Sunday, July 24, 2011

Alfred Schutz

Hiểu biết thông thường và Kiến thức khoa học xã hội

Alfred Schutz 1966, Lê Hải dịch[1]

Theo Alfred North Whitehead, khoa học[2] luôn có hai mục tiêu: Thứ nhất là sản xuất ra một lý thuyết phù hợp với thực nghiệm, và thứ hai là sự giải thích của các khái niệm sử dụng trong hiểu biết thông thường về tự nhiên, ít nhất là về mặt khái quát; giải thích này được thành lập bằng cách giữ lại các khái niệm đó trong lý thuyết khoa học của tư duy phù hợp. Vì lý do này khoa học vật lý (là khoa học duy nhất theo cách hiểu của Whitehead) đã chế tạo các thiết bị mà qua đó các vật thể mang tính tư duy (thought objects) trong nhận thức đời thường được thay thế bằng các vật thể mang tính tư duy của khoa học. Các vật thể này, như là phân tử, hạt nhân, và điện tử đều có cùng tính chất là khả năng thể hiện ý nghĩa trực tiếp trong nhận thức của ta và được ta biết đến chỉ nhờ một chuỗi các sự kiện mà chúng có tham gia. Nói một cách chắc chắn hơn là các sự kiện được thể hiện trong nhận thức của ta bằng các thể hiện ý nghĩa. Thông qua thiết bị này một cầu nối được tạo ra giữa sự mơ hồ dao động của ý nghĩa và sự định nghĩa chính xác của tư duy.

Mối quan tâm ở đây không phải là theo từng bước phương pháp thông minh mà Whitehead đã dùng như vừa tóm tắt để phân tích các tổ chức của tư duy, bắt đầu từ “giải phẫu học các tư tưởng khoa học” và kết thúc bằng các lý thuyết được toán hóa cho vật lý hiện đại và các nguyên tắc vận hành cho logic hình thức. Chúng ta quan tâm nhiều đến quan niệm cơ bản mà Whitehead cùng chia sẻ với các nhà tư tưởng lớn khác trong thời của chúng ta như William James, Dewey, Bergson và Husserl. Quan điểm này có thể trình bày một cách rất khái quát như sau:

Tất cả kiến thức của chúng ta về thế giới, theo hiểu biết thông thường cũng như theo kiến thức khoa học, đều là các kết cấu, ví dụ như là một tổ hợp các khái niệm trừu tượng, hệ thống phổ quát, hình thức hóa, tuyệt đối hoá phù hợp riêng với một mức độ tổ chức tư duy nhất định. Nói cụ thể hơn, không có gì gọi là thực tế, thuần chất và đơn giản. Tất cả dữ kiện đều từ một hệ thống dự kiện được chọn trong một bối cảnh phổ quát nhờ các hoạt động của trí não. Vì vậy tất cả đó đều là dữ kiện đã được diễn giải, là dữ kiện được xét tách rời khỏi môi trường bằng tư duy trừu tượng nhân tạo hoặc dữ kiện được xét trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bất kể là trường hợp nào thì các dữ kiện đó đều hàm chứa giá trị diễn giải bên trong hoặc bên ngoài. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể nắm bắt thực tại thế giới trong cuộc sống hàng ngày hay trong khoa học. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta chỉ nắm bắt một số góc cạnh mà thôi, chính xác là những gì chúng ta cần tới trong toan tính cuộc sống hàng ngày, hay từ góc nhìn của một qui trình với những nguyên tắc đã được công nhận trong tư duy được gọi là phương pháp khoa học.

Theo cách nhìn đó, tất cả các cấu trúc khoa học được thiết kế để thay thế các cấu trúc trong tư duy đời thường, thì khác biệt về nguyên tắc giữa các ngành khoa học tự nhiên và xã hội sẽ hiện rõ. Các nhà khoa học tự nhiên có quyền quyết định chọn[3] khu vực nào của thế giới tự nhiên, cũng như các dữ liệu và sự kiện nào trong đó, và các góc cạnh sử dụng để tập trung và diễn giải phù hợp với yêu cầu riêng của họ.Các dữ kiện và sự kiện đó không được chọn lựa trước và cũng không bị diễn giải trước; chúng không thể hiện các kết cấu lệ thuộc phù hợp. Phù hợp không phải là thuộc tính trong tự nhiên khi là kết quả của quá trình lựa chọn và diễn giải của con người trong tự nhiên hay trong lúc quan sát tự nhiên. Các dữ kiện, dữ liệu và sự kiện mà nhà khoa học tự nhiên xử lý chỉ là các dữ kiện, dữ liệu và sự kiện trong lĩnh vực mà anh ta quan sát, nhưng lĩnh vực này không có “nghĩa” gì với phân tử, nguyên tử hay là điện tử trong đó.

Nhưng các dữ kiện, sự kiện và dữ liệu trước mắt nhà khoa học xã hội lại là một kết cấu hoàn toàn khác. Khu vực quan sát của anh ta, tức là thế giới xã hội, về bản chất không phải là không có kết cấu. Khu vực đó có ý nghĩa riêng và kết cấu phù hợp với con người sống, suy nghĩ và hoạt động bên trong đó. Họ[4] đã chọn trước và diễn giải trước thế giới này bằng một chuỗi các kết cấu thông thường về thực tại của cuộc sống hàng ngày, và các vật thể mang tính tư duy đó sẽ quyết định hành vi của họ, định ra mục tiêu cho hành động của họ, các phương tiện có thể sử dụng để đạt mục tiêu – nói một cách đơn giản, là những điều giúp họ tìm ra các ứng xử phù hợp trong môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội và nắm bắt được. Các vật thể mang tính tư duy do các nhà khoa học xã hội tạo ra chỉ đến và được lập ra qua các vật thể mang tính tư duy tao ra từ kiến thức đời thường của người sống trong cuộc sống hàng ngày cùng với những thành viên khác. Cho nên, các cấu trúc được nhà khoa học xã hội sử dụng, nói theo một cách nào đó, là cấu trúc thứ cấp, tức là cấu trúc của cấu trúc đã do các nhân vật trên sàn diễn xã hội tạo ra, những người mà nhà khoa học quan sát hành vi và tìm cách giải thích theo các nguyên tắc vận hành trong khoa học của anh ta.

Các ngành khoa học xã hội hiện đại bị đặt trong hoàn cảnh phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng. Một trường phái tư duy cảm thấy có tồn tại một khác biệt cơ bản trong cấu trúc giữa thế giới xã hội và thế giới tự nhiên. Tuy nhiên cách nhìn này lại kéo theo kết luận sai lầm là các ngành khoa học xã hội hoàn toàn khác với các ngành khoa học tự nhiên, một cách nhìn không xét đến dữ kiện là một số nguyên tắc nghiên cứu nhất định liên quan đến tổ chức tư duy chuẩn xác được áp dụng với tất cả các ngành khoa học thực nghiệm. Một trường phái tư duy khác thì tìm cách nhìn vào hành vi của con người cũng giống như cách mà nhà khoa học tự nhiên nhìn vào “hành vi” của các vật thể mang tính tư duy của anh ta, coi như đương nhiên là các phương pháp của khoa học tự nhiên (trên tất cả là vật lý toán học) vốn đạt được các kết quả lớn lao, là các phương pháp khoa học duy nhất. Một cách khác, cách nhìn này coi như hiển nhiên là việc chấp nhận các phương pháp của khoa học tự nhiên trong việc lập ra kết cấu sẽ tạo ra kiến thức đáng tin cậy về thực tại xã hội. Nhưng hai điều được coi là mặc định đó không tương thích với nhau. Ví dụ như một hệ thống[5] hành vi được điều chỉnh tuyệt đối và phát triển đầy đủ sẽ đi xa khỏi các cấu trúc mà người ta dùng trong thực tế trải nghiệm hàng ngày về chính hành vi của bản thân và các thành viên khác.



[1] Trích dịch từ Alfred Schutz 1966, Common-sense and Scientific Interpretation, in Maurice Natanson (& Herman Leo van Breda) ed. 1990 Collected papers: The problem of social reality, Springer. Toàn bộ chú thích trong bản gốc - chủ yếu là dẫn nguồn sách - được lược bỏ. Người dịch thêm chú thích của bản thân và một số nội dung lấy từ một tác phẩm khác của Schutz là bài giảng vào năm 1940, được tạp chí Social Research vol 27 nr 2 in phần cuối vào năm 1960 (trang 203-221, in lại trong tập hai của bộ Collected papers: Studies in Social Theory, Auid Brodersen ed. [1964] 1976, Springer p.3-19)

[2] Đầu thế kỷ 20 các nhà lý thuyết trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn bàn luận nhiều về việc ngành này có được coi là khoa học hay không, đặc biệt là sau công trình của Thomas Kuhn bàn về paradigm và một số lập luận bác bỏ hoàn toàn “tính khoa học” của ngành. Một trong số các giải pháp như Alfred Schutz thực hiện trong bài viết này là áp dụng các phương pháp nghiên cứu và tư duy khoa học của ngành được coi là khoa học nhất là vật lý hiện đại (ảnh hưởng toán học) vào xã hội học. Schutz (1940:3) tuyên bố “các ngành khoa học xã hội phải theo qui củ của các ngành khoa học tự nhiên và thu nhận các phương pháp của các ngành đó”, nhưng cũng không chấp nhận cách ứng dụng quá cực đoan của trường phái behaviorism. Vấn đề sâu xa hơn là sự phân chia giữa tính khách quan và chủ quan của thực tại, mà nhà nghiên cứu xã hội có thể quyết định không chạm đến phần chủ quan, mà chỉ thu nhận dữ liệu để xử lý ở khu vực khách quan ví dụ như lý thuyết kinh tế về đường cung cầu, xác định qui luật trên mối quan hệ khách quan giữa hai giá trị này mà không đi sâu vào nhu cầu chủ quan hay giá trị chủ quan. “Chúng ta hãy ghi nhận các dữ liệu của thế giới xã hội này trong khuôn khổ kinh nghiệm khoa học của chúng ta có thể thể hiện chúng trong các mô hình đáng tin cậy, hãy mô tả và phân tích các dữ liệu đó, hãy xếp nhóm chúng theo các hệ thống chặt chẽ rồi nghiên cứu qui luật trên hình dáng và phát triển mà chúng tạo ra, và chúng ta sẽ đạt đến một hệ thống cho khoa học xã hội, phát hiện các nguyên tắc cơ bản và qui luật giải tích của thế giới xã hội” (Schutz 1940:6).

[3] Vì vậy mà Schutz (1940:8) cho rằng “tiên đề cơ bản cho phương pháp trong khoa học xã hội phải như sau: chọn một hệ qui chiếu thích hợp với vấn đề đang quan tâm nghiên cứu, cân nhắc giới hạn và khả năng, tương thích hóa và thống nhất hóa hệ thống khái niệm với các hệ thống khác, và khi đã chọn xong thì cần phải gắn với nó đến cùng!”. Trong trường hợp quá trình nghiên cứu làm phát lộ ra các hiện tượng khiến phải thay đổi thì toàn bộ hệ thống khái niệm cần phải được chuyển đổi hoàn toàn. Trích dẫn lý thuyết gia gốc Ba Lan từ trường phái Chicago Florian Znaniecki, Schutz (1940:7) ghi nhận rằng các hiện tượng xã hội có thể được nghiên cứu trong một trong bốn lĩnh vực là cá tính cá nhân mang tính xã hội (social personality), hoạt động xã hội (social act), nhóm xã hội bao gồm cả các cơ quan đại diện (social group, social institutions) và quan hệ xã hội (social relations).

[4] Cách nhìn xã hội của Schutz (1940:13) hoàn toàn lấy từ góc nhìn cá nhân luận (methodological individualism) của Max Weber (social action), tức là “các vấn đề xã hội chỉ có thể hiểu được nếu giản lược xuống hoạt động của con người và các hoạt động của con người chỉ có thể hiểu được bằng cách chỉ ra động cơ mang tính nhân quả (because motives) hay mục tiêu (in-order-to)”.

[5] Mối quan tâm hàng đầu của Schutz (1940:13) là “các động cơ đặc trưng (typical motives) của các nhân vật/vai diễn xã hội đặc trưng (typical actors) mang tính giải thích một hành động thể hiện ra ngoài là đặc trưng (typical act) trong một tình huống đặc trưng (typical situation)”.

Saturday, July 23, 2011

Doc Sach

Phương pháp đọc sách

Theo hướng dẫn dành cho học sinh cấp 2 (GCSE) ở Anh

Trước hết là có 2 cách đọc chính.

SKIMMING là đọc lướt qua để nắm nội dung chính. Đọc mục lục, nhìn qua tên của các chương để nắm bắt coi cuốn sách này nói về chuyện gì. Khi đọc qua 1 trang sách thì mục tiêu không phải là đọc từng chữ một mà nhìn lướt qua coi cái văn bản đó đưa ra thông tin gì.

SCANNING là đọc lướt qua để tìm một nội dung cụ thể. Tức là bạn đã biết điều mình cần tìm và tìm coi cuốn sách này nói gì về vấn đề đó.

(trang 80, Don Shiach [1996] 2002 Written English, Hodder Education)

Monday, July 18, 2011

Harold Garfinkel

Bản nháp đang tiếp tục chỉnh sửa

Nghiên cứu tri thức bình dân

Lê Hải

Tạm dịch sang tiếng Việt là “nghiên cứu tri thức bình dân”, ngành ethnomethodology được GS người Mỹ Harold Garfinkel (1917-2011) đặt tên bằng cách ghép các từ gốc Hi Lạp là ethno (dân, dân tộc), method (phương pháp) và -logy (ngành học). Với kiến thức cơ bản từ ngành kế toán, Garfinkel bước vào xã hội học trong vòng ảnh hưởng của trường phái giao tiếp biểu tượng (symbolic interactionism) của Talcott Parsons và hiện tượng luận (phenomenology) của Alfred Schutz. Theo ông, hiện tượng xã hội cần được nhà nghiên cứu ghi nhận một cách “tính toán được”, tức là có thể quan sát được và báo cáo lại được (như hệ thống kế toán). Dữ liệu cũng cần được thể hiện để đưa ra các giá trị như là những con số trên bảng cân đối, và giá trị nhất là các cụm từ mang tính phân loại, xếp hạng. Do gắn liền với ngôn ngữ được sử dụng trong tương tác mà bộ môn nghiên cứu tri thức bình dân cũng thường gắn liền với “phương pháp phân tích đối thoại” (conversation analysis), như tên gọi chính thức của hiệp hội quốc tế IIEMCA[1] (The International Institute for Ethnomethodology and Conversation Analysis).

Nói một cách đơn giản, ethnomethodology là ngành nghiên cứu những phương pháp mà người dân bản địa sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để ứng xử trong cuộc sống xã hội[2]. Thông qua ngôn ngữ người nghiên cứu có thể hiểu được các tương tác xã hội hay chính xác hơn là các hành vi tạo ra hoạt động xã hội. Phân tích thuộc trường phái này trên một mẩu đối thoại ghi được trong cuộc sống sẽ quan tâm chủ yếu không phải là nội dung hay hình thức của cuộc đối thoại đó, mà là những ngụ ý giữa hai hàng chữ. Với một câu chào đơn giản người ta có thể diễn giải một lượng lớn các nội dung ẩn chứa giữa các dòng chữ. (Ví dụ như trong tiếng Việt khi chuyển cách xưng hô của nhân vật nữ gọi nhân vật nam từ chú sang anh có thể là cả một câu chuyện tình ướt át.) Nhà nghiên cứu cần phải biết “phân biệt giữa những gì được nói ra và những điều được nói đến” (Garfinkel 1967:27). Nghiên cứu này đặc biệt hữu dụng trong khảo sát môi trường sống và lao động (Garfinkel ed. 1986). Bản thân ethnomethodology cũng có điểm chung với nhân sinh quan Mác-xít là coi tri thức trong mối quan hệ với môi trường sống mà nó được tạo ra cũng như phương pháp sản xuất (Freund & Abrams 1976).

Môi trường nghiên cứu của ethnomethodology cũng là thực địa, nhưng nếu dịch sang tiếng Việt là điền dã có thể bị hiểu nhầm với cách hiểu điền dã hiện nay ở Việt Nam khá gần với dân tộc ký, tức là ethnography, vốn phổ biến từ thập niên 1920s, cũng gần với các khảo sát dân tộc học của ngành ethnology. Phát triển cùng với trường phái Chicago trong khảo sát xã hội, dân tộc ký nhanh chóng lấn át các phương pháp điều tra xã hội học (survey) và phân tích số liệu, trở thành phương pháp thường được dùng nhất (Francis & Hester 2004:22). Tuy nhiên, khi quan sát và phỏng vấn, người sử dụng phương pháp dân tộc ký vẫn đặt khoảng cách với đối tượng nghiên cứu, luôn coi mình là người bên ngoài trong bối cảnh nghiên cứu. Với ethnomethodology thì ngay từ quá trình quan sát đã là hoạt động nhiều hơn là kỹ thuật đặc thù trong ngày xã hội học, mà là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ nhà nghiên cứu mà tất cả mọi người trong bối cảnh nghiên cứu đều quan sát để rút ra các tri thức ứng dụng ngay lập tức trong hoàn cảnh đó và nâng cấp cho nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. (Ví dụ người sống trong không gian rộng cần nói to để truyền đạt âm thanh sẽ tạo thành đặc tính này) Những điều hiển nhiên trong ứng xử của đối tượng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhà nghiên cứu nhằm đưa ra giải thích phù hợp.

Về cơ bản, phương pháp nghiên cứu của ethnomethodology gồm ba bước chính (Francis & Hester 2004:23). Đầu tiên là ghi nhận những gì có thể quan sát và ghi lại được thành trường hợp (observably-the-case), trong đối thoại, hoạt động, hay bối cảnh. Bước thứ hai là đặt câu hỏi làm thế nào mà trường hợp này được tạo ra như vậy và được nhận biết như vậy. Bước thứ ba là cân nhắc, phân tích và mô tả những phương pháp mà người dân bản địa tại môi trường nghiên cứu sử dụng để tạo ra và nhận biết những đặc tính mà người nghiên cứu đã ghi nhận ở bước đầu tiên (Thuật ngữ chuyên ngành được David Francis và Stephen Hester sử dụng trong giáo trình là self-reflection, analysis of recorded talk and action, và acquired immersion).

Trong số các phương pháp được áp dụng còn có thủ thuật làm ngưng các giao tiếp ngày thường bằng cách đưa ra một hành động bất thường, gọi là breaching hay tic-tac-toe experiments, để xem phản ứng của đối tượng giao tiếp (Hippen et al. 2011). Trên nguyên tắc, để làm lộ ra các nguyên tắc qui định trong ứng xử chúng ta cần phải tạm ngưng quá trình tự nhiên đang tạo ra hiện thực. Garfinkel phân biệt hai loại hình khác nhau trong tri thức bình dân, một là sản phẩm của quá trình đó, và một là quá trình mà chính những người đang tương tác tạo ra mà không phải lúc nào cũng ý thức việc mình đang làm. Trật tự xã hội là một quá trình liên tục và là đối tượng bị thay đổi hoặc thậm chí diễn giải sai lạc. Nghi lễ hạ thấp uy tín cũng là một quá trình đáng chú ý (ví dụ như cuộc điều trần của Bill Clinton trong vụ Monika Lewinski). Sau Garfinkel còn có nhiều biến thể và phát triển khác nhau trong cùng trường phái ethnomethodology, ví dụ như Aaron V. Cicourel đặt tên cho hệ phái của mình là Cognitive Sociology, Dierdre Boden cố gắng kéo ethnology gần lại với symbolic interactionism, Harvey Sacks tập trung vào các qui luật chung trong đối thoại, còn Don Zimmerman được coi là có quan điểm cực đoan, bác bỏ các góc nhìn truyền thống (Hippen et al. 2011).

Như một hệ phái với cấu trúc thống nhất từ góc nhìn xuống đến phương pháp nghiên cứu và trả lời từ những câu hỏi nhỏ trong một bối cảnh xã hội đến câu hỏi lớn như đâu là trật tự xã hội (Douglas & Kardash 2007, Collin 1997), ethnomethodology còn ảnh hưởng mạnh vào các tranh cãi trên tầng triết học thời đương đại, mà có lúc còn có thể coi là triết học nhận thức (Szacki 2003:874-876).

Tham khảo:

Garfinkel, Harold (1967) 2003, Studies in Ethnomethodology, Blackwell

Garfinkel, Harold ed. 1986, Ethnomethodological Studies of Work, Routledge

Collin, Finn 1997, Social reality, Routledge

Heritage (1984) 2003, Garfinkel and Ethnomethodology, Blackwell

Francis, David & Stephen Hester 2004, An invitation to ethnomethodology: language, society and social interaction, Sage

Maynard, W. Douglas & Teddy Kardash 2007, Ethnomethodology, trang 1483-1486 trong G.Riztzer ed. Encyclopedia of Sociology, Blackwell

Freund, Peter & Mona Abrams (1976) 2007, Ethnomethodology and Marxism: Their Use for Critical Theorizing, trang 377-393 trong Theory and Society Vol 3 nr.3 1976

Szacki, Jerzy 2003, Historia myśli socjologicznej, PWN

Hippen, Cole & Danielle Yates & Kit Mason 2011, Ethnomethodology, power point slide from UMSL lecttures at http://www.umsl.edu/~keelr/3210/3210_lectures/ethno.html



[1] Trang mạng ở địa chỉ www.iiemca.org, với các hội thảo thường niên được giới thiệu tại trang http://www.iiemca-conference.org/, cũng như phân nhánh ở Úc ở địa chỉ www.aiemca.org.

[2] Cho nên tác giả sử dụng thuật ngữ “nghiên cứu tri thức bình dân”. Tại Việt Nam hiện đang có khái niệm “tri thức dân gian” (folklore knowledge) do GS Ngô Đức Thịnh xây dựng, cũng khá gần với góc nhìn này, cũng như các khái niệm như là “tri thức bản địa” (indigenous knowledge) và “tri thức địa phương” (local knowledge), có thể đọc thêm ở trang nhà của khoa văn hóa ĐH QG tp.HCM: http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1434&Itemid=121. Khái niệm này cũng vừa được TS Nguyễn Thị Diệp Mai sử dụng trong công trình nghiên cứu văn hóa ứng xử tự nhiên (góc nhìn của GS Trần Ngọc Thêm) ở vùng U Minh, cực nam Việt Nam.

Sunday, July 17, 2011

Toponymy

Địa danh học

Fellmann et al. 1998, Lê Hải dịch[1]

Toponyms là địa danh, tức là ngôn ngữ đặt trên đất, cũng là bản ghi của các cư dân trong quá khứ, những người duy trì các tên gọi đó, có lúc thay đổi hay làm sai đi, như là các nhắc nhở về sự tồn tại và qua đi của họ. Toponomy, tạm dịch là địa danh học, là ngành nghiên cứu tên gọi của các nơi chốn, một khu vực quan tâm đặc biệt của ngành địa lý ngôn ngữ. Đây cũng là phương tiện thường dùng trong ngành địa lý lịch sử và văn hóa, khi địa danh trở thành một phần của cảnh quan văn hóa (cultural landscape) tiếp tục tồn tại lâu dài sau khi những người đặt ra tên gọi đó đã biến mất khỏi hiện trường.

Ví dụ, ở Anh các địa danh có đuôi là -chetster như Manchester và Winchester biến chuyển từ gốc chữ tiếng Latinh castra, tức là khu trại. Đuôi gốc Anglo-Saxon cho các khu dân cư bộ lạc hay dòng họ thường là –ing (người hay gia đình) hoặc –ham (xã hoặc có thể là trảng cỏ) như Birmingham và Gillingham. Các cư dân đến từ Scandinavia hay Đan Mạch đóng góp thêm các phần đuôi như -thwaitc (trảng cỏ), -fell (đồi hoang) và -beck (vũng, ao). Dân Celtic, sống ở châu Âu từ trước thời La Mã cả 1000 năm cũng để lại các tên bộ lạc bị biến dạng trên các vùng đất và khu dân cư mà những sắc dân đến sau thừa hưởng. Dân Ả-rập tràn xuống Bắc Phi và chéo lên Iberia cũng để lại dấu ấn trong các địa danh ghi lại lịch sử chinh phục và kiểm soát. Cairo có nghĩa là “chiến thắng”, Sudan là “đất của những người da đen”, Sahara là “hoang mạc”. Các địa danh Tây Ban Nha có chứa biến thể của “mạch nước” trong tiếng Ả-rập là wadi như Guadalajara và Guadalquivir.

Bên Tân thế giới, không chỉ có một mà nhiều sắc dân khác nhau đặt tên cho các vùng đất và khu dân cư. Khi đặt tên họ nhớ đến nhà cũ và quê nhà, vinh danh hoàng gia và các anh hung của họ, mượn tên và gọi sai tên do đối thủ đặt, theo trào lưu, trích dẫn Kinh Thánh, nhận và thay đổi các tên của thổ dân da đỏ. Quê nhà xuất hiện trong New England, New France, hay New Holland. Thị trấn cũ được biến thành Boston, New Bern, New Rochelle, và Cardiff (từ Anh, Thụy Sĩ, Pháp và xứ Wales). Hoàng gia được nhắc đến ví dụ như là Virginia cho nữ hoàng đồng trinh Elizabeth, Carolina cho một vua Anh, Georgia cho một vua Anh khác, và Louisiana cho vua Pháp. Washington, D.C., Jackson, Mississippi và Michigan, rồi Austin, Texas và Lincoln, Illinois để tưởng nhớ các vị anh hùng và lãnh đạo. Tên do người Hà Lan đặt ở New York bị đa số là người Anh biến tướng, từ Breukelyn, Vlissingen và Haarlem thành Brooklyn, Flushing và Harlem. Các tên tiếng Pháp cũng bị biến tướng tương tự hay dịch sang, còn tên tiếng Tây Ban Nha cũng được tiếp nhận, biến đổi, hay như sau này là đưa vào các hệ đôi như là Hermosa Beach. Tên các bộ lạc da đỏ như Yenrish, Maha và Kansa bị thay đổi, đầu tiên qua tiếng Pháp và sau đó là tiếng Anh, thành Erie, Omaha và Kansas. Rồi trào lưu ‘Tái cổ điển’ cho ra những cái tên như Troy, Athens, Roma và Sparta. Bethlehem, Ephrata, Nazareth và Salem đến từ Kinh Thánh. Tên cũng được tiếp nhận và chuyển đi cùng với các nhóm di dân sang phía Tây Hoa Kỳ.

Bất kể là ngôn ngữ nào, địa danh thường gồm 2 phần là generic (mang tính phân loại) và specific (mang tính riêng biệt). Big River (Sông Cái/Lớn) trong tiếng Anh có phiên bản Rio Grande trong tiếng Tây Ban Nha, Mississippi trong tiếng Algonquin và Ta Ho (Đại Hà?) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trật tự giữa phân loại và riêng biệt có thể thay đổi tùy theo mỗi loại ngôn ngữ và cho chỉ dấu về nhóm đầu tiên đã tạo ra địa danh đó. Trong tiếng Anh phần riêng biệt thường đi trước, như là Hudson River, Bunker Hill, Long Island. Còn ở Hoa Kỳ người ta có River Rouge hay Isle Royale, cũng như các bằng chứng về khu dân cư Pháp - người Pháp đã lật ngược thứ tự. Một số tên mang tính phân loại cũng có thể được dùng để lần theo dấu vết của các nhóm phương ngữ phía đông. Dân cư từ các nhóm ngôn ngữ phía Bắc thường có thói quen đặt tên cho một cộng đồng rồi sau đó gọi các láng giềng bằng cùng tên đó được thêm phương hướng, ví dụ như Lansing và East Lansing. Người ta tìm thấy Brook trong khu định cư New England, -run từ phương ngữ Midland, còn -bayou-branch là từ khu vực phía nam.

Thực dân châu Âu và các thế hệ sau đặt địa danh theo một cảnh quan thực địa vốn đã được người bản xứ gọi từ trước. Các tên này có lúc được thu nhận, nhưng thường bị cắt ngắn, thay đổi hoặc chắc chắn là phát âm sai. Vùng đất rộng lớn mà những người da đỏ gọi là Mesconsing tức là con song dài được Lewis và Clark ghi thành Quisconsing, và sau đó biến đổi tiếp thành Wisconsin. Milwaukee và Winnipeg, Potomac và Nigara, tên của 27 trong số 50 bang của Hoa Kỳ, và nhận dạng hiện nay của hàng ngàn địa danh Bắc Mỹ, lớn lẫn bé, có nguồn gốc từ các ngôn ngữ bản địa ở Hoa Kỳ.

Trong vùng lãnh thổ tây bắc của Canada, địa danh theo cách gọi của thổ dân da đỏ và người Eskimo (Inuit) đang xuất hiện trở lại. Thị trấn Frobisher Bay được trở về thành Iqaluit (chỗ của cá) trong tiếng Eskimo, Resolute Bay trở về Kaujuitok (nơi mặt trời không bao giờ mọc) trong tiếng Inuktitut, ngôn ngữ chung của người Eskimo ở Canada, còn Jean Marie River thành Tthedzehk’edeli (sông chảy trên đất sét) như tên Slavey trước đó. Các tên này và những thay đổi tên chính thức khác thể hiện quyết định của Hội đồng điều hành khu rằng ý nguyện của cộng đồng sẽ là tiêu chuẩn cho tất cả các địa danh, bất kể phiên bản châu Âu là như thế nào.

Quyết định này cũng công nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ như là mối liên hệ mang tính thống nhất mạnh trong phức hợp văn hóa của con người. Ngôn ngữ có thể làm bằng chứng cơ bản về sắc tộc và biểu tượng bảo vệ tích cực cho lịch sử và tính riêng biệt của một nhóm xã hội riêng rẽ. Người Mỹ gốc Tây Ban Nha đòi quyền thông tin bằng ngôn ngữ riêng và cuộc nội chiến của người Basques về cơ bản cũng là đòi quyền riêng về ngôn ngữ. Các bang của Ấn Độ được điều chỉnh cho phù hợp với ranh giới ngôn ngữ, và Giáo hội công giáo dân tộc Ba Lan được lập ra ở Mỹ chứ không phải ở Ba Lan để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan trong một môi trường xa lạ.

[1] Từ giáo trình nhập môn Địa lý nhân văn (Human Geography: Landscapes of human activities) của các tác giả Jerome Donald Fellmann, Arthur Getis và Judith Getis, NXB Surendra Kumar tái bản lần thứ 5, 1998, đề mục Địa danh học (Language on the Landscape: Toponymy), trang 154-155.

Sunday, July 3, 2011

Dinh Luong va Dinh Tinh

Định lượng và Định tính
Phương Nguyễn, ĐH Kinh Tế tp.HCM (7/2011)

Khi phối hợp giữa hai phương pháp, nghiên cứu định tính cung cấp thông tin chỉ trên những trường hợp nghiên cứu cụ thể, và bất kỳ những kết luận tổng quát nào rút ra chỉ là các giả thuyết và nghiên cứu định lượng có thể được sử dụng để kiểm tra lại, những giả thuyết kia cái nào là đúng.

Phương pháp nghiên cứu định lượng:

Phương pháp định lượng là phương pháp sử dụng những kỹ thuật nghiên cứu để thu thập dữ liệu định lượng – thông tin có thể biểu hiện bằng các con số và bất cứ gì có thể đo lường được. Thống kê, bảng biểu và sơ đồ, thường được sử dụng để trình bày kết quả của phương pháp này.

Trong khoa học xã hội, nghiên cứu định lượng chỉ sự điều tra nghiên cứu theo lối kinh nghiệm có phương pháp của các đặc tính số lượng và các hiện tượng, mối quan hệ giữa chúng. Mục tiêu của nghiên cứu định lượng là phát triển và sử dụng các mô hình toán học, lý thuyết và/hoặc các giả thuyết gắn liền với hiện tượng. Cách thức tiến hành đo lường là trung tâm của nghiên cứu định lượng bởi vì nó cung cấp sự liên kết quan trọng giữa quan sát theo lối kinh nghiệm và biểu thức toán học của các mối quan hệ theo định lượng.

Nghiên cứu định lượng sử dụng phương pháp thống kê bắt đầu với việc thu thập dữ liệu, dựa vào giả thuyết hoặc lý thuyết. Thường một mẫu lớn được thu thập, đòi hỏi phải xác minh, công nhận có đủ giá trị, và lưu trữ trước khi phân tích có thể thực hiện. Những quan hệ nguyên nhân được nghiên cứu bằng cách thay đổi hệ thống các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng trong khi kiểm soát những biến số còn lại có liên quan đến kết quả thực nghiệm.

Những mối quan hệ và những tập hợp theo lối kinh nghiệm cũng thường được nghiên cứu bằng cách sử dụng một số loại hình thức của mô hình tuyến tính tổng quát, mô hình phi tuyến, hoặc sử dụng phân tích nhân tố. Một nguyên tắc nền tảng trong nghiên cứu định lượng là sự tương quan không ám chỉ đến nguyên nhân. Vì luôn có khả năng một mối quan hệ giả tạo tồn tại đối với các biến khi hiệp phương sai được tìm thấy ở mức độ nào đó.

Phương pháp nghiên cứu định tính:

Nghiên cứu định tính là phương pháp sử dụng các câu hỏi, hướng mục đích vào tập hợp sự hiểu biết sâu về hành vi con người và lý do chi phối hành vi đó. Phương pháp định tính thường hướng vào câu hỏi tại sao đưa ra quyết định và đưa ra bằng cách nào, chứ không chỉ là cái gì, khi nào và ở đâu. Do đó, mẫu nhỏ nhưng tập trung thì thường cần thiết hơn là mẫu lớn.

Phương pháp định tính mang lại thông tin tập trung vào những trường hợp nghiên cứu cụ thể, và bất kỳ kết luận chung nào thì cũng là những thành phần chứ không phải toàn bộ. Phương pháp định tính có thể sử dụng để tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía kinh nghiệm cho giả thuyết nghiên cứu.

Cách tiếp cận định tính có lợi thế là cho phép sự đa dạng hơn trong trả lời cũng như khả năng đáp ứng với những phát triển hoặc vấn đề mới trong quá trình nghiên cứu. Nghiên cứu định tính có thể tốn kém chi phí và thời gian, nhiều lĩnh vực nghiên cứu sử dụng kỹ thuật định tính được phát triển riêng biệt nhằm cung cấp kết quả cô đọng, hiệu quả về chi phí và thời gian hơn.

Đánh giá hai phương pháp

Trước tiên, trong nghiên cứu định tính, các trường hợp được lựa chọn có mục đích - chúng có điển hình cho các tính chất nào đó hoặc vị trí cụ thể nào đó hay không.

Thứ hai, vai trò của nhà nghiên cứu định tính nhận nhiều chú ý, phê bình hơn. Đó là do vấn đề đạo đức, nhà nghiên cứu trong nghiên cứu định tính phải giữ vai trò trung lập. Do đó họ cần nêu rõ vai trò của mình trong quá trình nghiên cứu và trong phân tích.

Thứ ba, trong khi phân tích dữ liệu định tính có thể bằng rất nhiều dạng, khác với nghiên cứu định lượng ở chỗ nó tập trung vào ngôn ngữ, dấu hiệu và ý nghĩa. Thêm vào đó, cách tiếp cận nghiên cứu định tính theo cách nhìn toàn cảnh và theo ngữ cảnh, hơn là thu nhỏ và tách biệt. Nhiều phương pháp định tính yêu cầu nhà nghiên cứu mã hóa dữ liệu cẩn thận, phân biệt và lưu trữ hồ sơ một cách nhất quán và đáng tin cậy.

Thứ tư, nghiên cứu định tính cung cấp thông tin chỉ trên những trường hợp nghiên cứu cụ thể, và bất kỳ những kết luận tổng quát nào rút ra chỉ là các giả thuyết. Nghiên cứu định lượng có thể được sử dụng để kiểm tra lại, những giả thuyết kia cái nào là đúng.

Cuối cùng, nghiên cứu định tính thường được sử dụng cho nghiên cứu đánh giá chính sách và chương trình bởi nó có thể trả lời những câu hỏi quan trọng hiệu quả hơn cách tiếp cận định lượng. Đặc biệt cho trường hợp tìm hiểu bằng cách nào và tại tao kết quả nào đó lại đạt được (không chỉ cái gì đạt được), cũng tìm hiểu những câu hỏi quan trọng liên quan đến sự thích hợp, các ảnh hưởng không chủ định hoặc tác động của chương trình như: liệu những kỳ vọng có là hợp lý? Quy trình hoạt động có như dự kiến? Những người tham gia chủ chốt có khả năng thực hiện nhiệm vụ của họ? Chương trình có gây ra những tác động ngoài dự kiến?

Nghiên cứu hỗn hợp

Những người ủng hộ phương pháp định lượng cho rằng chỉ có cách sử dụng những phương pháp này mới có thể làm cho khoa học xã hội trở thành khoa học chân chính; những người ủng hộ phương pháp định tính thì cho rằng phương pháp định lượng có xu hướng làm mờ đi thực tế của hiện tượng xã hội thông qua nghiên cứu bởi vì họ đánh giá thấp hoặc không chú ý đến những yếu tố không đo lường được, các yếu tố này có thể là quan trọng nhất. Xu hướng hiện đại (và trong thực tế xu hướng chủ đạo trong lịch sử khoa học xã hội) là sử dụng những cách tiếp cận triết chung. Phương pháp định lượng có thể được sử dụng với khung định tính. Phương pháp định tính có thể được sử dụng để hiểu về ý nghĩa của các con số phát sinh từ phương pháp định lượng. Sử dụng phương pháp định lượng, có thể đưa ra công thức chính xác và có thể kiểm tra được đối với những ý kiến định tính. Sự kết hợp dữ liệu định tính và định lượng này thường được ám chỉ là phương phướng nghiên cứu hỗn hợp.

Phương pháp nghiên cứu định tính xen lẫn định lượng được Đặng Phong sử dụng cho tác phẩm “Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975 – 1989”.

Ví dụ 1: Để chứng minh nhận định “Ngay từ năm 1977, đặc biệt là năm 1978, hàng loạt các sự kiện quốc tế, rồi thiên tai, địch họa… đã làm đảo lộn rất nhiều những dự kiến ban đầu của kế hoạch”, Đặng Phong đã sử dụng cách mô tả thực tế tình hình kinh tế những năm 1979-1980 với các sự kiện

· Chiến tranh biên giới Tây Nam

· Hai trận lũ lớn ở đồng bằng Nam Bộ

· Đầu vào từ các nước xã hôi chủ nghĩa giảm sút đột ngột

Và dùng số liệu khối lượng nhập khẩu 1976-1980 bằng hiện vật, GDP 1977-1980, tổng sản phẩm trong nước 1975-1985, tranh ảnh biếm họa, số liệu từ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản… để minh họa mức độ của các sự kiện đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội thời kỳ đó như thế nào.

Thêm vào đó, phương pháp định tính thường hướng vào câu hỏi tại sao đưa ra quyết định và đưa ra bằng cách nào, chứ không chỉ là cái gì, khi nào và ở đâu, nghĩa là hiểu biết sâu về hành vi con người và lý do chi phối hành vi đó.

Ví dụ 2: Với nhận định “cả phong cách sống, làm việc và tư duy của Lê Duẩn đã in dấu ấn đậm nét lên đường lối kinh tế, chính sách kinh tế và thực tiễn kinh tế của Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ”, Đặng Phong đã:

· Hỏi người trong gia đình về thuở thiếu thời, Lê Duẩn như thế nào.

· Trong những năm tù ở Côn Đảo, ông đã thể hiện như một nhà lãnh tụ về tư tưởng ra sao thông qua lời kể của các bạn tù (Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng).

· Thời kỳ kháng chiến, các quyết định nào của ông thể hiện phong cách tư duy độc lập, sáng tạo.

· ….

Nghĩa là ở từng giai đoạn, tác giả Đặng Phong đã liệt kê, tìm hiểu sự kiện và phỏng vấn những người có liên quan tới nhận định trên về Lê Duẩn với tiêu chí lựa chọn có mục đích – chọn các sự kiện và nhân vật điển hình để chứng minh nhận định trên.

Saturday, July 2, 2011

Introduction

Mở đầu

Các ngành xã hội và nhân văn là dịch từ tiếng Anh Social Sciences and Humanities, tức là cũng giống như từ cái tên của Đại học (các ngành) khoa học xã hội và nhân văn tp.HCM, tức là gồm các ngành từ văn chương, báo chí cho đến triết và xã hội học, hay thậm chí (theo quan điểm Anh Mỹ) cả kinh tế nữa.

Sổ tay là một dạng notebook, tức là những khái niệm cần thiết để sinh viên đi nghiên cứu, nhưng ở đây sẽ gồm cả dạng như nhập môn (sách tiếng Anh hay lấy tựa là Introduction), lẫn chuyên khảo (mà tiếng Anh hay gọi là reader).

Sau con đường dài đã đi, chuẩn bị đi tiếp một chặng đường mới trong khoa học, và cũng cần phải dẫn luận văn cho nhiều sinh viên khác cho nên tui cho các bài viết cả tạm coi là hoàn chỉnh lẫn những đoạn ngắn nhỏ lên đây để có thể tra cứu và hiểu thêm. Vì các bạn sinh viên đang được tui giúp sau kỳ thi sẽ thành đồng nghiệp ngang hàng với tui cho nên từ bây giờ nếu các bạn í có đoạn nào hay tui cũng sẽ cho luôn lên đây, tất nhiên là cần phải có đầy đủ tên tác giả rồi, dù rằng cái tên đó có thể là tên khác. Và tất nhiên, những gì ở trên đây còn được thay đổi và hoàn chỉnh theo thời gian cho nên không nên được coi là tài liệu để trích dẫn chính thức.

Một số vấn đề lý thuyết khác có sẵn trên trang bansacdantocvietnam.blogspot.com