von Herder và văn hóa dân tộc
Lê Hải (X.2011)
Dù là người ảnh hưởng mạnh đến tư duy của Johann Wolfgang von Goethe và nhiều triết gia không chỉ của nước Đức [1], cuộc đời và sự nghiệp của Johann Gottfried von Herder (1744-1803) hầu như không được biết đến ở Việt Nam [2]. Không chỉ là người đặt nền móng cho tư tưởng coi lịch sử nhân loại là lịch sử (văn hóa) của các dân tộc [3], Herder còn là người khởi xướng chủ thuyết xây dựng dân tộc từ ngôn ngữ [4] và văn hóa chung [5], được Wilhelm von Humboldt ủng hộ nhiệt thành, và đặc biệt là qua các di sản dân tộc, tạo nguồn cảm hứng cho anh em (Jacob và Wilhelm) nhà Grimm đi sưu tầm truyện cổ tích Đức. Được hoàng thân xứ Bavaria phong tước vào cuối đời (thêm chữ von vào trước họ), Herder cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hai ngành ngôn ngữ học (Linguistics) và nhân học (Anthropology) như của Franz Boas ở Mỹ và Bronislaw Malinowski ở Anh.
Do tầm ảnh hưởng rộng và sâu của tư tưởng Herder lên các ngành xã hội và nhân văn phương Tây, rất nhiều quan điểm của ông đã được nhắc lại một cách gián tiếp trong tư duy văn hóa và lịch sử tại Việt Nam [6]. Nhiều người Việt ở nước ngoài kêu gọi gìn giữ bản sắc dân tộc Việt thông qua tiếng Việt, hay các tác phẩm tiếng Việt như truyện Kiều [7], phần nào có thể coi là biểu hiện trên bề mặt của những gì mà Herder đã tư duy trên 200 năm trước, coi ngôn ngữ là thành phần cơ bản của bản sắc dân tộc. Các bài viết gốc của Herder thường được đánh giá là trình bày dễ hiểu hơn so với các triết gia cùng thời, đưa ra nhiều ví dụ và tránh sử dụng quá nhiều từ chuyên môn. Một phần cách viết đó xuất phát từ quan điểm của ông cho rằng ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm riêng của ngữ pháp, mà mỗi dân tộc nói theo cách mà dân tộc đó suy nghĩ, và suy nghĩ theo cách mà dân tộc đó nói. Cần chú ý rằng nếu so với Pháp và Anh thời bấy giờ, thì nước Đức mới chỉ bắt đầu hình thành và chưa có thể chế chính trị hay cơ sở thống nhất từ trước, ngay cả vị vua Frederick đệ nhị đại đế cũng quen nói chuyện và tư duy bằng tiếng Pháp hơn là giao tiếp bằng tiếng Đức. Trong bối cảnh như vậy thì dễ hiểu tại sao khái niệm dân tộc (Volk) mà Herder đưa ra ít nhấn mạnh đến định nghĩa về cộng đồng người sống trên cùng lãnh thổ và chịu chung luật pháp, hơn là chú trọng vào các mối liên kết qua những cộng đồng chính trị sơ khai trong lịch sử và cái gọi là văn hóa - thể hiện trước hết là qua ngôn ngữ. Vì Herder coi tập thể quan trọng nhất trong xã hội loài người là dân tộc, cho nên ông thường được coi là nhà tư tưởng dân tộc đầu tiên trên thế giới.
Cũng giống như các triết gia Khai sáng cùng thời, Herder chịu ảnh hưởng mạnh từ Newton, người đem qui luật tự nhiên vào triết học. Tuy nhiên, ông lại không nhìn thế giới qua mô hình cơ khí mà thiên về lối diễn giải hữu cơ (organicism), tức là không giống một cỗ máy đang vận hành mà giống một cơ thể (sinh vật) đang không ngừng tăng trưởng. Theo đó xã hội là môi trường tự nhiên của mỗi cá nhân, mà khi sinh ra thì đã hiển nhiên ngụp lặn giữa các quần thể gia đình, bộ lạc hay là dân tộc. Như vậy xã hội được tạo thành từ các cá nhân nhưng không thể giản lược xuống thành mức cá nhân, và cá nhân cũng không thể bị coi chỉ là một thành phần của xã hội vì có giá trị tự lập (autonomy) không thể thay thế. Nói một cách khác, cá nhân (độc lập suy nghĩ, hoạt động và liên kết xã hội) và cá thể (micro - thành phần tạo nên xã hội - macro) là hai khái niệm khác nhau trong hệ tư tưởng của Herder. Với lối tư duy này thì chính quyền hay thể chế có thể xuất hiện, biến mất hay thay đổi, nhưng điều chính yếu cho một dân tộc là tâm thức cộng đồng truyền thống cũng tồn tại bền vững như là lực tự nhiên. Giống như tư duy của Montesquieu, đây là nền móng sơ khai cho hệ thống khái niệm quốc gia dân tộc (nation-state) phát triển sau đó 100 năm. Herder cho rằng quốc gia tự nhiên nhất là quốc gia đại diện cho một dân tộc hay chỉ có một dân tộc tính (character). Tư duy sử học của ông được các thế hệ học trò sau này như Schlegels, Schleiermacher, Hegel, Nietzsche, và Dilthey tiếp nối và phát triển.
[1] Có thể đọc thêm về di sản triết học của Herder trên từ điển mạng của Đại học Stanford (tiếng Anh) ở địa chỉ http://plato.stanford.edu/entries/herder/
[2] Tìm trên Google có khá nhiều bài viết nhắc đến chuyện Goethe kết bạn với Herder và nhờ ảnh hưởng triết học mà vượt qua tầm mức của bản thân lúc bấy giờ chỉ là một nhà thơ bình thường.
[3] Có thể tham khảo thêm bài điểm qua các góc nhìn lịch sử khác nhau được Nguyễn Ngọc Thơ dịch và trình bày trên trang nhà của khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV tp.HCM http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=405&Itemid=66
[4] Độc giả quan tâm tìm hiểu thêm lý thuyết của Herder về ngôn ngữ có thể đọc bài giới thiệu của Đặng Phùng Quân ở địa chỉ http://www.gio-o.com/DangPhungQuanLyVan1.htm
[5] Có thể so sánh cách nhìn dân tộc bằng ngôn ngữ và văn hóa chung của Herder với các góc nhìn khác trong cùng giai đoạn như qua bài phân tích của Nguyên Thi http://nguoidan.com/nd155/chuthu.htm
[6] Ví dụ như vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Unesco, qua bài viết của GS Roger Janelly, Thu Hường dịch http://www.vicas.org.vn/Home/index.php/next-step/buy-jsn-dome-pro/vn-ang-tho-lun/316-cac-thach-thc-ly-thuyt-i-vi-cong-tac-bo-tn-di-sn-vn-hoa-phi-vt-th.html, nhập môn lý thuyết văn hóa của Trần Ngọc Khánh http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=2073&Itemid=62, văn hóa dân gian http://viettems.com/files/Tu%20dien%20nhan%20hoc/F/folklore-van%20hoa%20dan%20gian.pdf, hoặc triết lý giáo dục của Humboldt qua giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn http://www.sgtt.com.vn/Khoa-giao/143800/%E2%80%9CDao-sac-moi-cat-duoc-moi-thu%E2%80%9D.html
[7] Ví dụ như ghi nhận của ĐBQH Dương Trung Quốc trong chuyến đi sang Cộng hòa Séc http://blog.yume.vn/xem-blog/tieng-viet-con-thi-cong-dong-nguoi-viet-con.lvcgroup.35AD2DEC.html, hay câu chuyện của một trường tiếng Việt ở Hoa Kỳ http://www1.vietinfo.eu/viet-nam-que-huong/tieng-viet-con-nguoi-viet-con.html
No comments:
Post a Comment