Monday, January 28, 2013

Luan van triet hoc


Một số gợi ý khi viết luận văn triết học
ThS Phan Thị Thu Hằng, I.2013

Luận văn triết học là kết quả một quá trình học tập, thể hiện năng lực và trình độ nghiên cứu của bạn về một vấn đề triết học nào đó. Viết một luận văn triết học đòi hỏi bạn phải đầu tư không ít thời gian và tâm huyết dựa trên một chiến lược phù hợp. Từ việc tham khảo các hướng dẫn, gợi ý của nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong lĩnh vực triết học, ở trong bài viết này tôi sẽ tóm lược một số điểm cần lưu ý khi viết luận văn triết học.
Trước hết, bạn cần phải hiểu thế nào là một luận văn triết học? Theo Peter Horban, một bài luận triết học không phải là một bản báo cáo về quan điểm của các học giả hay các ấn tượng, cảm xúc của bạn về chủ đề nào đó...mà phải là các biện hộ được lập luận chặt chẽ cho một luận điểm(1). Đây cũng là quan điểm chung của nhiều học giả khác(Xem thêm 2)

Do đó, nhiệm vụ của bạn khi bắt đầu viết luận văn đó chính là xây dựng một lập luận sắc bén, tìm kiếm các luận cứ xác đáng để bảo vệ luận điểm mà bạn muốn bảo vệ. Thực chất của quá trình này chính là việc bạn xem xét, đánh giá các quan điểm khác nhau về vấn đề bạn nghiên cứu để từ đó đi đến luận điểm của riêng bạn.

Để hoàn thành một luận văn triết học, bạn có thể trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tuy nhiên về cơ bản bao gồm ba bước sau đây: 1. Khởi động; 2. Thực hiện; 3. Sửa chữa.

1. Khởi động
Mục đích của giai đoạn này là bạn xây dựng được một đề cương hoàn chỉnh, lô gic, mang tính khả thi. Để đạt được điều này, trước hết bạn phải lựa chọn một đề tài nghiên cứu. Đề tài cần phải được cụ thể hóa, không quá rộng và mang tính chung chung như “sự tồn tại của Chúa”... Bạn cũng có thể gặp người hướng dẫn của mình để trao đổi, thảo luận về chủ đề của luận văn nhằm tránh việc đi chệch hướng ngay từ đầu.
Việc tiếp theo là bạn cần đọc qua các công trình nghiên cứu liên quan tới chủ đề mình lựa chọn, xem họ đã giải quyết vấn đề của bạn như thế nào và các quan điểm khác nhau ra sao. Bạn có thể ghi chú các luận điểm của các tác giả và xem xét, đánh giá chúng đúng hay sai, có thuyết phục bạn không, suy nghĩ của bạn về vấn đề này là gì? Sau đó, từ việc phân tích, đánh giá các quan điểm, lập luận của các nhà nghiên cứu khác, bạn đi đến xây dựng luận đề (thesis statement) cho nghiên cứu của mình. Toàn bộ luận văn của bạn sẽ tập trung xoay quanh việc bảo vệ luận đề này thông qua việc trình bày các lập luận lô gic, phản bác các ý kiến chống lại luận đề, tập hợp các cứ liệu, bằng chứng ủng hộ luận đề.
Bước đầu tiên chính là hình thành nên đề cương nghiên cứu của bạn.  Điểm lưu ý khi xây dựng đề cương là phải xác định đối tượng đọc luận văn của bạn cũng như cấu trúc luận văn dự kiến sẽ thực hiện.Một đề cương tốt sẽ giống như một tấm bản đồ giúp bạn tập trung vào đích đến (luận đề) và nắm được chi tiết, rõ ràng các bước (lập luận) để đạt đến mục tiêu đặt ra.

2. Thực hiện
Ngay khi có trong tay một đề cương hoàn chỉnh, bạn nên bắt tay vào việc viết bản thảo. Về cơ bản, một luận văn gồm ba phần chủ yếu: Mở đầu (Introduction), Thân bài (Body), Kết luận (Conclusion)
Trong phần mở đầu, bạn phải đề cập tới bối cảnh và điều kiện dẫn tới luận đề của mình, đồng thời trình bày cách thức bạn sẽ giải đáp vấn đề nghiên cứu. Phần này thường mở đầu với các luận điểm chung rồi cụ thể hơn và tới phần cuối cùng, chi tiết nhất – chính là luận đề bạn đưa ra.
Phần thân bài (Body) chính là quá trình bạn thực hiện các lập luận lô gic đi kèm với các luận cứ để bảo vệ luận đề của mình. Luận đề của bạn có đủ sức thuyết phục người đọc hay không phụ thuộc phần lớn vào việc bạn thể hiện cấu trúc lập luận đó như thế nào? Do đó, khi tiến hành viết, bạn cần lưu ý tới sự gắn kết giữa các đoạn có đảm bảo tính lô gic hay không; ý sau có phù hợp với ý trước, thể hiện được luận điểm bạn muốn nêu hay không? Trong quá trình xây dựng lập luận bảo vệ luận đề đã đưa ra, bạn cũng cần phải xem xét và tiên liệu đến các quan điểm có thể phản bác lại luận đề của mình. Luận văn của bạn chỉ thực sự thành công khi nó có khả năng chống lại các ý kiến phản đối, phê phán khác từ các lập luận khoa học.
Cuối cùng là phần kết luận. Không phải là sự tóm lược, sao chép lại luận đề mà bạn đã đề cập đến ở phần mở đầu, trong phần kết luận bạn cần trình ngắn gọn, cô đọng những gì đạt được.
Bạn cũng có thể chỉ ra các luận điểm xa hơn được xây dựng từ lập luận của bạn. Bạn cũng có thể đề cập đến những vấn đề thú vị liên quan tới chủ đề nhưng bạn chưa có điều kiện nghiên cứu trong luận văn này.

3. Sửa chữa
Sau khi hoàn thành bản thảo, bạn cần phải quay trở lại xem xét, đánh giá nó để có thể sở hữu một luận văn hoàn chỉnh. Các điểm cần lưu ý trong quá trình này đó là:
-          Xem xét phần mở đầu và kết luận có tương thích với nhau không
-          Liên kết, lập luận giữa các đoạn như thế nào?
-          Kiểm tra các luận cứ được sử dụng có thích đáng hay không, có giúp tác giả củng cố luận điểm đưa ra hay không
-          Các đoạn có cân bằng nhau hay không, tránh trường hợp mở đầu bằng một luận điểm hay lập luận mạnh mẽ nhưng lại kết thúc bằng luận điểm yếu ớt, thiếu tính thuyết phục
-          Xem phần chuyển đoạn có mượt mà, gãy gọn, gắn kết được các đoạn hay không

* Một số lưu ý trong quá trình viết
- Lựa chọn từ ngữ cẩn trọng, tránh lời văn đao to búa lớn, cảm tính, ngụy biện
- Việc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm triết học cần được nhất quán trong luận văn. Đối với các khái niệm mới bạn cần phải giải thích rõ ràng cho người đọc. hoặc như khái niệm cũ nhưng bạn sử dụng với nội hàm mới, cũng cần được trình bày chi tiết trong luận văn.
- Khi trích dẫn phải ghi nguồn, có thể dưới dạng footnote hoặc endnote
- Hình thức trình bày của luận văn như căn lề, cỡ chữ, cỡ giấy cần được tuân theo các tiêu chí mà đơn vị

Jim Pryor: Một bài viết triết học đòi hỏi bạn phải xây dựng các luận điểm được biện luận chặt chẽ. Ông đã liệt kê một số vấn đề mà bài luận triết học cần có:
-          Phê phán lập luận hay chỉ ra các lập luận cho luận điểm là không chính xác
-          Bảo vệ luận điểm chống lại sự phê phán của người khác
-          Cung cấp lí lẽ để tin vào luận điểm
-          Cung cấp các ví dụ minh chứng cho luận điểm
-          Đối chiếu hai quan điểm đối lập nhau về một luận điểm
-          Đưa ví dụ giải thích luận điểm hay làm cho luận điểm trở nên rõ ràng hơn
-          Tranh luận rằng các nhà triết học thừa nhận luận điểm này từ các quan điểm của họ, dù rằng họ không công khai thừa nhận nó
-          Thảo luận về kết luận mà luận điểm phải có, nếu luận điểm đó đúng
-          Xem xét lại các luận điểm dưới ánh sáng phê phán

Robert Paulwolff: Trong triết học, luận văn là sự biện luận cho một luận đề 


Tham khảo

No comments:

Post a Comment