Tuesday, January 13, 2015

Khảo cổ tri thức

Michel Foucault, Lê Hải trích dịch từ chương mở đầu, bản tiếng Anh do Tavistock xuất bản năm 1972, Routledge tái bản năm 2004

Nhiều năm qua giới sử gia có xu hướng quan tâm đến những quãng thời gian dài cứ như thể là bên dưới các thay đổi và diễn biến chính trị họ có thể khai lộ ra được một hệ thống vững chắc cân bằng và được kiểm định, những qui trình không xoay chuyển, những điều chỉnh liên tục, và các xu hướng bên dưới đang dần tích lực, và bất ngờ lộn ngược sau nhiều thế kỷ tiếp diễn, những qui trình tích lũy và từ từ đậm đặc, sự im lặng tuyệt đối, những cơ sở bất biến mà lịch sử truyền thống đã phủ lấp bằng nhiều lớp sự kiện dày đặc. Các phương tiện cho phép sử gia làm công việc phân tích này phần nào kế thừa và phần nào do chính họ tạo ra: các mô hình phát triển kinh tế, phân tích số lượng đối với hoạt động của thị trường, dữ liệu về gia tăng và suy giảm dân số, nghiên cứu khí hậu và sự thay đổi dài hạn của khí hậu, sự điều chỉnh của các thông số xã hội, mô tả các bổ sung kỹ thuật và kèm theo là phát tán và tiếp diễn. Các phương tiện đó cho phép những người lao động trong ngành lịch sử phân biệt nhiều lớp trầm tích khác nhau, sự nối tiếp dòng họ, vốn từ lâu trở thành đối tượng nghiên cứu, được khám phá sâu. Từ những chuyển động chính trị trên bề mặt xuống những thay đổi chậm của “văn minh vật chất”, có thêm nhiều lớp phân tích được thiết lập: mỗi lớp lại có riêng tính chất và khác biết, và càng xuống sâu thì bước nhịp càng dài hơn. Bên dưới lịch sử thay đổi nhanh chóng của chính quyền, chiến tranh, và nạn đói, xuất hiện thêm những lịch sử khác, hầu như không chuyển động: lịch sử của các tuyến đường biển, lịch sử của bắp/ngô hay mỏ vàng, lịch sử của hạn hán và thủy lợi, lịch sử mùa màng, lịch sử của sự cân bằng giữa no và đói ở các giống người khác nhau. Câu hỏi từ xưa của phân tích truyền thống (Cần thiết lập mối quan hệ nào giữa các sự kiện tách biệt? Làm sao đặt ra mối quan hệ nhân quả giữa chúng? Tính chất liên tục nào là quan trọng nhất? Có thể nào định ra được một nội dung tổng quát nối kết tất cả?) bây giờ bị thay thế bằng những câu hỏi kiểu khác: cần tách biệt lớp nào ra khỏi các lớp còn lại? Cần thiết lập chuỗi liên kết nào? Cần sử dụng nguyên tắc nào để định giai đoạn? Hệ thống quan hệ nào (thứ bậc, nổi trội, phân lớp, tổng thể, tác động vòng tròn) có thể được dùng để nối kết giữa các lớp? Và hệ thống niên đại nào có thể dùng để xâu chuỗi các sự kiện?

