Saturday, October 29, 2011

Rousseau

Rousseau và viên đá đầu tiên cho con đường nhân văn

Lê Hải

Dù sinh ra từ trước đó 250 năm, triết gia người Pháp gốc Geneva Jean Jacques Rousseau (1712-1778) vẫn được nhà nhân học hàng đầu thế giới Claude Lévi-Strauss xưng tụng là "cha đẻ của các ngành khoa học nhân văn" [1]. "Rousseau không chỉ là người quan sát thâm nhập cuộc sống làng quê, độc giả miệt mài của các quyển sách du ký, người nghiên cứu giàu kinh nghiệm về phong tục và tín ngưỡng mà có thể không sợ sai khi nhận xét rằng từ khi chưa có ngành dân tộc học (ethnology), tức là 100 năm trước khi ngành này ra đời, thì ông đã mường tượng, đã đặt mục tiêu và đã mở những bước đi đầu tiên, đã đặt chỗ đứng cho ngành giữa khoa học tự nhiên và nhân văn, và thậm chí cả những cơ sở thực hành nữa. [...] Rousseau không chỉ giới hạn ở chỗ dự đoán, mà ông đã mở ra ngành nghiên cứu dân tộc," [2] tức là một nhánh hình thành nên ngành nhân học (anthropology) sau này.

Thời của Rousseau các triết gia ngồi một chỗ, không đi đến các vùng đất mới rồi quay về như các tác giả của những quyển du ký, và các lý thuyết gọi là tìm hiểu con người thực ra chỉ là nghiên cứu những người xung quanh mà thôi. Nhà nghiên cứu dân tộc học hay nhân học văn hóa chính là triết gia đi lữ hành, và tìm hiểu nhân loại qua những người khác mình. Đó chính là điều mà 200 năm sau Claude Lévi-Strauss làm với Nhiệt đới buồn hay trước đó một ít là Bronisław Malinowski với Argonauts miền Tây Thái bình dương. Tư tưởng của Rousseau nay trở thành nhân sinh quan khoa học cho ngành nhân học, mà mấu chốt là dù nghiên cứu những nhóm người xa xôi nhất, nhưng đồng thời lại chính là nghiên cứu bản thân mình, xác định bản sắc của người khác nhưng cũng chính là xác định bản sắc của chính mình. Nhưng cũng cần chú ý là các tác giả thế hệ đầu của ngành nhân học không hề chịu ảnh hưởng ít nhất là trực tiếp của Rousseau.

Nay thì các nhà nhân học không chỉ làm triết gia trên đường đi mà thậm chí còn bỏ trốn. Họ trốn chạy khỏi xã hội văn minh, đô thị hóa, công nghiệp hóa và những nền văn hóa do các xã hội đó sản sinh ra như tiêu chuẩn hóa, đồng nhất hóa và hư hỏng, tức là xã hội đại chúng và văn hóa đại chúng. Nhưng thực ra thì cũng như Rousseau đã nói [3], không thể xác định đâu là văn hóa ban đầu, và con người không thể nào sống bên ngoài môi trường xã hội, còn văn hóa thì liên tục qua lại giữa cái sơ khai và cái hiện đại, cũng như xã hội nằm giữa những thể chế sơ khai như gia đình hay cộng đồng và những hệ thống hiện đại như chính quyền và nhà nước.

[1] Như tựa đề của bài giảng được Claude Lévi-Strausse đọc tại Geneva trong ngày kỷ niệm 250 ngày sinh Rousseau, sau đó in lại trong tập sách nhiều tác giả xuất bản cùng năm 1962, và in lại trong nhiều giáo trình nhân học như quyển Anthropologie structurale deux của ông xuất bản năm 1973, giáo trình nhân học văn hóa của Đại học tổng hợp Warszawa do Andrzej Mencwel chủ biên, xuất bản năm 2001. Bài viết này lấy lại ý của hai tác phẩm vừa kể. Theo phân tích của sử gia xã hội học người Ba Lan Jerzy Szacki thì Rousseau cũng cùng với Montesquieu có ảnh hưởng mạnh lên Durkheim.

[2] Tác phẩm Bàn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người với người (Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les hommes) được coi là tuyên ngôn hay sách giáo khoa đầu tiên cho ngành này.

[3] Độc giả quan tâm hơn về tư duy triết học của Rousseau có thể tìm đọc bài viết của Bùi Văn Nam Sơn trên SGTT ở địa chỉ http://sgtt.vn/Khoa-giao/154448/Khai-minh-ve-khai-minh.html, hay các bài hệ thống hóa triết học của Nguyễn Ứớc trên Văn Chương Việt như tại địa chỉ http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9573

No comments:

Post a Comment