Các tham khảo cần thiết cho sinh viên trong các ngành xã hội và nhân văn nghiên cứu và viết luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chúc bạn thành công. bantinphuongdong@gmail.com
Monday, January 7, 2013
Di dân và Kiều hối
Di dân và Kiều hối
Lý Nhân
Nhà lịch sử và cổ điển học Erich Gruen nhận định trong công trình nghiên cứu cả
đời ông là những cộng đồng di cư Do Thái cổ xưa “…đã mang lại của cải vững
bền cho Đền Thờ… từ những đong góp từ Á châu hoặc Âu châu, hoặc trên toàn
thế giới, qua một thời gian lâu dài khủng khiếp. Nếu sự đóng góp có gặp khó
khăn từ chính quyền địa phương, người Do Thái sẽ tiếp tục ‘gửi’ những tiếng thét
giận dữ đến Roma” (Gruen, 2004). Không cố gắng tạo một liên tưởng khập
khiễng, nhưng sự đóng góp liên lục địa thời hiện đại diễn ra dồn dập hơn, không
nhằm làm giàu có đền thờ nào, mà cái neo thần trí được chuyển thành neo tình
cảm, địa vị hoặc những ràng buộc khác. Nó trở thành kiều hối – một khái niệm
mang theo nó rất nhiều tương quan về kinh tế, xã hội và nhân văn.
Bài viết này chọn cách tiếp cận kiều hối từ góc độ chính trị di cư, xét đến những
xung khắc hoặc va chạm mềm mỏng từ kiều hối và chính quyền nơi tiếp nhận.Từ
đó ôn lại những tương quan xã hội, những khái niệm mềm mại hơn thích hợp với
bối cảnh quốc tế hóa như tiền gửi như là công cụ cho phát triển – phát triển từ
ai, do đâu mà phát triển, thì lại lật sang một lý thuyết khác về độ rủi ro khi đứng
trước những thôi thúc và cám dỗ từ việc thương mại hóa nguồn kiều hối. Chính
những rủi ro này kéo theo những thước đo mới trong nghiên cứu về mối quan hệ
giữa kiều hối – di dân - an ninh bên cạnh mối quan hệ cổ điển kiều hối – phát
triển. Các kinh nghiệm chung của quốc tế về ảnh hưởng của kiều hối trong
trường hợp của Trung Quốc, một số nước thuộc châu Phi, Ấn Độ hoặc Mỹ Latinh.
Bài viết cũng cân nhắc đến trường hợp đặc biệt của Việt Nam trong cùng bối
cảnh, đặc biệt từ sau chính biến năm 1975. Bản thân trong trường hợp này,
nhiều quan sát đã được ghi nhận và xin mạn phép được tổng kết các hình thức
đóng góp từ kiều hối dưới hai hình thức chính là những đóng góp ‘sạch sẽ có tổ chức’, tuân theo tính chất dòng tiền gửi tăng theo sự ôn hòa của chính sách tại
nhiệm, và sau đó dòng tiền gửi tự đa dạng hóa về mục đích, quy nạp hơn đến xu
hướng kiều hối – phát triển chung của thế giới. Sau là hình thức tiền gửi nhỏ lẻ
từ những người lao động thu nhập thấp mà nội hình thức này, đã có thêm những
nghiên cứu và ghi nhận sống động, đáng chú ý từ cộng đồng Việt Kiều, đây cũng
chính là chi tiết nhân văn trong chủ đề kiều hối đã đề cập ở trên.
