ngôn, rồi sau này sẽ được chính những độc giả mà mình đã ảnh hưởng bằng nội dung đánh giá và phân định trở lại. Cũng giống như biểu đồ sống của hàng hóa mà các chuyên gia về tiếp thị hiểu rất rõ, mỗi tác phẩm có một đồ thị riêng tùy thuộc vào nội dung mà tác giả và hệ thống phát hành trong xã hội hiện hành gửi gắm, cũng như sự ảnh hưởng của nội dung đó vào xã hội. Đó chính là cách hình thành chân lý – tức là qui luật hay cũng là thực tiễn xã hội – qua đối thoại, tức là diễn ngôn trong cộng đồng văn hóa. Mác từng chỉ ra rằng mâu thuẫn đối kháng như mâu thuẫn giai cấp sẽ được giải quyết bằng phương pháp triệt tiêu, nhưng còn các mâu thuẫn không đối kháng, tức là không phải xuất phát từ các giai cấp đối kháng trong mô hình sản xuất xung quanh yếu tố làm chủ tư liệu sản xuất, thì thường là chính hai mặt của vấn đề – mâu thuẫn chính là qui luật tồn tại của sự vật, đặc biệt là các hiện tượng trong xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam được hình thành trong và đồng thời cũng tạo ra xã hội biến chuyển liên tục và qui trình sản xuất ra hàng hóa là văn chương cũng liên tục thay đổi, cho nên vùng biên không nằm ở đâu xa xôi hay nơi nào khác hơn chính là nơi chúng ta đang đứng ở trung tâm – nơi biến chuyển nhanh nhất, nhiều nhất, và liên tục nhất. Mác đã chú ý rất nhiều đến khái niệm “giai đoạn” (moment) và học trò của ông là GS Stuart Hall cũng lại một lần nữa đặc biệt nhắc nhở đến các “giai đoạn” mà nay không chỉ đơn giản là một tham số cố định trong chiều thời gian mà thời gian trở thành biến số và đồng thời cũng là hàm số để theo chu kỳ vòng lặp quay trở lại tác động vào nhau. Nơi ta đang đứng, xét theo biến số thời gian, là kết quả của quá khứ và đồng thời cũng là nơi đang tạo ra tương lai, tức là vùng biên của nhiều game thủ khác nhau đang chơi ván cờ mà người được lợi nhiều nhất chính là xã hội, tức là nhân dân, hay rộng hơn là nhân loại.

Mà đã nhắc đến trò chơi (game) thì tôi cũng xin giải thích thêm rằng tôi dùng chữ này theo cái ý mà Wittgenstein đã diễn giải về trò chơi ngôn ngữ trong tư duy phản biện của mỗi chúng ta, khi chính nó là khởi đầu của mọi sự phân biệt giống nhau và khác nhau, cũng như liên kết từ khái niệm này sang khái niệm khác. Hay như chữ diễn ngôn vậy, từ đầu bài đến giờ tôi vẫn hiểu nó theo cách diễn giải của GS Stuart Hall cho chữ discourse, có lẽ cao hơn một bậc và rất khác với các cách hiểu chữ này đã từng được GS Trần Đình Sử trình bày trong một số bài viết lý thuyết. Hiện nay chính phủ Anh đang cấp rất nhiều xuất học bổng cho Việt Nam, đặc biệt cho ngành truyền thông và văn hóa, hi vọng sẽ có được một vài bạn sinh viên quan tâm đến vấn đề này và bỏ sức chuyển giao một phần hệ thống lý thuyết Mác-xít cho văn hóa ở Anh vào không gian tri thức tiếng Việt – một việc chắc chắn đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian cũng như là khả năng nghiên cứu và tiếp thu.

No comments:

Post a Comment