Saturday, July 19, 2014

Cách viết fieldnote



Cách viết fieldnote
Mỹ Phương 7/2014

Thoạt nhìn, có vẻ như viết fieldnote khá đơn giản – này nhé, đến địa điểm nghiên cứu, xem xét những gì xảy ra, rồi sau đó ngồi viết chúng viết xuống, thế là xong. Nhưng mô tả đơn giản này đặt ra một câu hỏi cơ bản: khi viết fieldnote, chính xác là người nghiên cứu chọn những gì để viết vậy, và nên viết như thế nào? Bởi vì quyết định tại thời điểm ban đầu của quá trình nghiên cứu có thể có tác động sâu sắc đến báo cáo cuối cùng, bài viết này hy vọng có thể thắp lên ánh sáng le lói nào đó cho những ai sắp sửa phải viết fieldnote khi đi trên con đường đi điền dã (fieldwork) đầy thú vị mà cũng cực kỳ cô đơn này.

Này nhé, bạn cứ thử tưởng tượng công việc mà bạn sẽ làm miết trong vòng vài tuần, vài tháng hay cả vài năm - lên kế hoạch 2-3 giờ mỗi ngày để quan sát có tham gia (participant observation – có nghĩa là bạn cố gắng trải nghiệm cuộc sống của đối tượng mà bạn nghiên cứu đến mức độ có thể; điều này không có nghĩa là bạn cố gắng tan chảy (merge) vào bối cảnh nghiên cứu và trở thành thành viên được chấp nhận hoàn toàn của bối cảnh nghiên cứu), viết fieldnote, làm việc với nhật ký và mã hóa các phỏng vấn lẫn các ghi chép. Ralph Bolton đã hỏi 34 nhà nhân học về công việc viết fieldnote và nhận được câu trả lời là mất đâu đó từ 1,5 đến 7 tiếng mỗi ngày cho việc viết lách (1984:132). (Nếu bạn ghi âm thì còn mất thời gian hơn vì phải ngồi nghe đoạn ghi âm và chép lại (transcribe))

Mỗi khi thấy ngán tận cổ về công việc viết fieldnote thì bạn có thể tự động viên bản thân bằng cách nghĩ rằng, thôi, ráng mà viết đi, vì viết fieldnote sẽ khuyến khích người nghiên cứu quan sát chính xác và có hệ thống hơn, xem xét cả những việc bình thường lẫn những việc nổi bật, và tham gia vào các hoạt động và mối quan tâm của người khác cũng giống như là của chính mình” (Emerson và cộng sự, 1995:xv). Ngoài ra, quá trình ghi chép (inscribing), viết fieldnotes, giúp người nghiên cứu bước đầu hiểu những gì họ quan sát , do đó, cho phép họ tham gia với những cách thức mới, lắng nghe hơn, quan sát với một lăng kính mới” (Emerson và cộng sự, 1995).

Có thể chia ra làm 4 kiểu fieldnote: sổ tay ghi chép nhanh (tốc ký?) (jotting), nhật ký (diary), nhật trình (log), và fieldnote.

Jotting 

Sổ tay ghi chép nhanh (còn được Roger Sanjek gọi là scratch notes (1990:96)) là những gì bạn có được trong suốt một ngày. Trí nhớ con người là công cụ lưu trữ tồi, đặc biệt là những chi tiết - điều này sẽ giúp phân biệt được đâu là một nghiên cứu tốt và bình thường. Hãy luôn mang sổ tay bên mình và không cần phải ghi chép toàn bộ mà chỉ cần vài chữ để giúp bạn nhớ lại sự việc khi bạn không có thời gian ghi chép trong khi đang quan sát sự kiện hoặc lắng nghe người cung cấp thông tin.

Ghi nhanh (jotting) không chỉ là hoạt động ghi chép mà còn là tư duy (mindset). Nên học cách ghi nhanh các chi tiết vẫn còn rõ ràng và dễ dàng chuyển thành các mô tả sinh động. 

Đầu tiên, ghi nhanh các chi tiết mà bạn cảm thấy đó là thành phần then chốt của bối cảnh quan sát hoặc tương tác. 

Thứ hai, tránh đưa ra các tuyên bố mô tả đặc điểm những gì mọi người làm để dựa vào đó mà khái quát hóa. Nhiều người nghiên cứu chưa có kinh nghiệm, lúc ban đầu, thường có xu hướng ghi xuống những từ ấn tượng, cố chấp có thể giúp họ đưa ra bản tóm tắt đánh giá sau này, hơn là viết những mô tả chi tiết và có kết cấu.

Thứ ba, ghi nhanh những chi tiết cảm nhận cụ thể về hành động và câu chuyện. Người nghiên cứu lưu ý những chi tiết cụ thể của đời sống hàng ngày thể hiện hành vi của con người hơn là chỉ nói về hành vi đó. Bằng cách kết hợp những chi tiết đó, ghi nhanh có thể cung cấp các từ, cụm từ hoặc hội thoại thực tế mà người nghiên cứu muốn giữ càng chính xác càng tốt. Ví dụ, thay vì mô tả cảm xúc bùng phát đơn giản là [dùng] “từ ngữ giận dữ” thì người nghiên cứu có thể ghi nhanh các từ thực tế đã được nói ra với các chi tiết gợi lên cảm giác như cử chỉ và biểu hiện nét mặt cho thấy người nói đang “giận dữ”.
 
Thứ tư, ghi nhanh chi tiết thuộc về các giác quan mà bạn có thể dễ dàng quên nhưng bạn cho là những quan sát then chốt về bối cảnh nghiên cứu. Mỗi người nghiên cứu phải tìm hiểu được những loại chi tiết nào họ nhớ nhất và ghi nhanh những đặc tính nào họ dễ dàng quên mất. Vì vậy, mỗi người nghiên cứu sẽ tự phát triển kiểu ghi nhanh cho riêng mình phản ánh thiên hướng hồi tưởng nổi trội của họ – có thể là nhìn (visual), nghe (auditory) hay hành động (kinetic) – một số người thì ghi nhanh màu sắc, hình dáng; một số khác ghi các cuộc đối thoại; một số khác ghi nhận cử chỉ không lời như nét mặt, di chuyển. Thông qua việc thử và sai, người nghiên cứu sẽ học được cách tốt nhất giúp họ hồi tưởng các trải nghiệm khi họ ngồi xuống và viết fieldnote hoàn chỉnh.

Thứ năm, ghi nhanh có thể được dùng để thể hiện ấn tượng và cảm giác chung, ngay cả khi người nghiên cứu không chắc về ý nghĩa/tầm quan trọng của chúng vào lúc đó. Trong một số trường hợp, người nghiên cứu chỉ có cảm giác mơ hồ về việc làm thế nào và tại sao một điều nào đó lại có thể quan trọng. Những cảm giác này có thể là yếu tố then chốt trong tương lai có thể giúp người nghiên cứu thấy được sự việc “khớp với nhau” như thế nào trong mẫu hình có ý nghĩa. 

Nhật ký

Fieldnote dựa trên những quan sát về sau sẽ là nền tảng cơ bản trong các công bố của bạn. Nhưng đối với nhật ký thì khác, nhật ký mang tính chất riêng tư. Đó là nơi để bạn trốn vào khi mọi thứ dường như trở nên khó khăn, giúp bạn giải tỏa nỗi cô đơn, sợ hãi và những tình cảm khác khiến cho công việc đi điền dã trở nên khó khăn. 

Nhật ký ghi chép theo trình tự thời gian việc bạn cảm thấy thế nào và bạn hiểu được mối quan hệ giữa bạn với những người xung quanh như thế nào. Hãy cố gắng dành khong nửa giờ mỗi ngày để rút hết tâm hồn vào nhật ký. Sau này, khi phân tích dữ liệu, nhật ký sẽ trở thành tài liệu quan trọng, nó sẽ cung cấp thông tin cần cho bạn diễn giải fieldnote và giúp bạn nhận biết được thành kiến cá nhân của mình. 

Mở ngoặc cái, Franz Boas (1858 – 1942) – nhà nhân học người Mỹ gốc Đức và là người sáng lập Hiệp hội Nhân học Mỹ (AAA) đã viết đâu 500 trang cho vị hôn thê của mình, đính hôn năm 1883, 3 tuần sau thì đi thám hiểm Bắc cực để nghiên cứu về địa học suốt 15 tháng; Bronisław Malinowski (1884 – 1942) – nhà nhân học Anh gốc Ba Lan, cũng nhớ về vợ chưa cưới và xã hội châu Âu khi đi Trobriand Islands trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ nhất

Nhật trình

Nhật trình ghi chép về việc bạn lập kế hoạch sử dụng thời gian như thế nào, bạn đã thực sự sử dụng thời gian như thế nào cũng như bạn chi tiêu bao nhiêu tiền. 

Có thể tạo nhật trình trên máy tính nhưng có lẽ tốt hơn là dùng sổ tay để có thể dễ dàng liếc qua kế hoạch của bạn. Mỗi ngày đi điền dã nên dành 2 trang – 1 trang bên trái liệt kê những việc bạn lên kế hoạch làm trong ngày, và trang còn lại là những gì bạn thực sự thực hiện.

Ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai, có lẽ bạn chỉ sử dụng trang bên phải, ghi lại bạn đi đâu, gặp ai và tiêu bao nhiêu tiền. Một số người mang nhật trình theo họ mọi lúc, một số khác thì chỉ ghi nhanh tên của người mà họ gặp hoặc phỏng vấn rồi điền thông tin khi họ viết fieldnote vào buổi tối. 