Cũng trong cùng thời gian đó thì trong các ngành mà chúng ta gọi là lịch sử của tư tưởng, lịch sử khoa học, lịch sử triết học, lịch sử tư duy, và lịch sử của văn học (hiện thời ta có thể bỏ qua không đi sâu vào nội dung chi tiết của từng ngành), những ngành mà ngoại trừ cái tên khiến người ta nghĩ chủ yếu là công việc và phương pháp của sử gia, ngược lại, lại có xu hướng tránh xa những thể thống nhất kiểu “giai đoạn” hay “thế kỷ” mà tập trung hơn vào những gì gián đoạn, rời rạc. Bên dưới sự liền lạc của tư duy, bên dưới sự thể hiện chắc chắn và đồng nhất của một bộ não hay một tập thể trí tuệ, bên dưới sự phát triển bền bỉ của một ngành khoa học để tồn tại và đạt sự hoàn hảo, bên dưới sức sinh tồn của một ngành học nhất định, hay một kết cấu, nhánh nghiên cứu và hướng lý thuyết, có người đang cố tìm ra những vụ đứt gãy. Các đứt gãy mà hoàn cảnh và tình trạng rất khác nhau. Đó là những hành động và chỉ dấu ở tầng nhận thức mà Bachelard đã mô tả: chúng chặn sự tích lũy kiến thức, ngăn quá trình phát triển chậm rãi, và buộc tư duy phải bước vào một giai đoạn mới, cắt rời khỏi nguồn gốc thực nghiệm và động cơ ban đầu, xóa bỏ những rắc rối trừu tượng; chúng kéo các phân tích lịch sử ra khỏi việc tìm kiếm những giai đoạn khởi đầu câm lặng, và quá trình tìm kiếm vô tận ngược về nguồn cội, chuyển sang tìm kiếm những thể thức hợp lý mới và hiệu ứng khác nhau. Có những dịch chuyển và biến chuyển trong khái niệm: các phân tích của G. Canguilhem có thể được dùng như là mô hình; chúng cho thấy lịch sử của khái niệm không toàn thể và không phải hoàn toàn là dần hoàn hảo, là liên tục tăng tính hợp lý, mức độ trừu tượng, mà là rất nhiều vùng khác nhau của sự liên tục và hợp lý, với những định luật kế thừa, với nhiều hệ thống lý thuyết khác nhau mà khái niệm phát triển và lớn dần trong đó. Có sự khác biệt, mà chúng ta cũng biết ơn Canguilhem, giữa tầng vĩ mô và vi mô của lịch sử khoa học, mà trong đó các sự kiện và chuỗi sự kiện không được sắp xếp giống nhau: từ một phát kiến cho đến sự phát triển của một phương pháp, những thành tựu hay thất bại trong khoa học, của một nhà khoa học cụ thể, không diễn ra giống nhau, và không thể mô tả giống nhau ở cả hai tầng; mỗi tầng cần viết một lịch sử khác nhau. Những tái cấu trúc phát lộ vài quá khứ khác nhau, vài mô hình liên kết khác nhau, vài thứ bậc quan trọng khác nhau, vài mạng lưới tác động khác nhau, vài giải trình khác nhau, với cùng chính một ngành khoa học đó, như chính bản thân được thay đổi: cho nên các mô tả lịch sử cần được sắp xếp theo tình trạng hiện tại của kiến thức, tăng dần theo từng biến đổi và không bao giờ ngừng thoát khỏi chính bản thân (M. Serres từng có thuyết về hiện tượng này trong toán học). Có những hệ thống kiến trúc thống nhất cho các loại hình mà M. Gueroult đã phân tích, quan tâm không phải là mô tả ảnh hưởng văn hóa, truyền thống, và sự liền lạc, mà với sự nối kết bên trong, các trục, các liên kết giản lượt và tương thích. Cuối cùng, những rời rạc mạnh nhất là các đứt gãy do biến chuyển lý thuyết ‘thiết lập ra một ngành khoa học bằng cách tách rời khỏi tư tưởng trong quá khứ và phát lộ quá khứ đó như một tư tưởng’. Có thể thêm vào đó, tất nhiên, các phân tích văn chương, mà bây giờ coi như một thể thống nhất, không phải là tinh thần hay cảm giác của một giai đoạn, cũng không phải là “nhóm”, “trường phái”, “thế hệ”, hay “xu hướng”, cũng không phải là cá tính của tác giả, giữa cuộc sống riêng và “tác phẩm”, mà là một cấu trúc của một quyển sách hay một bài viết, một công trình.

Và vấn đề lớn do các phân tích lịch sử kiểu như vậy đưa ra không phải là những sự liên tục được thiết lập như thế nào, mà là một nguyên tắc đơn lẻ được tạo dựng và gìn giữ ra sao, và làm thế nào mà với nhiều bộ não khác nhau lại có cùng một đường chân trời duy nhất (L. Althusser trong tác phẩm For Marx, London, Allen Lane; New York, Pantheon, 1969, trang 168), với phương thức hoạt động nào và cơ cấu ra sao để liên lạc, tái hiện, biến mất, và lặp lại, cũng như bản gốc được dàn trải ra đến mức nào vượt khỏi bản thân và không bao giờ có kết luận – vấn đề không còn là của truyền thống, của một biên đạo, mà là về sự phân chia, của giới hạn; đây không còn là cơ sở lâu bền, mà là những quá trình chuyển đổi dùng làm những cơ sở mới, tái xây dựng nền tảng. Khi đó điều mà ta nhìn thấy sẽ là sự xuất hiện của cả một khối những câu hỏi, một số câu đã quen thuộc, mà qua đó dạng thức mới này của lịch sử đang cố gắng tự phát triển lý thuyết của mình: làm thế nào ta có thể liệt kê chi tiết những khái niệm khác nhau để giúp ta nắm bắt sự rời rạc này (dấu vết, gián đoạn, đứt gãy, pha trộn, chuyển đổi)? Theo tiêu chí nào ta có thể phân tách các thể thống nhất mà ta đang nghiên cứu; một ngành khoa học là gì? Công trình là gì? Lý thuyết là gì? Khái niệm là gì? Văn bản là gì? Làm thế nào để ta có thể chia ra nhiều tầng lớp khác nhau mà mỗi lớp lại có riêng một hệ thống phân chia và hình thức phân tích khác nhau? Đâu là mức độ đủ để coi là chính thức? Rồi đâu là phân tích cấu trúc? Đâu là mối quan hệ nhân quả?

Nói tóm lại, lịch sử tư duy, kiến thức, triết học và văn chương dường như đang tìm kiếm và phát hiện ngày càng nhiều điều rời rạc, trong khi chính ngành lịch sử thì đang muốn bỏ qua những sự kiện đan xen để xây dựng những cấu trúc bền chắc.

Nhưng chúng ta không thể bị những điều đó làm lung lạc. Bất kể trạng thái bên ngoài như thế nào, ta không thể mường tượng rằng một số ngành sử nhất định đã chuyển từ liền lạc sang rời rạc, trong khi các ngành khác thì chuyển từ một thể hỗn loạn của rời rạc sang thể thống nhất vĩ đại không gì lay chuyển nổi; chúng ta không thể nghĩ rằng trong phân tích chính trị, cơ quan, hay kinh tế, chúng ta ngày càng nhạy cảm hơn với những hằng số tổng quát, còn khi phân tích tư tưởng và kiến thức thì lại quan tâm hơn đến những điều khác biệt; chúng ta không thể mường tượng rằng hai dạng thức mô tả đó đan xen mà không nhận biết phần còn lại.

Xét cho cùng thì đây là cùng một loại vấn đề, nhưng khi đặt trong những trường hợp khác nhau thì tạo ra hệ quả trái ngược trên bề mặt. Có thể tóm lược các vấn đề này trong một cụm từ: thẩm tra văn bản. Dĩ nhiên là ngay từ thuở sơ khai của ngành sử học, hiển nhiên là văn bản được sử dụng, được thẩm định, và ngày càng được thẩm tra nhiều hơn; giới học giả không chỉ đơn thuần đặt câu hỏi là những văn bản này nghĩa là gì, mà còn xét xem chúng có nói sự thật hay không, và dựa trên cơ sở nào mà có quyền đánh giá như vậy, rằng các văn bản đó là thành thật hay cố tình diễn giải khác đi, rằng liệu có nắm đủ thông tin hay bất chấp các nguồn dữ liệu khác, là văn bản gốc hay đã bị chỉnh sửa. Nhưng mỗi câu hỏi vừa rồi, và tất cả những lập luận ở đây, đều dẫn đến một điểm cuối giống nhau: là tái lập lại, trên cơ sở những gì các văn bản đã trình bày, và có lúc chỉ nhắc một cách bóng gió, về một miền quá khứ nơi khởi nguồn của các văn bản này, mà nay đã biến mất gần như hoàn toàn; văn bản luôn được coi là ngôn ngữ của một tiếng nói đã dần câm lặng, mỏng manh, nhưng là dấu vết có thể lần theo được. Giờ đây, qua một giai đoạn biến đổi mà không hẳn là mới chỉ xảy ra gần đây, nhưng cũng không phải là đã kết thúc, sử học đã thay đổi quan điểm trong mối quan hệ với văn bản: đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu không phải là diễn giải văn bản, cũng không phải là cố gắng đánh giá xem văn bản đó có nói sự thật hay không, hay xác định xem đâu là giá trị biểu đại của văn bản đó, mà là làm việc với văn bản từ bên trong và xây dựng lên: hôm nay ngành sử sắp xếp lại văn bản, chia cắt, phân phối, đặt trật tự, xếp thứ hạng, xâu chuỗi, phân loại xem điều gì là đáng chú ý hay không liên quan, phát hiện các bộ phận, xác định cơ cấu thống nhất, và mô tả các mối quan hệ. Khi đó, văn bản không còn là một dữ kiện tiếp diễn mà sử học qua đó tìm cách tái hiện xem người ta đã làm hay nói gì, tái dụng các sự kiện mà nay chỉ còn lại dấu vết; ngày hôm nay sử học cố gắng xác định từ ngay chính bên trong dữ kiện các thể thống nhất, toàn diện, dây chuyền, và mối quan hệ. Lịch sử phải tách khỏi hình ảnh mà cho đến giờ vẫn luôn hài lòng, và qua đó mà tìm được giá trị nhân học: là ý thức tập thể từ lâu đã dùng dữ kiện vật chất để nhắc nhở trí nhớ; lịch sử là làm việc với dữ kiên vật chất (sách, công văn, chứng từ, sổ sách, chiếu chỉ, đền đài, cơ quan, luật lệ, kỹ thuật, hiện vật, phong tục, v.v.) hiện hữu trong mọi không gian và thời gian, trong mỗi xã hội, bất kể là ở dạng được tổ chức một cách có ý thức, hay tạm thời. Văn bản không phải là phương tiện quí giá cho lịch sử theo cách hiểu là ký ức nền tảng và cơ bản; lịch sử là một cách để xã hội nhận biết và xây dựng cả khối văn tự để rồi gắn liền với.

Chúng ta có thể nói một cách đơn giản là lịch sử trong dạng thức truyền thống nhận lãnh nhiệm vụ “ký ức hóa” những điều hoành tráng của quá khứ, chuyển chúng thành văn bản, và gửi gắm tiếng nói vào những dấu vết đó để tự thân vốn thường không thành tiếng, hoặc phát biểu im lặng những điều khác hơn thường vốn nói; trong thời của ta, lịch sử là cái chuyển văn bản thành những điều hoành tráng. Ở nơi mà trong quá khứ lịch sử giải mã dấu vết do con người để lại, thì bây giờ triển khai cả khối thành phần đồ sộ rồi phân nhóm, kết nối, đặt trong mối quan hệ các bộ phận khác để kiến tạo tổng thể. Từng có thời gian mà khảo cổ học là ngành học dành tâm trí cho những đền đài thành quách câm lặng, những vết tích tiếp diễn, những hiện vật không rõ nguồn gốc, và vật chất để lại từ quá khứ, có tham vọng lót đường cho lịch sử, và chắt lọc ý nghĩa qua tái hiện một tranh luận lịch sử; nếu chơi chữ thì có thể nói rằng thời của chúng ta lịch sử có tham vọng lót đường cho nghiên cứu khảo cổ, để mô tả nội hàm của đền đài thành quách.

4 comments:

  1. bài có liên quan http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16231

    ReplyDelete
  2. bài viết hay quá
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete
  3. bài viết hay quá
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete
  4. bài viết hay quá
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete