Tâm lý học xã hội
Lê Hải, theo giáo trình của Smith&Mackie
Social psychology là ngành học chính thức được xuất hiện vào năm 1908 với hai quyển sách giáo khoa cùng tên. Một quyển là của nhà tâm lý học William McDougall, cho rằng mọi hành vi xã hội là vốn có hoặc bản năng, là tư duy phổ biến trong ngành tâm lý học thời bấy giờ. Quyển kia là của nhà xã hội học E.A. Ross, lập luận rằng con người chịu ảnh hưởng nhiều của người khác, bất kể là người kia có hiện diện ngay bên cạnh hay không. Tư tưởng này sau trở thành chủ đạo trong ngành tâm lý học xã hội. Các thay đổi của con người trong môi trường xã hội được quan tâm đặc biệt sau hai thí nghiệm nổi tiếng. Trước hết là nhà nghiên cứu người Mỹ Norman Triplett vào năm 1898 nhận thấy người bơi thi có thành tích cao hơn tự bơi một mình, tức là sự có mặt của những người khác ảnh hưởng tích cực đến hành động của người đó. Thế nhưng một ghi nhận khác trong thập niên 1880s của kỹ sư nông học người Pháp Max Ringelmann thì lại thấy ảnh hưởng tiêu cực, người ta ít bỏ sức hơn khi cùng kéo dây hay đẩy xe. Trước đó nữa, vào thời văn minh Hi Lạp, các triết gia cũng đã quan tâm đến đìều kiện sống của con người, như Plato với khái niệm não trạng của đám đông, rằng ngay cả người thông thái nhất khi lạc vào đám đông cũng có thể bị biến thành một người hành động mù quáng vô suy nghĩ.
Hiện tại, tâm lý học xã hội (social psychology) được định nghĩa là một môn khoa học nghiên cứu các ảnh hưởng của các quá trình xã hội và nhận thức lên cách mà các cá nhân nhận biết, ảnh hưởng, và quan hệ với những người khác. Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của ngành là làm thế nào người ta hiểu và giao tiếp với những người khác, và nhà tâm lý học xã hội đặc biệt quan tâm đến các quá trình nhận thức và xã hội nằm bên dưới các hành vi mở của con người. Kurt Lewin cho rằng mọi hành động của mỗi cá nhân phụ thuộc vào một khái niệm mà ông đặt ra hồi năm 1936 gọi là "không gian sống" của người đó, tức là bản đồ chủ quan về các mục tiêu của người này trong môi trường xã hội.
Sau khi tách khỏi ngành tâm lý học, chủ yếu là từ cách nhìn hành vi cá nhân qua ảnh hưởng xã hội, bộ môn tâm lý học xã hội ở Bắc Mỹ bất ngờ nhận được nhiều chuyên gia từ châu Âu chạy sang trốn chế độ Đức quốc xã trong thập niên 1930s và 1940s. Cùng lúc hai nhánh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng được phát triển trong hai thập niên tiếp theo là 1950s và 1960s, rồi cùng kết hợp lại. Nói chung toàn ngành dựa trên 8 nguyên tắc chính, chia thành 3 nhóm. Đầu tiên là hai trục cơ bản của ngành, cho rằng người ta tự kiến tạo nên thực tại của mình, và các ảnh hưởng xã hội là lan truyền. Tiếp theo là nhóm 3 động cơ mà con người đi theo là luôn tìm cách hiểu và kiểm soát môi trường xung quanh, luôn tìm kiếm sự kết nối với những người khác, và coi trọng bản thân và những gì của mình. Cuối cùng là nhóm 3 nguyên tắc trong quá trình là coi các quan điểm đã hình thành thường thay đổi chậm, coi khả năng dễ truy cập thông tin sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới quyết định của con người, và có thể ảnh hưởng trên bề mặt lẫn chiều sâu.
Các nguyên tắc và phương pháp khoa học chính là điểm phân biệt giữa ngành tâm lý học xã hội và các nhận định đời thường về tâm lý xã hội mà người ta hay đọc thấy trên báo, hay ý kiến của đa số. Không ít nghiên cứu đưa ra những kết luận trái ngược với những điều người ta hằng tưởng, ví dụ như là không phải cứ trúng số là hạnh phúc hơn, hay thực sự ra người mắc bệnh hiểm nghèo thường lạc quan và có nghị lực hơn với cuộc sống. Nhà tâm lý học xã hội cũng giống người thường là đều chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội khi nhận định và đánh giá vấn đề, nhưng khác là ý thức được về các ảnh hưởng đó. Do vậy, các giáo trình cho ngành học này thường bắt đầu bằng việc khám phá chính bản thân mình, qua con đường mà các triết gia ngày xưa gọi là kiến thức, tức là hiểu biết một cách khoa học về bản thân: self-knowledge. Theo đó, hiểu biết về bản thân gồm hai thành phần, trước hết là khái niệm về bản thân: self-concept và sau là cảm giác về mình: self-esteem. Người ta nhận biết được về bản thân thường là qua so sánh mình với những người xung quanh trong quá trình tương tác, thông qua các hành vi (behavior) của mình. Các đánh giá đó cũng bao gồm việc phân loại nhóm và thái độ đối với từng nhóm một, hình thành nên hình ảnh chủ quan về nhóm xã hội đó (stereotype), thường tạo thành qua quá trình dạy dỗ ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội. Còn cảm giác self-esteem sẽ chi phối việc xác định bản sắc nhóm, tình cảm gắn bó của cá nhân với nhóm đó. Tổng hợp lại hiểu biết về bản thân sẽ chi phối quá trình nhận biết chung quanh, chấp nhận các ảnh hưởng từ môi trường, đặt ra thái độ riêng với hoàn cảnh và tạo ra hành vi phù hợp.
Khi nắm bắt được các qui luật chi phối bản thân người ta có thể vận dụng để chi phối hành động của người khác thông qua nhóm, ví dụ như sự kiện làm chấn động chính trường nước Pháp vào tháng Tám năm 1990. Đảng xã hội tổ chức hội nghị thường niên và sử dụng một số sinh viên cùng diễn viên thất nghiệp đến tạo không khí ủng hộ nhiệt tình, có tác động lây lan sang các đại biểu bình thường. Những người hát rong hay bartender biết là nếu bỏ sẵn tiền tạo cảm giác những người khác đã cho tiền thì sẽ khiến người đi đường dễ cho tiền và cho nhiều hơn. Và như vậy, ngành tâm lý học xã hội có thể đi thêm một bước, tìm hiểu các định chuẩn (norm) được hình thành trong xã hội và tác động của nó đối với hành vi của các thành viên, từ người nhiệt thành tuân thủ cho đến người phá vỡ qui luật. Người ta cũng có thể nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa và tình dục vào việc lựa chọn kết bạn, hay tình yêu, hôn nhân. Thậm chí bộ môn này cũng nghiên cứu giải thích tình trạng bạo lực và xung đột giữa các nhóm, cũng như tìm giải pháp để giải quyết.
Nếu bạn cảm thấy hứng thú với phương pháp vừa kể để tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh, thì hãy bắt đầu quan tâm đến ngành tâm lý học xã hội, và đọc một vài trang sách giáo khoa chuyên ngành, như quyển sách vừa được dùng làm tài liệu tham khảo cho bài viết này, giáo trình của Eliot R. Smith & Diane M. Mackie 2000, Social Psychology, Psychology Press xuất bản.
No comments:
Post a Comment