Nên tạo hồ sơ cho những người mà bạn đã gặp/phỏng vấn, sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ họ và trước khi bạn phỏng vấn lần hai hay lần ba thì lướt qua thông tin về họ trong hồ sơ đã tạo. Vài phút trước khi bắt đầu phỏng vấn, nhắc lại vài điều chứng tỏ bạn nhớ về họ sẽ giúp bạn nhiều đấy.

Ghi nhanh mỗi khi bạn ăn và bạn ăn g, ăn với ai và dùng bao nhiều tiền cho mỗi bữa ăn. Bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mà bạn học được từ đó.

Sau vài ngày, bạn sẽ bắt đầu sử dụng trang bên trái. Qua vài ngày, bạn sẽ có nhiều điều cần phải tìm hiểu nhưng chưa giải quyết được ngay. Hãy viết những điều đó vào sổ tay ghi chép nhanh (jotting) hoặc nhật trình. Khi viết fieldnote, nghĩ về việc bạn cần gặp ai, hay cần quan sát điều gì, những điều mà bạn tự hỏi trong ngày đi điền dã. Ngay lập tức, hãy mở nhật trình và cam kết với bản thân là sẽ tìm hiểu mỗi điều tại một thời điểm cụ thể vào ngày cụ thể. Nếu việc tìm hiểu đòi hỏi phải nói chuyện với người nào đó, hãy ghi tên người đó vào nhật trình. Nếu bạn không biết phải nói chuyện với ai, hãy ghi tên người mà bạn nghĩ họ có thể giúp bạn nói chuyện với đúng người.

Không chỉ là bạn sử dụng thời gian hiệu quả, mà quá trình xây dựng nhật trình thúc đẩy bạn suy nghĩ nghiêm túc về các câu hỏi bạn thật sự muốn tìm câu trả lời thông qua nghiên cứu của mình và dữ liệu bạn thực sự cần. 

Fieldnote tốt không phụ thuộc vào sự đúng giờ của người cung cấp thông tin hay khả năng hoàn thành hết tất cả những thứ mà bạn muốn làm. Nó phụ thuộc vào sự làm việc có hệ thống của bạn qua thời gian. 

Khi người cung cấp thông tin không xuất hiện trong cuộc hẹn, bạn có thể xem xét xem có cần dữ liệu này hay không, nếu vẫn cần, hãy hẹn gặp họ ở lần khác và ghi vào trang bên trái của nhật trình. Nếu như số bạn vẫn không may, hãy quyết định xem có nên dành thời gian để theo đuổi cuộc hẹn hoặc dữ liệu này hay không. Nhật trình sẽ cho bạn biết thời gian bạn dành cho việc này là bao nhiêu và giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn. 

Fieldnote

Bây giờ tới phần ngán nhất rồi nhé, thử tưởng tượng xem bạn đã dành cả ngày rong ruổi trên đường (chợ, siêu thị…) để phỏng vấn mọi người, gặp gỡ và ghi nhận các hành vi, sự kiện thì thật là khó khăn khi phải ngồi xuống viết fieldnote về những việc bạn đã trải qua rồi. Nếu đến bước này mà thấy oải thì ngó lên đọc lại 2 trích dẫn ở trên để mà có động lực làm tiếp.

Có thể chia fieldnote thành 3 loại: methodological note, descriptive note và analytic note.

Methodological note (M)

M xử lý vấn đề kỹ thuật thu thập dữ liệu. M cũng là bằng chứng về sự trưởng thành của riêng bạn nếu bạn ví mình như là công cụ thu thập dữ liệu. Việc thu thập dữ liệu luôn luôn vụng về khi bạn bắt đầu đi điền dã, nhưng càng ngày sẽ càng dễ dàng hơn khi bạn trở nên thoải mái hơn trong môi trường mới. Bằng cách ghi M, trong suốt quá trình điều chỉnh, bạn sẽ khéo léo hơn qua những gì học được về việc thực hiện đi điền dã. Ví dụ, trong một nền văn hóa nào đó, việc hẹn giờ gặp “khoảng 7 giờ tối thì có nghĩa là 8 giờ tối (1 tiếng sau 7 giờ tối) mới thực sự gặp nhau.

M sẽ phải thực hiện cùng với việc tiến hành tìm hiểu thực địa. Bạn sẽ còn muốn ghi M khi nào bạn vẫn còn làm những điều ngu ngốc phá vỡ quy tắc văn hóa (cultural norm). Khi nào bạn cảm thấy xấu hổ vì mình đã làm chưa đúng hoặc theo cách ngốc nghếch, bạn có thể muốn ghi lại những cảm giác đó vào nhật ký mà không ai có thể đọc được; nhưng bạn cũng sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội để ghi vào M tình huống đó.

Descriptive note (D)

D là “linh hồn” của việc đi điền dã. Hầu hết các fieldnote là mô tả và từ 2 nguồn: nhìn và nghe. Có 2 chiến lược ghi D:

1. Ghi chép những sự việc (mà người nghiên cứu cho là) nổi trội

Môi trường xã hội là một sự kiện đa kênh (“multichanneled event”) thì việc ghi chép “về bản chất, là tuyến tính, chỉ có thể xử lý một kênh tại một thời điểm, vì vậy phải lấylựa chọn một trong những dấu hiệu sẵn có để làm đại diện(Walker, 1986:211).

Do đó, theo chiến lược này, khi ngồi xuống ghi lại fieldnote, bạn có thể bắt đầu bằng cách mô tả bất cứ điều quan sát nào mà bạn cho là đáng chú ý nhất, thú vị nhất, hoặc đề cập nhiều nhất

Bạn có thể lúc đầu phải dựa vào kinh nghiệm và trực giác của mình để lựa chọn các sự kiện/cố đáng chú ý ra khỏi dòng chảy của các hoạt động đang diễn ra. Tuy nhiên, để sử dụng các phản ứng cá nhân có hiệu quả, đòi hỏi phải cẩn thận phản hồi (reflection). Nhiều người nghiên cứu mới vào nghề ghi nhận những sự việc như vậy, nhưng có xu hướng đánh giá hành động của người khác trong bối cảnh nghiên cứu, tốt hoặc xấu, bằng tiêu chuẩn và giá trị riêng của họ chứ không phải là của người khác. Tuy nhiên, người nghiên cứu không nên quá cực đoan và cố gắng kiểm soát các phản ứng mạnh mẽ của mình bằng cách từ chối hoặc chỉ đơn giản là bằng cách bỏ qua chúng không ghi chép vào fieldnote. Thay vào đó, người nghiên cứu có thể ghi nhận cảm xúc của mình, sau đó quay lại và sử dụng kinh nghiệm này để làm gia tăng sự nhạy cảm của mình đối với những kinh nghiệm của người khác trong bối cảnh nghiên cứu.

Và những trường hợplệch” (thường là theo 2 cách) như vậy thường dẫn đến dữ liệu nổi bật.

(1) Khi lần đầu tiên bước vào không gian nghiên cứu, bạn xác định các đặc điểm quan trọng từ ấn tượng đầu tiên phản ứng cá nhân. Việc nhận biết trường hợp “lệch” như vậy có thể từ nền tảng kiến thức/văn hóa của riêng bạn, nó ảnh hưởng đến những gì mà bạn coi là nổi bật. Chẳng hạn, văn hóa xếp hàng, cuối chào gập người 90 độ của người Nhật thu hút sự chú ý của nhiều người.

(2) Tuy nhiên, với sự tham gia sâu hơn vào thế giới xã hội địa phương, bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với những mối quan tâm và quan điểm của những người trong bối cảnh nghiên cứu. Người nghiên cứu ngày càng hiểu cách mọi người định hình trước thế giới của họ bằng ngôn ngữ riêng của họ cho các mục đích và các kế hoạch của riêng họ. Người nghiên cứu nhạy cảm sẽ dựa vào phản ứng của riêng mình để xác định các vấn đề có thể quan trọng đối với những người trong bối cảnh nghiên cứu – những người này có đặc quyền là mô tả và phân loại dựa trên gốc nhìn của “người trong cuộc” so với góc nhìn “người ngoài cuộc” của người nghiên cứu. Lúc này, kiến thức và hiểu biết của bạn có thể đã được phát triển tại chỗ qua thời gian đi điền dã, cho nên bạn sẽ cho rằng một trường hợp nào đó “lệch” so với những sự việc khác đã quan sát trước đó. Đây là một sự xuất hiện mong muốn vì nó có thể đóng góp vào sự phát triển của lý thuyết (Katz, 1983).

Cũng nên lưu ý là việc ghi chép liên quan đến quá trình chủ động diễn giải và làm cho có ý nghĩa: lưu ý viết xuống một số việc “có ý nghĩa” (significant), lưu ý nhưng bỏ qua những việc khác không có ý nghĩa”, và thậm chí bỏ sót những việc có thể mang ý nghĩa. Kết quả là, những sự kiện tương tự (thậm chí là cùng” một sự kiện) có thể được mô tả cho các mục đích khác nhau, với sự nhạy cảm và mối quan tâm khác nhau.
Tóm lại, theo chiến lược này, người nghiên cứu thường xuyên chọn để ghi lại một quan sát đặc biệt bởi vì nó nổi bật. Quan sát thường nổi bật vì chúng “lệch” - hoặc khi so sánh với những sự việc khác hoặc đối với kiến thức và niềm tin hiện có người nghiên cứu. Dù bằng cách nào, kiến thức nền tảng của người nghiên cứu cũng ảnh hưởng đến việc trường hợp nào được lựa chọn để ghi lại.

2. Ghi chép toàn diện

Một chiến lược khác để ghi chép chiến lược mô tả có hệ thống và toàn diện tất cả mọi thứ đã xảy ra trong một khoảng thời gian cụ thể, giống như một chuyến đi duy nhất đến bối cảnh nghiên cứu.
 
Có nhiều cách ghi theo chiến lược toàn diện.
 
Có người bắt đầu với một danh sách tổng quát các mối quan tâm, chẳng hạn của Lofland và Lofland (1984:48) với các câu hỏi chuẩn bị trước: Ông ta là ai? Ông ta làm nghề gì? Bạn nghĩ điều gì khi bà ta nói như vậy? Thế rồi họ phản ứng ra sao? Tại sao bà ấy lại làm như thế? Chuyện gì xảy ra sau....? Điều gì sẽ tới nếu như...? v.v.

Hoặc Spradley (1980:78) cũng có danh sách tương tự: Không gian (địa điểm vật lý), Người tham gia (người có liên quan), Hoạt động (chuỗi các hành động có liên quan mà mọi người thực hiện), Vật thể (đồ vật hiện diện), Hành động (các hành động riêng lẻ mà mọi người thực hiện), Sự kiện (chuỗi các hoạt động có liên quan mà mọi người thực hiện), Thời gian (chuỗi sắp xếp thứ tự theo thời gian), Mục đích (điều mà mọi người đang cố gắng đạt được), Cảm giác (cảm xúc được cảm nhận và thể hiện).

Một cách khác nữa là ghi chép theo thời gian từ đầu đến cuối (Emerson và cộng sự, 1995). Nhiều bối cảnh xã hội có thời gian biểu đặc trưng (Hammersley Atkinson, 1983) và đó cũng là một gợi ý để ghi chép theo khung thời gian đó. Ghi chép theo chuỗi sự kiện luôn lặp lại có thể hữu ích nhiều hơn khi tìm hiểu ý nghĩa của nó đối với các thành viên (Emerson, 1983). 

Phương pháp ghi chép toàn diện cũng có lợi thế là buộc người nghiên cứu phải tái tạo các sự kiện theo thứ tự mà chúng thực sự xảy ra. Điều này có thể giúp hỗ trợ trong việc nhớ lại các chi tiết mà nếu không thì có thể sẽ bị lãng quên.

Một điều cần lưu ý ở đây là kiến thức ngầm (tacit knowledge – tức là những kiến thức tự hiểu mà không cần nói ra) ảnh hưởng đến việc ghi chép khi sử dụng phương pháp toàn diện như thế nào? Khi kể lại toàn bộ các phân đoạn thời gian tại bối cảnh nghiên cứu, người nghiên cứu thường không mô tả các sự kiện có thể dường như đã quá nhàm chán để mà ghi lại. Tuy nhiên, những dữ liệu nhàm chán này sau đó có thể trở nên có giá trị, bởi vì chúng có thể cung cấp sự tương phản cho phép người nghiên cứu xác định các trường hợplệch”. Mà cho dù có hoặc không được xác định như vậy, các dữ liệu này cũng sẽ tạo nên kiến ​​thức nền tảng giúp hướng dẫn việc ghi chép tiếp theo. Tự nhận thức theo phương pháp nghiên cứu sẽ gia tăng, vì người nghiên cứu có thể làm cho kiến thức ngầm của họ trở nên rõ ràng.

Ngoài ra, khi đi điền dã, bạn có thể mô tả những tương tác mà nó “đã không xảy ra” (theo suy nghĩ của bạn) và sẽ rất hữu ích khi so sánh với những gì đã xảy ra, vì nó cho phép người nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn nhằm định nghĩa một sự kiện trong bối cảnh xã hội nào đó.

Người nghiên cứu cũng cần vượt qua những phản ứng cá nhân để hướng tới cởi mở (một cách nhạy cảm) với những điều mà những người trong bối cảnh nghiên cứu trải nghiệm và phản ứng trước những điều mà họ cho là “có ý nghĩa” hoặc “quan trọng”. Các loại hành động, tương tác, và các sự kiện gây chú ý đối với người dân một cách thường xuyên trong bối cảnh nghiên cứu có thể cung cấp manh mối cho những mối quan tâm này. Người nghiên cứu xem xét trong những loại hành động, tương tác, sự kiện đó, loại nào có ý nghĩa đối với đối tượng nghiên cứu.

Sau đây là một số hướng dẫn tổng quát đối với nội dung mô tả:

  • Mô tả bối cảnh vật lý.
  • Mô tả môi trường xã hội cách thức mà những người tham gia tương tác bên trong bối cảnh nghiên cứu. Có thể bao gồm các mẫu hình tương tác, tần suất tương tác, chiều hướng của mẫu hình giao tiếp (bao gồm cả giao tiếp phi ngôn ngữ), và các mẫu hình ra quyết định.
  • Mô tả những người tham gia vai trò của họ trong bối cảnh nghiên cứu.
  • Mô tả, tốt nhất có thể, ý nghĩa của những điều được quan sát từ quan điểm của những người tham gia.
  • Ghi lại chính xác câu nói hoặc tương đối chính xác các ý kiến ​​có liên quan trực tiếp đến mục đích nghiên cứu.
  • Mô tả bất kỳ tác động nào mà bạn có thể có tác động lên tình huống bạn quan sát (quan trọng!).

 Analytic note (A)

A sẽ được viết ít hơn 2 loại còn lại. A là nơi bạn trình bày ý tưởng của mình về việc bạn nghĩ về vấn đề mà bạn đang nghiên cứu được tổ chức như thế nào, ví dụ, nên hiểu rằng khi hẹn “khoảng 7 giờ tối” là phải đi đến cuộc hẹn sau 1 tiếng.

A là fieldnote tốn nhiều thời gian và công sức và có thể kéo dài vài trang giấy. Nó thường là nền tảng cho các bài nghiên cứu được công bố, hoặc là các chương trong luận án hay sách. Nó là kết quả của sự hiểu biết của bạn và sẽ đi cùng với, thông qua việc tổ chức và làm việc của bạn, D và M trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu. Không nên kỳ vọng sẽ viết được rất nhiều A, nhưng hãy viết chúng thường xuyên, thậm chí (đặc biệt là) sau khi bạn không còn ở bối cảnh nghiên cứu nữa. 

Sau đây là một số hướng dẫn tổng quát đối với nội dung phân tích/phản hồi:

  • Lưu ý những ý tưởng, ấn tượng, suy nghĩ, và/hoặc bất kỳ lời nhận xét (criticisms) nào của bạn về những gì bạn quan sát.
  • Bao gồm bất kỳ câu hỏi chưa trả lời phát sinh từ việc phân tích các dữ liệu quan sát cũng như những suy nghĩ mà bạn có thể liên quan đến bất kỳ quan sát nào trong tương lai.
  • Làm rõ các ý tưởng và/hoặc sửa chữa sai lầm hiểu lầm trong các phần khác của fieldnotes.
  • Bao gồm các thấu hiểu về những gì bạn đã và đang quan sát suy đoán về việc tại sao bạn tin rằng một hiện tượng cụ thể nào đó xảy ra.

Chú ý: Nên phân tích fieldnote của bạn khi chúng đang được viết trong khi bạn đang tiến hành quan sát. Điều này quan trọng bởi ít nhất hai lý do. Đầu tiên, phân tích sơ bộ thúc đẩy tự phản hồi (self-reflection), tự phản hồi là rất quan trọng cho sự hiểu biết (understanding) trong bất kỳ nghiên cứu nào. Thứ hai, phân tích sơ bộ sẽ phát hiện các chủ đề mới nổi lên. Xác định chủ đề mới nổi trong khi quan sát cho phép bạn chuyển sự chú ý theo những cách mà có thể thúc đẩy cuộc nghiên cứu phát triển hơn.

Đặc điểm của fieldnote:
  • Chính xác. Bạn chỉ có một cơ hội để quan sát một thời điểm cụ thể, vì vậy hãy luyện tập ghi chép trước khi bạn tiến hành quan sát. Điều này sẽ giúp bạn phát triển phong cách riêng của mình khi ghi chép một cách nhanh chóng và chính xác.
  • Có tổ chức. Cùng lúc vừa ghi chép chính xác lại vừa quan sát có thể sẽ khó khăn. Do đó, điều quan trọng là nên có kế hoạch trước bạn sẽ ghi chép công việc nghiên cứu thông qua quan sát của bạn như thế nào - ví dụ, theo trình tự thời gian hay theo tình huống cụ thể. Fieldnote không được tổ chức tốt sẽ gây khó khăn khi diễn giải phát hiện của bạn.
  • Có tính mô tả. Sử dụng những từ có tính mô tả để ghi nhận những gì bạn quan sát. Ví dụ, thay vì nói rằng một lớp học thoải mái, thì có thể nói lớp học có ánh sáng nhẹ và ghế đệm có thể di chuyển xung quanh lớp học được. Có tính mô tả có nghĩa là cung cấp đầy đủ chi tiết thực tế, do đó, bạn không cần phải ngồi đoán mò bạn đã muốn nói về cái gì khi viết báo cáo đi điền dã.
  • Tập trung vào vấn đề nghiên cứu. Do không thể ghi tất cả mọi thứ bạn quan sát, nên chỉ bao gồm chi tiết tốt nhất về các khía cạnh của vấn đề nghiên cứu và các cấu trúc lý thuyết làm cơ sở nghiên cứu của bạn; tránh làm lộn xộn ghi chú của bạn với thông tin không liên quan.
  • Ghi lại những thấu hiểu (insights) và suy nghĩ. Khi quan sát, hãy suy nghĩ về ý nghĩa cốt lõi của những gì bạn quan sát và ghi lại những suy nghĩ và ý tưởng đó. Thực hiện như vậy sẽ giúp bạn sau đó muốn đặt câu hỏi hoặc muốn làm rõ từ người tham gia. Để tránh nhầm lẫn, những ý kiến ​​nên được ghi trong phần phản hồi riêng biệt của fieldnote không gộp chung với phần mô tả của fieldnote.
Một số lưu ý và gợi ý khác có thể sẽ hữu ích cho bạn khi đi điền dã và viết fieldnote:
·     
Người nghiên cứu nên ghi chép những ấn tượng ban đầu của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đã bỏ lỡ cơ hội này thì vẫn có thể gián tiếp nhớ lại ấn tượng đầu tiên của mình bằng cách quan sát bất kỳ người mới đến nào đến bối cảnh nghiên cứu, đặc biệt chú ý đến cách họ tìm hiểu, thích ứng và phản ứng.

Người nghiên cứu không thể tìm hiểu mối quan tâm và ý nghĩa của những người khác cùng một lúc, mà thực hiện việc tìm hiểu trong một quá trình liên tục, trong đó người nghiên cứu xây dựng sự thấu hiểu và hiểu biết mới dựa trên sự thấu hiểu và hiểu biết trước đó. Vì vậy, bạn nên ghi chép các quá trình và giai đoạn đầu mới xuất hiện hơn là cố gắng tái tạo lại chúng sau này khi đưa ra diễn giải cuối cùng nào đó về ý nghĩa và nội dung của chúng.
 
Cân nhắc tương tự khi kiểm tra “các phát hiện” (“findings”) của người nghiên cứu về đối tượng nghiên cứu và các hoạt động thường xuyên của họ. Ghi chép về các hoạt động này nên được thực hiện càng gần thời điểm diễn ra khi có thể nhằm duy trì tính chất đặc trưng và bất ngờ của chúng trước khuynh hướng đồng nhất hóa khi hồi tưởng.
 
Do đó, hãy tạo thói quen dành thời gian nào đó mỗi ngày cho việc viết fieldnote.
Sự hiện diện của người nghiên cứu trong bối cảnh nghiên cứu chắc chắn những hàm ý mang lại kết/hậu quả đối với những gì đang diễn ra, do người nghiên cứu khi đi điền dã nhất thiết phải tương tác với, và do đó, có một số tác động đến đối tượng nghiên cứu. Thêm vào đó, lúc này, quan điểm của người nghiên cứu “được đan xen với hiện tượng mà không có những đặc điểm khách quan độc lập với quan điểm và phương pháp của người quan sát” (Mishler, 1979:10).
 
Sự hiện diện có tạo ra tác động (“consequential presence”), thường gắn với tác động lại” (“reactive effects”) (có nghĩa là, sự tham gia của người nghiên cứu có tác động đến cách trò chuyện ứng xử của những người được nghiên cứu), không nên xem là gây ô nhiễm cho những việc đang được quan sát tìm hiểu mà thay vào đó, nên xem những tác động này nguồn của việc tìm hiểu và quan sát (Clarke, 1975:99). Thay vì coi tác động trở lại là một khiếm khuyết cần được cẩn thận kiểm soát hoặc xóa bỏ hoàn toàn, bạn nên nhạy cảm nhận biết nhanh về việc người khác nhìn mình và đối xử với mình như thế nào.
Người nghiên cứu ít nhất vẫn ở vị trí là một người xa lạ ở chừng mực nào đó đối với thế giới được nghiên cứu, mặc dù chia sẻ rất nhiều khía cạnh cuộc sống hàng ngày với người khác. Tuy nhiên, duy trì vai trò là người xa lạ cũng khá khó khăn. Người nghiên cứu có thể phản ứng trước những khó khăn này theo nhiều cách khác nhau. 
Một số cố gắng quan sát với thái độ tách biệt, thậm chí đối với những người mà họ thích và tôn trọng, tìm kiếm cách để giữ sự cam kết nghiên cứu ở mức độ tách biệt nào đó với những ràng buộc cá nhân. 
Một số khác không thể lúc nào cũng giữ được vị trí xa cách đối với những người hoặc sự kiện hấp dẫn đối với họ. Người nghiên cứu lúc này sẽ dừng lại, hoặc vô thức hoặc có ý thức, bằng cách không quan sát và/hoặc viết fieldnote (có thể ghi chép một cách kín đáo hoặc công khai) về những sự việc nằm trong mục tiêu nghiên cứu của họ trong khi vẫn không giữ khoảng cách với những sự việc khác. Chẳng hạn, khi sống trong một ngôi làng trong thời gian dài, người nghiên cứu có thể có mối quan hệ thân thiết hàng ngày như hàng xóm hoặc thậm chí như một thành viên trong gia đình. Trong những dịp này, người nghiên cứu có thể tham gia “một cách tự nhiên” – không ghi chép hoặc phân tích – cuộc sống xã hội đang tiếp diễn. Nhưng trong những dịp khác, người nghiên cứu vẫn tham gia trong khung cảnh địa phương nhằm quan sát và thu thập dữ liệu, ghi chép và cuối cùng biến đổi mớ dữ liệu và sắc thái của cuộc sống ở đó. Theo cách hiểu này, chúng ta có thể nói sự xa lạ của người nghiên cứu được tạo ra và duy trì chính xác bằng cách viết fieldnotes; những fieldnotes này phản hồi ánh và đạt được sự gần gũi về mặt xã hội nhưng vẫn giữ được vị trí tách biệt nếu xét về mặt trải nghiệm.
Một số khác cũng có thể quyết định rằng các mối quan hệ mà họ thiết lập tại bối cảnh nghiên cứu có giá trị hơn và lâu dài hơn bất kỳ sản phẩm nghiên cứu nào, và cuối cùng họ có thể họ dừng dự án nghiên cứu. 
Sớm cân nhắc xem sau này bạn muốn sử dụng thông tin như thế nào cũng quan trọng. Bạn sẽ lấy lại thông tin từ những ghi chép như thế nào? Ý tưởng của Schatzman và Strauss về các gói ghi chú là một trong những cách có thể quản lý tài liệu. Khối lượng lớn fieldnotes thường đòi hỏi một số loại từ khóa hoặc bản mục lục chủ đề nếu muốn dễ dàng tìm kiếm. Ngoài ra, một số cách khác như tóm tắt hàng tuần hoặc hàng tháng có thể hữu ích. 
Khi ghi lại các tài liệu đã đọc, điều quan trọng nên sắp xếp sao cho có thể dễ dàng lấy lại khi muốn dùng các trích dẫn và xây dựng tài liệu tham khảo (bibliography). 
Nên nhất quán khi ghi chép, chẳng hạn như dùng “” để ghi chính xác lời nói/trích dẫn hay ‘’ dùng để ghi lại những lời nói/trích dẫn mà mình không chắn chắc, hay như làm rõ đâu là từ ngữ của chính bạn, đâu là của người khác, và đâu là từ ngữ mà bạn đọc và diễn giải lại (paraphrase).
Tạo nhiều ghi chú nhỏ hơn là một bài luận dài.
 
Nên viết lên máy tính và tạo nhiều files riêng biệt – mỗi ngày ghi chép vào một file riêng – hơn là viết kết hợp chúng lại vào cùng một file ngày này sang ngày khác. 
Đôi khi, tất cả điều bạn cần làm là in fieldnotes ra, tô tô vẽ vẽ, trò chuyện với chính mình hoặc với người khác.
Sở hữu một bức tường lớn cũng quan trọng đấy, vì có thể bạn cần rất nhiều không gian trên tường để diễn đạt ý tưởng của mình
Tái tạo lại không gian nghiên cứu bằng hình ảnh - in hình ảnh tại địa điểm nghiên cứu và những người tham gia rồi treo chúng lên tường, điều này sẽ giúp đưa tâm lẫn trí của bạn quay trở lại fieldsite
Tìm đồng nghiệp/bạn bè để trò chuyện về sự phân tích của bạn thực hiện điều này thường xuyên nó rất quan trọng. Không chỉ tìm một nhóm ghi chép mà tạo một nhóm phân tích dữ liệu
Mang theo nhiều pin cho tất cả các thiết bị của bạn trong thời gian nghiên cứu thực địa
Luôn mang theo thiệt nhiều các miếng dán ghi chú (sticky note) với đủ màu sắc và kích cỡ khác nhau.
Mang miếng dán ghi chú theo khắp mọi nơi. Viết ra những ý tưởng và khái niệm vào miếng dán đó rồi sau đó khi bạn về nhà, hãy dán lên tường. Sắp xếp lại tường của bạn mỗi khi khái niệm hóa lại (re-conceptualize) quá trình của bạn.

Tài liệu tham khảo
1.      Emerson, R. M., Fretz, R. I. and Shaw, L. L. 1995. Writing Ethnographic Fieldnotes. London: The University of Chicago Press.
2.      Newbury, D. 2001. Diaries and Fieldnotes in the Research Process. Research Issues in Art Design and Media. [online] Available at:  <http://www.biad.bcu.ac.uk/research/rti/riadm/issue1/riadmissue1.pdf> [Accessed 1 July 2014]
3.      University of Southern California. Writing Field Notes. Organizing Your Social Sciences Research Paper. [online] Available at:  <http://libguides.usc.edu/content.php?pid=83009&sid=2559286> [Accessed 2 July 2014]
4.      University of Washington. Field Notes: How to Take Them, Code Them, Manage Them. [online] Available at:  <http://courses.washington.edu/thesis/chapter_14.pdf> [Accessed 2 July 2014]
5.      Wang, T. 2012. The tools we use: Gahhhh, where is the killer qualitative analysis app?. Ethnography Matters. [online] Available at:  <http://ethnographymatters.net/blog/2012/09/04/the-tools-we-use-gahhhh-where-is-the-killer-qualitative-analysis-app/> [Accessed 2 July 2014]
6.      Wolfinger, N. H. 2002. On Writing Fieldnotes: Collection Strategies and Background Expectancies. Qualitative Research. Vol. 2(I). p.85-95.

No comments:

Post a Comment