Friday, February 26, 2021

Chiều kích xã hội của Sản vật

Trong một tập sách xuất bản năm 1986 (1), GS Arjun Appadurai phác thảo một góc nhìn mới cho hàng hóa trong xã hội: "Trao đổi kinh tế tạo ra giá trị. Giá trị được nhập thân (đậm đà) vào bên trong hàng hóa là cái được trao đổi. Tập trung vào những vật được trao đổi, hơn là đơn giản chỉ nhìn vào hình thức hay chức năng của việc trao đổi, cho phép lập luận rằng cái tạo ra mối nối giữa trao đổi và giá trị chính là chính trị, theo cách nói khái quát. [...] Cũng giống như con người, sản vật có cuộc sống xã hội."





(1) Appadurai ed. 1986, The Social Life of Things: Commodities in cultural perspective, Cambridge University Press

Monday, February 22, 2021

Nghiên cứu ẩm thực

Giáo sư Sidney Mintz trong một bài viết năm 2002 (1) ghi nhận có 7 nhóm chính trong các nghiên cứu liên quan tới đồ ăn thức uống, mà có thể gọi chung là ngành ẩm thực học. Đó cũng là những hướng đi mà chúng ta có thể cân nhắc khi bắt đầu tiếp cận một đối tượng nghiên cứu có liên quan tới sự ăn của loài người, vốn đang trở thành một trào lưu trong vài thập niên trở lại đây, và có lẽ cũng là một trải nghiệm đầy thú vị.

Ở Việt Nam có lẽ quen nhất với kiểu mô tả thức ăn trong nghi lễ, vị dụ như sự tích bánh chưng - vật phẩm cúng tế ngày Tết, tức là kiểu viết bài về đồ ăn thức uống trên báo Xuân, hay như ngay cả trong ca dao tục ngữ cũng ghi nhận "ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà".

Hướng nghiên cứu tiếp theo gắn kết đồ ăn với bản sắc dân tộc, như hai tập sách của nhà nghiên cứu người Pháp Jean-Pierre Poulain được NXB Ngoại Văn phát hành năm 1997. Giờ đây GS Poulain với khái niệm về không gian xã hội trong lương thực mà George Condominas xây dựng từ các nghiên cứu người thiểu số Tây Nguyên đang là một hệ thống lý thuyết quan trọng trong ngành ẩm thực học trên thế giới, chú ý tới cách cách mà người ta ăn thức ăn như thế nào.

Song song đó, thì giới nhân học vẫn tiếp tục các nghiên cứu theo hướng cổ điển - dân tộc ký, ghi lại cuộc sống của các dân tộc khác nhau trong mối quan hệ với một tham số nào đó, ví dụ như ký ức về thức ăn và bản sắc văn hóa.

Hướng thứ tư bắt đầu bước vào một khu vực mà trước đây vẫn là của riêng các ngành khác như sinh vật học hay kinh tế học, đó là nghiên cứu chỉ riêng một loại thực phẩm mà thôi, ví dụ như công trình nổi tiếng nay đã trở thành kinh điển của Salaman về khoai tây, xét về nguồn gốc, quá trình thuần hóa, lan tỏa ra khắp thế giới, và ảnh hưởng tới chính trị châu Âu.

Một số nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa thực phẩm và các thay đổi trong xã hội, ví dụ như tập quán ăn uống ở nước Nga thời Xô-viết, hay như các món ăn bị biến đổi trong thời toàn cầu hóa như hiện nay.

Bất ổn về lương thực cũng là một bộ môn quan trọng vì nó cũng chính là chủ đề đang được nhiều tổ chức của Liên hiệp quốc quan tâm và đầu tư tiền nghiên cứu để viết báo cáo, bao gồm cả câu chuyện về nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Và nhóm thứ bảy là từ thập niên 1950s cho đến nay bắt đầu có nhiều bộ sách giáo khoa hướng dẫn cho sinh viên phương pháp nghiên cứu ẩm thực, mà bên ngành xã hội có phần nhiều hơn nhân học.


(1) Mintz et al 2002, The Anthropology of Food and Eating, Anual Review 31:99-119

(2) Bài giảng của GS Poulain về Ẩm thực học https://www.slideshare.net/Poulain/from-gastronomic-heritage-to-food-studies

Tuesday, September 29, 2020

Gramsci: Quốc tế và Quốc gia

TS Lê Thanh Hải dịch từ tập các bài viết trong tù, Quyển 14 đoạn 68, bản tiếng Anh trang 230-232 sach David Forgacs chủ biên ĐH New York xuât bản năm 2000. Chú thích của sách được người dịch kèm vào thành chú thích riêng trong ngoặc vuông [].

[Khi tiếp phái đoàn đầu tiên của đảng lao động Mỹ] vào tháng Chín năm 1927 Stalin [đã được hỏi câu đầu tiên về mối quan hệ giũa tư tưởng của Lenin và Marx - mà Gramsci đọc được trong tù qua bản dịch tiếng Ý từ tờ điểm báo nước ngoài RSdSE số 4.10.1927] đề cập đến một số vấn đề then chốt trong môn chính trị. Tôi thấy cần nói rõ hơn về chuyện tại sao phải xét tình hình quốc tế từ góc độ quốc gia, bất kể là theo lý thuyết chính trị của Marx hay Lenin.

Thực tiễn cho thấy các mối quan hệ bên trong của mỗi dân tộc là hệ quả của một tổ hợp những điều bắt đầu từ nguồn cội và có thể coi như là riêng biệt. Cho nên nếu muốn làm chủ và dẫn dắt được các mối quan hệ đó thì cần phải hiểu và xây dựng chúng từ nền tảng đặc trưng này.

Hướng phát triển chắc chắn là quốc tế hóa, nhưng mà điểm khởi đầu là dân tộc. Ta cần bắt đầu từ đó nhưng phương hướng là quốc tế. Cho nên cần nghiên cứu thật chính xác tổ hợp nội lực mà giai cấp vô sản quốc tế sẽ phải lãnh đạo và phát triển, theo đúng chủ trương và chính sách qua các kỳ quốc tế cộng sản.

Giai cấp lãnh đạo chỉ đúng là lãnh đạo nếu diễn giải chính xác tổ hợp này, mà bản thân cũng là một thành phần và chính vì vậy mà có thể đưa ra đường hướng cho phong trào trong phương hướng đã định. Theo tôi đây chính là điểm khác biệt cơ bản gây chia rẽ giữa Stalin và Trotsky khi diễn giải con đường Bolshevism. 

Các chỉ trích cho rằng phong trào mang tính dân tộc sẽ trở thành vô nghĩa nếu được đưa về đúng trọng tâm của vấn đề. Nếu nghiên cứu phong trào vô sản từ 1902 đến 1917 ta sẽ thấy tính nguồn cội nằm ở chỗ loại bỏ tư tưởng quốc tế ra khỏi mọi luận điểm mơ hồ và thuần túy tư tưởng thiếu thuyết phục, để xây dựng một nội dung chính trị thực tế. Để rộ̀i trong khái niệm chủ đạo các lập luận tức thời mang tính dân tộc đó mới được kết hợp lại. Ta dễ hiểu tại sao xu hướng là không nêu khái niệm đó ra, hay chỉ nhắc thoáng qua mà thôi.

Một giai cấp mang đặc tính quốc tế phải quốc gia hóa bản thân theo một cách hiểu nào đó, trong hoàn cảnh họ phải lãnh đạo các tầng lớp xã hội vốn chỉ bó hẹp vào dân tộc (như trí thức), và thậm chí còn thường là nhỏ hơn cả dân tộc nữa: cấp tỉnh và địa phương ̣(nông dân). Hơn vậy, cách nhìn đó không phải là quá hẹp, vì trước khi có đủ điều kiện để tạo ra nền kinh tế theo kế hoạch thế giới thì cần phải qua nhiều giai đoạn mà hoàn cảnh khu vực (nhóm các dân tộc) có thể rất khác nhau.

Hơn nữa, không bao giờ được quên rằng tiến trình lịch sử tuân theo qui luật cung cầu cho đến khi quyền lãnh đạo vào tay lực lượng đang xây dựng theo kế hoạch phân chia lại lực lượng lao động một cách hòa bình và chắc chắn. Quan điểm phi dân tộc đó (tức là những điều không thể nêu riêng lẻ ở một nước nào) là sai và coi như là phi lý. 

Con đường này dẫn tới chuyển biến thụ động thành hai giai đoạn. 1- Trong phần đầu, không ai tin mình có thể khởi đầu. Mà nói đúng ra là họ tin rằng nếu dẫn đầu sẽ bị cách ly. Cho nên sẽ chờ tới khi mọi người cùng đi. Nhưng mà khi đó thì không ai dịch chuyển hay tổ chức phong trào. 2- Phần hai có lẽ còn tệ hơn, vì điều được mong đợi là sự lan tỏa phi tự nhiên và vô tổ chức như kiều theo vó ngựa của Napoleon (mà không phải tất cả diễn tiến lịch sử đều lặp lại giống nhau).

Điểm yếu của mô hình hiện đại này cho cơ chế cũ được đánh dấu bằng lý thuyết phổ quát về cách mạng tuyệt đối. Mà đó chỉ là dự báo chung chung mang tính giáo điều, tự mình tan vỡ bằng cách không thể trở thành sự thật. 
 

Friday, October 23, 2015

Book Review



Cách viết bài phê bình sách (book review)

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch

Bài phê bình (review) là gì?
Bài phê bình sự đánh giá quan trọng về văn bản, sự kiện, đối tượng, hoặc hiện tượng. Bài phê bình có thể là bài đánh giá sách, bài báo, toàn bộ các thể loại hoặc lĩnh vực văn học, kiến trúc, nghệ thuật, thời trang, nhà hàng, chính sách, triển lãm, biểu diễn, nhiều hình thức khác.
Ở đây, bài viết này sẽ tập trung vào bài phê bình sách.
Trên hết, một bài phê bình sẽ tạo ra một lập luận. Yếu tố quan trọng nhất của một bài phê bình đó là nó là một bài bình luận chứ không đơn thuần là một bản tóm tắt. cho phép bạn tham gia vào cuộc đối thoại và thảo luận với tác giả cũng như với những độc giả khác. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý và xác định trong kiến thức, nhận định, hoặc cấu trúc của tác phẩm đâu là chỗ bạn thấy có thể lấy đó làm mẫu hoặc đâu là chỗ còn thiếu sót. Bạn nên nêu rõ ý kiến của bạn về tác phẩm, ý kiến đó có lẽ sẽ giống như các thể loại khác của văn bản học thuật, với luận điểm (thesis statement), các đoạn luận cứ ở thân bài, và kết luận.
Bài phê bình thường được viết ngắn gọn. Trong các tờ báo và tạp chí khoa học, chúng hiếm khi vượt quá 1.000 từ, mặc dù bạn có thể gặp những bài dài hơn và bình luận mở rộng. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, bài phê bình cần được viết một cách súc tích. Tuy khác nhau về lối diễn đạt, chủ đề và phong cách, chúng chia sẻ một số đặc điểm chung:
·         Trước tiên, bài phê bình mang lại cho người đọc một bản tóm tắt ngắn gọn về nội dung. Điều này bao gồm việc mô tả chủ đề cũng như cái nhìn tổng quát về quan điểm, lập luận, hay mục đích của tác phẩm.
·         Thứ hai, và quan trọng hơn, bài phê bình cung cấp một đánh giá quan trọng về nội dung. Điều này liên quan đến phản ứng của bạn đối với tác phẩm đang được phê bình: điều gì khiến bạn chú ý, nó có gây ảnh hưởng hoặc có sức thuyết phục hay không, và làm thế nào tăng cường sự hiểu biết của bạn về các vấn đề hiện tại.
·         Cuối cùng, ngoài việc phân tích tác phẩm, bài phê bình thường gợi ý rằng độc giả sẽ đánh giá cao nó hay không.
Phát triển ý kiến đánh giá: trước khi bạn viết
Không có phương pháp bất di bất dịch nào để viết một bài phê bình, tuy nhiên, điều cần thiết là phải có tư duy phê phán về tác phẩm trước khi bạn thực sự bắt tay vào viết. Do đó, viết một bài phê bình quá trình gồm hai bước: phát triển lập luận về tác phẩm đang được xem xét, tạo ra lập luận khi bạn viết bản thảo với cấu trúc luận cứ hỗ trợ tốt.
Dưới đây là một loạt các câu hỏi cần tập trung suy nghĩ khi bạn thâm nhập vào tác phẩm. Tuy các câu hỏi này dành cho việc xem xét các bài phê bình sách, bạn có thể dễ dàng hoán chuyển chúng thành bài phân tích các buổi biểu diễn, triển lãm, và các đối tượng khác. Không nên cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lời từng câu hỏi; một số câu hỏi sẽ phù hợp hơn đến quyển sách so với những câu hỏi khác.
  • Luận điểm hoặc tranh luận chính của quyển sách là gì? Nếu tác giả muốn bạn chọn ra một ý tưởng từ quyển sách thì đó sẽ là gì? Nó so sánh hoặc tương phản như thế nào với thế giớibạn biết? Quyển sách đã đạt được điều gì?
  • Chủ đề hoặc đề tài của quyển sách là gì? Tác giả bao phủ chủ đềđầy đủ không? Tác giảbao phủ tất cả các khía cạnh của chủ đề một cách cân bằng? Phương pháp tiếp cận chủ đề là (chuyên đề, phân tích, theo thứ tự thời gian, mô tả)?
  • Tác giả hỗ trợ lập luận của mình như thế nào? Đâu là bằng chứng tác giả sử dụng để chứng minh quan điểm của mình? Bạn thấy bằng chứng đó có sức thuyết phục không? Tại sao có hoặc tại sao không? Có bất kỳ thông tin nào của tác giả (hoặc kết luận) xung đột với những quyển sách khác bạn đã đọc, các khóa học bạn đã tham gia hoặc các giả định trước đây bạn đã có về chủ đề này?
  • Tác giả tổ chức lập luận của mình như thế nào? Đâu là các phần tạo nên toàn bộ? Lập luận đó có ý nghĩa không? Liệu nóthuyết phục bạn không? Tại sao hoặc tại sao không?
  • Quyển sách này đã giúp bạn hiểu vấn đề như thế nào? Bạn muốn giới thiệu quyển sách này đến độc giả?
Ngoài các vấn đề bên trong quyển sách, bạn cũng có thể xem xét một số thông tin về tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
  • Tác giả là ai? Quốc tịch, khuynh hướng chính trị, đào tạo, mối quan tâm nghiên cứu, lịch sử cá nhân, bối cảnh lịch sử có thể cung cấp các chi tiết quan trọng về cách thức một tác phẩm được định hình. Ví dụ, nếu người viết tiểu sử là bạn thân nhất của đối tượng thì có vấn đề gì hay không? Điều khác biệt sẽ là gì nếu tác giả tham gia vào các sự kiện mà tác giả viết?
  • Thể loại của quyển sách là gì? Nó xuất hiện trong những lĩnh vực nào? Liệu nó phù hợp hay khác biệt so với các thông lệ của thể loại của nó? Những câu hỏi này có thể cung cấp tiêu chuẩn mang tính lịch sử hoặc văn chương để làm cơ sở cho việc đánh giá của bạn. Nếu bạn đang phê bình quyển sách đầu tiên viết về chủ đề nào đó, nên cho độc giả của bạn biết. Tuy vậy, hãy nhớ rằng khi khẳng định “đầu tiên” hay “tốt nhất” và “duy nhất” có thể mang lại nguy cơ trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn.
Viết bài phê bình
Một khi bạn đã thực hiện những quan sát và đánh giá tác phẩm đang được phê bình, khảo sát cẩn thận các ghi chú của bạn cố gắng thống nhất những điều gây ấn tượng nơi bạn thành lời tuyên bố mô tả mục đích hoặc luận điểm của bài phê bình. Sau đó, vạch ra những lập luận (argument) hỗ trợ cho luận điểm (thesis) của bạn.
Các lập luận của bạn nên phát triển luận điểm một cách logic. Logic đó, không giống như cách viết học thuật chuẩn, ban đầu có thể nhấn mạnh lập luận của tác giả trong khi bạn phát triển lập luận riêng của mình trong quá trình phê bình. Sự nhấn mạnh tương đối phụ thuộc vào bản chất của việc phê bình: nếu độc giả quan tâm nhiều hơn đến chính bản thân tác phẩm, bạn có thể muốn làm cho tác phẩm lẫn tác giả nổi bật hơn; nếu bạn muốn bài phê bình phản ánh quan điểm và ý kiến của bạn, khi đó, bạn có thể tổ chức bài phê bình tập trung vào các quan sát của bạn hơn (nhưng không bao giờ tách rời) những quan sát của tác phẩm đang được phê bình. Những điều nêu sau đây chỉ là một trong nhiều cách để tổ chức một bài phê bình.
Phần mở bài
Vì hầu hết các bài phê bình đều ngắn gọn, nhiều người viết bài phê bình bắt đầu với một câu châm biếm hoặc giai thoại tạo sự lôi cuốn mang lập luận của họ một cách súc tích. Nhưng bạn có thể viết bài phê bình của mình theo một cách khác tùy thuộc vào lập luận và độc giả. Nói chung, bạn nên bao gồm:
  • Tên tác giả và tên sách cùng chủ đề chính.
  • Các chi tiết có liên quan đến việc cho biết tác giả là ai và tác giả đang đứng ở đâu trong thể loại hay lĩnh vực đang phê bình này. Bạn cũng có thể liên kết tên sách với chủ đề nhằm cho biết tên sách giải thích nội dung của chủ đề như thế nào. 
  • Bối cảnh của quyển sách và/hoặc bài phê bình của bạn. Đặt bài phê bình trong một bối cảnh (framework) sẽ có hàm ý đối với độc giả của bạn và giúp họ định vị quyển sách theo bối cảnh bạn chọn cho bài phê bình. Ví dụ, có thể bạn muốn đặt một quyển sách về cuộc cách mạng ở Cuba trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Một nhà phê bình khác có thể muốn xem xét quyển sách này trong khuôn khổ của các phong trào xã hội ở châu Mỹ Latin. Sự lựa chọn bối cảnh sẽ đưa ra thông điệp về lập luận của bạn.
  • Luận điểm của quyển sách. Nếu bạn đang xem xét thể loại hư cấu (fiction), điều này có thể khó khăn vì tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn hiếm khi có những lập luận rõ ràng. Nhưng xác định điểm đặc biệt mới lạ, góc nhìn, hoặc nét độc đáo của quyển sách cho phép bạn trình bày những đóng góp cụ thể mà tác phẩm đang cố gắng thực hiện.
  • Luận điểm của bạn về quyển sách.
Phần tóm tắt nội dung
  • Phần này nên ngắn gọn vì phần phân tích nên được ưu tiên. Trong quá trình đánh giá, bạn sẽ hỗ trợ những tuyên bố khẳng định của mình với bằng chứng cụ thể từ quyển sách, vì vậy một số tóm tắt sẽ được phân tán khắp các phần khác của bài phê bình. 
  • Liều lượng cần thiết cho phần tóm tắt cũng phụ thuộc vào độc giả của bạn. Nếu bạn đang viết bài phê bình sách cho các đồng nghiệp, chẳng hạn như nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi toàn diện, bạn có thể muốn dành sự chú ý nhiều hơn tới việc tóm tắt nội dung của quyển sách. Mặt khác, nếu độc giả của bạn đã đọc quyển sách, bạn có thể có nhiều không gian hơn để khám phá các điểm tinh tế hơn và nhấn mạnh lập luận của riêng mình.
Phần phân tích đánh giá quyển sách
  • Phân tích và đánh giá của bạn nên được tổ chức thành các đoạn văn chứa từng khía cạnh riêng lẻ của lập luận của bạn. Sự sắp xếp này có thể là một thử thách khi mục đích của bạn là xem xét quyển sách như một tổng thể, nhưng nó có thể giúp bạn phân biệt các yếu tố của những lời phê bình và bắt cặp những lời khẳng định với bằng chứng rõ ràng hơn.
  • Bạn không nhất thiết cần phải theo trình tự thời gian xuyên suốt quyển sách khi bạn thảo luận về nó. Với lập luận bạn muốn đưa ra, bạn có thể tổ chức các đoạn văn hữu ích hơn theo chủ đề, phương pháp, hoặc các yếu tố khác của quyển sách.
  • Nếu bạn thấy hữu ích khi thực hiện so sánh với các quyển sách khác, hãy so sánh ngắn gọn sao cho quyển sách đang được phê bình vẫn là tâm điểm của bài phê bình.
  • Tránh trích dẫn quá mức và cung cấp trang tham khảo trang cụ thể trong ngoặc đơn khi bạn trích dẫn. Hãy nhớ rằng bạn có thể viết lại nhiều trong số các quan điểm của tác giả theo cách của bạn.
Phần kết luận
  • Tổng hợp hay tái tuyên bố luận điểm của bạn hoặc đưa ra nhận định cuối cùng về quyển sách. Bạn không nên nêu thêm bằng chứng mới cho lập luận của mình trong phần kết luận. Tuy nhiên, bạn có thể nêu lên những ý tưởng vượt ra ngoài quyển sách nếu chúng mở rộng logic của luận điểm của riêng bạn.
  • Đoạn này cần phải cân bằng điểm mạnh và điểm yếu của quyển sách nhằm thống nhất sự đánh giá của bạn. Có phải phần thân bài của bài phê bình có ba đoạn nói về điểm yếu và một đoạn nói về điểm mạnh? Tất cả điều đó dẫn đến kết quả gì?
Cuối cùng, một số điều nên cân nhắc:
  • Bạn đang phê bình quyển sách trước mặt bạn chứ không phải là quyển sách mà bạn muốn tác giả lẽ ra phải viết. Bạn có thể và nên chỉ ra những thiếu sót hoặc thất bại, nhưng không nên chỉ trích quyển sách chỉ vì nó không phải là cái mà nó không bao giờ dự định trở thành. 
  • Hy vọng là tác giả của quyển sách đã làm việc chăm chỉ để tìm ra những từ thích hợp thể hiện ý tưởng của mình. Bạn cũng nên cố gắng làm như vậy. Ngôn ngữ chính xác cho phép bạn kiểm soát cách diễn đạt của bài phê bình. 
  • Đừng bao giờ ngần ngại thách thức bất kỳ giả thiết, phương pháp tiếp cận, hay tranh luận nào. Tuy nhiên, hãy đảm bảo trích dẫn các ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho lời khẳng định của bạn một cách cẩn thận.
  • Cố gắng trình bày tranh luận một cách cân bằng về giá trị của quyển sách dành cho độc giả của nó. Bạn có quyền và đôi khi bắt buộc phải lên tiếng mạnh mẽ rằng bạn đồng ý hay không đồng ý. Nhưng hãy nhớ rằng một quyển sách dở cũng tốn thời gian để viết như một quyển sách hay, và mỗi tác giả xứng đáng được đối xử công bằng. Rất khó để chứng minh nhận định nào là khắc nghiệt và với nhận định như vậy, có thể mang đến cho độc giả cảm giác rằng bạn không công bằng trong việc đánh giá.

Tuesday, October 6, 2015

Diễn ngôn bằng phương pháp Mác-xít



Diễn ngôn bằng phương pháp Mác-xít
TS Lê Thanh Hải

Bài phê bình của Chu Giang về hiện tượng Trần Đình Sử đã chỉ ra một hiện tượng rất đáng chú ý trong phê bình văn học đương đại Việt Nam. Nhiều hướng đi hậu hiện đại thiếu nền tảng lý thuyết hệ thống trong không gian tri thức Việt liên kết với nhau thành chuỗi tự nhiên bị coi là đối lập. Nhưng trong đó có không ít con đường tư duy chẳng qua là cùng đi đến đỉnh núi từ sườn bên kia mà bị người cũng đang trèo lên từ bên này coi là đối kháng, trong khi nếu hoàn thành thì ta có thể lên núi bằng đường này rồi xuống núi bằng đường kia. Hay cùng một tòa nhà cao tầng thường có cửa chính với thang máy đẹp nhưng nhẹ dành cho khách, và cửa sau với thang máy xấu nhưng chở được rất nhiều hàng hóa, cùng chung một mục tiêu là phục vụ cho sự vận hành của tòa nhà. Bài viết này thử dùng một trường phái lý thuyết phê bình văn học của nước Anh để soi chiếu câu chuyện này.

Đó là hệ thống lý luận Mác-xít của giáo sư Stuart Hall, từng nổi bật hẳn lên trên thế giới trong thập niên 1970 nhưng cho đến giờ hầu như vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam. Có ít nhất là 2 hoa hậu Việt Nam từng sang Anh học ngành báo chí ở Luton nhưng tiếc là họ không nhích thêm một chút lên hướng bắc là đến được khu trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi và trường đại học Birmingham, nơi các chuyên gia Mác-xít của Anh đã tập trung và xây dựng nên hệ thống lý thuyết mà nay ứng dụng rộng rãi trong các ngành phê bình văn học và truyền thông ở Anh và Úc cũng như là New Zealand. Trường phái này được gọi là văn hóa học – cultural studies nhưng không giống cách nghiên cứu văn hóa của một trường phái cùng tên của GS Trần Ngọc Thêm ở Việt Nam. Cultural studies của GS Stuart Hall nhìn văn hóa bằng phương pháp giống như là phân tích văn bản, với mục tiêu cuối cùng thực ra là nghiên cứu sự thay đổi của xã hội, không chỉ đơn giản là sự chuyển đổi cấu trúc mà là những thay đổi mang tính cách mạng trong lịch sử loài người, tức chính là những gì Các Mác quan tâm. Toàn bộ hệ thống lý luận của ngành được xây dựng từ hay trước tác mang nhiều nội dung lý thuyết nhất của Các Mác, là Tư Bản Luận, và Phác Họa – Grundrisse der Kritik der Politischen Okonomie – tập sách mãi đến tận năm 1939 mới được xuất bản lần đầu tiên. Theo đó, một tác phẩm không đơn giản là một sáng tác mà là một món hàng hóa – đúng như Mác từng mô tả – được sản xuất ra trong một qui trình sản xuất đang hiện diện trong một mô hình sản xuất của một giai đoạn nhất định. Theo cách nhìn đó, thì Chu Giang đã phê bình Bakhtin rất chỉnh. Tuy nhiên, những lời phê phán đó không giúp ích gì được cho lý thuyết phê bình văn học hiện nay tại Việt Nam. Mô hình sản xuất hiện nay ở Việt Nam không phải là tư bản chủ nghĩa như Mác đã kể, mà cũng chưa đến được xã hội chủ nghĩa như mô tả của Bakhtin, và rất cần những công trình nghiên cứu Mác-xít để xác định cụ thể mô hình sản xuất mang tính kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công của GS Stuart Hall và hệ thống lý luận Mác-xít của ông chủ yếu là dựa vào sự phân tích cụ thể về mô hình sản xuất thời hậu hiện đại của nước Anh và mở rộng sang cho các nước phương Tây, khi truyền thông là một loại phương tiện sản xuất đặc thù, và hàng hóa là các loại văn hóa phẩm sau khi được tiêu thụ đã làm xã hội thay đổi theo như thế nào.

Như trong trường hợp Việt Nam, cùng là một tác phẩm nhưng hai thế hệ khác nhau sẽ định giá và đánh giá hoàn toàn khác nhau. Trước cách mạng tháng Tám người dân đọc các tác phẩm đi trước thời đại để được giác ngộ cách mạng, nhưng sau đó thì họ tự động nhận ra sự giới hạn của văn chương thời Tự Lực Văn Đoàn, và lại tiếp tục đòi hỏi sự xuất hiện của Bão Biển hay Sống Như Anh. Cuộc chiến kết thúc là lúc độc giả cũng cần đến câu chuyện của Tướng Về Hưu, hay Cù Lao Chàm. Mỗi tác phẩm phải tự mình khẳng định được vị trí trong nhu cầu của độc giả, và khi đó trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi trong dư luận, tức là diễn ngôn, rồi sau này sẽ được chính những độc giả mà mình đã ảnh hưởng bằng nội dung đánh giá và phân định trở lại. Cũng giống như biểu đồ sống của hàng hóa mà các chuyên gia về tiếp thị hiểu rất rõ, mỗi tác phẩm có một đồ thị riêng tùy thuộc vào nội dung mà tác giả và hệ thống phát hành trong xã hội hiện hành gửi gắm, cũng như sự ảnh hưởng của nội dung đó vào xã hội. Đó chính là cách hình thành chân lý – tức là qui luật hay cũng là thực tiễn xã hội – qua đối thoại, tức là diễn ngôn trong cộng đồng văn hóa. Mác từng chỉ ra rằng mâu thuẫn đối kháng như mâu thuẫn giai cấp sẽ được giải quyết bằng phương pháp triệt tiêu, nhưng còn các mâu thuẫn không đối kháng, tức là không phải xuất phát từ các giai cấp đối kháng trong mô hình sản xuất xung quanh yếu tố làm chủ tư liệu sản xuất, thì thường là chính hai mặt của vấn đề – mâu thuẫn chính là qui luật tồn tại của sự vật, đặc biệt là các hiện tượng trong xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam được hình thành trong và đồng thời cũng tạo ra xã hội biến chuyển liên tục và qui trình sản xuất ra hàng hóa là văn chương cũng liên tục thay đổi, cho nên vùng biên không nằm ở đâu xa xôi hay nơi nào khác hơn chính là nơi chúng ta đang đứng ở trung tâm – nơi biến chuyển nhanh nhất, nhiều nhất, và liên tục nhất. Mác đã chú ý rất nhiều đến khái niệm “giai đoạn” (moment) và học trò của ông là GS Stuart Hall cũng lại một lần nữa đặc biệt nhắc nhở đến các “giai đoạn” mà nay không chỉ đơn giản là một tham số cố định trong chiều thời gian mà thời gian trở thành biến số và đồng thời cũng là hàm số để theo chu kỳ vòng lặp quay trở lại tác động vào nhau. Nơi ta đang đứng, xét theo biến số thời gian, là kết quả của quá khứ và đồng thời cũng là nơi đang tạo ra tương lai, tức là vùng biên của nhiều game thủ khác nhau đang chơi ván cờ mà người được lợi nhiều nhất chính là xã hội, tức là nhân dân, hay rộng hơn là nhân loại.

Mà đã nhắc đến trò chơi (game) thì tôi cũng xin giải thích thêm rằng tôi dùng chữ này theo cái ý mà Wittgenstein đã diễn giải về trò chơi ngôn ngữ trong tư duy phản biện của mỗi chúng ta, khi chính nó là khởi đầu của mọi sự phân biệt giống nhau và khác nhau, cũng như liên kết từ khái niệm này sang khái niệm khác. Hay như chữ diễn ngôn vậy, từ đầu bài đến giờ tôi vẫn hiểu nó theo cách diễn giải của GS Stuart Hall cho chữ discourse, có lẽ cao hơn một bậc và rất khác với các cách hiểu chữ này đã từng được GS Trần Đình Sử trình bày trong một số bài viết lý thuyết. Hiện nay chính phủ Anh đang cấp rất nhiều xuất học bổng cho Việt Nam, đặc biệt cho ngành truyền thông và văn hóa, hi vọng sẽ có được một vài bạn sinh viên quan tâm đến vấn đề này và bỏ sức chuyển giao một phần hệ thống lý thuyết Mác-xít cho văn hóa ở Anh vào không gian tri thức tiếng Việt – một việc chắc chắn đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian cũng như là khả năng nghiên cứu và tiếp thu.