Để bàn luận về chính trị di cư, khái niệm về chính thể và đặc tính dân tộc của
John Stuart Mill cần được mang ra nhìn lại. Ông cho rằng nhân loại được tựu
thành những phần nhỏ hơn, “gắn kết bởi những mối cảm thông chung một cách
tự nguyện, điều này không được tìm thấy giữa họ với nhóm cá thể khác… với
mong muốn được điều hành bởi chính họ hoặc một phần trong nhóm của họ”
(Williams, G., 1993). Thành phần cấu tạo nên thuộc tính dân tộc có thể đồng
nhất (homogenous/ monoethnic nation state/ state-centred) hoặc khác thể
(ethnically heterogeneous/ multiethnic state nation/ ethnocultural) hoặc một
tập thể với những lý tưởng và phương hướng chung (ideofocal) bất kể thành
phần sắc tộc như khái niệm của Shain và Sherman (2001) do đó mà cách đón
nhận các tác nhân ngoại vi cũng rất khác biệt và phức tạp, có khi dẫn đến xung
khắc hoặc được điều chỉnh một cách mềm dẻo hơn. Những nhà hiện thực học thì
cho rằng cách nhìn nhận giá trị dân tộc khác nhau gây ra những mâu thuẫn,
chính mâu thuẫn kích thích những nhận thức khác nhau trong cùng dân tộc về
hướng phát triển của quốc gia, điển hình là trường hợp những người theo đạo
Sirkhism sống tại Ấn Độ và ngoài Ấn Độ, thể hiện sự ủng hộ hoặc phản đối một
dân tộc Ấn thống nhất, trong quá trình tham gia xây dựng quốc gia. Chính lúc
này, sự hiện diện của một cỗ máy công cụ, sẽ hoặc ươm mầm cho những thay
đổi chẳng hạn các như trường hợp cho phép công dân quyền bầu cử từ xa bao
gồm vận động hành lang như một cách nhìn nhận sự đóng góp không thể thiếu của họ, đặc biệt là sự ‘tận tụy’ với nền kinh tế quốc gia (citizen enfranchise)
(Lafleur, 2011), hoặc cổ vũ sự bền vững của các giá trị hiện tại. Trong các
trường hợp, cỗ máy công cụ này có ảnh hưởng lên sự bền vững của hệ thống
chính trị qua nhà nước, hệ thống điều hành và xã hội dân sự, dưới cách gọi
những đóng góp nội tộc-liên quốc gia - IEIS (Intraethnic Interstate Giving) của
Sherman (2001), trong trường hợp vừa xét của Ấn Độ, thì đó là Global Indian
Family Conference ở New Dehli của chính phủ Ấn Độ nhằm mục đích xoa dịu
mâu thuẫn về hướng phát triển mang tính dân tộc. Đây là cách hiểu về chính trị
di cư (diasporic politics) trên quốc gia con khi tiếp nhận nguồn đóng góp từ quốc
gia mẹ (diasporic giving) hay dưới tên gọi khác là kiều hối/ ngoại hối
(remittance). Những cơ sở trên đặc biệt đúng với trường hợp các quốc gia Đông
Âu thuộc Xô-Viết cũ, các quốc gia Phi Châu, Ấn Độ, Palestine và Trung Quốc.
Riêng châu Mỹ La-tinh, sự ồ ạt của các nguồn tiền gửi trong thời kỳ xây dựng
quốc gia đã từng được ví như đợt đại chinh phục của đế quốc Tây Ban Nha/ Bồ
Đào Nha lần 2.
Phải hiểu đúng thế nào về kiều hối?
Kiều hối như cách hiểu thông thường, là nguồn đóng góp được trích từ thu nhập
của các hộ gia đình làm ra được ở một nền kinh tế khác, kết quả của việc di cư
tạm thời hay dài hạn đến các nền kinh tế trên. Tuy nhiên định nghĩa kiều hối còn
được hiểu ở khía cạnh cán cân thanh toán, có thể gồm những phần đầu tư được
chuyển về bằng những kênh chính thức hoặc không, của người đã định cư và
làm ăn lâu dài hoặc công nhân làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (IMF, 2006).
Cuối cùng theo Shain và Sherman (2001), kiều hối còn ở dạng chuyển đổi nhân
lực, kỹ năng, ý tưởng và chuyên môn đang cần kíp (social remittance), theo đó một số chính phủ lanh lợi còn dùng những công cụ này để đặt cứ địa ngược vào
thị trường mẹ như một hình thức đầu tư vuốt đuôi.
Tới đây, một câu hỏi được đặt ra về tính chất cung ứng cho phát triển của dòng
kiều hối. Câu trả lời tức thời là có, và tính chất này có ảnh hưởng rộng đến mức
nó sinh ra thêm nhiều khái niệm mang tính thời đại và tạo nên nhiều yếu tố gây
chú ý cho những nhà làm chính sách. Trước hết, nhìn vào mối quan hệ cổ điển
giữa kiều hối và phát triển, các tài liệu đều xoay quanh nguồn tiền gửi như là
cứu cánh về tài chính cho đối tượng tiếp nhận, bất kể phạm vi (Alba và Nee,
1997; Berry, 1980). Cách hiểu này cổ vũ cho việc nhấn mạnh sự phát triển
không đồng đều giữa các châu lục, giữa các cộng đồng, quốc gia, vùng trên cùng
châu lục, mà những tư tưởng Marxist sẽ hiểu trong ngữ cảnh của quá trình tiến
lên tư bản, và khái niệm ‘phát triển không đồng đều’ theo đó sẽ là kết quả của
quá trình bảo hộ từ đế quốc và sau này là toàn cầu hóa (Wallerstein, 1974).
Những luồng di dân từ đó được hiểu như là một phương cách để tối đa hóa
nguồn lợi và giảm thiểu rủi ro. Trung Quốc sau cuộc đổi mới kinh tế là một ví dụ
nhỏ với các nguồn dân di cư vùng núi như Hubei tập trung vào các khu vực
thành phố công nghiệp, đặc biệt với các hộ dân có rang buộc hợp đồng về đất
canh tác (Nong Zhua,, Xubei Luo, 2010). Các thành phần di cư ra nước ngoài lại
là một câu chuyện khác, trong hơn 37 triệu di dân Trung Quốc, đa phần có xuất
xứ từ các tỉnh phía Đông-Nam như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và Chiết
Giang. Khu vực này có truyền thống mậu dịch hàng hải từ lâu đời cộng với
nguồn gốc ngôn ngữ phong phú đã vô tình cung cấp cơ sở vững vàng cho những
chuyến đi vì thương mại, kinh tế hướng vào mục đích ‘phát triển’ (Zhang, 2012)
cả kinh tế và xã hội, trong việc phát triển các thuộc tính, tập luyện và kế hoạch
thích nghi mới trong quá trình hội nhập vào đất nước thứ 2 mà các nhà xã hội
học thường gọi bằng khái niệm đa quê hương, đa tiếng mẹ đẻ Khi dòng tiền gửi trở nên lưu thông tự do và thông thoáng hơn thì các phương thức thương mại hóa chúng được phổ biến rộng rãi. Phi châu là một trường hợp
ví dụ điển hình của việc gửi tiền. Anyanwu và Erhijakpor (2010) nghiên cứu 22
nhóm dữ liệu và nhận thấy tiền gửi tác động tích cực đến việc giảm nghèo đói,
cụ thể nếu cứ 10% tiền gửi so với tổng GDP tăng lên, chỉ số nghèo đói (bao gồm
khoảng cách nghèo đói và sự khắc nghiệt của nghèo đói) sẽ theo đó giảm đi
2.9%. Trong những đất nước mà nền kinh tế bị chi phối nặng bởi lạm phát,
chênh lệch thu nhập (từ chỉ số Gini) thì kiều hối tạo điều kiện phát triển mậu
dịch theo hướng tích cực. Nắm được tính chất này, các hình thức thương mại hóa
phương thức gửi tiền về Phi châu (hoặc châu Á, Trung-Nam Mỹ) bằng cách sáng
chế ra các cách thức gửi tiền nhằm tối ưu chi phí giao dịch đã hấp dẫn và khuyến
khích dòng tiền gửi đều đặn hơn.
Bằng một cách nào đó, những hệ thống giá trị trong xã hội mới cộng với lợi ích
kinh tế, sự cổ vũ của cả chính quyền nơi tiếp nhận và chính quyền quê hương đã
thổi những đợt sóng di dân mạnh mẽ và cương quyết hơn. Chính tại thời điểm
này, Williams và Baláž (2012) đã đưa ra lý thuyết thú vị về tính chất mạo hiểm
gắn liền với các quyết định di cư dựa trên nền móng của Polanyi về kiến thức
được hệ thống hóa (codified knowledge) và kiến thức thực tế (tacit knowledge)
trong vấn đề di dân. Nếu như kiến thức hệ thống dễ dàng được tìm kiếm và
trang bị qua truyền thông hoặc truyền miệng, thì kiến thức thực tế chỉ được trải
nghiệm trong hoàn cảnh cụ thể. Tại đây, Williams và Baláž lưu ý về những khả
năng chịu đựng các nguy cơ từ việc di cư, và gạch một biên độ rõ rệt cho sự
khác biệt giữa việc được trang bị thông tin về sự khó khăn như việc truyền
miệng (be informed about risk) với việc thật sự trải nghiệm với khó khăn thật sự
theo hoàn cảnh từng người (being at risk). Quay lại với Sørensen (2012) với
thước đo mới về mối tương quan trong kiều hối và di cư đó là kiều hối và vấn đề an ninh. Cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển thường được tiếp cận từ
góc nhìn Bắc-Nam với ý chỉ các nước thuộc thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba,
vấn đề kiểm soát an ninh này được xem như câu hỏi đặt ra cho các nước phương
Bắc dành cho các ‘mạng lưới’ dân nhập cư xuyên biên giới. Việc can thiệp vào hệ
thống dân nhập cư chính thống hoặc không có thể thông qua thị trường quản lý
nhập cư của chính phủ, tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ nhằm ngăn chặn
các hệ quả không mong đợi từ việc di cư và nguyên nhân sâu xa từ sự thôi thúc
với nguồn tiền kiếm được, như các băng đảng toàn cầu, tội phạm có tổ chức,
buôn lậu ma túy và vũ khí, buôn thịt người (di dân trái phép), rửa tiền và bạo
loạn xã hội. Chi phí dành cho công tác biên phòng, thụ lý giấy tờ hoặc trục xuất
là không nhỏ. Chính sách và chế tài mới của nhà nước trong việc cấp giấy phép
di dân và sinh sống ảnh hưởng không ít đến cộng đồng di dân có mong muốn
đóng góp kiều hối thật sự cho đất nước họ.
Chính trong bối cảnh nghiên cứu này, ví dụ của Việt Nam nổi lên như một câu
chuyện có tính ứng dụng cao từ tất cả những lý thuyết đưa ra ở trên. Với đa
phần các tài liệu bàn từ góc nhìn kinh tế, cho dù dưới góc độ đóng góp hay viện
trợ (gần như nhân đạo) là làm sao để phát huy hiệu quả và ảnh hưởng của công
cụ ngoại nhập này vào mục đích phát triển cho Việt Nam.
Dưới góc nhìn thứ nhất: góc nhìn viện trợ từ tổng thể ‘sạch sẽ có tổ chức’. Kiều
hối vào Việt Nam được nhìn nhận là nguồn đầu tư lớn và ít tốn kém chi phí nhất
với các con số ước lượng 7.4% GDP, 160% FDI, 13% giá trị xuất khẩu hàng
2003, mỗi năm tăng thêm 100 triệu USD (Truong, 2010). Sau thời kỳ tái kết nối
đầy kiêng dè trong 3 giai đoạn sau 1975 (1975-1977; 1977-1986; 1986-1995),
lượng kiều hối trở nên đáng kể chính thức bắt đầu từ 1995 khi các chính sách
của chế độ thay đổi nhiều bao gồm chính sách thuế trên tiền gửi, trên tiền đầu
tư và các chương trình ToKTEN (Transfer of Knowledge Through Expatriate Nationals) khởi xướng bởi Liên Hợp Quốc với nội dung trao đổi chất xám hay dưới
khái niệm khác – social capital dưới dạng kỹ năng, sáng kiến và thực hành sáng
chế được ủng hộ bởi chính quyền Việt Nam. Năm 1986 và 1987, nghĩa là 1 năm
sau ‘Đổi Mới’, chỉ có khoảng 8000 Việt Kiều về nước. Năm 1995, con số là
270.000, tăng lên 360.000 vào 2003 (Sidel, 2007). Kiều hối trở thành chủ đề
được trao đổi có tổ chức và sau cùng là thành lập các nhóm chuyên gia, phòng
thí nghiệm ý tưởng như Vietnam-America Non-Governmental Organisations
(VANGO), Vietnam-America Medical Institute (VAMI), Vietnam Health Education
Literature Project (VNHELP), Social Assistant Programme of VN (SAP VN) cho các
dự án phát triển cộng đồng tại khắp Việt Nam. Hai xu hướng chính trong thời kỳ
này là tiền gửi ban đầu tăng và sau đó là tiền gửi đa dạng dần về mục đích. Cuối
cùng không gói gọn trong giá trị hiện kim mà còn là nhân lực, kỹ thuật, chất
xám với sản phẩm là các dự án phát triển với nguồn tài trợ từ kiều hối – social
remittances như đã đề cập ở trước. Các dự án không còn mang tính chất viện
trợ mà mang chiến lược phát triển lâu dài với sự bình thường hóa quan hệ giữa
chính phủ các nước với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Kiều với đất
nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu sát thực tế với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay hơn thì đa
phần nguồn tiền gửi làm lợi trực tiếp cho các hộ gia đình ở Việt Nam lại đến từ
những đóng góp nhỏ của thân nhân là những người lao động thấp ở nước ngoài
(IMF, 2006). Một ví dụ nhỏ với những người nhập cư ở Hoa Kỳ, 46% số lao động
làm ra dưới 30.000 USD/năm thực hiện việc gửi tiền so với con số 19% những
người làm ra trên 50.000USD/năm. Thai (2007) đã chỉ ra 3 ví dụ có tính khám
phá về các mẫu hình người nhập cư Việt Nam (hoặc gốc Việt) tại Hoa Kỳ gồm
những người gửi tiền vì địa vị, những người gửi tiền vì ràng buộc tình cảm và
những người gửi tiền vì lý do giao kèo. Những người gửi tiền vì địa vị thường bắt gặp chính mình trong hoàn cảnh thiếu đi ‘tấm khiên địa vị xã hội’ (Hochschild:
1981, 1983) hàm ý nói đến mức thu nhập tiệm cận tối thiểu ở xã hội hiện sống
nhưng vẫn duy trì tiền gửi về quê hương vì cảm giác được tôn trọng và mong
muốn duy trì được những mối quan hệ ở quê nhà. Dạng thứ 2 là những người gửi
tiền về Việt Nam như những ‘anh hùng trong các gia đình xuyên biên giới’
(altruistic remitters as heroes of global families). Những gia đình này có thể có
thân nhân lao động ở nhiều nước khác nhau và những người lao động này
thường chỉ có một phương cách là gửi tiền về như một sự trợ giúp kinh tế chính
thức đối với các thành viên trong gia đình và rất khó từ chối việc kéo dài sự trợ
giúp này. Những người gửi tiền dạng này thường làm việc nhiều giờ và là một
trong những động lực chính của việc thương mại hóa dòng tiền gửi bằng những
‘kỹ thuật’ giúp giảm chi phí giao dịch, vô tình lách dòng kiều hối ra khỏi dòng
chảy phát triển cốt yếu của nó mà rẽ sang nhiều hướng mang tính cơ hội khác,
phức tạp hơn và gây ra nhiều trở ngại cho an ninh biên phòng. Dạng cuối cùng là
những người gửi tiền theo giao kèo. Giao kèo ở đây có thể hiểu như những thỏa
thuận ngầm giữa người gửi và người nhận về kế hoạch đầu tư lâu dài của họ
trong tương lai khi họ có tiềm năng quay về quê hương. Như vậy, họ sử dụng
tiền gửi của mình như một dạng bảo hiểm nếu việc di cư không thành và quay
trở về. Tóm lại trong 3 dạng, những người gửi tiền như nghĩa vụ và sự cảm
thông có ít sự chủ động được chấm dứt ràng buộc nhất.
Những đánh giá gần nhất cho thấy một thực tế rằng dòng kiều hối lưu thông
trên thế giới hiện tại tỏ ra ổn định, ngược chu kỳ so với các dòng tiền tệ khác.
Trong năm 2009, lượng kiều hối chỉ giảm 5% trong khi vốn FDI giảm đến 40%.
Sự linh hoạt với lượng tiền gửi này cho thấy sự linh hoạt trong khả năng cân đối
thu nhập ròng của người lao động nhập cư bằng việc giảm chi phí sinh hoạt đến
mức tối đa. Trường hợp của Nepal khi tiếp nhận kiều hối đã giảm 11 điểm nghèo đói trên tỉ lệ đầu người từ năm 1995 đến năm 2004 – thời kỳ vô cùng khó khăn
về kinh tế và chính trị ở nước này. Ở phạm vi hộ gia đình, lượng tiền gửi tăng
đồng nghĩa với số đầu tư cho những hệ thống giá trị xã hội như giáo dục, chuyên
môn hóa và y tế. Ở phạm vi kinh tế vĩ mô, dòng kiều hối cho phép một đất nước
có khả năng nhập khẩu, thanh toán nợ nước ngoài và tiếp cận thị trường vốn
quốc tế lâu dài bằng cách dùng thế chấp để vay vốn với mức lãi thấp hơn và kỳ
hạn thanh toán dài hơn. Dòng kiều hối chảy vào một quốc gia có giá trị hỗ trợ
đồng tiền của quốc gia đó, điều này đặc biệt đúng với các nguồn tiền thu được từ
xuất khẩu, nhận vốn đầu tư hoặc nguồn viện trợ lớn, tốt hơn nhiều lần nếu đem
so sánh với nguồn thu từ việc bán nguyên liệu thô và sự phân bổ cũng tỏa rộng
hơn – đặc biệt đúng với trường hợp của Việt Nam. Mặt trái của nguồn tiền gửi,
ngoài những ảnh hưởng tiêu cực trong sự phân bổ thiếu công bằng với viện trợ,
có thể kể tới sức tiêu thụ mạnh không mong muốn, song song đó là năng suất
lao động giảm. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn để ngỏ vì chưa có số liệu nghiên
cứu rõ ràng qua một thời kỳ quá ngắn kể từ khi tiền gửi trở nên một nguồn thu
được mong đợi với tính chất đều đặn ở các nước đang phát triển. Tiền gửi là một
trong những bộ mặt chính trong vấn đề di dân, vấn đề luôn làm nóng các diễn
đàn chính trị toàn cầu, và sẽ còn tiếp tục một khi sự phát triển chênh lệch giữa
các quốc gia còn tồn tại. Do đó, đối với các nhà chính sách ở các nước phát triển
hơn, những nỗ lực không tưởng nhằm kiềm chế nguồn dân nhập cư nên được
thay thế bởi việc cố gắng hướng dòng tiền gửi được chảy trơn tru cho mục đích
phát triển, một trong những việc làm cụ thể là quản lý những con số về tiền gửi
theo nhánh chính thống để tạo độ tin cậy cho việc nghiên cứu, mở đường cho
những dự án phát triển lâu dài hơn cho sự cân bằng của bộ mặt xã hội toàn cầu
THAM KHẢO
Alba, R.D., and V. Nee (1997) Rethinking assimilation theory for a new era of
immigration, International Migration Review, 31(4): 826–874.
Chang, A., (2012) 20th Century Chinese Migration to Italy: The Chinese
Diaspora Presence within European International Migration. History Compass. 10
(2): 179-190.
Berry, J.W., (1980) Acculturation as varieties of adaptation, in A.M. Padilla
(Ed.), Acculturation: Theory, Models and Some New Findings. Westview Press,
Boulder, CO: 9–25.
Data from the Committee on Overseas Vietnamese (Ban Viet Kieu), Hanoi, cited
in Dang Nguyen Anh, Enhancing the Development Impact of Migrant
Remittances and Diaspora: The Case of Vietnam, Asia-Pacific Population Journal
20:3 (April 2005), at
http://www.unescap.org/esid/psis/population/journal/2005/No3/DevelopmentIm
pactOfMigrant.pdf.
David Lamb, Viet Kieu, A Bridge Between Two Worlds, Los Angeles Times, 4
November 1997.
Edward Hegstrom, An American Tradition; Exiles Raise Funds for Schools in
Vietnam, Houston Chronicle, 17 January 2003.
Frank, A.G. (1969) Capitalism and Underdevelopment in Latin America. New
York University Press, New York.
Garapich, M.P., Wallerstein, I., (1974) The Modern World System I. Capitalist
Agriculture and the Origins of the European. In World-Economy in the Sixteenth
Century. Academic Press, New York.
Gray Matter: A Golden Asset (Interview with Deputy Foreign Minister Nguyen
Dinh Bin), Vietnam Economy, 13 April 2001Dinh Bin), Vietnam Economy, 13 April 2004.Gruen, E. S., Diaspora: Jews Amidst Greeks and Romans. Harvard University
Press. 2004.
Hochschild, A., Power, Status, Emotion. Contemporary Sociology. 10: 73-77
International transactions in remittances: guide for compilers and users.
International Monetary Fund, December 2006.
J. S. Mill, ‘ Representative Government’, in Germini Williams (ed.), Utilitarianism,
On Liberty, Considerations on Representative Government, Remarks on
Bentham’s Philosophy. London: Dent, 1993.
John C. Anyanwu and Andrew E.O. Erhijakpor (2010) Do International
Remittances Affect Poverty in Africa? African Development Review, 22 (1): 51–
91.
Lafleur, J. M., (2011) Why do states enfranchise citizens abroad? Comparative
insights from Mexico, Italy and Belgium. Global Network. 11 (4) 481-501.
Le, K. (2002) Vietnamese Expatriates: Challenges and Opportunities, in The
Review of Vietnamese Studies, 2 (1)
New Resolution Further Supports Viet Kieu: Government Official, Vietnam News
Service, 3 April 2004, at http://vietnamnews.vnanet.vn/2004-
04/02/Stories/18.htm.
Nong Zhua,∗, Xubei Luo (2010) The impact of migration on rural poverty and
inequality: a case study in China. Agricultural Economics 41, 191–204
Ratha, D., Remittances and Poverty Alleviation in Poor Countries. The
Encyclopedia of Human Migration. Blackwell Publishing Ltd. (to be published
4/2/2013).
Shain, Y., Sherman, M. (2001) Diasporic Transnational Flows and their impact on
national identity. Nationalism and Ethnic Politics 7 (4) 1-36.Sidel, M., Vietnamese-American Diaspora Philanthropy to Vietnam. The
Philanthropic Initiative. 2007.
Sørensen, N. N., (2012) Revisiting the Migration–Development Nexus: From
Social Networks and Remittances to Markets for Migration Control.
In Special
Issue: MIGRATION AND DEVELOPMENT BUZZ? RETHINKING THE MIGRATION
DEVELOPMENT NEXUS AND POLICIES. 50 (3) 61-76.
Thai, H., (2007) Money and Masculinity among low wage Vietnamese
Immigrants in Transnational Families. Review of Social Sciences. 7 (107): 11-25
Truong, C., Small, I., Vuong, D., DIASPORA GIVING: AN AGENT OF CHANGE IN
ASIA PACIFIC COMMUNITIES? VIETNAM. Asia Pacific Philanthropy Consortium
2010.
Williams, A., and Baláž V., (2012) Migration, Risk, and Uncertainty: Theoretical
Perspectives. Population, Space and Place 18: 167-180.
Wucker, Michele. 2004. Remittances: The Perpetual Migration Machine. World
Policy Journal 21: 37-46.
Yujuico, E., (2009) All modes lead to home: assessing the state of the
remittance art. Global Network. 9 (1) 63-81.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment