Tuesday, November 15, 2011

Thick Description

Phương pháp miêu tả đậm

Lê Hải*

Mặc dù là thuật ngữ thick description (tạm dịch là miêu/mô tả đậm) thường gắn liền với tên tuổi của nhà nhân học người Mỹ Clifford Geertz, thực ra ông chỉ dùng lại khái niệm đã được triết gia người Anh Gilbert Ryle (1900-1976) đưa ra từ trước, nhưng lại vận dụng thành công để nâng ngành nhân chủng học (ethnology) đã phá sản lên thành nhân học xã hội (social anthropology).

Một ví dụ dễ hiểu được đưa ra là khi nét mặt của một người khác thì sẽ dễ dàng phân biệt được hành động chớp mắt (twitch) của người thứ nhất với động tác nháy mắt (wink) của người thứ hai, trong khi một chiếc máy chụp ảnh thì không có khả năng như vậy. Nháy mắt là một động tác thông tin (communication): cố tình, truyền đến một người nhất định, chuyển tải một thông tin nhất định, theo một qui tắc xã hội nhất định. Nhưng trường hợp động tác nhại lại của người thứ ba, giả như nháy mắt nhưng không phải nháy mắt và cũng chẳng phải chớp mắt thì sao? Ryle giải thích là miêu tả mỏng (thin description) đều giống nhau cho cả ba trường hợp, đều là hai mí mắt chuyển động chập vào nhau, trong khi miêu tả đậm (thick description) thì phải nêu ra toàn bộ mối quan hệ giữa ba người này trong bối cảnh một câu chuyện đang diễn ra tại thời điểm này trong không gian này.

Tiếp tục với ví dụ về câu chuyện một người Do Thái đòi lại bầy cừu bị mất ở xứ Ma-rốc thuộc Pháp mà muốn trình bày ra ở đây sẽ phải kể loại toàn bộ những mối quan hệ rắc rối giữa những nhân vật trong một câu chuyện đơn giản là đi đòi lại bầy cừu bị mất, Clifford Geertz diễn giải rằng nhiều khi một dữ liệu thật đơn giản như lá thư ngắn trong cái chai trôi trên biển dạt vào bờ cũng đủ để nhà nhân học tạo ra một mô tả đậm đến bất ngờ. "Cái mà ta gọi là dữ kiện thực sự chính là cấu trúc tư duy của chúng ta về cấu trúc tư duy của người khác trong khung cảnh của họ và những người cùng nhóm." Để hiểu được nhiều khi chỉ đơn giản là một động tác phải làm trong lễ nghi truyền thống chẳng hạn như đám cưới thì người mô tả phải cung cấp vô số thông tin nền trước khi trực tiếp khảo sát hành động đó. Văn hóa và các mối quan hệ xã hội (chính trị, kinh tế, cộng đồng) càng tích tụ bao nhiêu thì mô tả càng đậm đặc bấy nhiêu. Sự khác biệt về số lượng giữa mô tả mỏng rằng chú rể chỉ tay vào cô dâu trong đám cưới Hồi giáo và mô tả đậm phải chuẩn bị thông tin nền về Hồi giáo, về thủ tục hôn lễ, về quan điểm giới trong xã hội v.v. có thể lên đến vài chục trang giấy. Tương tự vậy với mô tả mỏng và đậm về một chiếc áo Veston mà chú rể mặc trong một đám cưới ở một xã biên giới miệt An Giang, khi được làm đậm thêm bằng lịch sử du nhập văn hóa hay kinh tế toàn cầu, lẫn biểu tượng quyền lực chính trị và vai trò cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng làng xã. "Các dữ kiện nhỏ nói lên vấn đề lớn, nháy mắy là câu chuyện của ý thức (epistemology), cướp bầy cừu là chuyện cách mạng, vì được làm ra như vậy".

Clifford Geertz nhìn văn hóa theo kiểu của Max Weber. Với Weber thì con người là loài thú mắc trong cái lưới của ngữ nghĩa (significance) mà ông đã đặt. Và Clifford coi văn hóa chính là cái lưới đó, mà các phân tích về văn hóa không phải là thí nghiệm như trong ngành khoa học tự nhiên để phát hiện qui luật tự nhiên, mà là một quá trình diễn giải để tìm hiểu ý nghĩa (meaning). Khi đó thì miêu tả sẽ còn đậm thêm, vì ý nghĩa luôn thay đổi theo thời gian và không gian, cũng như bối cảnh xã hội, được người ta thiết lập hay tái lập, mở rộng hay thu hẹp, chưa kể cách nhìn ý nghĩa còn thay đổi nhiều từ sau Husserl và Wittgenstein. Và quan trọng hơn nữa, là người mô tả đứng giữa hai hệ thống văn hóa khác nhau, của nhóm người được mô tả và nhóm người đọc mô tả đó, mà nhiều khi còn thêm hệ thống văn hóa thứ ba, tức là bề dày lịch sử và bản sắc của chính bản thân mình.

"Nói tóm lại - Clifford Geertz giải thích - viết luận văn nhân học bản thân là diễn giải," tức là cũng giống như một bài bình giảng văn học, hay bất kỳ một bài văn mô tả nào thành công [1]là đưa độc giả vào tâm của vấn đề đang được diễn giải (interpretation). Nhân học không chỉ là ở hiện trường ta điền dã, mà còn nằm sẵn hay được thể hiện trên trang sách, trong bài báo, qua giờ giảng, qua trình bày của bảo tàng và nay là cả qua phim ảnh nữa. Trong thời đại mạng toàn cầu thì mô tả còn đậm đặc thêm qua các liên kết hypertext.

[*] Tóm lược từ Clifford Geertz 1973, Thick Description: Toward an Interpretive Theory of Culture, in The Interpretation of Culture, Basic Books, các đoạn đặt trong ngoặc kép là trích dịch từ tác phẩm này. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc nguyên văn tiếng Anh chương về khái niệm Thick Description của Clifford Geertz trong quyển sách này ở trang mạng http://hypergeertz.jku.at/GeertzTexts/Thick_Description.htm

[1] như bài tập làm văn của cậu bé trường Am mô tả giá trị đồng tiền gây xôn xao dư luận gần đây, hay những truyện ngắn thường gặp trên Văn Chương Việt, chẳng hạn như câu chuyện (hư cấu?) về một cô gái đi bán trứng của Lưu Thủy Hương http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17256

Sunday, November 6, 2011

hoi thoai

Hội thoại nhìn từ Tâm lý học xã hội đời thường

Michael Argyle, Lê Hải lược dịch


LND: Sau một thời gian gây ảnh hưởng mạnh trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngành tâm lý học xã hội bắt đầu bị chỉ trích vì chỉ chăm lo đến các mô hình, khái niệm tổng quát và xa rời các vấn đề trong cuộc sống xã hội đời thường mà mỗi cá nhân vẫn gặp mỗi ngày. Đó là xuất phát điểm cho các tác giả như Michael Argyle soạn giáo trình Tâm lý học xã hội đời thường (The Social Psychology of Everyday Life), Routledge xuất bản năm 1992. Phương pháp thường gặp trong nghiên cứu tâm lý học xã hội là tập trung một nhóm nhỏ 2-4 sinh viên, rồi yêu cầu giải quyết một vấn đề, để sau đó phát hiện các mối quan hệ và qui luật đã được kiểm chứng rất nhiều lần và đưa vào sách giáo khoa, nhưng thực sự ra lối "nghiên cứu" đó không sát với thực tế đời thường, và cũng không đề cập gì đến những bối cảnh xã hộ như trong gia đình, xóm đạo, hiệp hội hay nhóm bạn bè. Một trong số những lĩnh vực thuộc loại quan trọng nhất trong mối quan tâm của ngành tâm lý xã hội nhưng lại ít được chú ý là đối thoại, được Michael Argyle dành riêng một chương trong sách.


Đa số các sách giáo khoa ngàh tâm lý xã hội hiện nay không có chương riêng về hành động trao đổi trò chuyện, nhưng đây mới là trung tâm của hầu hết tất cả mọi hành vi xã hội. Và cũng không hay nếu để cho các nhà ngôn ngữ toàn quyền xử lý, bởi vì mối quan tâm của họ có khác - chủ yếu là đi tìm các qui luật chi phối việc sắp đặt câu. Lời nói thì lại tạo khả năng cho công việc và giả trí, thiết lập quan hệ; công việc, giải trí và quan hệ bao gồm nhiều hay ít câu chuyện trao đổi. Hội thoại là môi trường của các tư tưởng và từ vựng chung, cũng như các qui tắc và thông hiểu chung.


Thường nhà ngôn ngữ học diễn tả ngôn ngữ bằng các chữ in trên giấy. Đây là sai lầm, vì đơn vị thực sự là lời trình bày của một cá nhân tới một cá nhân hay nhiều người khác, trong một hoàn cảnh, trong một mạch câu chuyện, nơi anh hay chị ta tìm cách ảnh hưởng lên người khác. Lời trình bày là đơn vị của một hành vi xã hội, nhưng là đơn vị rất đặc biệt, vì dùng từ và ngữ pháp, và truyền đạt ý nghĩa. Các cuộc hội thoại tương tự nhau cùng là các chuỗi hành vi đặc biệt với cấu trúc phức tạo, và đòi hỏi phải sở hữu những kỹ năng đặc biệt để thực hiện đúng cách.


Nhà tâm lý học xã hội nghiên cứu hội thoại qua thí nghiệm và các phương pháp giúp định lượng. Kết quả sẽ được đăng tải trong các tạp chí tâm lý như là Journal of Language and Social Psychology. Trong khi đó nhà ngôn ngữ học lại nghiên cứu hội thoạ, ví dụ như là phương pháp "phân tích hội thoại", qua một vài ví dụ và suy diễn ra sự tồn tại của các qui luật như là luật ngữ pháp.


[... Như vậy,] đơn vị cơ bản của ngôn ngữ hiện được người ta tin không phải là chữ in mà là những truyền đạt bằng lời nói (utterance). Một lời truyền đoạt là một thành phần của hành vi.


[...] Truyền đạt không lời (non-verbal communication) giữ một số vai trò quan trọng trong hội thoại: thêm vào và làm đầy đủ ý nghĩa của lời truyền đạt, đưa tín hiệu phản hồi từ người nghe, đồi thời giúp phối hợp và bảo đảm đồng bộ.


[...] Một chuỗi hội thoại có thể có dạng phổ biến nhất là hỏi-trả lời, hay yêu cầu-thực hiện (hay từ chối), triệu tập-đáp lễ, đề nghị-chấp thuận (hay từ chối), cám ơn-ghi nhận, chúc mừng, hội hè.


[...] Hai người đang đối thoại cũng "đối đãi" lẫn nhau, ví dụ như họ thay đổi kiểu nói chuyện để giống nhau hơn. Có thể thấy qua việc sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, hay độ to nhỏ và dài ngắn của lời truyền đạt. Họ làm như vậy một phần để người kia tiếp nhận, hay hòa nhập, và một phần là để hiểu nhau hơn. [...]


Hội thoại là kỹ năng phối hợp khó khăn giữ hai hay nhiều người, và cần thiết cho tất cả mọi hành vi xã hội. Người ta đã phát hiện nhiều hiện tượng đặc trưng cho hành vi này, ví dụ như liên chủ quan, đối đãi và lễ giáo. Chuỗi hội thoại phức tạp, chỉ có thể hiểu một phần. Các tín hiệu không lời giữ vai trò mật thiết để phối hợp đồng bộ và tạo kênh phản hồi. Các kỹ năng nói chuyện đặc biệt được cần đến khi kết bạn, trao đổi qua điện thoại và trong các tình huống khác, và có khác biệt lớn trong kiểu nói chuyện giữa các giới tính và tầng lớp xã hội khác nhau. Nếu không nắm được các kỹ năng hội thoại tổng quát hay trong trường hợp đặc biệt thì sẽ tạo ra khó khăn, nhưng người ta có thể được huấn luyện để sử dụng các kiến thức hiện có.

Saturday, November 5, 2011

ky nang doc

Kỹ năng đọc cho sinh viên

Lê Hải lược dịch [*]


Bên cạnh kỹ năng viết và lập luận, kỹ năng đọc là một trong số những hoạt động quan trọng nhất mà sinh viên cần làm quen. Đó là thực tế, và thực tế thật đáng tiếc là đa số sinh viên [1] đều gặp vấn đề trong việc đọc. Có vẻ như sinh viên phải đọc quá nhiều và không bao giờ đủ thời gian để đọc. Danh sách những gì cần đọc thường rất dài, và giảng viên đưa ra nhiều hướng dẫn khác và ngay cả khi bạn chỉ đơn giản là tìm đọc những gì mình quan tâm thì sẽ sớm nhận thấy (nếu vẫn chưa làm như vậy) rằng có quá nhiều thông tin cần tiếp nhận và có quá ít thời gian để tiếp nhận chúng. [...]


Chúng tôi không nghĩ rằng người đọc giỏi đơn giản chỉ là vấn đề phát triển kỹ năng và phương pháp đọc sách. Sinh viên muốn trở thành người đọc giỏi cần học cách chắt lọc thông tin hiệu quả từ những gì đã đọc, đồng thời học cách giao tiếp một cách sáng tạo và phê bình với quyển sách. Họ cũng sẽ thành người đọc có kỷ luật, hình thành và duy trì thói quen tốt, và sử dụng tốt thời gian nhờ vận dụng các kỹ năng và phương pháp đã tiếp thu. [...]


Cùng với lắng nghe và quan sát, đọc sách là phương tiện quan trọng để chúng ta tiếp nhận thông tin về thế giới. Đọc sách củng cố hầu hết công việc đại học của sinh viên, cũng như đang là nền móng của cuộc sống đại học của giảng viên của bạn. Người làm công tác khoa học phải đọc, để mà đạt được và duy trì sự hiểu biết chuyên ngành, liên tục cập nhật, và đối chiếu công việc của mình với các đồng nghiệp khác. Bạn phải đọc để biết về chuyên ngành mình đang học và giúp mình tiếp nhận phong cách khoa học vào bài viết. "Phong cách khoa học" ở đây là cách bạn liên kết những gì mình viết với những gì người khác đã viết về cùng một đề tài hay các đề tài có liên quan. [...]


Bạn có thể thấy ích lợi từ việc lưu lại các bài viết khoa học mẫu mực mà bạn từng đọc qua. Bạn có khả năng phát hiện một bài viết tốt, vì bài đó sẽ truyền đạt ý tưởng và lập luận dù rất phức tạp nhưng dễ hiểu. Bạn có thể làm một cặp hồ sơ lưu các bản sao những đoạn văn đó, vài trang hay cả chương hoặc bài viết trên tạp chí. Cùng đó là một vài ghi chú riêng giải thích tại sao bạn lại nghĩ đó là bài viết thành công, ví dụ như là do dùng câu ngắn, từ ngữ đơn giản, hay dùng ngôi thứ nhất để truyền đạt, hay đơn giản là tránh dùng từ chuyên môn? Và cũng ích lợi nếu sưu tập các bài viết kém, đặc biệt là các bài viết không thể đọc nổi và chẳng truyền đạt được gì, ngoài cảm giác là tác giả có lẽ vô cùng thông thái nếu biết rõ mình đang viết gì. Bạn cũng có thể lưu trữ những bài viết thất bại mình từng gặp thành cặp hồ sơ, với ghi chú bên cạnh giải thích lý do làm bài viết kém. [...]


Chưa bao giờ xu hướng các trường đại học và cao đẳng muốn sinh viên không chỉ tiếp thu kỹ năng đọc mà còn cả phương pháp đọc chuyên môn lại mạnh như hiện nay, gọi là học từ nguồn sách: resource-based learning. Trong một quyển sách trước, chúng tôi từng nhắc đến khái niệm FOFO (First Organise and Find Out) do một trường đại học đặt ra nhằm muốn sinh viên trở thành những người có khả năng tự học bằng cách trao cho họ trách nhiệm về việc học của mình. [...]


Bất kể bạn đã đọc gì, và tiếp xúc với loại sách khoa học nào, những gì bạn sẽ đọc ở trường đại học khác với những gì trước đây, đặc biệt là khác với sách giáo khoa thời trung học. Trong vai trò sinh viên bạn sẽ được giảng viên hướng dẫn đọc một số sách, qua danh sách bắt buộc cho toàn môn, và các đề mục được giới thiệu thêm. Tuy nhiên, thường thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm tìm kiếm và quyết định sẽ đọc gì, hơn là thụ động như ở cấp phổ thông. [...]


Bạn cũng cần phải tìm xem mình là người đọc thuộc loại nào. Người khéo léo có thể cùng lúc nắm giữ và luân chuyển nhiều ý tưởng khác nhau. Người nấu bếp từ từ lên men tư tưởng riêng với một ít từ chỗ này, một phần từ chỗ kia từ những gì đã đọc. Người thám hiểm đi vào nơi chưa biết và có lúc vào khu vực tri thức nguy hiểm. Người làm vườn, cẩn thận lên kế hoạch, chuẩn bị nền rất kỹ bằng cách đặt trước câu hỏi muốn tìm gì trong lúc đọc, nuôi dưỡng cẩn thận ý tưởng của mình khi gặp môi trường và loại bỏ các nhánh yếu. Thám tử theo dấu các lập luận và dòng suy nghĩ, cả trong và giữa các văn bản. Người đọc tình cảm sẽ đem những thông điệp đáng yêu đã gặp vào bài khóa luận. Người làm bản đồ sẽ phác thảo sơ đồ của quyển sách, xác định cao điểm và thung lũng, các đặc tính địa hình để anh ta dễ dàng tìm đường đi khi quay lại sau này. [...]


Trong vai trò sinh viên, nhiệm vụ của bạn là phải nhớ, sắp xếp và vận dụng một khối lượng lớn thông tin đa phần là đến từ quá trình đọc của bạn. Một số thông tin sẽ là dạng mà chúng ta thường gọi là "kiến thức", ý nói có một mức độ định nghĩa trong đó, hoặc quá ý nghĩa mà người ta coi là sự thật. Các thông tin khác cũng cần phải tiếp thu và sử dụng nhưng không phải là kiến thức, mà là quan điểm hay ý kiến. Khi ghi chú bạn sẽ phải tự tìm ra cách đê phân loại các thông tin khác nhau đó. [...]


Phương pháp ghi chú tùy thuộc vào cách học của bạn và con đường tư duy riêng của bạn. Có người luôn giữ một cách ghi chép nhất quán trong lúc đọc sách, có người lại thích phối hợp các kiểu tiện lợi, như là dùng sơ đồ nếu ý tưởng cần trình bày theo kiểu như vậy, hoặc liệt kê theo danh sách chẳng hạn như là các từ khóa, các cụm từ hay câu ngắn, và cũng có người ghi chép rất nhiều. Quan trọng là bạn chọn phương pháp ghi chú phù hợp với tài liệu đang đọc và mục tiêu trong việc đọc và viêt ghi chú. Ví dụ khi gặp các lập luận phức tạp thì ghi thành từng hàng sẽ thuận lợi hơn, mỗi lập luận mới sẽ là một hàng mới trong sổ ghi chép. Hay là khi ghi chép về một quá trình khoa học, hay quan hệ giữa các cá nhân trong một tổ chức, hay nguyên nhân tạo ra một sự kiện lịch sử, thì có thể đánh điểm hoặc vẽ sơ đồ. [...]


Thay vì viết ghi chú vào tờ giấy khác, một số người chọn sử dụng luôn tài liệu mà họ đang đọc - tô màu các chữ và viết bình luận vào bên cạnh. Một số giảng viên đại học không chấp nhận hành vi này, nhưng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc viết vào sách và tài liệu, vì làm như vậy giúp bạn sử dụng chúng hiệu quả hơn, với điều kiện là bạn chỉ viết vào sách và tài liệu của mình, không bao giờ viết vào sách hay tài liệu của người khác. [...]


Học cách đọc bài viết của chính mình có lẽ là điều quan trọng nhất bạn có thể làm nếu muốn viết tốt hơn, vì bài khóa luận mà bạn sẽ phải viết nháp và sửa chửa lại cùng luận văn sẽ là công việc viết quan trọng nhất. Ai cũng có thể viết một chuỗi các từ và may mắn thì họ sẽ nối lại thành câu và khổ tạo ra một nội dung nào đó. Tuy nhiên, kỹ năng thực sự nằm ở chỗ làm các dòng chữ đó chuyển tải được thông điệp một cách đơn giản, rõ ràng và lịch thiệp nhất. [...]


[*] Từ giáo trình của Gavin J. Fairbairn & Susan A. Fairbairn 2001, Reading at University - A guide for Students, Open University Press, chú thích của người dịch.

[1] Tác giả là giảng viên tại đại học Mở, trường có nhiều sinh viên (đào tạo từ xa) nhất nước Anh, đồng thời cũng nghiên cứu về vấn đề đọc sách của sinh viên ở Mỹ.