Sunday, October 16, 2011

Voltaire

Voltaire và tư duy lý tính

Lê Hải (X.2011)


Chịu đặc ân của hoàng đế Phổ Frederick đệ nhị đại đế nhưng không ngần ngại chỉ trích người tài trợ, bị nước Pháp đày ải nhưng vẫn hết tâm sức làm rạng danh triết học Khai sáng Pháp, viết văn nhưng rất ham mê thí nghiệm vật lý giúp quảng bá Newton, đó chính là câu chuyện cuộc đời của nhà thơ và cũng là triết gia Voltaire. Tên thật là Francois-Marie Aroueta (1694-1778), ông cũng là người đặt ra khái niệm triết học cho lịch sử (la philosophie de l'histoire) trong tập sách nổi tiếng xuất bản năm 1756: Essai sur les moeurs et l'esprit des nations et sur les principaux faits de l'histoire, depuis Charlemagne jusqu'à Louis XIII. Cũng cần chú ý rằng tên Voltaire là cách chơi chữ (anagram), sắp đặt lại từ tên của ông viết theo tiếng Latin là Arovet LI (le jeune - Aroueta con) mà nhiều người cho là hành động đoạn tuyệt với quá khứ và gia đình, với người bố luôn muốn con làm công chức hơn là làm nhà thơ và triết gia gặp nhiều rắc rối với chính quyền và giáo hội.

Với Voltaire, sự có lý (lý tính - rationalism) là mấu chốt của mọi sự thật, mà thước đo của sự thật là hiểu biết. Hiểu biết được hình thành qua thực nghiệm. Tuy nhiên với giới hạn tư tưởng của thời bấy giờ, những sản phẩm của văn hóa như kiến thức lý tính hay tôn giáo và đạo đức được cho là không phụ thuộc vào không gian và thời gian, lúc nào cũng như thế và ở nơi nào cũng như nhau. Chính vì vậy mà Voltaire coi lịch sử là để chỉ ra sai lầm trong quá khứ và cách tránh, tức là một dạng lịch sử thực dụng. Điểm mới trong phương pháp sử của ông là luôn phải soi sáng những điểm khúc mắc và xác định độ tin cậy, cố gắng loại ra khỏi câu chuyện lịch sử tất cả những gì không có cơ sở từ dữ liệu và ngược lại với hiểu biết thông thường. Cũng vào thời Voltaire mà người ta mở rộng lịch sử ra cho các vùng đất khác như nước Nga và các nước nằm ngoài châu Âu. Và quan trọng nhất, là lịch sử được thế tục hóa, luôn thể hiện mối quan hệ nhân quả. Trong cách nhìn đó, các vấn đề nổi bật nhất trong cuộc sống của các dân tộc là bản năng của con người, khí hậu, mô hình chính trị và quan điểm xã hội.

Thực ra thì lý tính trong tư duy đã có ở châu Âu từ thế kỷ thứ 17, trước thời Khai sáng của Voltaire. Nhưng ở đây khác biệt là lý tính không phải bắt nguồn từ siêu nhiên (supranaturalism) mà là từ chính thế giới tự nhiên, như Voltaire là fan trung thành của Newton, đặc biệt sau ba năm sống ở Anh (1726-1729). Một trong những khái niệm thế giới mà sau này Richard Dawkins dùng lại để viết một quyển sách về thế giới là coi vũ trụ là một chiếc đồng hồ, mà Chúa là người thợ lắp đặt và sửa chữa chiếc đồng hồ đó. Thế giới này chỉ có ý nghĩa (lý giải được) nếu có Chúa. Và như vậy, "nếu Chúa không tồn tại thì phải tìm cho ra". Mặc dù bản thân Voltaire không tạo ra được hệ thống lý thuyết gì để giải thích xã hội, phương pháp viết sử mang tính gợi mở hơn cụ thể cho người bình thường áp dụng, cũng không giải quyết được câu hỏi sâu nào trong triết học, ông vẫn được coi là triết gia Khai sáng nổi bật trong thời kỳ này. Trước hết đó là nhờ lượng công trình đồ sộ mà ông đã tạo ra, được đánh giá như một nhà thơ có quan tâm đặc biệt về triết học, chỉ thường tóm tắt và trình bày ở bề mặt, nhưng lan tỏa đến nhiều tầng lớp xã hội và đem tư tưởng Pháp đến nhiều vùng xa xôi, như mối chân tình mà hoàng đế Phổ Frederick II đại đế đã dành cho ông, hay mối quan hệ với nữ hoàng Nga, và 20 năm cuối đời lãnh đạo phong trào tự do tư tưởng khắp châu Âu từ lâu đài Ferney ở vùng biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Nhìn rộng ra thì triết học khai sáng Pháp thời bấy giờ không mạnh và sâu sắc bằng Anh và Đức, nhưng Paris là tâm điểm của mọi hoạt động tri thức và các tác phẩm viết ra bằng tiếng Pháp có sức lan tỏa mạnh hơn, đồng thời do đó triết học Pháp cũng được phê bình nhiều hơn trong các công trình sau này. Quan điểm của Voltaire có thể coi là nằm giữa Descartes và John Locke, và muốn hiểu triết học Voltaire có lẽ cần phải vững môn vật lý, toán học và triết học Newton trước.

1 comment:

  1. Không biết bài gốc nằm ở đâu nhỉ, mình thấy có nhiều trang đăng lại cùng 1 bài này nhưng chưa đầy đủ.
    Bien compris avec l'article mais je veux chercher plus d'information sur le point de vue des autres pour faire le dossier aussi.
    Tiny - Faculté de Lettres Françaises K16 - USSH

    ReplyDelete